17/08/2017 08:11 GMT+7

​Nước nóng hay nước lạnh giúp cơ thể mát hơn?

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Trời nóng hoặc vận động nhiều gây khát nước, bạn thường uống nước nóng hay nước lạnh cho đã khát? Hẳn là nhiều người sẽ bảo: "Hỏi thừa, tất nhiên là uống nước lạnh".

Nước nóng kích thích quá trình đổ mồ hôi nhiều hơn, qua đó giải phóng nhiệt nhiều hơn so với nước lạnh - Ảnh: YouTube
Nước nóng kích thích quá trình đổ mồ hôi nhiều hơn, qua đó giải phóng nhiệt nhiều hơn so với nước lạnh - Ảnh: YouTube

​Mỗi khi hè đến, Ollie Jay - trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng nhiệt ở Đại học Sydney, nhận được rất nhiều câu hỏi về việc uống nước nóng có thể làm cơ thể mát hơn khi uống nước lạnh?

Khi còn công tác ở Đại học Ottawa, Ollie Jay đã đăng báo một nghiên cứu cho rằng thức uống nóng có thể giúp bạn giải nhiệt tốt hơn, ít nhất là ở một mức độ nào đó.

Cụ thể, Jay và cộng sự đã theo dõi số liệu của 9 thanh niên chạy xe đạp kèm theo quạt thổi mồ hôi trong vòng 75 phút. Sau đó, những thanh niên này được cho uống các cốc nước, từ nước đá ở nhiệt độ 2oC đến nước nóng ở nhiệt độ 55oC.

Nhóm nhận thấy khi chạy xe đạp và uống nước nóng, các tình nguyện viên đã giải phóng thêm 56 kilo jun nhiệt so với khi uống ở nước nhiệt độ phòng. Trong khi đó, khi uống nước lạnh, con số này chỉ là 21 kilo jun.

“Kết quả này thật mâu thuẫn với quan niệm thông thường”, Jay nói. Theo nhóm nghiên cứu, nước lạnh cho cảm giác mát thoải mái khi đi vào cơ thể, nhưng thực sự đã không làm bạn mát hơn bởi nó hạn chế quá trình thoát mồ hôi của bạn.

Quá trình thoát mồ hôi rất quan trọng. Với mỗi gram mồ hôi thoát ra từ da, bạn sẽ giảm xấp xỉ 2,43 kilo jun nhiệt lượng. Ở người uống nước nóng, cơ thể sẽ tăng 52 kilo jun nhiệt lượng, tuy nhiên lại giảm 108 kilo jun nhiệt lượng thông qua quá trình thoát mồ hôi.

Điều ngược lại sẽ xảy ra khi uống nước lạnh. Nước lạnh giúp giảm 138 kilo jun nhiệt lượng tuy nhiên có đến 159 kilo jun vẫn nằm trong cơ thể khi không được thoát khỏi da. Khi họ uống nước ở nhiệt độ phòng, lượng nhiệt tăng thêm so với lượng nhiệt mất đi gần như bằng nhau.

Nhóm nghiên cứu sau đó tiếp tục thực hiện một số thí nghiệm bên trong cơ thể. Theo đó, các tình nguyện viên sẽ được “rửa” miệng với nước ở nhiều nhiệt độ khác nhau, và được “bơm” nước trực tiếp vào dạ dày mà không thông qua miệng.

Kết quả cho thấy, nước khi ở miệng không làm thay đổi lượng mồ hôi thoát khỏi cơ thể, tuy nhiên nước được đưa trực tiếp vào dạ dày thì có: nước nóng kích thích mồ hôi nhiều hơn nước lạnh.

Tuy nhiên, nghiên cứu vẫn có những hạn chế. Nhiệt lượng do bốc hơi không phải là tất cả yếu tố làm cho cơ thể mát mẻ. Đồng thời, khi tiến hành thí nghiệm, nhóm của Jay đã đặt quạt trước các tình nguyện viên để đảm bảo tất cả mồ hôi sinh ra đều được bốc hơi. 

Do đó, nếu trên cơ thể vẫn còn mồ hôi, bạn chắc hẳn sẽ không cảm thấy mát. Hơn nữa, trong cơ thể người không phải chỉ có miệng và dạ dày là chứa những thụ thể cảm nhận nhiệt. Điển hình khi chèn nước đá ở sau gáy, cơ thể sẽ cảm thấy thật thoải mái.

Theo tạp chí Popular Science, cần thêm nhiều nghiên cứu để biết chính xác uống nước nóng hay uống nước lạnh sẽ làm mát cơ thể hơn trong những ngày nóng.

Tuy nhiên theo Jay, để giảm nhiệt độ cơ thể những ngày nóng, cách hay nhất là ở trong bóng mát hoặc ít nhất là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên