20/05/2015 12:46 GMT+7

“Tiếc gì cái giấy khen hả thầy?”

DŨNG MẠNH (Thanh Hóa)
DŨNG MẠNH (Thanh Hóa)

TT - Hôm tôi thông báo bảng điểm của học sinh đến từng phụ huynh thì nhận được một số sự phẫn nộ.

minh hoa DAD
minh hoa DAD
Chuyện thầy cô cho điểm “khống”, để rồi học trò nườm nượp đi nhận giấy khen “khống” không còn lạ gì ở nhiều nơi

“Tại sao mấy năm trước con tôi đều là học sinh giỏi, sao năm nay vào lớp thầy chủ nhiệm cháu lại học thụt lùi thế này?”, rồi: “Điểm thế này khác nào đẩy con tôi vào thế bí”...

Khi lên danh sách khen thưởng, lớp tôi sĩ số 46 học sinh nhưng chỉ có năm em là học sinh giỏi, chín là học sinh tiên tiến.

Tôi đã thông báo rõ ràng tình hình này với phụ huynh (qua thư điện tử) và học sinh thì nhận được những phản hồi buồn.

Có người mẹ cứ khăng khăng cho rằng tôi thiên vị những em khác, xóa tên con chị ra khỏi danh sách. Phụ huynh ấy còn chỉ trích tôi cứng nhắc. Duy chỉ có vài phụ huynh nói lời cảm ơn thầy cô.

Mặc kệ lời giải thích cặn kẽ của tôi về lực học, những điểm yếu, mạnh của các em, những lý do các em chưa xứng đáng nhận được giấy khen cũng không đủ làm vừa lòng phụ huynh. Phải nhận tiếng “ác” khi để học trò về nghỉ hè mà không có nổi một cái giấy khen, tôi thấy tủi với nghề.

Nhìn sang những lớp bên cạnh, số lượng học sinh đạt giấy khen chiếm tỉ lệ rất cao. Tôi dạy môn toán nhiều lớp nên nắm khá rõ em nào chăm học, em nào lười. Có em tôi được biết rất hay trốn học ra quán nước ngồi.

Vậy mà khi nhìn thoáng qua danh sách thấy em cũng được giấy khen, tôi tròn mắt ngạc nhiên nói với cô chủ nhiệm lớp đó: “Có nhầm lẫn gì không vậy cô Vân? Nếu tôi không nhầm thì cậu học trò này thường xuyên quấy phá lớp và hay trốn học, bùng tiết mà?”.

Đồng nghiệp của tôi xua tay: “Tiếc gì cái giấy khen hả thầy? Lớp được nhiều giấy khen mình cũng đỡ mất mặt với đồng nghiệp”.

Nhìn cảnh học trò đổ xô đi nhận giấy khen như những năm trước mà tôi chán nản với cái danh thầy giáo. Chuyện thầy cô cho điểm “khống” để rồi học trò nườm nượp đi nhận giấy khen "khống” không còn lạ gì ở nhiều nơi. Tổng kết cuối năm học, không riêng trường tôi mà nhiều trường khác đều rải giấy khen. Có người bạn còn đùa: “Đã đi học là sẽ được giấy khen”.

Có đồng nghiệp tâm sự với tôi là luôn phải băn khoăn khi đặt bút cho điểm. Đau đầu nhất là một vài phụ huynh đến để nói khéo. Nể phụ huynh, thương học sinh, nhiều lúc cô bảo cứ phải nhắm mắt làm liều.

Có lần tôi từ chối thêm điểm thì nhận được lời trách móc thẳng thừng: “Thầy giáo gì mà ki bo, chẳng thoáng tính chút nào. Tôi đã nói hết lời rồi mà thầy vẫn không nới tay, đàn ông đàn ang gì mà như thế!”.

Cứ nghĩ đến những lời trách móc nặng nề của phụ huynh xung quanh cái giấy khen mà tôi nản. Có người mẹ còn kể lể rằng con học cực nhọc bao nhiêu, vất vả thế nào, phụ huynh tốn tiền tốn của, tốn công đưa đón mà cuối năm con không có nổi một danh hiệu động viên.

Vì thành tích của lớp, của trường nên nạn rải giấy khen đang diễn ra nhan nhản. Cũng có nhiều lý do: như các thầy cô chủ nhiệm có nhiều học sinh khá, giỏi sẽ được thưởng; ngược lại lớp nào có tỉ lệ giỏi, tiên tiến thấp hơn so với lớp khác nhiều khi cô giáo còn phải viết bản kiểm điểm, bị cắt thi đua.

Phóng tay với các em để rồi sau đó rất nhiều em không biết người biết ta, ảo tưởng về bản thân, thất bại khi đối mặt với các kỳ thi quan trọng sau này. Lỗi này thuộc về ai? Vì nhà trường muốn thi đua để được “chuẩn”? Vì thầy cô không muốn thua kém, không muốn mất mặt với đồng nghiệp? Vì kỳ vọng quá lớn của phụ huynh?

Có một đồng nghiệp khuyên tôi: “Thầy cứ quan trọng hóa vấn đề. Thêm bớt vài cái giấy khen có chết ai đâu”.

Nghe thế, tôi cho rằng thầy cô nên nghiêm túc đánh giá, minh bạch trong việc lựa chọn những em thật sự xứng đáng để khen thưởng thì lại bị cho là bảo thủ. Nhưng tôi thật sự lo ngại với tình trạng tỉ lệ học sinh được giấy khen ảo ngày một cao. Lẽ nào tôi đang đi ngược lại với số đông?

Mong con đừng là học sinh giỏi

Mấy hôm nay cơ quan tôi rộ lên chuyện điểm chác, danh hiệu của con. Có người tự hào về danh hiệu học sinh xuất sắc con đem về. Nhưng cũng có người mẹ lại cho rằng con đạt học sinh giỏi là quá sức tưởng tượng. Một chị còn thẳng thừng tuyên bố: “Bây giờ tưởng con học trung bình mà dễ à?”.

Con tôi đang học lớp 8 tại một trường ở Hà Nội. Khi thi khảo sát học kỳ 2, điểm của cháu chỉ toàn 5 - 6, thậm chí có một môn 4 và 3. Tôi có phản ảnh với cô giáo chủ nhiệm là tại sao điểm kiểm tra của con tôi luôn cao chót vót, vậy mà mới thi thử con tôi đã “trượt” đau như vậy?

Trước sự hoài nghi của tôi về điểm số hằng ngày thầy cô bộ môn cho, cô giáo thanh minh: “Thi thử nên đề thường khó hơn thi thật, không chỉ con chị mà đa số các em đều lắc đầu kêu khó”.

Thế mà đến khi thi thật điểm con toàn 9 với 10, nhất là con lại còn thuộc diện học sinh giỏi nữa chứ. Khi hỏi lớp có bao nhiêu học sinh giỏi như con thì được biết 37 / 41 bạn là học sinh  giỏi.

Tại sao thi thử con rỗng tuếch mà thi thật lại “ngon lành” đến vậy? Như lời con nói, là cũng như những năm trước, cô giáo đã “chỉ điểm” cho lớp ôn mảng nào, mục nào, dạng bài nào rất kỹ.

Kèm con học, tôi phát hiện con rất “non” các môn tự nhiên. Có những lỗi sai thật khó chấp nhận vậy mà con vẫn thuộc diện giỏi. Làm sao vui được khi nghe con tự hào khoe tấm giấy khen học sinh giỏi sẽ được nhận trong nay mai, nhưng thực chất học lực của con chỉ đáng trung bình?

Chính cách đánh giá không chính xác của thầy cô về lực học của trò khiến không chỉ riêng con tôi mà nhiều em khác cũng nghĩ mình giỏi lắm. Thật lòng có lúc vợ chồng tôi mong con đừng là học sinh giỏi mà sao khó quá.

Nhìn sự hân hoan của con, nghe con đòi bố mẹ thưởng vì đạt học sinh giỏi, thật sự tôi thấy đau lòng và thương con nhiều hơn là mừng.

Bởi vì con như đang leo lên cao bằng một cái thang cọc cạch không chắc chắn, không vững chãi và có thể bị xô ngã bất cứ lúc nào. Vui được không khi điểm số của con chẳng khác nào đi vay đi mượn?

YẾN NGUYỆT

DŨNG MẠNH (Thanh Hóa)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên