Các chuyên gia cho rằng phải cân nhắc kỹ hiệu quả các dự án sử dụng vốn ngân sách vốn vay trước khi quyết định đầu tư. Trong ảnh: đại diện các cơ quan chức năng giới thiệu vị trí dự kiến xây dựng nhà ga sân bay quốc tế Long Thành tại tỉnh Đồng Nai chiều 16-10 - Ảnh: Q.Định |
Ông Thụ phân tích rất khó cảm nhận tình trạng nợ công nếu nhìn vào tỉ lệ 64% hay 65% GDP.
Nhưng nếu tính trong một nhiệm kỳ (2011-2015), Chính phủ phải vay khoảng 872.000 tỉ đồng để bù bội chi ngân sách và phát hành 395.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ để đầu tư xây dựng cơ bản (tổng cộng hai khoản khoảng 60 tỉ USD) sẽ khiến không ít người giật mình.
Đặc biệt, năm 2014 chúng ta đã phải vay 70.000 tỉ đồng để đảo nợ. Năm 2015, nợ đến hạn phải trả của VN là 280.000 tỉ nhưng chỉ cân đối được 150.000 tỉ để trả nợ (so với tổng thu ngân sách là 15,1%), nên phải vay 130.000 tỉ để đảo nợ.
Tức là số nợ phải trả năm 2015 chiếm khoảng 28,3% tổng thu ngân sách, vượt qua ngưỡng được cho là an toàn 25%.
Đối với nợ công, cho dù đó là đồng tiền vay của dân hay vay ODA ngoài nước thì nghĩa vụ trả nợ đều thuộc về ngân sách, Nhà nước phải trả và nguồn vẫn là thu thuế và bán tài nguyên |
* Quốc hội đặt ra trần nợ công 65% GDP, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Quốc hội không đủ dữ liệu để đánh giá về tình trạng nợ công hiện nay là an toàn hay không an toàn bởi thiếu số liệu về cơ cấu nợ, đặc biệt là việc sử dụng các khoản vay và hiệu quả của nó?
- Trước hết nói về giới hạn an toàn của nợ công, tôi đồng ý là nó phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Có những quốc gia nợ trên 100% GDP nhưng không vỡ, trong khi có những quốc gia nợ dưới 65% GDP lại có nguy cơ vỡ nợ.
Khủng hoảng nợ công không phụ thuộc vào tỉ lệ nợ mà phụ thuộc khả năng trả nợ. Nợ nhiều nhưng khả năng sử dụng vốn có hiệu quả, thu ngân sách tốt, xuất khẩu tốt... thì khả năng trả nợ cao.
Theo thông lệ và tính toán phổ biến của các nước, nghĩa vụ trả nợ hằng năm không được vượt quá 25% kim ngạch xuất khẩu và không vượt quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước được coi là an toàn.
Quốc hội ban hành luật, trong đó có Luật quản lý nợ công, nghị quyết thường niên về dự toán thu chi, phân bổ ngân sách, các chính sách tài chính... tất cả thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Quốc hội phải có trách nhiệm giám sát.
Chính phủ là cơ quan phải báo cáo hằng năm trước Quốc hội. Nếu Quốc hội còn băn khoăn hoặc nghi ngờ các số liệu nợ công thì có thể yêu cầu Kiểm toán Nhà nước thẩm định số liệu đó.
Cá nhân tôi cho rằng số liệu nợ công được báo cáo cho đến thời điểm này, hay là con số ước tính năm 2015 bằng 64% GDP là có cơ sở.
Ông BÙI ĐỨC THỤ - Ảnh: Lê Kiên |
* Nhưng đó chỉ là tỉ lệ nợ trong tương quan với GDP, như ông nói phải có nhiều thông số khác để đánh giá mức độ an toàn, chẳng hạn như từng khoản nợ thế nào và hiệu quả sử dụng ra sao. Vậy hiện nay Quốc hội có đánh giá được không?
- Theo Luật quản lý nợ công, Chính phủ phải báo cáo Quốc hội như là tổng nợ, cơ cấu nợ, mức trả nợ hằng năm... Nhưng chi tiết ra từng khoản lại chưa thực hiện được.
Ví dụ như trong tổng nợ như vậy thì vay đa phương bao nhiêu, song phương bao nhiêu, từng nước một thế nào, vay đồng USD hay đồng yen...
Vấn đề còn lại là sử dụng nợ công làm gì? Nợ công có ba phần: một là nợ Chính phủ, hai là nợ Chính phủ bảo lãnh và ba là nợ của chính quyền địa phương.
Nợ Chính phủ lại có mấy cơ chế: một là phần vay ODA nước ngoài và vay trong nước để bù đắp bội chi thì không thể biết tiền vay này làm cụ thể những gì (ví dụ năm 2015 tổng chi hơn 1,1 triệu tỉ đồng, trong đó có 226.000 tỉ bội chi phải vay và khoản vay này hòa vào tổng chi để Quốc hội phân bổ cho nhiều hạng mục chi).
Với phần vay về cho vay lại thì hoàn toàn có thể biết được là đồng tiền này đi đâu, sử dụng có hiệu quả không vì có danh mục cụ thể (phần này để ngoài cân đối ngân sách).
Với phần vay Chính phủ bảo lãnh, nói chung là các doanh nghiệp nhà nước chiếm tỉ trọng nhiều. Doanh nghiệp nhà nước là pháp nhân độc lập, có nghĩa vụ bảo toàn vốn, trả nợ.
Trường hợp rủi ro thì tùy mức độ, ví dụ rủi ro chủ quan sẽ xử lý theo các quy định của luật, còn bất khả kháng thì ngân sách nhà nước phải trả.
Đối với nợ của chính quyền địa phương, theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, ngân sách chính quyền địa phương không được bội chi.
Trường hợp để đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ bản với các dự án quan trọng được HĐND phê chuẩn thì được vay để đẩy nhanh tiến độ đầu tư, nhưng mức vay không vượt quá 30% tổng vốn đầu tư trong nước (riêng Hà Nội, TP.HCM được 100%).
Cũng giống như ngân sách trung ương, không thể biết từng đồng vay được rót cụ thể vào những việc gì.
* Thời gian qua chúng ta đang phải vay “nóng”, vay đảo nợ, thậm chí là “giật” tạm các quỹ tài chính, nói dân dã là “giật gấu vá vai”, đặc điểm này ảnh hưởng gì đến mức độ an toàn nợ công?
- Cho đến thời điểm này chúng ta vẫn trả đủ, trả đúng hạn. VN đang trả nợ từ hai nguồn: một là từ khoản thu của ngân sách nhà nước; hai là phải đảo nợ, tức vay mới để trả nợ cũ.
Nhiều năm chúng ta bội chi ngân sách từ 4,5-5,3% nên phải vay rất lớn.
Ngoài ra còn một khoản phải vay nữa là trái phiếu chính phủ (Quốc hội quyết định trong năm năm 2011-2016 mỗi năm phát hành 45.000 tỉ đồng và kỳ họp vừa rồi Quốc hội quyết định cho phát hành thêm 170.000 tỉ nữa để đầu tư quốc lộ 1 và quốc lộ 14).
Có năm, cộng khoản vay bội chi, vay đảo nợ và phát hành trái phiếu chính phủ, tổng số vay lên đến 400.000 tỉ đồng. Với số tiền lớn như vậy, có những thời điểm không thể vay được nên trong tình thế đó phải ứng các quỹ, thậm chí phải vay nóng để chi.
Tôi kiến nghị trong thời gian tới, ngoài việc cơ cấu lại thu chi, từng bước lập lại cơ cấu ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi, tăng trả nợ thì ngay cả cơ cấu vay cũng phải tính lại, không chỉ vay lãi suất thấp mà còn vay dài hạn hơn.
* Nếu tính số tuyệt đối, bội chi trong năm năm (2011-2015) khoảng 872.000 tỉ đồng, cộng với 395.000 tỉ phát hành trái phiếu chính phủ thì trong giai đoạn này Chính phủ phải đi vay khoảng 60 tỉ USD...
- Với con số tuyệt đối lớn như vậy, nợ công tăng nhanh và áp lực trả nợ ngày càng lớn. Để giải quyết vấn đề này chỉ có cách là giảm chi, tăng thu.
Cái khó là hiện tại nền kinh tế đang rất khó khăn, chín tháng đầu năm có 47.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động, 2/3 số doanh nghiệp báo không có lãi thì lấy gì để tăng thu ngân sách?
Trong khi đó, tình trạng hạ tầng của chúng ta vẫn đang rất thấp kém, nhu cầu đầu tư cho hạ tầng là rất lớn. Thêm nữa, nước ta số lượng người hưởng chính sách và hưởng lương là 8 triệu người. Đó là những gánh nặng.
Ông MAI XUÂN HÙNG (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế):
Cần giảm bội chi xuống mức 3% Có người nói rằng nợ công chưa đến 65% GDP nên cứ yên tâm. Tôi nói là không thể yên tâm được, vì năm 2015 nợ công đã ở mức khoảng 64% và nếu năm 2016 mà vay nữa chắc chắn nợ công trên 65%, đặc biệt là trong hoàn cảnh VN thâm hụt ngân sách lớn, nhiều năm liền bội chi ở mức trên dưới 5%. Trong khi đó, chúng ta đang dành 70% trong tổng số chi hằng năm cho chi thường xuyên, chỉ khoảng 30% là chi cho đầu tư phát triển và chi trả nợ. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài, nợ công chắc chắn sẽ gia tăng. Đó là chúng ta còn chưa tính nợ của doanh nghiệp nhà nước (đã trừ khoản Chính phủ bảo lãnh), tôi tính sơ sơ đến thời điểm này là khoảng 1.400.000 tỉ đồng, tương đương 65 tỉ USD. Nên nhớ rằng nhiều nước người ta tính cả khoản này vào nợ công. Rõ ràng, nếu không thắt chặt kỷ cương thu - chi ngân sách, thắt lưng buộc bụng, giảm bội chi xuống mức 3% trong thời gian tới thì bài toán nợ công rất khó giải. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận