11/11/2016 12:09 GMT+7

Tiến tới xóa bỏ chủ quản các trường ĐH

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Đó là nội dung phát biểu của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam sáng nay 11-11 tại lễ kỉ niệm 60 năm thành lập và khai giảng năm học 2016-2017 của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ phải) thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng ba cho Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (thứ hai từ phải) thừa ủy quyền của Chủ tịch nước trao Huân chương Độc lập hạng ba cho Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng một đòi hỏi và cũng là giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo ĐH là trao cho ĐH quyền tự chủ gắn liền với trách nhiệm giải trình của nhà trường và các chính sách cần thiết để đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục ĐH chất lượng cao cho mọi người, đặc biệt là cho gia đình chính sách, người nghèo.

Theo ông Đam, trước đây, tự chủ ĐH được hiểu lệch là tự chủ về tài chính, nghĩa là nhà nước không cấp tiền cho cơ sở giáo dục ĐH. Nhưng bản chất thực sự của tự chủ ĐH là tự quản trong ĐH, bỏ chủ quản từ bộ chủ quản; còn ngân sách nhà nước không thể không đầu tiếp tục đầu tư cho giáo dục trong đó có giáo dục ĐH. Thực tế, tại nhiều nước trên thế giới, các trường ĐH thực hiện tự chủ nhưng ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo một phần lớn cho ĐH.

Phó thủ tướng đánh giá cao Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM và Bộ Công thương đã chỉ đạo để nhà trường là một trong các trường ĐH đầu tiên thực hiện cơ chế tự chủ. Qua hơn một năm thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực: công bố khoa học tăng hơn 23%, chi cho học bổng tăng sáu lần, trong khi tổng thu học phí chỉ tăng hơn 2,4%.

Phó thủ tướng đề nghị nhà trường tiếp tục đẩy mạnh thực hiện tự chủ thực chất. Không chỉ trường tự chủ mà cần thực hiện tự chủ tới khoa, trong đó cần đặc biệt chú trọng tới các bộ môn và phát huy tính chủ động, sáng tạo của từng giảng viên.

“Bộ Công thương cần giảm mạnh các can thiệp hành chính vào công việc của nhà trường trong đầu tư, tổ chức cán bộ, định hướng đào tạo… tiến tới xóa bỏ chủ quản. Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là trường không phải “của” Bộ Công thương mà là của VN, phấn đấu tới là “của” khu vực, “của” thế giới.

Bộ GD-ĐT cần bổ sung, điều chỉnh các quy định còn được nhiều trường nhận xét là cứng nhắc để đảm bảo và phát huy đầy đủ quyền tự chủ của các trường như chỉ tiêu đầu vào, tỉ lệ giảng viên ngoài cơ hữu, quy mô sinh viên…” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Tiền thân của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM là Trường Huấn nghiệp Gò Vấp ra đời cách đây đúng 60 năm, đào tạo nghề cho thanh thiếu niên. Đến nay nhà trường trở thành một trong những trường ĐH co quy mô lớn nhất nước với khoảng 100.000 sinh viên.

Theo TS Nguyễn Thiên Tuế, hiệu trưởng nhà trường, tính đến tháng 6-2016, trường có 21 GS, PGS; tỉ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ của trường hơn 15% (175 TS/1.150 giảng viên). Tất cả các chương trình đào tạo của trường từ ĐH đến TS (1 ngành bậc TS, 10 ngành ThS, 32 ngành ĐH) được xây dựng mới theo phương pháp CDIO. Trường là đơn vị đầu tiên phía Nam và là đơn vị thứ 6 trong cả nước được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục quốc gia.

“Năm học 2016-2017 là năm thứ hai và cũng là năm cuối nhà trường thực hiện cơ chế tự chủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Thời gian thí điểm hai năm chưa thể đánh giá hết được hiệu quả cũng như khó khăn trong quá trình thực hiện. Vì vậy, nhà trường đề nghị Chính phủ xem xét kéo dài thời gian thí điểm tự chủ đến năm 2020” - ông Tuế kiến nghị.

Dịp này, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM được đón nhận Huân chương Độc lập hạng ba của Chủ tịch nước trao tặng.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên