06/10/2005 12:17 GMT+7

Vào đời: không chỉ bằng tấm bằng Đại học

TTO
TTO

TTO - Tấm bằng ĐH có làm bạn khác hơn trong mắt mọi người? Tấm bằng ĐH có làm hồ sơ xin việc của bạn được "điểm son" từ cái nhìn đầu tiên? Mời các bạn theo dõi nội dung bàn tròn trực tuyến "ĐH là con đường duy nhất?" diễn ra từ 9g đến11g hôm nay.

9mgJXD70.jpgPhóng to
Ông Hàng Phước Long, Phó TTKTS báo Tuổi Trẻ tặng hoa cho các khách mời - Ảnh: Nguyễn Công Thành

Hãy cùng chúng tôi chia sẻ với các khách mời: ông Trần Tấn Dũng, ông Nguyễn Trung Dũng, ông Nguyễn Minh Hòa, cô Ngô Bích Phượng, ông Nguyễn Vui và bạn đọc:

* Một số ý kiến của bạn đọc tham gia Bàn tròn:

* Chúng tôi coi "ĐH là con đường duy nhất" bởi vì chúng tôi có quá ít thông tin về việc đào tạo trong trường ĐH. Có rất nhiều SV thừa nhận sai lầm khi đã từng nghĩ "cứ vào bất kì một trường ĐH nào đó rồi... tính tiếp", biết là mình đang lãng phí thời gian và tiền bạc cho việc học này nhưng không dám "dũng cảm" bỏ học để tìm cho mình một lối đi khác! Chúng tôi cần lắm sự tin tưởng và những lời động viên, khích lệ của người đi trước để tự tin chọn lối cho cuộc đời mình! (Lâm Ngọc, 22 tuổi, haianh28_8@)

* Tôi là bác sĩ thú y vừa tốt nghiệp năm 2004. Tôi đã đi làm được một năm. Tại nơi tôi công tác, tuy không ai nói ra nhưng rõ ràng có sự phân biệt về bằng cấp. Thậm chí phân biệt cả bằng chính quy và bằng tại chức. Tuy nhiên lại có một vấn đề mâu thuẫn với vấn đề phân biệt trên là không ít kỹ sư ở đây được trả lương không bằng lương của công nhân. Tôi chỉ muốn chia sẻ hiểu biết của mình cùng mọi người, muốn mọi người thấy được giá trị thực của các loại bằng cấp. Có những bằng cấp mang lại cho ta lương bổng hậu hĩ nhưng cũng có những bằng cấp chẳng cho ta lợi ích gì. Có lúc chính tay nghề lại làm nên sự khác biệt về lương bổng, chính khả năng giải quyết công việc của bạn quyết định bạn được trả lương như thế nào chứ không phải bạn đã học ở đâu. (Huu Ngoc, 24 tuổi, thn133@ )

* Theo tôi, bằng cấp (bằng ĐH) chỉ là chiếc bình đựng còn tri thức và kỹ năng nghề nghiệp mới là cái thực sự cần thiết, là hành trang không thể thiếu giúp ta vào đời. Và tri thức thì không nhất thiết phải học trong trường ĐH mà có thể học ở mọi nơi mọi lúc. Khi còn trẻ là thời gian ta có điều kiện trau dồi nhiều nhất nên chúng ta phải biết tranh thủ, phải thực sự nỗ lực hết mình. (Nguyễn Văn Dũng, 26 tuổi, vandung_bao24b@)

* Tôi cho rằng ĐH là con đường tốt nhất chứ không phải là con đường duy nhất. Bởi lẽ học ĐH không những đào tạo nghề mà còn là nơi con người(có tri thức tổng hợp)để từ đó làm nền tảng cho tôi có thể tiếp tục trau dồi thêm các tri thức từ xã hôi. mặc du tôi vân đang là học sinh phổ thông, nhưng ước mơ cháy bỏng của tôi vẫn là vào đại học. và tôi biết phần lớn bạn bè của tôi cung đều có mơ ước như tôi. Nhưng quả thực chúng tôi đang rất cần một sự hướng nghiệp đúng đắn từ cả ba phía gia đình nhà trường và xã hội?. để hoài bão khát vọng của chung tôi được đi đúng và trúng. (Nguyền Đức Văn, 17 tuổi, laohac4679@yahoo.com)

* Tôi năm nay 20 tuổi, là một sinh viên đã từng rớt ĐH. Nếu có ai hỏi rằng ĐH có phải là con đường duy nhất thì tôi sẽ trả lời rằng đúng là như vậy. Tôi đã từng rơi vào 1 cảm giác "địa ngục" nên tôi hiểu rất rõ không học ĐH có nghĩa là ta sẽ không bao giờ được xã hội coi trọng cho dù ta có thể trở thành giám đốc của 1 doanh nghiệp nổi tiếng. XH ta không bao giờ chấp nhập và luôn có 1 cái nhìn không mấy ủng hộ cho những trường hợp này. (chinh vu, 20 tuổi, chinhvu999@)

6I1byznq.jpgPhóng to
* Người ta nói có nhiều con đường để vào đời, không chỉ có con đường ĐH. Nhưng chỉ với tấm bằng tú tài, tụi em sẽ vào đời bằng cách nào? Có những công việc nào phù hợp cho tụi em không hay chỉ là những việc đơn giản, thu nhập thấp? (thanh hà, 18 tuổi, blackrosebmt)

- Nguyễn Minh Hòa: Tú tài là một tấm bằng không thấp ở xã hội VN hiện nay. Nếu không vào ĐH, em có thể học các trường trung học, các trường nghề, sau đó đi làm, nếu có quyết tâm em vẫn có thể vào ĐH sau một thời gian đi làm.

* Em không đậu ĐH nên đã nộp đơn vào học ở trường Cao đẳng Marketing ngành kế toán kiểm toán. Xin hỏi ngành này sau khi ra trường sẽ làm việc ở đâu? Với trình độ cao đẳng, liệu các nhà tuyển dụng có tuyển không?(le thị tien, 19 tuổi, anna_letien)

- Cô Ngô Bích Phượng: Em đã học trường CĐ Marketing ngành kế toán kiểm toán, sau khi ra trường em có thể xin việc tại các cơ quan ở TP.HCM hoặc ở tỉnh nếu em là hộ khẩu tỉnh (về tỉnh làm việc). Với trình độ CĐ, em có thể xin việc làm kế toán theo chuyên môn của mình.

Các khách mời tham gia chương trình: ông Trần Tấn Dũng (trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, trường dạy nghề với số lượng lớn SV ra trường có tay nghề vững chắc, tìm được việc làm như ý muốn); ông Nguyễn Trung Dũng, 1 người chỉ có bằng trung cấp nhưng đã được nhận vào những vị trí cao cấp của 16 công ty lớn nước ngoài khác nhau; ông Nguyễn Minh Hòa (PGS-TS xã hội học, GĐ Trung tâm Nghiên cứu phát triển đô thị và cộng đồng), cô Ngô Bích Phượng (trưởng phòng tư vấn, trung tâm dịch vụ việc làm Vinhem Pich), ông Nguyễn Vui (GĐ Công ty TNHH Vĩnh Cửu, dù chưa có bằng ĐH nhưng rất thành đạt, có công trình nghiên cứu khoa học cấp bộ).

Vì vậy, em cố gắng học đạt kết quả cao, bên cạnh đó em có thể học thêm một số kỹ năng khác, ví dụ: học sử dụng các phần mềm kế toán, thành thạo vi tính. Khi đó em sẽ dễ dàng tìm được việc làm sau khi tốt nghiệp. Chúc em đạt kết quả cao.

Mọi thắc mắc hoặc muốn biết thêm chi tiết xin em liên hệ trực tiếp đến trung tâm giới thiệu việc làm Vinhempich, 189 Nguyễn Oanh P.10 Q. Gò Vấp. Điện thoại: 8943868-0983924279.

* Tôi rất khâm phục ông Trung Dũng và ông Vui, nhưng những trường hợp như các ông tôi nghĩ không phải là nhiều. Ông có nghĩ nhiều khi sự thành công đó còn là 1 sự may mắn? Bởi lẽ, hơn 95% các công việc làm trong văn phòng (không phải việc tay chân) đều đòi bằng ĐH, không có bằng ĐH là không đủ tiêu chuẩn, vậy thì làm sao có nhiều cơ hội cho những người không có bằng ĐH?

- Ông Trung Dũng: Như trong bài viết của tôi có nói, trường hợp của mình có phần may mắn, vì khi tôi bắt đầu khởi nghiệp đi làm thì đất nước mới mở cửa, và tôi nộp đơn xin làm việc ở các công ty nước ngoài, họ không đòi hỏi tôi bất kỳ một mảnh bằng nào cả, chỉ cần có tiếng Anh giao tiếp thật tốt là có thể được chấp nhận.

Cũng trong bài viết, tôi có đề nghị những giải pháp cho trường hợp bạn đặt ra. Thật ra thì cơ hội rất nhiều, nhưng đòi hỏi những nỗ lực của bản thân là chính. Trường hợp của tôi là phải đi từng bước, từ những công việc giản đơn trước tiên để lấy kinh nghiệm làm bàn đạp chuyển đổi sang công việc tốt hơn.

* Xin hỏi ông Nguyễn Vui, đã bao giờ ông phải gặp 1 thất bại, 1 sự thua thiệt... do không có bằng đại học? Và khi đó, ông đã suy nghĩ, ứng xử như thế nào? (Như Khanh, 24 tuổi, nhukhanh@)

- Ông Nguyễn Vui: Định hướng của tôi đã được xác định từ trước nên tôi chưa gặp phải trường hợp phải suy nghĩ về việc không có bằng đại học là thua thiệt.

GjZXHIGq.jpgPhóng to
* Thưa ông Dũng, ông có thể miêu tả rõ hơn về việc dạy học ở trường của ông? Những kĩ năng mà các ông nhấn mạnh rèn luyện cho SV là gì? Và ông nghĩ những kĩ năng đó có thực sự phát huy tác dụng? (Mạnh Dũng)

- Thầy Trần Tấn Dũng: Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng hiện đang đào tạo ba hệ: CĐ, THCN và CNKT. Tuy ba hệ này có khác nhau về bậc học, chương trình đào tạo nhưng cũng có những điểm chung. Nội dung chính trong chương trình đào tạo của trường có hai phần: phần lý thuyết chủ yếu cung cấp cho HS-SV những kiến thức cơ sở và chuyên môn cần thiết cho ngành nghề của họ; phần thực hành cung cấp cho HS những kỹ năng chuyên nghề cũng như những kỹ năng rộng liên quan đến ngành học mà họ cần phải biết.

Riêng ở trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng, chúng tôi rất chú trọng đến việc trang bị những kỹ năng tay nghề cho HS. Điểm quan trọng ở đây là phải trang bị những tri thức và kỹ năng sử dụng các loại thiết bị, công nghệ mới vốn thường được cập nhật ở thực tế sản xuất. Điều này sẽ giúp họ nhanh chóng hòa nhập vào hoạt động sản xuất ở doanh nghiệp.

Tuy nhiên, kiến thức và kỹ năng ở các trường chỉ có tính chất rất cơ bản. Trên cơ sở đó, HS SV có đủ khả năng nắm bắt và ứng dụng vào thực tế sản xuất.

* Người ta nói có nhiều cách để vào đời không chỉ có con đường ĐH. Nhưng như em thấy có rất ít bạn sau khi rớt ĐH lại nghĩ mình có thể làm 1 việc gì đó và nếu như phải tìm 1 công việc, xin cho biết là công việc gì thì thích hợp ạ? (thanh hà, 18 tuổi, blackrosebmt@)

- Cô Ngô Bích Phượng: Khi ta vào đời không chỉ có con đường là học mà có rất nhiều cách. Trước tiên cần đến năng lực thực tiễn, tính cách của con người, có định hướng đúng để vào đời nhằm tìm cho mình một công việc phù hợp với khả năng.

Theo em một số bạn thi rớt ĐH có thể làm một việc gì đó, từ đó mình có thể tự học thêm để nâng cao kiến thức của mình từ công việc mình đã chọn. Vì vậy vào đời không chỉ có con đường ĐH mà còn rất nhiều con đường khác. Quan trọng mình phải có niềm tin, nghị lực, kiên định để vượt lên chính mình.

Nếu em chọn một công việc nào đó thích hợp với khả năng của mình, em có thể tự mình quyết định hoặc nếu cần người hướng dẫn, tư vấn, mời em trực tiếp liên hệ đến trung tâm giới thiệu việc làm Vihempich để sớm tìm được một việc làm theo như mong muốn.

* Không thể vào đại học thì có con đường nào khác để vào đời tốt không? Và để đi đúng đường đó thì có khó khăn gì? (đào vinh, 19 tuổi, tangoxanhmai)

- Anh Trung Dũng: Em Vinh thân mến, thật ra có rất nhiều con đường để vào đời. Theo kinh nghiệm của tôi, tôi chấp nhận đi từng bước một. Và từ từ tôi sẽ đi những bước cao hơn. Ví dụ: Tôi chấp nhận học trung cấp để có một nghiệp vụ dự phòng, sau đó, tôi chấp nhận làm những công việc thấp nhất và vừa làm vừa đi học lên cao hơn. Tất nhiên, đi đường vòng này đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực hơn là đi trực tiếp. Nghĩa là, cũng khá là khó khăn, nhưng khi em thành công rồi thì lại chắc chắn hơn những người đi trực tiếp.

* Giải bài toán "ĐH độc đạo" này, nhìn từ khía cạnh vĩ mô, theo các anh chị, phải làm gì? Và bắt đầu từ đâu? (TTO)

- Anh Trung Dũng: Theo tôi, để giải quyết bài toán bạn đặt ra, cần phải có sự nỗ lực của nhiều ban ngành khác nhau để trước tiên thay đổi cơ chế tuyển dụng nặng về bằng cấp. Tuy nhiên, sự thay đổi này cần phải có thời gian. Và tôi tin rằng với xu hướng hội nhập thế giới hiện nay, thì việc thay đổi này cũng sẽ diễn ra nhanh chóng.

* Tỉ lệ có việc làm của học sinh trường CĐ KT Cao Thắng có cao không? Bao nhiêu HS trường có việc làm sau tốt nghiệp? (tuấn, 20 tuổi, mailcuatoi15@yahoo.com)

- Thầy Trần Tấn Dũng: Theo thống kê của chúng tôi, tính từ đầu năm 2005 đến nay, trường đã nhận được trên 200 công văn tuyển dụng từ các công ty xí nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các vùng lân cận với khoảng 2.000 việc làm cho HS hệ THCN và CNKT của trường.

Tỷ lệ HS có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp của trường chúng tôi được ước lượng vào khoảng 80%. Trong đó, có nhiều HS có việc làm khi chưa tốt nghiệp, nhiều HS được nhận lương ngay trong thời gian đi thực tập sản xuất.

4YKpvRBk.jpgPhóng to
* Em là SV của 1 trường ĐHDL. Em nghe nói bằng của trường DL không có giá trị như bằng ĐH công lập nên bây giờ em rất lo cho tương lai. Em cảm thấy rất chán. Hiện em đang học ngành CNTT. Khả năng để có việc làm của em sau này có khả quan không? (Ngô Thanh Thuỷ, 20 tuổi, thanhthuy@yahoo)

- Cô Ngô Bích Phượng: Học trường ĐHDL cũng là một điều tốt vì hệ thống giáo dục ở cấp ĐH hầu như kiến thức như nhau. Điều quan trọng là khả năng học tập của mình có phấn đấu, chịu khó để đạt kết quả tốt hay không.

Vì vậy trong quá trình học, em nên kết hợp giữa lý thuyết và thực hành (bằng cách em có thể thực hành nhiều hơn về kiến thức ngành CNTT, ví dụ: lắp ráp, sửa chữa máy tính hoặc trông coi phòng net, cài đặt chương trình...). Đây có thể là những việc làm bán thời gian cho SV. Tôi nghĩ em không nên chán nản mà phải cố gắng học để đạt kết quả loại khá, giỏi để dễ dàng xin việc sau khi tốt nghiệp.

Để giải toả tâm lý của em hiện nay, em có thể dành chút ít thời gian đến liên hệ trực tiếp tại trung tâm Vinhempich, tôi sẽ trả lời trực tiếp với em và có thể cho em những lời khuyên để em vững tâm học tập và vững bước vào đời, tìm việc làm sau khi tốt nghiệp. Chúc em sức khỏe, tự tin.

* Thưa ông Nguyễn Vui, nếu như ông có một nhu cầu tuyển dụng vào một vị trí của công ty đòi hỏi trình độ ứng viên là ĐH nhưng khi xem xét hồ sơ lựa chọn phỏng vấn lại bao gồm cả hồ sơ của những người tốt nghiệp trung cấp hoặc cao đẳng. Vậy ông có ưu tiên những hồ sơ có trình độ ĐH và loại bỏ những hồ sơ CĐ, TC trước khi mời phỏng vấn? (Trần Đức Ngọc Võ, 24 tuổi, doilabaitoanmangnhieuanso@)

- Thầy Nguyễn Vui: Trong tiêu chí tuyển dụng nhân sự của tôi, bằng cấp Đại học chỉ được thêm 1 điểm. Nếu các bạn ứng viên có bằng cấp CĐ, TC mà có đầy đủ các tố chất đã đề ra trong tiêu chí thì ứng viên đó vẫn đạt như thường. Trong vấn đề tuyển dụng nhân sự của công ty tôi, tôi quan tâm đến năng lực nhiều hơn.

* Theo tôi, ĐH không phải là con đường duy nhất nhưng những con đường khác thì chông chênh lắm... (nguyễn trần minh triết, 20 tuổi, nguyentranminhtriet@)

- Anh Trung Dũng: Em Triết thân mến, con đường nào đi đến thành công cũng đều chông chênh cả. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, đi đường vòng tuy có gian khổ hơn nhưng bền hơn rất nhiều vì em sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu mà xu hướng hiện nay khi đi xin việc hầu hết các doanh nghiệp đều đòi hỏi phải có kinh nghiệm.

* Xin ông Nguyễn Vui có thể cho biết bí quyết nào đã giúp ông có được thành công như ngày hôm nay? (nguyễn văn dũng, 26 tuổi, vandung_bao24b@yahoo.com)

- Thầy Nguyễn Vui: Tôi có những câu "gối đầu giường" làm hành trang khi bước vào cuộc đời xin gởi tặng các bạn:

"Trên con đường thành công không có dấu chân của những người lười biếng"

"Ai muốn trở thành vĩ nhân cũng phải đi qua ba con đường... Thứ nhất: làm việc. Thứ hai: Học hỏi. Thứ ba là tiết kiệm". Tiết kiệm ở đây không có nghĩa chỉ là tiền bạc, mà còn là tiết kiệm về thời gian và nhiều thứ khác.

Riêng tôi, những lúc gặp khó khăn, tôi luôn tìm cách chinh phục nó. "Đường đi khó, không phải khó vì ngăn sông cách núi. Mà khó vì lòng người ngại núi e sông" (Nguyễn Bá Học).

* Năm nay em có ôn thi đại học tại ĐH Đà Lạt nhưng vì gia đình em có chuyện buồn nên em đã bỏ thi. Em quyết định như vậy có phải là sai lầm không ạ? Năm nay có trường nào đang xét tuyển học trung cấp không? (Tran Mai, 19 tuổi, hoadalat@gmail.com)

- TS Nguyễn Minh Hòa: Chào em, tôi không biết chuyện buồn của em là gì, nhưng cho tôi được chia sẻ với em về điều buồn này. Em không thi đại học năm nay thì sẽ thi vào sang năm, miễn là em vẫn còn quyết tâm. Em còn trẻ, con đường phía trước còn dài mà. Thân!

* Dường như suy nghĩ của xã hội hiện nay xem ĐH là một loại "siêu" trường nghề, do đó, tìm việc làm để lập thân là buộc phải thông qua con đường này... Điều này có đúng?

- Thầy Trần Tấn Dũng: Đây là ngộ nhận của HS chúng ta hiện nay. Là người làm công tác đào tạo, tôi chưa bao giờ nghĩ rằng một ĐH nào đó là một "siêu trường nghề"! Thực tế hiện nay cho thấy, việc đào tạo ở một số trường ĐH như báo chí vẫn thường phản ánh là mang tính chất "hàn lâm", do vậy năng lực thực hành (nói rõ hơn là tay nghề) của SV tốt nghiệp là rất hạn chế.

Còn về vấn đề tìm việc làm, theo tôi nhu cầu tuyển dụng HS tốt nghiệp CNKT và THCN là rất lớn. Nếu nói rằng để dễ có cơ hội tìm việc làm, người học nghề có nhiều cơ hội hơn người tốt nghiệp ĐH. Có việc làm là không khó, cái chính là bạn phải chứng tỏ phẩm chất, năng lực của mình trong công việc. Mà điều này tùy thuộc vào nỗ lực của bản thân mỗi người chứ không phải ở bằng cấp mà họ có.

Thực tế, rất nhiều người học nghề nay đã thành đạt, hiện đang giữ những vị trí quan trọng trong các đơn vị sản xuất.

* Đối với phái nữ, dường như vào đại học là con đường duy nhất để lập thân, vì hầu như việc tuyển dụng nữ giới luôn yêu cầu tốt nghiệp đại học, không trường này thì cũng trường kia. Riêng với nam giới thì em nghĩ có vẻ dễ dàng kiếm việc làm hơn, chỉ cần có năng lực thì sẽ được tuyển dụng vào làm việc. (Thương, 18 tuổi, meovanghoe_3000@yahoo.com)

- Cô Ngô Bích Phượng: Theo tôi suy nghĩ của em chưa hoàn toàn chính xác bởi vì người học ĐH và không học ĐH vẫn có thể tìm được việc làm cho dù nam hay nữ.

Vì vậy ĐH không phải là con đường duy nhất khi vào đời đối với bất cứ ai, cũng không phân biệt ngành nghề hay trường học. Điều quan trọng là em có đủ tự tin, năng lực và bản lĩnh để vào đời bằng chính khả năng của mình.

Sau khi tốt nghiệp THPT thì mọi đối tượng (không phân biệt nam hay nữ) vẫn có thể tìm được việc làm theo nguyện vọng của mình, cũng như nhu cầu tuyển dụng thực tiễn hiện nay.

* Thưa ông Nguyễn Vui, với kinh nghiệm và thực tiễn đã trải qua, điều gì giúp ông thành đạt như hôm nay? (Trần Quân, 25 tuổi, quan.t@vmcad.com.vn)

- Ông Nguyễn Vui: Tôi có thói quen là học mọi lúc mọi nơi và với tất cả mọi người. Và nếu lỡ vấp ngã thì phải bật người đứng dậy, "thua keo này bày keo khác", không bao giờ nản chí.

Đúng ra, muốn thành công thì phải luôn luôn tự hoàn thiện mình để đạt được những tố chất cần thiết như nghị lực, ý chí và có lòng đam mê công việc mình đang theo đuổi. Trong trường hợp này cũng có thể ví như một cỗ xe có 4 bốn bánh và động cơ liên quan để vận hành. Nếu thiếu một trong những thứ đó thì thường sẽ gặp khó khăn và khó đi đến thành công.

* Hiện nay nhiều học sinh của chúng ta mong muốn vào đại học để tìm một tương lai tươi sáng hơn, nhưng hầu hết các sinh viên khi tốt nghiệp ra trường phần lớn là thất nghiệp hoặc là làm trái nghề, vậy theo ông, làm thế nào để thay đổi quan điểm này? (Nguyễn Thanh Bình, 23 tuổi, datquangnam92@gmail.com)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Chào em! Câu hỏi của em không dễ trả lời vì nó liên quan đến một loạt các vấn đề khác như quan điểm về đào tạo, chính sách, thị trường lao động ở tầm vĩ mô. Tuy nhiên với tư cách là một người đang giảng dạy đại học, tôi muốn nói với em rằng việc thất nghiệp một phần là do chính các em nữa. Trong khi học các em quá ư bị động, thiếu năng động và có phần chưa chăm chỉ (đồng ý không?). Tất cả những sinh viên nào tích cực, năng động trong khi học rất dễ kiếm việc làm sau khi ra trường. Hãy thay đổi chính mình trước.

* Gửi anh Vui và anh Dũng, liệu có nhiều cơ hội thành công cho người không có bằng đại học hay không? Hay là những người này phải rất may mắn và rất cố gắng vươn lên và đôi khi người ta hay gọi là "chỉ là hên" thôi!? (HÀN THUỶ, 23 tuổi, peihui2005@yahoo.com)

- Anh Nguyễn Trung Dũng: Em Thủy thân mến, câu trả lời của tôi là: Hoàn toàn có cơ hội thành công cho những người không có bằng đại học.

Theo quan niệm của tôi, sự thành công chủ yếu bắt nguồn từ sự nỗ lực của bản thân chứ không phải là học hàm, học vị. Và yếu tố may mắn tất nhiên cũng có nhưng không phải là yếu tố chủ đạo. Cho nên, sự cố gắng vươn lên như em đặt vấn đề hoàn toàn chính xác.

* Kính gửi chú Trung Dũng, được biết chú là người thành đạt từ một tấm bằng trung cấp, điều đó là một sự nỗ lực lớn của chú, vậy chú có lời nhắn nhủ gì đối với bọn cháu - những người khởi đầu với tấm bằng trung cấp "nhỏ bé" như chú trước đây? Chú có thông điệp gì gửi tới các công ty, các doanh nghiệp, các nhà tuyển dụng lao động hiện đang và sẽ tuyển ứng viên cho các vị trí làm việc? (Võ Trần Đức, 22 tuổi, cuontheochieugio_nv@yahoo.com)

- Anh Trung Dũng: Em Đức thân mến, xin trả lời em 2 ý như sau:

Thứ nhất: Em nên chấp nhận bất kỳ một công việc nào dù không đúng với chuyên môn em học, mục đích là để ổn định cuộc sống và lấy một số năm kinh nghiệm làm bàn đạp để xin một công việc tốt hơn. Song song với việc đi làm, em nên học thêm cao hơn. Kinh nghiệm của tôi cho thấy rằng người tốt nghiệp đại học đã có một số năm kinh nghiệm đi làm trước đó vẫn dễ dàng xin được việc tốt hơn là người vừa tốt nghiệp.

Thứ hai: Trong bài viết của tôi trên báo Tuổi Trẻ, tôi có gián tiếp đóng góp ý kiến với các nhà tuyển dụng lao động là không nên chú trọng quá nhiều về bằng cấp mà nên đặt nặng vào năng lực thực tế. Đó mới là điều kiện trước tiên khi tiếp nhận các ứng viên xin việc. Vì thực tế của tôi cho thấy rằng, các công ty nước ngoài mà tôi đã làm qua hầu hết không đòi tôi một mảnh bằng nào. Thay vào đó, người ta tổ chức phỏng vấn và sát hạch kỹ càng. Theo tôi, đó mới chính là cơ chế tuyển dụng tiên tiến.

* Hiện nay em đang học năm thứ 3 của đại học bách khoa, em thấy nhiều người học ít nhưng rất giàu có và hạnh phúc, em muốn bỏ học để đi làm ăn... em cần một lời khuyên! (nguyễn quốc tính, 22 tuổi, nguyenquoctinh2010)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Chào Quốc Tính, sao lại nghĩ như vậy? Bỏ học là rất không nên. Hãy tiếp tục học và kiên trì theo đuổi sự nghiệp của mình. Em có chắc là những người giàu có ít học thì hạnh phúc không? Coi chừng em lầm đó. Hãy hứa với tôi là em sẽ tiếp tục học nha!

* Em thấy thường thì tiêu chuẩn tuyển chọn việc làm ở các công ty là phải có bằng cấp mà ưu tiên là các bằng cao nhất hiện nay để chọn lọc hồ sơ, ít có công ty tuyển xét về năng lực ngoại trừ họ có ít hồ sơ, như thế làm sao tìm được việc khi không có bằng đại học? (Trân, 20 tuổi, honeynntt@yaoo.com)

- Cô Ngô Bích Phượng: Thực tiễn nhu cầu tuyển dụng hiện nay ở một số doanh nghiệp cần bằng ĐH là điều cần thiết để tuyển chọn nhân sự. Ngược lại một số doanh nghiệp lại đặt tiêu chí về năng lực lên hàng đầu khi xét tuyển nhân sự.

Tôi không biết hiện nay em đang học ở trường nào hay chỉ mới tốt nghiệp THPT. Theo tôi bất cứ một đối tượng nào dù ở trình độ thấp hay cao đều có thể tìm được việc làm theo nguyện vọng và khả năng của mỗi người.

Điều cần thiết khi tìm việc là em phải có sự tự tin và định hướng việc làm phù hợp với khả năng thực tiễn của mình.

* Nếu con cái của các bạn thi đại học năm đầu bị trượt thì các bạn có đăng ký học luôn trường nghề không hay là sang năm thi tiếp đại học? Theo các bạn thì hướng đi nào sẽ cho con em của các bạn có nhiều cơ hội thành đạt hơn? (Huy Hoang, 30 tuổi, hhoangvt@yahoo.com)

- TS Nguyễn Minh Hòa: Chào bạn! Việc cho con tiếp tục thi đại học tiếp tục hay không là một câu hỏi cho chính gia đình và cháu. Bởi vì nó phụ thuộc vào năng lực thật sự của cháu, tiềm lực kinh tế của gia đình và nguyện vọng của cháu nữa. Gia đình có thể cho cháu học trường nghề, đi làm một vài năm sau đó đi học ĐH cũng tốt. Hiện nay có rất nhiều loại hình đào tạo ở bậc ĐH. Chúc gia đình và cháu khoẻ!

* Tôi nhận thấy hiện nay hầu như học viên - sinh viên của trường CĐKT Cao Thắng ra trường đếu có việc và thu nhập ổn định. Cách dạy và học ở trường như thế nào để có một đội ngũ học viên - sinh viên có tay nghề vững vàng như thế? (NGUYỄN VĂN ANH, 33 tuổi, NTA10470@)

- Thầy Trần Tấn Dũng: Quan điểm xây dựng chương trình đào tạo của trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng là rất chú trọng đến khâu thực hành. Chúng tôi nghĩ rằng, người ta không thể học bơi bằng cách ôm nhiều sách giáo khoa và ngồi trên bờ hồ để đọc! Cách học bơi như vậy làm người học sẽ chết chìm khi rơi xuống nước. Tương tự như vậy với học nghề, HS phải được học, được làm, được làm việc trong môi trường sản xuất thực tế mới có thể tác nghiệp như một công nhân thực thụ.

Với chương trình đó, trong quá trình đào tạo chúng tôi cũng có một sự sàng lọc nghiêm ngặt. Những HS không đạt yêu cầu về chất lượng đào tạo đặc biệt và thiếu những phẩm chất cần thiết của một người thợ như tính kỷ luật, tính trung thực, cần cù và lòng yêu nghề... sẽ không đủ điều kiện để ra trường. Những HS đủ điều kiện tốt nghiệp đã chứng tỏ được sự trưởng thành không chỉ về mặt nghề nghiệp mà còn về mặt nhân cách nói chung. Chính điều đó đã giúp họ thành công trong công việc.

lKExnbZV.jpgPhóng to
* Cháu hiện là sinh viên năm hai trường ĐH Sư phạm kĩ thuật, cho cháu hỏi một câu: những sinh viên tốt nghiệp đại học như chúng cháu khi ra trường còn không có việc làm, vậy những người không có bằng đại học thì làm sao có việc làm? Và nếu có thì họ làm những công việc gì khi mà những người có bằng thất nghiệp? (phạm chí trung, 20 tuổi, cts_1985@yahoo.com)

- Ông Nguyễn Vui: Nếu bạn có bằng đại học mà chưa có việc làm thì đó là chưa tìm đúng chỗ hoặc do còn thiếu năng lực thực tế. Tôi nghĩ rằng hiện nay các doanh nghiệp rất cần những người có năng lực, ý chí và đạo đức tốt. Những bạn chưa có bằng đại học nhưng có ý chí và năng lực, trải qua các kinh nghiệm thực tế thì lại dễ có cơ hội hơn.

Tôi đã 10 năm sinh hoạt trong hội doanh nghiệp trẻ TP.HCM và là chủ nhiệm câu lạc bộ doanh nghiệp quận 2 nên tôi hiểu được các doanh nghiệp khác cũng cùng chung một quan điểm như tôi. Theo tôi, ngay từ lúc bạn đang còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn phải có óc quan sát về tất cả mọi sự vật, nhất là những cái liên quan đến ngành nghề chuyên môn của mình. Để khi ra trường, bạn đã có một số vốn kiến thức thực tiễn cộng với kiến thức đã được học trong nhà trường thì bạn sẽ có nhiều cơ hội hơn.

* Tôi đã tốt nghiệp ĐH Tổng hợp ngành Nga văn hệ chính quy, đã đi làm 10 năm nhưng vẫn chưa tìm được công việc phù hợp với khả năng của mình trong khi có những bạn trẻ chỉ mới tốt nghiệp sơ hoặc trung cấp cũng đã có chỗ đứng hẵn hoi. Có lúc, tôi cảm thấy tiếc vì quyết định chọn ngành của mình ngày xưa. Phải chăng ĐH thôi vẫn chưa đủ mà phải là học gì mới quan trọng? Tôi đã nhầm đường chăng? (Dao Thi Tuyet Nhanh, 36 tuổi, tuyetnhanh69yahoo.com)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Chào em! Câu trả lời đã nằm ngay trong câu hỏi của em rồi đó. Có nhiều người cứ nghĩ vào được ĐH đã rồi sau sẽ tính, có thể em là một trong số đó. Nếu có điều kiện, em nên quay lại trường học văn bằng 2, tiếng Nga hay Anh thực ra chỉ là công cụ thôi. Tuy nhiên em cũng đừng quá trách cứ mình như vậy, dù sao em cũng có trình độ học vấn ở bậc ĐH (educational level), có rất nhiều kiến thức trong trường ĐH giúp em vào đời tốt hơn phải không nào?

* Tôi không có khả năng học tiếp ĐH nên đã nghỉ học mấy năm nay, nay tôi rất muốn đươc đi học nghề, cho tôi hỏi có trường dạy nghề nào mà không cần phải thi đầu vào, khi học xong ra trường co thể dễ dàng kiếm việc không? (Huỳnh Bảo Toàn, 25 tuổi, huynhbichvanbaclieu@yahoo.com)

- Thầy Trần Tấn Dũng: Theo tôi biết, hầu hết các trường nghề trên địa bàn TP.HCM đều không tổ chức thi đầu vào hệ công nhân kỹ thuật. Điều kiện duy nhất bạn cần là phải tốt nghiệp THCS trở lên để theo học các lớp CNKT hệ chính qui. Nếu không có điều kiện theo học chính qui, bạn có thể ghi danh học các lớp đào tạo nghề ngắn hạn.

Nếu muốn dễ tìm việc làm, bạn có thể chọn những nghề: cơ khí, điện, điện lạnh, điện tử, hàn điện, may, công nghệ thực phẩm. Bạn có thể ghi danh học hệ đào tạo ngắn hạn ở trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (6-8 tháng tùy từng nghề), tại các trường nghề khác hoặc các trung tâm dạy nghề các quận huyện.

* Em luyện thi ĐH khoa CNTT của Bách khoa đã 2 năm. Cả 2 lần đều trượt vì chỉ thiếu 1,2 điểm. Em rất chán nản và quyết định luyện Anh văn và học tại các trung tâm đào tạo CNTT ở ngoài. Bạn bè nói em như thế là không tốt vì thà học CĐ Bách khoa vẫn có tương lai hơn vì môi trường ĐH có nhiều bạn bè và điều kiện để vươn lên. Hơn nữa, các công ty nước ngoài thường ưu tiên cho những ứng viên có bằng ĐH chính quy... Em rất băn khoăn... (Nguyen Minh Khoa, 20 tuổi, mkhoa05@)

- Cô Ngô Bích Phượng: Tôi xin chia buồn với em vì đã 2 lần thi trượt ĐH. Tất nhiên khi tốt nghiệp trường Bách khoa, người xin việc sẽ được ưu tiên xét tuyển hơn. Do đó theo tôi nếu như còn thời gian em nên quay lại học hệ CĐ của trường Bách khoa.

Tuy nhiên em không nên băn khoăn, chán nản khi mình học ở đâu. Điều quan trọng là dù học ở bất cứ trường nào, phải cố gắng học thật giỏi, phải biết gắn kết giữa lý thuyết và thực hành để dễ dàng tìm được việc làm sau này.

* Xin hỏi ông Nguyễn Trung Dũng, ông là một người được làm tại nhiều công ty lớn khác nhau, tuy nhiên sẽ có rất ít người có may mắn như ông, mặt khác nhiều người Việt Nam còn có thói quen ngại thay đổi công việc. Vậy theo ông điều gì làm ông thay đổi công việc của mình, đối với những người đi lên bằng con đường học nghề liệu có nhiều cơ hội để thay đổi công việc không? (Trần Đình Phong, 32 tuổi, trandinhphongbidv@yahoo.com)

- Anh Nguyễn Trung Dũng: Anh Phong thân mến, điều làm tôi thay đổi nhiều công việc chính là sự mong muốn tìm kiếm một cơ hội tốt hơn trong công ăn việc làm của mình. Trong số các công ty mà tôi đã làm qua, có nhiều công ty đóng cửa giải thể (ví dụ một công ty dầu khí mà tôi đã làm phải đóng cửa do thăm dò không tìm được nguồn dầu). Đó cũng là một trong những lý do mà tôi đổi việc khá nhiều trong suốt mười mấy năm qua.

Theo tôi, những người đi lên bằng con đường học nghề hoàn toàn có nhiều cơ hội để thay đổi công việc tốt hơn. Quan trọng nhất là nỗ lực bản thân của họ và họ phải biết nắm bắt cơ hội đúng thời điểm. Và trong quá trình đi làm, anh nên tiếp tục học lên để củng cố kiến thức của mình và nắm bắt được những kỹ thuật tiên tiến để đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng ngày càng cao theo xu hướng hiện nay.

* Xin hỏi ông Hoà, theo ông, ở nước ta hiện nay đang thiếu những lao động có trình độ như thế nào? (nguyễn văn dũng, 26 tuổi, vandung_bao24b@yahoo.com)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Chào anh Dũng. Ở đất nước ta hiện nay đang thiếu hai loại lao động: thứ nhất là lao động có tay nghề cao ngang tầm khu vực, chẳng hạn công nghệ thông tin, cơ khí. Thứ hai là lao động bậc cao ở khu vực dịch vụ, mà người ta nói là các lao động "cổ cồn trắng". Các trường ĐH đào tạo ra các cử nhân, kỹ sư rất thiếu các kỹ năng thực hành. Anh sẽ rất buồn khi thấy trong các công ty lớn của nước ngoài đang ở VN có rất ít các chuyên viên Việt Nam.

TP.HCM đang hướng tới một cơ cấu kinh tế Dịch vụ - Thương mại - Công nghiệp - Nông nghiệp, trong đó dịch vụ là 67% vào năm 2020, nhưng tình hình như hiện nay là một thách thức lớn.

* Tại sao có nhiều công ty lại đòi hỏi bằng cấp rất khắt khe (nhất là của nhà nước) trong khi một số công ty chỉ cần kiểm tra khả năng làm việc (đa số là tư nhân), như vậy cho thấy các công ty của nhà nước không linh động? Trong khi ở VN hiện nay, trường đào tạo nghề phải nói là không ít. Nếu chỉ chú trọng bằng cấp mà quên đi khả năng làm việc như vậy sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sao? Ông nghĩ gì về vấn đề này? Theo ông, một công ty cần hiểu như thế nào cho thỏa đáng về năng lực làm việc thực sự (được công ty kiểm tra) và năng lực bằng cấp? (Tan, 22 tuổi, nicktan28@yahoo.com)

- Ông Nguyễn Vui: Theo tôi, các công ty chỉ tuyển dụng nhân sự qua bằng cấp thì có vẻ cứng nhắc. Khả năng làm việc của con người vẫn là tiêu chí hàng đầu khi tuyển dụng. Đây cũng là do quan niệm của xã hội và gia đình, trở thành áp lực cho các bạn trẻ về bằng cấp. Ông Masushita, chủ tịch tập đoàn Panasonic, chỉ mới học tới lớp 6 mà doanh số của tập đoàn này năm 2002 là 51 tỉ USD với 292.000 nhân viên trên toàn thế giới. Việt Nam chúng ta có 80 triệu dân mà GDP chỉ có 40 tỉ USD. Điều này để khẳng định rằng, bằng cấp không phải là một cái chìa khóa vạn năng để trở thành rồng.

* Em thi ĐH lần thứ ba mà vẫn trượt. Em đang rất hoang mang và rất cần một lời khuyên... (dong thi huong, 20 tuổi, saodoingoi_hy85@)

- Cô Ngô Bích Phượng: Tôi xin chia buồn cùng em vì đã 3 lần thi trượt ĐH. Em không nên hoang mang mặc dù mình có nhiều nỗi buồn dù không đạt được mục đích của mình.

ĐH không phải là con đường duy nhất. Hiện nay bạn có 2 giải pháp, một là tiếp tục luyện thi ĐH khi bạn quyết tâm muốn có bằng ĐH, hai là bạn có thể học bất kỳ một trường nào dù là CĐ hay là Trung học chuyên nghiệp.

Theo tôi thì bạn nên chọn một trường CĐ hay một trường Trung học chuyên nghiệp nào đó theo ngành học mong muốn vì hiện nay các nhà tuyển dụng không chỉ chọn những ứng viên có bằng ĐH mà họ còn chọn những ứng viên có bằng cấp tương đương.

Điều quan trọng là bạn phải xác định là năng lực của mình phù hợp với vị trí và ngành nghề nào.

* Theo tôi quan trọng không phải là học ở ĐH hay trường nghề. Điều quan trọng là trong thời gian học tập chúng ta có trau dồi được những kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp hay không. Với cương vị đại diện một trường nghề uy tín, xin ông cho biết việc đào tạo nghề trong các trường nghề ở nước ta hiện nay cần phải có những thay đổi gì để đáp ứng được những yêu cầu về nhân lực mà XH đang cần? (nguyễn văn dũng, 26 tuổi, vandung_bao24b@yahoo.com)

- Thầy Trần Tấn Dũng: Thực tế sản xuất ở các doanh nghiệp luôn được cập nhật thiết bị và công nghệ mới thường xuyên. Điều này đặt ra thách thức cho các trường nghề: làm sao theo kịp thực tế sản xuất? Muốn làm được điều này, các trường phải có kinh phí để trang bị các mô hình, trang thiết bị hiện đại có tính hệ thống. Dù như vậy, cái mà HS học được ở trường luôn chỉ là cơ sở để giúp họ có đủ khả năng nắm bắt được công nghệ mới. Ở một số nước, HS nghề được thực tập trên chính những thiết bị mà họ sẽ sử dụng trong các doanh nghiệp sau này. Tôi nghĩ rằng đây cũng là một hướng mà chúng ta cần xem xét.

L1AlJF4J.jpgPhóng toToàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến

* Cháu 16 tuổi, và cháu quyết định theo ngành đồ hoạ nhưng không học ĐH sau khi tốt nghiệp mà là học những trường chuyên về đồ họa trong vài năm để lấy bằng. Xin hỏi liệu như thế có khả thi không khi mà thông tin tìm việc cháu tham khảo trên báo Tuồi Trẻ (và cả 1 số báo khác) đều lấy yêu cầu có bằng ĐH làm hàng đầu? Rất mong được các bác trả lời để cháu xác định đúng con đường đi của mình. Xin cám ơn! (Aukio, 16 tuổi, aukio248@yahoo.com)

- Cô Ngô Bích Phượng: Bạn đã quyết định học ngành đồ họa là rất đúng vì hiện nay ngành này là một trong những ngành nghề rất cần lao động.

Một lần nữa tôi phải nhắc lại ĐH không phải là con đường duy nhất khi vào đời. Theo tôi bạn cần phải học tốt, ngành đồ hoạ cần thực hành rất nhiều do đó trong quá trình học bạn phải cố gắng thực hành thật nhiều (chẳng hạn thiết kế logo, chế bản), chú trọng vào các chương trình Corel, Photoshop và 3dMax... để dễ dàng tìm được việc làm sau này.

* Người thành đạt có bằng đại học thì có rất nhiều, còn người không có bằng đại học thành đạt thì có được bao nhiêu? Nếu tôi tin vào mình và phấn đấu để có được mảnh bằng đại học thì tại sao lại không đáng được khuyến khích? Liệu tôi sẽ ân hận khi sau này khi mình đã chọn nhầm con đường mà lẽ ra mình đã chọn nếu như tôi không chịu phấn đấu mà theo con đường học nghề? (Huy Hoang, 30 tuổi, hhoangvt@yahoo.com)

- Ông Nguyễn Vui: Nếu bạn có được bằng đại học thì vẫn tốt hơn. Tuy nhiên, nếu bạn đã ngủ quên trên chiến thắng thì coi chừng bạn về đích vẫn sau người không có bằng đại học.

"Giọt nước làm mòn tảng đá không phải bằng lực mà bằng tần số nhỏ giọt của nó", cũng như vậy, con người hiểu biết không phải ở bằng cấp mà bằng tính liên tục học tập của mình, Mudro đã nói như thế.

Có nhiều doanh nhân trên toàn thế giới chọn con đường học nghề để rồi trở thành chủ tịch các tập đoàn làm hãnh diện cho quốc gia của họ. Bạn nên tìm hiểu về lịch sử của các danh nhân, bạn sẽ thấy điều đó. Quan trọng hơn hết là bạn cần có lòng đam mê và quyết đoán khi chọn lựa con đường đi cho mình, theo đuổi để có được thành công.

* Khi thi rớt vào đại học của một ngành thuộc trường mà mình đã chọn cho tương lai và rất phù hợp với khả năng cuả mình, nhưng do thi lần đầu chưa có kinh nghiệm cho nên thi bị hỏng. Vậy xin hỏi có nên ôn để năm sau thi lại hay là chọn một ngành thuộc trung cấp hay cao đẳng nào đó? Em nghe các anh chị đã đi làm nói "khi ra làm việc mà bằng cấp thấp, dù mình có làm việc giỏi hơn vẫn có thu nhập thấp hơn những người làm dở hơn mà có bằng cấp cao hơn". Xin quí vị khách mời cho tôi một lời khuyên, xin cám ơn. (Trần Quốc An, 19 tuổi tuổi, tqavitinh@yahoo.com)

- Thầy Trần Tấn Dũng: Không phải ở đơn vị nào cũng áp dụng khung lương theo kiểu ĐH lương cao hơn trung cấp. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp áp dụng hình thức trả lương theo công việc của người lao động. Trong trường hợp này, người ta không phân biệt bằng cấp khi trả lương. Vấn đề của em là hãy chọn một ngành nghề nào mà mình yêu thích và phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh của mình.

* Theo tôi, nên xem xét đề tài về việc khuyến khích và tạo điều kiện để tầng lớp lao động nghèo, những người có học lực trung bình và yếu, những người còn có khả năng nhưng không có hoài bão, không có tham vọng, không biết lựa chọn con đường vào đời... để họ có được một nghề trong tay và như vậy họ có khả năng tự làm giàu cho mình, có cơ hội để thành đạt... Xin hỏi ý kiến của các bạn đối với điều này như thế nào? (Huy Hoang, 30 tuổi, hhoangvt@yahoo.com)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Tôi hoàn toàn đồng ý với anh như vậy. trong những năm gần đây chính phủ đã chú ý nhiều hơn tới các nhóm người nghèo, không có điều kiện học lên, nhưng như anh biết, ngân sách của quốc gia còn rất eo hẹp, do vậy việc huy động các nguồn lực xã hội là cần thiết. Các nước khác họ rất chú trọng vào việc này. Ví dụ các công ty, các nhà doanh nghiệp phải nộp thuế "tái đào tạo", ở VN có tình trạng các ông ty sử dụng các kỹ sư và cử nhân nhưng không phải mất một đồng nào là điều cực kỳ vô lý. Điều này cần phải đưa vào trong luật.

* Hiện nay trên báo chí đăng tin tuyển dụng hầu hết đều đòi hỏi có bằng Đại học. Phải chăng XH Việt Nam đang có xu hướng coi trọng bằng ĐH và lấy bằng ĐH làm thước đo cho chất lượng người lao động mà quên đi hoặc ít quan tâm đến công nhân kỹ thuật? Tại sao lại có sự phân biệt người có bằng ĐH lương cao hơn người có bằng Công nhân hoặc Trung cấp trong khi họ điều làm một công việc như nhau? (Trần ngọc Võ, 20 tuổi, ngocvo105@yahoo.com)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Việc trả lương theo bằng cấp chủ yếu tồn tại trong các cơ quan nhà nước, còn các công ty tư nhân, công ty nước ngoài trả lương theo công việc và năng lực thực tế. Tôi biết là nhà nước cũng đang cải tiến chế độ lương theo năng lực hơn là bằng cấp. Việc tuyển dụng đòi hỏi bằng cấp ĐH cho tất cả mọi vị trí là không đúng, tuy nhiên tôi biết đó chỉ là thông tin thi tuyển thôi, còn khi tuyển dụng thực tế thì năng lực quan trọng hơn là bằng cấp.

* Em đã thi ĐH năm nay và không đỗ. Quê em thì không có việc gì làm cả. Em và gia đình dự định thi đại học năm nữa vì không còn con đường lựa chọn nào khác. Em có thể có hướng đi nào khác cho tương lai của mình không? (đào minh ngọc, 19 tuổi, dvd_nghean@yahoo.com)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Em nên suy nghĩ kỹ khi quyết định hướng đi của mình. Em có thể đi học các trường nghề hoặc ở lại quê hương tham gia vào việc phát triển ngay quê hương của mình. Các xã rất cần đội ngũ cán bộ trẻ, có năng lực. Tôi tin là em sẽ tìm thấy nguồn vui và công việc ngay trên quê hương của mình.

* Tôi đã TN TH Tin học kinh tế, hiện là cán bộ phòng tiêu thụ của một công ty. Công việc hiện tại có thể nói là tuyệt vời nhưng tôi vẫn không yên tâm với vị trí của mình. Tôi lo với trình độ trung cấp sẽ không bền vững với công việc nhưng lại không có điều kiện học nâng cao? Tôi phải làm gì? (Vu Van Thanh, 30 tuổi, Vu_Thanh1176@Yahoo.com.vn)

- Ông Nguyễn Vui: Học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã từng nói: "Cuộc đời là một trường Đại học tổng hợp", nên đâu nhất thiết phải mài đũng quần trên ghế nhà trường mới là học. Với thời đại văn minh hiện nay, bạn có thể tiếp cận thông tin, học tập qua sách vở, Internet, các khóa học của đại học từ xa. Tại sao không?

Tôi xuất thân với những điều kiện còn tệ hơn bạn nhiều. Sau giải phóng, sách báo rất khan hiếm. Ở kinh tế mới cũng không có trường học. Internet là một điều mà tôi chưa có khái niệm lúc bấy giờ. Nhưng khi trở về Sài Gòn chưa đầy 6 tháng thì tôi đã trở thành quản đốc. Bạn nên suy nghĩ thêm về điều này. Trong Tam Quốc Chí, Khổng Minh cả đời chưa ra khỏi túp lều tranh mà đoán được Trung Hoa sẽ trở thành "chân Vạc".

* Em đã học năm thứ 3 rồi, nghĩ đến ngày tốt nghiệp mà không tìm được việc làm thấy lo. Và em bắt đầu cảm nhận rằng ĐH không phải là con đường duy nhất, vì vào được ĐH rồi thì cũng chưa chắc có được 1 việc làm như ý. Giờ em phải làm sao? (minh tuan, 20 tuổi, thtran2903@)

- Cô Ngô Bích Phượng: Đã học rồi thì phải cố gắng học, không nên hoang mang và lo lắng. Phải có sự tự tin vào năng lực và khả năng của chính mình.

Tất nhiên ĐH không phải là con đường duy nhất. Hiện nay thông tin tuyển dụng đa ngành nghề nhưng điều tiên quyết là năng lực và kết quả học tập của bạn trong ĐH.

Thực trạng hiện nay một số bạn đã tốt nghiệp ĐH vẫn làm trái nghề hoặc không có việc làm bởi vì những bạn này có thể đã sai lầm trong quá trình chọn ngành học. Ví dụ một số ngành mà khi tốt nghiệp ra trường nhưng SV vẫn thất nghiệp nhiều như: hoá thực phẩm, kế toán, quản trị kinh doanh...

Lý do chủ yếu là do thiếu kinh nghiệm thực tiễn và tỷ lệ tốt nghiệp của SV ở những ngành là quá cao do đó các nhà tuyển dụng không thể chọn hết được.

* Trước đây vì không có tiền học đại học nên tôi phải học trung cấp rồi lên Cao đẳng, nhưng giờ tôi "bị" xếp lương vào bậc 4/12 Trung cấp, thử hỏi Đại học có phải là trên hết không? Nếu làm công ty nước ngoài thì không cần đại học, chứ nếu làm công ty nhà nước thì đừng mơ, phải có bằng đại học mới an tâm công tác được đó, dù đó là đại học nào, hệ gì và khi tốt nghiệp đạt loại gì cũng được. Bằng đại học là Bùa hộ mạng - đúng không ? (Phùng Hải, 28 tuổi, phunghaihn@vnn.vn)

- TS Nguyễn Minh Hoà: Chắc chắn bằng ĐH không phải là bùa hộ mệnh rồi. Bạn hãy nhìn ra xung quanh sẽ thấy có nhiều người có bằng ĐH nhưng không tìm được việc làm thích hợp bởi vì tấm bằng không phản ánh đúng năng lực của họ. Một điều dở của ĐH VN là có vào là có ra, nên một số người có bằng chỉ là hình thức, tuy nhiên tôi muốn nói với em rằng thị trường lao động có sự chọn lọc rất cao thông qua sự cạnh tranh.

* Là một HS vừa tham gia trong kì thi tuyển sinh vừa rồi, em hiểu và đồng ý với suy nghĩ ĐH không phải là con đường duy nhất. Thế nhưng, theo em, hiện nay các trường dạy nghề, THCN thì công tác thông tin tuyên truyền còn chưa lan rộng. Nhiều bạn có ý định học THCN nhưng thông tin ít quá, và cũng không có ai thuyết phục, động viên, thế là các bạn nhào vô thi ĐH để rồi thi rớt, xong lại muốn luyện thi. Từ góc độ của một trường dạy nghề có chất lượng, thầy nghĩ sao về vấn đề này ạ?(poemflower, 18 tuổi, poemflower2412@yahoo.com).

- Thầy Trần Tấn Dũng: Tôi đồng ý với nhận xét của em trong chuyện này. Đặc biệt, ở các vùng sâu, vùng xa các tỉnh, thông tin về các trường nghề còn rất ít. Mặc dù bộ vẫn có hình thức thông tin tuyển sinh nhưng chỉ mới dừng lại ở quyển "Những điều cần biết về tuyển sinh THCN" hàng năm; thiếu những kênh thông tin tuyên truyền khác (chẳng hạn như: truyền hình, báo chí, Internet). Tôi nghĩ rằng, không chỉ có bộ mà chính các trường nghề cũng phải chú trọng hơn đến việc này.

* Bọn cháu có thể làm gì sau khi thi không đỗ? (dương quốc cương, 19 tuổi, quoccuong1408@yahoo.com)

- Anh Trung Dũng: Em Cương thân mến, có rất nhiều người từ cổ chí kim không hề đỗ đạt nhưng vẫn rất thành công. Cho nên, nếu thi không đỗ, em nên chọn một trường dạy nghề và ghi danh học ngành nghề mình yêu thích để sau khi tốt nghiệp em cũng có một nghề để mưu sinh.

Năm 1985, khi không đỗ vào đại học tổng hợp (tôi bị thiếu 0,5 điểm để đậu vào khoa Anh văn), tôi chấp nhận nguyện vọng 2 là theo học Trung cấp thương nghiệp thủa ấy. Sau khi tốt nghiệp trung học thương nghiệp, tôi làm đủ mọi việc như là: áp tải hàng công nghệ xuống các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long, làm nhân viên thu mua nông sản, nhân viên bán hàng... Các công việc đó rất gian khổ, nhưng tôi vẫn chấp nhận vì tôi muốn tích lũy kinh nghiệm làm việc làm tiền đề để xin các công việc tốt hơn về sau. Song song đó, tôi vẫn tiếp tục học các khóa ngắn hạn đào tạo về những kỹ năng cần thiết như là nghiệp vụ kế toán, Anh văn giao tiếp, vi tính văn phòng...

Năm 1990, tôi đang phụ trách công việc xuất nhập khẩu thanh toán quốc tế cho một ngân hàng VN thì biết tin Nisso Iwai (một công ty của Nhật) đang có nhu cầu tuyển dụng nhân viên kinh doanh thông qua công ty Fosco. Đây là công ty nước ngoài đầu tiên tôi nộp đơn xin việc và được nhận vào làm. Hồ sơ xin việc của tôi lúc đó chỉ có một đơn xin việc và sơ yếu lý lịch bằng tiếng Anh. Lúc này tôi đã có 3 năm kinh nghiệm đi làm ở các công ty VN. Lời khuyên của tôi là: em nên vừa đi làm vừa học lên cao hơn.

- Ông Nguyễn Vui: Do định hướng đã xác định của mỗi người mà bạn có thể học tiếp hoặc chọn một ngành nghề mà bạn yêu thích. Nếu bạn giỏi, bạn vẫn thành công như thường. Trên thế giới, nhiều doanh nhân cũng không đỗ đạt nhưng vẫn thành công, như Bill Gate chẳng hạn.

* Hiện nay tôi đã trở thành một nhà trợ lý đắc lực, một người chuyên nghiên cứu các chiến lược kinh doanh và sáng tạo để ứng dụng các công nghệ cho một số đơn vị hoạt động trong lĩnh

TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên