27/11/2014 09:49 GMT+7

​Những nông dân “kiểu mới”

ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ
ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ

TT - Không chỉ được hưởng lợi nhờ dịch vụ đầu vào sản xuất lúa có giá ưu đãi, hằng năm các “cổ đông nông dân” còn được chia cổ tức khá cao do hoạt động kinh doanh của HTX đạt lợi nhuận tốt.

Họ là các "cổ đông nông dân” của HTX dịch vụ nông nghiệp Tân Cường (xã Phú Cường, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp).

HTX Tân Cường bán lúa luôn cao hơn giá thị trường từ 200 đồng/kg nên rất hiếm khi bị lỗ sau mỗi vụ mùa - Ảnh: T.Tú

Theo dự kiến, trong năm nay các “cổ đông nông dân” của HTX Tân Cường sẽ được chia cổ tức 70.000 đồng/cổ phần (mệnh giá 120.000 đồng/cổ phần), tương đương hơn 58%/mệnh giá, cao hơn nhiều so với tỉ lệ cổ tức của những công ty niêm yết. Trước đó trong năm 2013, các “cổ đông nông dân” của HTX này được chia cổ tức 65.000 đồng/cổ phần.

“Cổ đông nông dân”

Là một trong những thành viên và là cổ đông của HTX Tân Cường, nông dân Trần Văn Hướng - người đang sở hữu 17ha đất lúa (xã Phú Cường) - cho biết rất tin tưởng vào cách thức hoạt động của HTX kiểu mới này nên đã đưa 17ha đất trồng lúa vào cánh đồng liên kết của HTX trong gần bảy năm qua.

“Ngoài chuyện được cung cấp các dịch vụ bơm tưới, vay vốn, cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, bao tiêu thu mua lúa... tham gia HTX này còn được hỗ trợ khâu kỹ thuật canh tác từ lúc chọn giống, gieo sạ đến thu hoạch” - ông Hướng nói.

Mô hình cần nhân rộng

Sau khi đi thăm một số mô hình liên kết trong các HTX như HTX “kiểu mới” Tân Cường tại Đồng Tháp vào đầu tháng 7-2014, Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng “mô hình doanh nghiệp trong HTX, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với HTX kiểu mới có gắn với vùng chuyên canh, từ đó nâng cao hiệu quả, lợi nhuận, nâng cao đời sống chung cho bà con nông dân rất đáng hoan nghênh và cần nhân rộng...”.

Và sau khi được Phó thủ tướng đồng ý chủ trương cho phép HTX này tạm trữ lúa gạo của các thành viên, các cổ đông trong HTX Tân Cường đã góp vốn thành lập xí nghiệp chế biến lúa gạo có vốn gần 42 tỉ đồng. Xí nghiệp sẽ thực hiện bao tiêu, tạm trữ lúa và chế biến, tiêu thụ gạo với sản lượng khoảng 30.000 tấn/năm cho toàn bộ diện tích lúa của xã viên HTX và các địa bàn lân cận.

Theo ông Hướng, nhờ được hướng dẫn làm tốt các khâu này nên lúa luôn cho năng suất cao, kể cả những năm dịch hại hoành hành.

Đến lúc thu hoạch, những nông dân trong HTX lại được các công ty đối tác ký hợp đồng bao tiêu hỗ trợ thêm khoảng 20 đồng/kg và mua cao hơn giá thị trường từ 150-200 đồng/kg.

Ông Hướng nhẩm tính khi tham gia cánh đồng mẫu lớn của HTX Tân Cường, cứ mỗi hecta đất trồng lúa, chi phí đầu vào sẽ giảm 1-2 triệu đồng/vụ.

Trong khi nhờ năng suất 7-8 tấn/ha, chất lượng lúa tốt, bán được giá nên lợi nhuận đầu ra cho sản phẩm cũng tăng 3-5 triệu đồng/ha/vụ.

Cộng chung hai khoản này, mỗi hecta lúa gia đình ông lãi thêm (chưa tính lãi lúa bán) từ 4-7 triệu đồng/vụ. Gộp hết tất cả các khoản, trừ chi phí, vụ hè thu vừa qua mỗi hecta ông Hướng lời được khoảng 25 triệu đồng. Như vậy, với diện tích 17ha đất trồng lúa, ông Hướng đã bỏ túi 425 triệu đồng.

“Ngoài mần lúa, tui còn có 500 cổ phiếu trong HTX. Và cuối năm 2013, tui được chia cổ tức 65.000 đồng/cổ phiếu. Riêng năm 2014, HTX dự tính sẽ chia cổ tức 70.000 đồng/cổ phiếu. Tính ra tui có thêm 32-35,5 triệu đồng để dành cho sắp nhỏ và các cháu đi học. Bao nhiêu năm mần lúa cực nhọc, nay làm ăn theo kiểu mới có dư cũng thấy vui trong bụng” - ông Hướng nói.

Tương tự, ông Huỳnh Thanh Thao (ấp Tân Cường) có 10ha đất trồng lúa trong cánh đồng liên kết của HTX Tân Cường cũng cho biết đã được cung cấp các loại vật tư nông nghiệp, giống lúa (đầu vào) với giá gốc (không thông qua đại lý), vay vốn cho các khoản chi phí đầu vào với lãi suất thấp, có cán bộ kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, bảo đảm đầu ra cho sản phẩm luôn có giá cao hơn thị trường... “nên tui thấy mần lúa giờ ngon ăn rồi chứ không như trước kia nợ nần chồng chất”.

Tổng kết năm 2014, ông Thao cho biết sau khi trừ hết chi phí, tổng kết hai vụ lúa đông xuân và hè thu vừa qua gia đình ông lãi gần 500 triệu đồng. “Tui cũng có 200 cổ phần, năm 2013 được chia cổ tức 13 triệu đồng và với mức cổ tức dự kiến năm nay là 70.000 đồng/cổ phiếu, tui sẽ có thêm 14 triệu đồng ăn tết” - ông Thao cho biết.

HTX kiểu mới

Theo ông Nguyễn Văn Trãi - chủ tịch hội đồng quản trị kiêm giám đốc HTX Tân Cường, từ ngày thành lập đến cuối năm 2013, HTX có hơn 300 xã viên và cũng là cổ đông với số vốn góp hơn 10 tỉ đồng.

Và mới đây, ngay sau khi tổ chức thành công đại hội bất thường để chuyển đổi hoạt động theo Luật HTX mới, các cổ đông đã mạnh dạn góp vốn, tăng diện tích sản xuất lúa từ 1.200ha hiện nay lên 2.000ha, với vốn điều lệ tăng lên 42,65 tỉ đồng.

Số dịch vụ ngành nghề của HTX cũng tăng từ 6 lên 12 dịch vụ, như cung ứng nước sạch nông thôn, tín dụng nội bộ và tất cả các khâu cung cấp giống, vật tư nông nghiệp, chăm sóc thu hoạch, đến tiêu thụ, tạm trữ lúa và xay xát chế biến gạo...

Cũng theo ông Trãi, trong vụ hè thu 2014, HTX này đã thử nghiệm thành công kỹ thuật trang phẳng mặt ruộng bằng tia laser trên diện tích hơn 5ha.

Theo kế hoạch, mỗi năm HTX sẽ trang thêm 70-80ha, tiến tới san bằng toàn bộ, “xóa sổ” bờ ruộng của 2.000ha để tiện việc cơ giới hóa trong sản xuất.

Hiện tại, ngoài hai kho trữ lúa có sức chứa 2.000 tấn và một lò sấy 45 tấn/mẻ, HTX Tân Cường đang xây dựng nhà máy chế biến gạo có công suất 15 tấn/giờ và thêm bốn lò sấy có công suất 200 tấn/mẻ.

“Ngay trong vụ đông xuân 2014-2015 này, HTX sẽ tổ chức cung cấp vốn khoảng 20 tỉ đồng cho toàn bộ 2.000ha lúa của xã viên từ việc mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật với lãi suất 1%/tháng. HTX cũng đã hợp tác với Công ty TNHH XNK-TM Võ Thị Thu Hà để mua toàn bộ sản lượng lúa của bà con xã viên với giá cao hơn giá thị trường 200 đồng/kg” - ông Trãi khẳng định.

Theo ông Trãi, việc ký hợp đồng bao tiêu lúa với giá cao hơn thị trường 200 đồng/kg đã mang lại nguồn lợi rất lớn cho bà con nông dân. Cụ thể, HTX hiện có 2.000ha đất trồng lúa, năng suất bình quân 7 tấn/ha, sản lượng thu được tính ra khoảng 14.000 tấn/vụ. Với mỗi ký lúa thêm được 200 đồng, các xã viên trong HTX đã có thêm hơn 2,8 tỉ đồng.

Ông Đoàn Văn Hiền, phó giám đốc Công ty TNHH XNK-TM Võ Thị Thu Hà, cho biết ngoài việc hợp tác, ký hợp đồng bao tiêu lúa cho bà con xã viên trong HTX Tân Cường những năm qua, chỉ riêng ở huyện Tam Nông, công ty đang có kế hoạch duy trì, phát triển mô hình thu mua lúa này từ 5 HTX lên 11 HTX với diện tích khoảng 12.000ha. 

Để mua hết lúa cho bà con nông dân, công ty đã đầu tư xây dựng nhà máy xay xát tại huyện Tam Nông với công suất 1.000 tấn/ngày, tổng sức chứa tại các kho của công ty lên đến 200.000 tấn.

Theo ông Hiền, thu mua lúa tại các cánh đồng liên kết của các HTX làm ăn uy tín như HTX Tân Cường, doanh nghiệp rất yên tâm vì chất lượng lúa tốt. “Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có nguồn hàng ổn định, đảm bảo phục vụ nhu cầu xuất khẩu. Đây là mô hình hợp tác cùng thắng lợi” - ông Hiền nói.

Đánh giá về hiệu quả trong việc liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với HTX và doanh nghiệp với nông dân thông qua HTX, ông Nguyễn Thanh Hùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho rằng đây được xem như là mô hình của “đoàn tàu kéo” cả phương án giải quyết cho bài toán tiêu thụ lúa gạo của nông dân trong tỉnh.

“Đây là một trong những tiền đề rất quan trọng và góp phần tạo thành công cho đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh Đồng Tháp đang triển khai thực hiện” - ông Hùng nói.

ĐỨC TUYÊN - THANH TÚ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên