04/10/2014 09:25 GMT+7

Liên kết tìm đầu ra cho nông sản

CHÍ QUỐC - ĐỨC VỊNH
CHÍ QUỐC - ĐỨC VỊNH

TT - Những vướng mắc, tồn tại trong việc kết nối với siêu thị như chưa có đầu mối, thiếu sản phẩm mang tính hàng hóa và đảm bảo an toàn vệ sinh... đã được lãnh đạo các địa phương mổ xẻ.

Hàng nông sản bày bán tại các siêu thị ở Cần Thơ. Theo cơ quan chức năng, hàng nông sản địa phương vào các siêu thị rất ít - Ảnh: Chí Quốc
Hàng nông sản bày bán tại các siêu thị ở Cần Thơ. Theo cơ quan chức năng, hàng nông sản địa phương vào các siêu thị rất ít - Ảnh: Chí Quốc

Vấn đề còn lại là làm thế nào để các siêu thị không còn cảnh “vắng bóng cây nhà lá vườn”.

Trong khi các siêu thị cho biết sẵn sàng tiếp nhận sản phẩm “cây nhà lá vườn” nếu đáp ứng được yêu cầu và có những đầu mối kết nối, nhiều địa phương cũng khẳng định sẽ bắt tay vào tổ chức sản xuất sản phẩm mang tính hàng hóa, xây dựng các đầu mối kết nối và đa dạng hóa các kênh tiêu thụ.

Thiếu sự kết nối với siêu thị

Hợp tác, liên kết để đưa vào siêu thị

Theo Sở Công thương An Giang, thời gian qua siêu thị Co.op Mart Long Xuyên và Saigon Co.op đã hợp tác với địa phương này triển khai nhiều chương trình đưa hàng nông thủy sản vào hệ thống của mình và đã ký hợp đồng tiêu thụ 3.000 tấn sản phẩm của 17 doanh nghiệp tỉnh này trị giá hơn 80 tỉ đồng.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Công thương An Giang, cho biết để mở thêm kênh tiêu thụ cho hàng hóa, nông sản của địa phương, lãnh đạo địa phương đã chủ động kết nối với lãnh đạo TP.HCM, thực hiện chương trình hợp tác với các tập đoàn phân phối lớn.

Và những nỗ lực này đã giúp sản phẩm của An Giang vào các hệ thống phân phối lớn của TP.HCM. Cụ thể, nhiều sản phẩm của An Giang như gạo, thủy sản, rau quả, đường thốt nốt, khô cá... đã vào các hệ thống phân phối lớn của TP.HCM như Co.op Mart, Big C, Maximark... với tổng trị giá mỗi năm hàng trăm tỉ đồng.

Đ.VỊNH

Bà Dương Thị Năm - giám đốc siêu thị Co.op Mart Cần Thơ - thừa nhận siêu thị vẫn bán các sản phẩm nông sản của Cần Thơ như thịt, cá, nấm, rau mầm, chanh không hạt... nhưng số lượng rất ít. “Ngay cả mặt hàng bún và tàu hũ siêu thị cũng phải lấy hàng từ TP.HCM bởi sản phẩm địa phương không có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm” - bà Năm nói.

Ông Nguyễn Hùng Cường, giám đốc siêu thị Metro Cần Thơ, cũng cho rằng chiến lược của Metro là muốn phát triển các mặt hàng địa phương nhưng vẫn có những trở ngại khiến các mặt hàng khó vào siêu thị.

Ông Cường dẫn chứng mặt hàng bún ở địa phương do sản xuất theo công nghệ truyền thống nên chỉ một ngày là có mùi cũng gây khó khăn cho siêu thị khi giao hàng cho khách nhưng chưa được các cơ sở sản xuất khắc phục.

Theo ông Cường, hiện nay siêu thị tiêu thụ mạnh nhất là sản phẩm cá nước ngọt ở Cần Thơ với khả năng bán ra khoảng 1 tấn/ngày.

Để có nguồn hàng ổn định, siêu thị đã đi khảo sát, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn của siêu thị rồi giám sát để dân được cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về lo ngại của nông dân với phương thức thanh toán chậm và giá cả bán cho siêu thị không cao, ông Cường cho rằng nông dân cần thay đổi quan niệm này để hàng có thể vào được kênh phân phối của siêu thị.

Ông Nguyễn Huy Cường, giám đốc khu vực Tây Nam bộ siêu thị Vinatex, cũng nêu thực trạng TP Cần Thơ có sản phẩm cam sành, xoài... nhưng lại chở đi nơi khác tiêu thụ do thiếu sự kết nối giữa nông dân và siêu thị.

“Tại sao chưa liên kết được? Vì nông dân phát triển theo kiểu tự phát, không có hợp tác xã hay đầu mối, còn doanh nghiệp thì tự đi tìm nông dân chứ không có ai kết nối với chúng tôi. Chính quyền cần hỗ trợ nông dân lập ra tổ chức như hội nghề nghiệp hay hợp tác xã để siêu thị đến đó tìm hiểu, giúp đỡ đưa hàng vào hệ thống” - ông Cường đề xuất.

Đại diện siêu thị Big C Cần Thơ cũng cho rằng hộ cá thể và thậm chí những công ty nhỏ lẻ vẫn chưa mạnh dạn đưa nông sản vào siêu thị vì thủ tục phức tạp. Một số đơn vị có khả năng cung ứng sản phẩm nhiều cho Big C nhưng lại không đáp ứng về thời gian vận chuyển và giá cả. Tương tự, lãnh đạo siêu thị Co.op Bạc Liêu cho biết do hoạt động theo chuỗi nên cũng không sử dụng nhiều hàng nông sản của địa phương.

Liên kết, đa dạng kênh phân phối

Bà Đặng Thị Kim Ngọc - trưởng Phòng kinh tế TP Sóc Trăng - cho biết trong khi chờ kết nối để đưa sản phẩm nông sản tại chỗ vào siêu thị, địa phương sẽ kết nối với HTX rau Phước An (huyện Bình Chánh, TP.HCM), trong đó nông dân sản xuất sẽ làm vệ tinh cung cấp rau cho đơn vị này. Hiện HTX này đã đồng ý nhưng chưa xúc tiến các công việc cụ thể.

Ngoài ra, địa phương cũng sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp thương mại gặp gỡ nông dân, thông qua đó giúp nông dân tăng cường quản trị thị trường tiêu thụ. Hiện một doanh nghiệp tại Sóc Trăng đã trình bày kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương bằng việc mở một chuỗi hệ thống cửa hàng bán nông sản chất lượng cao với khả năng tiêu thụ 1 tấn/ngày. “Chúng tôi rất phấn khởi khi doanh nghiệp làm việc này và sẽ tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp” - bà Ngọc nói.

Dẫn một số nỗ lực đưa rau cải của quận Cái Răng vào siêu thị nhưng thất bại, ông Phạm Văn Quỳnh - giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ - thừa nhận ngoài nguyên nhân hồ sơ thủ tục và phương thức thanh toán phức tạp, chuyện nông sản địa phương không vào được kênh phân phối hiện đại như siêu thị là do sản xuất còn nhỏ lẻ, phân tán.

Ngoài ra, việc sản xuất của nông dân thường theo mùa và trên diện tích rộng trong khi siêu thị nhận hàng thường theo nhu cầu nên tính đa dạng hàng hóa nông dân chưa đáp ứng được.

“Sau khi xác định được nguyên nhân, chúng tôi đang tìm cách tháo gỡ để hàng vào siêu thị tốt hơn, chẳng hạn như sẽ tổ chức sản xuất lại theo vùng để đa dạng hàng hóa, rồi tổ chức lại những nhóm vựa để thu gom hàng hóa đưa vào siêu thị” - ông Quỳnh nói.

Theo ông Quỳnh, ngành nông nghiệp đã có đề án xây dựng vùng chuyên canh rau màu trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó sẽ tạo ra sản lượng đa dạng và thành lập các tổ dịch vụ mua bán để đóng gói sản phẩm theo yêu cầu, đưa vào siêu thị. Tuy nhiên, đề án này sẽ làm từng bước chứ không thể muốn là làm ngay được.

Bà Mai Thị Ánh Tuyết, giám đốc Sở Công thương An Giang, thừa nhận rau màu muốn vào siêu thị còn phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ trong khi hiện nay nông dân chưa thể đáp ứng được điều đó.

Do đó, An Giang đang quy hoạch xây dựng vùng sản xuất rau màu sạch theo hướng VietGap quy mô lớn, kèm theo việc xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí vùng nguyên liệu an toàn và cấp giấy chứng nhận, đạt tiêu chuẩn để sản phẩm của nông dân đáp ứng được nguồn cung ổn định cho hệ thống siêu thị.

Hàng vào siêu thị dựa trên sức mua

Giải thích về việc nhiều mặt hàng nông sản địa phương vắng bóng ngay tại siêu thị nơi sản xuất, đại diện siêu thị Co.op Mart cho biết cơ cấu thành phần rau củ quả tại hệ thống siêu thị này chủ yếu thuộc nhóm ôn đới, được trồng ở vùng cao nguyên Lâm Đồng (Đà Lạt) như cà rốt, khoai tây, bắp cải, cải thảo, cà chua, xà lách, bông cải, khoai... chiếm tỉ trọng lớn hơn, còn lại mới thuộc nhóm nhiệt đới. Ngoài ra tại khu vực ĐBSCL - vựa nông sản của cả nước, đại đa số người tiêu dùng vẫn có thói quen mua hàng tại chợ truyền thống. Chỉ một bộ phận người dân chọn mua nông sản tại siêu thị với sức mua dưới vài trăm ký/ngày.

Chưa kể siêu thị cũng phải kiểm soát chất lượng từ đầu vào, sản phẩm phải đảm bảo được sản xuất theo quy trình tiêu chuẩn an toàn, được các cơ quan chức năng cấp chứng nhận rau quả an toàn hoặc đạt tiêu chuẩn VietGap... Đây là những lý do khiến một số mặt hàng nông sản tại địa phương chiếm tỉ lệ nhỏ trong hệ thống của Co.op Mart.

Ngoài những yếu tố trên, đại diện siêu thị Big C cho rằng nhiều cơ sở sản xuất, tổ hợp tác vẫn chưa sẵn sàng thực hiện các thủ tục pháp nhân để giao dịch mua bán, chưa kể các cơ sở ở xa và nhỏ lẻ nên không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hóa, chưa đáp ứng nhu cầu kinh doanh của kênh siêu thị.

D.TUẤN

CHÍ QUỐC - ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên