Hồ Tràm Strip có giấy phép kinh doanh casino
Phóng to |
Chỉ mới giải ngân khoảng 500 triệu USD trên vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 4,2 tỉ USD nhưng Công ty Asian Coast Development vẫn có được giấy phép hoạt động khách sạn lẫn khu vui chơi có thưởng (casino) cho dự án Hồ Tràm (Bà Rịa - Vũng Tàu) - Ảnh: ĐÔNG HÀ |
Giấy phép điều chỉnh được công bố ngày 4-4 trong điều kiện nhà đầu tư chỉ mới hoàn thiện chưa đến 80% các hạng mục, là những điều kiện cần có trong giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ban đầu ở lĩnh vực casino.
Diễn biến tiến độ dự án Hồ Tràm * Năm 2006, Công ty Asian Coast Development (Canada) Ltd. (ACDL) xin giấy phép đầu tư khu giải trí nghỉ dưỡng Hồ Tràm Strip, vốn đăng ký 4,2 tỉ USD trong vòng 10 năm, với quy mô 9.000 phòng khách sạn năm sao, nhiều hệ thống khách sạn - căn hộ, khu biệt thự cao cấp, trung tâm hội nghị quốc tế. * Tháng 3-2008 ACDL chính thức nhận được giấy phép đầu tư. * Tháng 5-2008: lễ động thổ dự án Hồ Tràm Strip diễn ra và được tổ chức lại vào tháng 7-2009. * Tháng 11-2008: MGM Resorts International đã ký thỏa thuận với ACDL về các dịch vụ tiền khai trương và quản lý khu nghỉ dưỡng đầu tiên của dự án với thương hiệu MGM Grand. * Năm 2010: ACDL đối mặt với khả năng bị rút giấy phép do chậm tiến độ. * Cuối tháng 1-2013: MGM Hồ Tràm Beach bắt đầu nhận đặt phòng của khách nhưng sau đó hủy vì chưa có giấy phép kinh doanh. * Đầu tháng 3-2013: ACDL thông báo MGM không còn quản lý dự án MGM Hồ Tràm Beach. * Tháng 4-2013: ACDL nhận được điều chỉnh giấy phép đầu tư bao gồm khu nghỉ dưỡng và khu vui chơi có thưởng (casino). Hiện ACDL vẫn đang tìm nhà quản lý mới. |
Liên tục điều chỉnh giấy phép đầu tư
Theo ông Trần Minh Sanh - chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, người ký điều chỉnh giấy phép đầu tư cho dự án trên, với việc điều chỉnh này, ACDL được phép mở khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài với quy mô 90 bàn đánh bạc và 1.000 máy điện tử. Như vậy chỉ sau một tháng kể từ khi nhà quản lý MGM Resorts International rút khỏi dự án Hồ Tràm Strip, chủ đầu tư đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, mở đường cho việc đồng khai trương giai đoạn một của khu nghỉ dưỡng và khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài.
Vào VN từ năm 2008 với những tuyên bố và cả kỳ vọng biến một bãi đất trống rộng 164ha trải dài hơn 2km trên bờ biển Bà Rịa - Vũng Tàu thành khu nghỉ dưỡng - sòng bài đầu tiên của VN theo phong cách Las Vegas, dự án Hồ Tràm Strip khi đó được xem là một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về bất động sản du lịch đình đám với tổng số vốn đăng ký lên đến 4,2 tỉ USD, giải ngân trong vòng mười năm. Dự án do ACDL đăng ký tại Canada làm chủ đầu tư và do Harbinger Capital Partners cung cấp vốn.
Theo giấy chứng nhận đầu tư lần đầu do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp ngày 12-3-2008, dự án có khu vực gồm A, B, C, D, E với năm khách sạn năm sao có tổng cộng 9.000 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế, khách sạn căn hộ, biệt thự cao cấp cho thuê, sân golf và hai khu vui chơi giải trí có thưởng dành cho người nước ngoài tại khu A và khu B... Đáng lưu ý, trong giấy phép đầu tư này cũng quy định rõ doanh nghiệp chỉ được triển khai hoạt động kinh doanh khu vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài tại hai khu nghỉ dưỡng (mỗi khu có 90 bàn chia bài và 1.000 máy trò chơi điện tử có thưởng) sau khi đã hoàn thành toàn bộ các hạng mục gồm khách sạn năm sao 1.100 phòng, trung tâm hội nghị quốc tế, một hệ thống khách sạn - căn hộ cho thuê... Tiến độ thực hiện dự án đến năm 2017. Trong quá trình triển khai dự án, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đồng ý cho chủ đầu tư tách khu A thành A1 và A2, B thành B1 và B2 cùng một số điều chỉnh khác.
Đến giữa năm 2012, sau khi gần hoàn thành khu A1 gồm khách sạn 541 phòng, khu vực giải trí, trung tâm hội nghị, ACDL đã có công văn xin phép được điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Chủ đầu tư đề nghị cho phép vận hành khu vui chơi giải trí dành cho người nước ngoài ở khu A1 với 90 bàn chia bài có nhân viên phục vụ và 1.000 máy trò chơi điện tử sau khi khu này hoàn thành và giãn tiến độ dự án đến năm 2020.
Dựa vào kiến nghị trên, tháng 10-2012, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo và kiến nghị Thủ tướng dựa trên kiến nghị của ACDL. Cuối tháng 11-2012, một đoàn công tác liên ngành của Chính phủ gồm Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công an, Văn phòng Chính phủ, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đã làm việc với UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cùng chủ đầu tư để kiểm tra tiến độ dự án, để có báo cáo trình Thủ tướng quyết định. Sau khi có ý kiến Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ký điều chỉnh giấy phép đầu tư cho sòng bài tại khu A1 được phép hoạt động như trên.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 4-4, ông Lloyd Nathan, tổng giám đốc điều hành ACDL, xác nhận giai đoạn một của khu nghỉ dưỡng đầu tiên đã xây dựng xong trị giá hơn 500 triệu USD, bao gồm một tòa tháp khách sạn 541 phòng, hệ thống nhà hàng chuẩn quốc tế, khu vực trò chơi có thưởng cho người nước ngoài, trung tâm hội nghị - hội thảo, trung tâm mua sắm... và đang bắt đầu xây dựng tòa tháp thứ hai của khu nghỉ dưỡng, bổ sung 559 phòng năm sao.
Theo dự thảo nghị định về hoạt động casino, một cơ sở được kinh doanh tối đa 2.000 máy và 180 bàn trò chơi có thưởng. Như vậy với giấy phép được điều chỉnh, ACDL đã có một nửa số bàn so với 180 bàn toàn bộ khi dự án hoàn thiện. Dù cam kết thực hiện không đúng như ban đầu và liên tục nhiều lần điều chỉnh, các công trình chưa hoàn thiện, ACDL vẫn được hỗ trợ để đi vào hoạt động khu vui chơi có thưởng. Đại diện Sở Kế hoạch - đầu tư Bà Rịa - Vũng Tàu thừa nhận đáng ra theo chứng nhận đầu tư ban đầu, Hồ Tràm phải hoàn thành 1.100 phòng mới đủ điều kiện khai trương cùng với khu vui chơi có thưởng, nhưng hiện nay kinh tế thế giới suy giảm, nhà đầu tư cũng gặp khó khăn nên có đề xuất mong muốn đưa vào hoạt động khu casino.
Phóng to |
Đoàn kiểm tra gồm đại diện Tổng cục Du lịch, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu kiểm tra, tham quan một máy đánh bạc điện tử trong dự án Hồ Tràm Strip vào cuối năm 2012 - Ảnh: CTV |
Chịu lỗ hàng chục triệu USD để có giấy phép casino?
Từ cuối tháng 12-2012, giai đoạn một của khu nghỉ dưỡng đầu tiên đã xây dựng xong, bao gồm một tòa tháp khách sạn 541 phòng sang trọng, hệ thống nhà hàng chuẩn quốc tế... Cùng với đội ngũ nhân viên trên 2.000 người được MGM tuyển dụng và đào tạo, khu nghỉ dưỡng hoàn toàn có thể xin giấy phép để đi vào hoạt động và kịp đón khách trong mùa Tết âm lịch vừa qua nhưng ACDL đã không làm vậy.
Với quyết tâm có được giấy phép casino trước khi đón khách, ACDL đã tạo áp lực công văn gửi cho Hiệp hội Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu “kể khổ” việc chậm trễ khai trương Hồ Tràm Strip khiến chủ đầu tư thiệt hại lên đến hàng chục triệu USD. Trong đó tính đến cuối tháng 1-2013, doanh thu phòng thất thoát ước tính vượt mức 1,6 triệu USD do đã nhận được hàng trăm yêu cầu đặt phòng nhưng không thể tiếp nhận khách, 20 triệu USD doanh thu của khu trò chơi giải trí có thưởng chỉ tính riêng cho khách VIP. Riêng thất thoát doanh thu từ khách du lịch nước ngoài trong khu chơi bài và khu trò chơi máy tự động trong tháng 2 ước tính ít nhất 10 triệu USD. Chưa kể thất thoát doanh thu ẩm thực, lương nhân viên...
Rõ ràng chủ đầu tư đã cho thấy mục tiêu của dự án này có vẻ thiên về một khu nghỉ dưỡng phục vụ casino hơn là đưa casino thành một dịch vụ cộng thêm cho hoạt động kinh doanh của khu nghỉ dưỡng. Trong văn bản gửi UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề ngày 30-9-2012, Công ty TNHH dự án Hồ Tràm cho biết: “Các khu nghỉ dưỡng liên hợp, chẳng hạn như khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm, đều phụ thuộc vào khoản thu nhập từ hoạt động kinh doanh casino. Nếu không có nguồn thu nhập từ hoạt động kinh doanh casino thì sẽ không khả thi về mặt kinh tế...”. Nhà đầu tư cũng thừa nhận về mặt tài chính sẽ không khả thi khi khai trương và hoạt động khu nghỉ dưỡng mà không đưa vào kinh doanh đầy đủ thành phần casino gồm 90 bàn trò chơi có phục vụ và 500 máy trò chơi điện tử.
Chính vì vậy ngay khi nhận giấy điều chỉnh chứng nhận đầu tư, ông Nathan nói: “Với giấy chứng nhận đầu tư được điều chỉnh, chúng tôi dự kiến khai trương khu nghỉ dưỡng cùng với trung tâm trò chơi có thưởng trong thời gian sớm nhất có thể, và hiện cân nhắc xem xét một số thương hiệu”.
Theo tính toán của các chuyên gia, một dự án 4,2 tỉ USD là tương đối lớn và khó thành công nếu chỉ dành cho khu nghỉ dưỡng và vui chơi có thưởng dành cho người nước ngoài. Bài toán đặt ra cho nhà đầu tư không hề đơn giản bởi người VN không được tham gia tại khu giải trí vui chơi có thưởng. Chưa kể hiện nay ngay tại trung tâm TP.HCM, một số khách sạn 5 sao đã có khu vực vui chơi có thưởng cho người nước ngoài. Trước đó, Tập đoàn Genting (Malaysia) đã rút vốn khỏi một dự án casino ở Hội An (Quảng Nam) vào cuối năm 2011, và vị chủ tịch tập đoàn này đã tuyên bố chỉ đầu tư nếu người Việt được phép vào chơi các casino.
Bỏ hàng tỉ USD vào VN nhưng theo một chuyên gia kinh tế, những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẵn sàng bán để cắt lỗ nếu họ không nhìn thấy cơ hội đầu tư. Khi nhà quản lý MGM tuyên bố rút lui khỏi Hồ Tràm Strip, họ chấp nhận khoản lỗ “danh dự”. Câu chuyện ACDL sẽ cam kết với phần còn lại dự án của mình như thế nào khi mà họ được nhà quản lý “châm chước” bỏ qua điều kiện “cần” lẫn “đủ” để họ có được giấy phép quản lý casino, trong khi chủ đầu tư mới giải ngân được khoảng 500 triệu USD trong tổng số 4,2 tỉ USD như cam kết ban đầu.
Chủ đầu tư phải báo cáo tiến độ giải ngân hằng tháng Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 5-4, ông Nguyễn Phước Lễ, giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư và ông Đặng Minh Thông, phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho biết sẽ có những ràng buộc với nhà đầu tư. Cụ thể, ngoài yêu cầu bắt buộc các nhà đầu tư nước ngoài phải báo cáo tiến độ thi công, giải ngân hằng tháng, tỉnh sẽ kiểm tra thường xuyên dự án này. Khi được hỏi việc quản lý thuế, ngoại tệ sẽ thực hiện như thế nào, ông Thông cho hay dự án này là mô hình đầu tiên, do đó việc này ngoài tầm của tỉnh. Theo ông Thông, hiện Bộ Tài chính đang dự thảo nghị định về quản lý sòng bạc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận