09/12/2016 11:37 GMT+7

Học tiếng Anh theo kiểu chép đi chép lại, xưa rồi?

PHƯƠNG NGUYỄN
PHƯƠNG NGUYỄN

TTO - Chắt lọc, phá bỏ những thói quen, những phương pháp học tiếng Anh mà mình thường dùng để tìm ra và vận dụng một phương pháp học tiếng Anh riêng phù hợp bản thân hơn - đó là cách mà nhiều bạn trẻ đã thực hiện để chinh phục tiếng Anh.

Vũ Quỳnh Anh (đầu tiên, từ phải sang) bên cạnh thầy cô và bạn bè - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Vũ Quỳnh Anh (đầu tiên, từ phải sang) bên cạnh thầy cô và bạn bè - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đưa tiếng Anh vào một phần cuộc sống

Học từ vựng theo cách chép đi chép lại là một trong những phương pháp học từ mới mà Vũ Quỳnh Anh (học sinh lớp 8A8, Trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) từng áp dụng để học tiếng Anh. Nhưng bạn đã từ bỏ với lý do “giáo viên ở trường thường bắt tụi em học theo cách này nhưng em thấy học như vậy không vui cũng không hiệu quả”.

Quỳnh Anh chia sẻ: “Cả phương pháp làm đi làm làm lại nhiều lần một dạng bài tập hay giáo viên cho những đề cũ để lớp làm và sửa, em thấy cũng không hiệu quả và không khơi gợi hứng thú với em”.

Ngoài ra, trước đây, Quỳnh Anh hay chú trọng vào lý thuyết và không quan tâm các kỹ năng cho lắm nên em không học tiếng Anh không được thoải mái, tự nhiên.

“Bây giờ, em không đặt nặng lý thuyết nữa nên rất nhẹ nhàng và thoải mái khi sử dụng tiếng Anh” - Quỳnh Anh nói.

Học lớp 8, nhưng Quỳnh Anh lại có bản thành tích đáng nể ở môn tiếng Anh như IELTS 8.0, giải nhất quốc gia cuộc thi TOEFL Primary 2014, giải ba cuộc thi TOEFL Junior 2015-2016 và tham gia The World Scholar’s Cup 2016.

Quỳnh Anh cho biết em không học một cách “chuyên nghiệp” hay có một kế hoạch, một thời khóa biểu cụ thể, mà em đưa tiếng Anh vào một phần cuộc sống hàng ngày của mình.

Sách của em phần lớn là tiếng Anh và em đọc sách mỗi ngày. Bên cạnh đó, Quỳnh Anh cũng rất thích coi Vlog (video blog-nhật ký trực tuyến dưới dạng video) nên hầu như ngày nào, em cũng coi những Vlog tiếng Anh.

“Các Vlogger (người làm Vlog) nói chuyện rất tự nhiên, thú vị và cuốn hút. Là người bản xứ, họ sử dụng tiếng Anh phong phú, linh hoạt nên em học được rất nhiều điều từ họ, không chỉ cách phát âm mà còn cách sử dụng từ ngữ” - Quỳnh Anh nói.

Ở trường học, các câu lạc bộ Quỳnh Anh tham gia không chỉ rèn luyện tiếng Anh mà còn thảo luận về nhiều vấn đề như văn hóa, xã hội, môi trường, chính trị, giáo dục nên em không chú ý nhiều đến ngữ pháp, từ vựng mà chủ yếu là tập trung tranh luận nội dung các vấn đề với mọi người.

Hiện tại, Quỳnh Anh đang học thêm tiếng Đức. Em nhận ra mình không nên học tiếng Anh dựa vào tiếng Việt cũng như không học tiếng Đức dựa vào tiếng Anh mà nên học mỗi ngôn ngữ một cách riêng biệt.

“Phải ham học, không ngại nghe tiếng Anh, không chuyển tiếng Anh sang Việt, nhiều người có tâm lý chuyển từ tiếng Việt qua tiếng Anh và ngược lại, cách đó sẽ làm chúng ta sử dụng tiếng Anh không được trơn tru, trôi chảy và tự nhiên. Chúng ta sẽ bị khớp khi cố gắng tìm từ để dịch thay vì sử dụng ngay từ mình đã nảy ra sẵn trong đầu” - Quỳnh Anh chia sẻ.

Em cũng đưa ra lời khuyên từ kinh nghiệm của bản thân: “Khi nói tiếng Anh đừng lo lắng về việc phát âm vì em thấy thậm chí người bản xứ cũng phát âm sai, mình cứ nói thôi, nếu lo lắng cái này cái kia thì sẽ vô hình dựng lên một bức tường trong đầu cản trở mình khiến mình e ngại nói chuyện bằng tiếng Anh”.

Võ Bá Anh Duy - Ảnh: Phương Nguyễn
Võ Bá Anh Duy - Ảnh: Phương Nguyễn

Học mọi lúc mọi nơi

Cũng có thành tích và không ngại thay đổi phương pháp học tiếng Anh, Võ Bá Anh Duy (lớp 11 toán, Trường THPT Năng khiếu, ĐHQG TP.HCM) đồng thời từng đoạt giải ba môn tiếng Anh cấp thành phố) chia sẻ: trước đây, học viết, Duy thường chỉ viết theo mạch suy nghĩ của mình chứ không hề vạch ra dàn bài. Còn nói thì Duy cứ nghĩ gì nói đấy nên rất dễ bị bí ý tưởng hoặc bí từ. Hay khi đọc sách, Duy gạch chân từ mới, gạch chân nhưng lại không lật lại xem và thấy đoạn khó thì Duy dừng lại rồi bỏ qua luôn.

“Bây giờ, gặp từ mới, em sẽ ghi chú lại từ mới đó vào smartphone và lấy ra xem lại mỗi khi rảnh rỗi. Mỗi khi đọc bài, em viết lại 5 từ cuối cùng của đoạn văn để nắm được nội dung và ghi chú lại những phần khó. Ngoài ra, em cũng thường xem phim tiếng Anh, nghe bài hát và cố gắng tự viết lời ra. Thỉnh thoảng, em mới nghe các bài tập nghe vì nghe chúng rất dễ làm em chán” - Duy nói.

Lê Tiến Quang - Ảnh: Nhân vật cung cấp
Lê Tiến Quang - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Viết thật nhiều

Khác với hai bạn trên, Lê Tiến Quang (lớp 11 chuyên Anh 1, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), người từng đạt HCV môn tiếng Anh cấp thành phố khi học THCS, đã tìm ra cho mình một cách học tiếng Anh riêng ngay từ khi bắt đầu.

Để luyện kỹ năng nghe - nói, Quang nghe nhiều từ các video, đồng thời khi xem video em cố gắng nắm bắt cách người bản xứ nói và bắt chước theo.

Khi gặp từ vựng mới, thấy từ nào hay Quang sẽ cố gắng nhớ và ghi chú lại. Đồng thời, Quang sử dụng từ điển thường xuyên, “điều này giúp em nhớ từ vựng tốt hơn và đôi khi lật từ điển, em thấy từ hay thì em sẽ học luôn”.

“Đọc từ điển giấy thì giúp em tập trung cao hơn, sử dụng máy tính sẽ khiến mình mất tập trung và ảnh hưởng đến mắt. Em cũng học tiếng Anh qua nhiều nguồn không phải sách vở như chơi game, đọc báo và viết lách. Đặc biệt, nguồn giúp em học tiếng Anh tốt nhất là từ sách và từ điển” - Quang chia sẻ.

Quang thường đọc văn học nước ngoài, tham khảo các trang web tiếng Anh để học văn phong của họ và thường xuyên luyện tập viết, chẳng như viết truyện bằng tiếng Anh. Quang nói: “Đó cũng là cách em tăng cường khả năng tiếng Anh và tận hưởng niềm vui học ngôn ngữ”.

Quang cũng cho biết thêm: “Em có hai cách viết, khi viết những bài luận, em dùng những từ không quá “cao cấp” (từ khó, từ phức tạp, ít dùng - PV) cùng với văn phong ngắn gọn, rõ ràng. Đôi khi mới kèm theo một số đoạn nâng cấp chút xíu để gây ấn tượng. Khi em viết ở nhà, em viết theo kiểu tùy hứng, thỉnh thoảng dùng những từ phức tạp để mình không quên từ và thường xuyên sử dụng các hình ảnh so sánh”.

Khi làm bài luận, Quang thường lập một dàn bài trước, sắp xếp những ý mà mình sẽ viết. Ví dụ, Quang viết mở bài xong em sẽ viết kết bài luôn sau đó mới viết câu mở đầu đoạn một, câu mở đầu đoạn hai. Khi viết, Quang tránh lặp lại hai từ giống nhau và không dùng những từ quá “cao cấp” và viết thật nhiều. ‘Khi viết nhiều, viết liên tục, chỉ cần sau ba tháng là em đã viết nhanh và ít lỗi hơn rất nhiều”- Quang nói.

Bạn đang học tiếng Anh theo cách nào? Hãy chia sẻ cho cộng đồng cùng tham khảo và tranh luận, theo ô dưới bài. 

 

PHƯƠNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên