25/11/2014 10:23 GMT+7

Mừng khi chỉ số giá tiêu dùng giảm mạnh nhất từ 2008

C.V.KÌNH - LÊ THANH
C.V.KÌNH - LÊ THANH

TT - Không ít người lo ngại chỉ số giá giảm là do “thể trạng nền kinh tế vẫn ốm yếu”. Tuy nhiên theo các chuyên gia, nhìn tổng thể nền kinh tế VN đang có chuyển biến tích cực...

Chỉ số giá tiêu dùng 11 tháng đầu năm 2014 so với cùng kỳ những năm trước - Nguồn: Tổng cục Thống kê - Đồ họa: V.Cường - Ảnh: Hữu Khoa

Theo các chuyên gia, tháng 11 là tháng cuối năm, các doanh nghiệp bước vào cao điểm sản xuất kinh doanh, thông thường chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng, tuy nhiên tháng 11 năm nay CPI đã giảm với mức giảm không nhỏ, tới 0,27%.

Đây là một tín hiệu mừng nhiều hơn lo.

Nhờ giá thế giới giảm

TS Nguyễn Đức Độ, phó viện trưởng Viện Kinh tế - tài chính (Học viện Tài chính), nhận định CPI âm vào tháng cuối năm là điều lạ so với quy luật thông thường.

Theo ông Độ, CPI giảm từ giữa năm 2013 đến nay và có thể sẽ kéo sang quý 1 năm sau là do sức mua trên thị trường quá yếu.

CPI thấp không hẳn đã mừng vì sức cầu thấp, hàng hóa tiêu thụ chậm thì rõ ràng doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn. Người tiêu dùng cũng vậy, do khó khăn mà phải thắt chặt chi tiêu.

Công nhận chỉ số CPI tháng 11-2014 có mức tăng thấp trong nhiều năm trở lại đây, bà Đỗ Thị Ngọc - vụ phó Vụ Thống kê giá Tổng cục Thống kê - cho biết trong 10 năm qua, chỉ có năm 2008 CPI có mức tăng âm cũng vào tháng 11, là -0,76%.

Trong khi năm 2008 là năm khủng hoảng kinh tế thế giới, giá các mặt hàng cuối năm giảm mạnh đã khiến CPI giảm. Vậy CPI tháng 11-2014 giảm có phải do kinh tế khó khăn, bà Ngọc cho rằng cần nhìn nhận khách quan.

Cụ thể, CPI tháng này giảm có lý do quan trọng hàng đầu là giá xăng dầu trong nước giảm đã khiến nhóm hàng giao thông giảm tới 2,75%.

Điều này tác động khá mạnh, kéo chỉ số giá chung của cả nước giảm 0,24%. Có nghĩa, nếu không có giảm giá xăng dầu trong tháng qua, CPI tháng 11 phải cộng thêm 0,24% nữa.

Bên cạnh đó, giá gas cũng giảm mạnh, các mặt hàng lương thực thực phẩm nguồn cung dồi dào khiến giá một số mặt hàng tươi sống giảm. Các mặt hàng như may mặc, ăn uống ngoài gia đình... có tăng nhưng rất nhẹ, kéo CPI giảm.

“CPI cả nước đến nay có điều đáng mừng, có điều đáng lo nhưng tổng thể có thể nói cơ bản là mừng nhiều hơn” - GS Nguyễn Quang Thái, phó chủ tịch Hội Khoa học kinh tế VN, nhận định.

Việc nói CPI giảm vì sức mua giảm, ông Thái cho rằng chưa hẳn đúng. Ông đồng tình với quan điểm cho rằng tổng cầu thấp có thể biểu hiện ra ở lạm phát thấp nhưng điều ngược lại thì không nhất thiết đúng.

Giống như một người nhiễm Ebola có thể sốt nhưng không thể cứ sốt là bảo bị Ebola. CPI tháng 11-2014 giảm, theo ông Thái, chủ yếu vì giá nhiều mặt hàng trên thế giới giảm.

Theo bà Đỗ Thị Ngọc, mặc dù chỉ số CPI tháng 11 giảm nhưng không nên có lo lắng giảm phát. Lý do, giảm phát chỉ xảy ra khi CPI giảm liên tục, tốc độ tăng trưởng kinh tế cũng giảm...

Tuy nhiên tại VN, tốc độ tăng GDP vẫn ở mức khá cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (thể hiện mua sắm của người dân), nếu trừ yếu tố giá vẫn tăng trên 6,5%. Bà Ngọc cũng cho rằng thời gian qua, người dân tiêu dùng hợp lý hơn, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu.

Điều này cũng thể hiện có khó khăn nên người dân mới phải thắt chặt chi tiêu. Tuy nhiên, bà Ngọc phân tích chỉ số sản xuất công nghiệp vẫn tăng, chỉ số tồn kho giảm, tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ vẫn tăng, chứng tỏ tiêu dùng thực tế vẫn tăng vào lượng.

Sức mua giảm khiến nhiều cửa hàng đua nhau giảm giá nhằm thu hút người mua - Ảnh: Thuận Thắng

Bỡ ngỡ do đã quen với lạm phát cao

Có khả năng tốc độ tăng CPI năm nay sẽ thấp hơn kế hoạch (Chính phủ dự kiến 5%), bà Đỗ Thị Ngọc nhận định năm 2014, nhiều khả năng CPI chỉ tăng dưới 3% (so với tháng 12-2013).

Tuy nhiên, nếu tính lạm phát thì phải tính chỉ số CPI so với cùng kỳ năm trước. Mà nếu so như vậy thì lạm phát ở VN trong 11 tháng qua đã ở mức 4,3% và cả năm chắc chắn vẫn ở mức trên 4%.

“Tại VN, chúng ta quen với mức lạm phát ở mức khá cao, nên khi lạm phát thấp lại dễ lo. Nhưng nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, lạm phát của họ cũng chỉ 3-4%/năm. Philippines lạm phát 4,7% họ đã nói lạm phát cao rồi” - bà Ngọc nói.

Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia thương mại, cho rằng sức tiêu thụ hàng hóa thấp là do hàng hóa, dịch vụ vẫn đứng ở mức cao. Kênh phân phối đã trục lợi quá lớn, bóp chết các nhà sản xuất.

Như giá đường, 1kg đường ở nhà máy là 12.000 đồng, trong khi giá bán tại siêu thị lên đến 21.000-25.000 đồng.

“Nếu CPI năm sau vẫn tiếp tục giảm như xu thế của năm nay rất có thể hàng chục ngàn doanh nghiệp sẽ bị phá sản mỗi tháng, vài chục ngàn lao động mất việc làm. Nhà nước cần phải có biện pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đảm bảo sản xuất, việc làm và thu nhập cho người lao động” - ông Phú đề nghị.

Lãi suất cho vay cần giảm thêm

Để hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích tiêu dùng, ông Nguyễn Đức Độ khuyến nghị lãi suất cho vay cần phải giảm thêm nữa. Ông phân tích trên thực tế, việc giảm lãi suất cho vay nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng vay được vốn vì vướng nợ xấu.

Giải pháp này chỉ hỗ trợ cho những doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn mà thôi, tất nhiên số doanh nghiệp tốt chiếm tỉ lệ không nhiều. Song nó sẽ góp phần đáng kể giúp doanh nghiệp giảm được chi phí vay, thông qua đó tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.

Bà Ngọc cho rằng cũng có những khía cạnh tích cực của CPI thấp, như giúp người dân giảm gánh nặng tăng giá, chi phí sinh hoạt thấp hơn giúp dân tăng được tích lũy. Điều này cũng tạo tiền đề để có chính sách lãi suất hợp lý hơn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh...

Theo GS Nguyễn Quang Thái, về ngắn hạn, việc CPI tăng thấp thể hiện một triển vọng tốt. Tuy nhiên, về dài hạn thì chưa hẳn.

Nền kinh tế vẫn khó khăn. Với CPI thấp, niềm tin của người dân đã tăng, nhưng có thể nói vẫn chưa cao, vì chủ yếu do những thuận lợi từ giá cả thế giới và trong nước thì được mùa, năm 2014 cũng ít bão tố, lụt lội...

Vấn đề là làm sao để nền kinh tế ổn định lâu dài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, tạo công ăn việc làm và theo ông Thái “vẫn còn nhiều vấn đề VN cần giải quyết, có bước đột phá để tiến lên”...

Ông Phạm Ngọc Hưng (phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):

Cần hỗ trợ sản xuất, vực dậy sức mua

Việc CPI ở mức thấp như vừa công bố cho thấy điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ rất tốt, đặc biệt là yếu tố ổn định kinh tế vĩ mô xem như đã đạt được, từ đó có cơ sở để mong đợi lãi suất cho vay tiếp tục hạ trong thời gian tới.

Nếu lãi suất cho vay càng thấp, mặt tích cực mang lại là khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp càng dễ dàng hơn, họ mới mạnh dạn đầu tư, phát triển sản xuất trở lại.

Tuy nhiên, khi CPI thấp, cũng phải nên suy nghĩ ở hướng liệu đã có hiện tượng giảm phát hay chưa?

Tôi cho rằng tỉ lệ doanh nghiệp giải thể, phá sản, ngừng hoạt động vẫn ở mức rất cao, cộng thêm sức mua chưa có dấu hiệu hồi phục rõ rệt, hàng tồn kho còn nhiều cũng cho thấy thị trường vẫn đang rất ảm đạm.

Cho nên vai trò của Nhà nước trong việc điều hành, điều tiết kinh tế vĩ mô là cực kỳ quan trọng.

Đặc biệt là việc làm sao đưa được dòng tiền ra thị trường một cách linh hoạt hơn, lãi suất cho vay trung - dài hạn cần kéo xuống thấp hơn nữa so với hiện tại để kích thích các doanh nghiệp tái đầu tư, nâng cấp năng lực sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh là điều hết sức cấp thiết.

T.V.N.

C.V.KÌNH - LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên