12/11/2014 17:51 GMT+7

Tàu vũ trụ châu Âu thả robot lên bề mặt sao chổi

NGUYỆT PHƯƠNG
NGUYỆT PHƯƠNG

TTO - Ngày 12-11, tàu vũ trụ Rosetta của Cơ quan Không gian châu Âu (ESA) bắt đầu thả robot Philae lên bề mặt của sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko.

Hình minh họa cảnh robot Philae tách khỏi tàu Rosetta - Ảnh: AFP

Theo AFP, đây là lần đầu tiên con người thực hiện sứ mệnh hạ cánh lên bề mặt sao chổi. Chuyên gia ESA Andrea Accomazzo cho biết tàu Rosetta bắt đầu thả robot Philae từ lúc 3g35 (giờ Việt Nam).

“Philae đã rời khỏi tàu Rosetta và đang trên đường trở thành vật thể đầu tiên hạ cánh lên bề mặt một sao chổi” - chuyên gia Accomazzo tuyên bố.

Robot thí nghiệm Philae nặng khoảng 100 kg và mang theo 10 thiết bị khoa học khác nhau để thực hiện các cuộc thí nghiệm.

Hiện sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko đang lao về phía mặt trời ở vị trí cách trái đất hơn 500 triệu km.

Sao chổi được cấu tạo từ băng và bụi carbon. Các nhà thiên văn học cho rằng sao chổi nắm giữ bí mật về sự hình thành của hệ mặt trời từ 4,6 tỉ năm trước đây, và có thể là cả nguồn gốc của sự sống.

Nếu tất cả diễn ra thuận lợi, ESA sẽ tiếp nhận tín hiệu của Philae trên bề mặt sao chổi vào lúc 23g đêm 12-11.

“Giờ tất cả phụ thuộc vào các nguyên tắc vật lý. Chúng ta đang trên đường tới bề mặt sao chổi. Tôi không có móng tay nên sẽ không cắn chúng khi chờ đợi” - cố vấn khoa học ESA Mark McCaughrean bày tỏ sự háo hức và hồi hộp.

Philae phải tiếp cận sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko với tốc độ 3,5 km/g và bắn hai móc câu lên bề mặt sao chổi.

Dự kiến móc câu sẽ đâm sâu 2,5m trên bề mặt sao chổi. Mọi thử nghiệm trước đó đều cho thấy tàu Rosetta và Philae vận hành tốt.

ESA đưa ra sáng kiến Rosetta trị giá 1,6 tỉ USD từ thập niên 1980 và đến năm 2004, nó được phóng lên không gian. Sau 10 năm, Rosetta đã tiếp cận được với sao chổi 67P/Churyumov-Gerasimenko hồi tháng 8 năm nay.

NGUYỆT PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên