Xây dựng văn hóa ĐH 
từ kỷ luật thép

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Rất nhiều người khi đến Trường ĐH Tôn Đức Thắng (P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) đều ấn tượng với cơ sở vật chất khang trang, trường lớp sạch sẽ và đặc biệt là ý thức kỷ luật của sinh viên.

Sinh viên chơi đàn piano trước sảnh Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH
Sinh viên chơi đàn piano trước sảnh Trường ĐH Tôn Đức Thắng - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Những nội quy của nhà trường khiến sinh viên có cảm giác bị siết. Ngồi hội đồng kỷ luật nhiều khi thấy thương sinh viên, nhưng nếu không làm nghiêm thì trường sẽ không vào nề nếp

ThS TRỊNH MINH HUYỀN (trợ lý hiệu trưởng nhà trường)

“Tôi thật sự ấn tượng về nề nếp của sinh viên, văn hóa của nhà trường” - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nói như vậy khi thăm và làm việc tại Trường ĐH Tôn Đức Thắng hôm 23-9.

Nhiều năm nay, nhà trường đã đưa ra các nội quy cứng rắn buộc sinh viên và cả cán bộ, giảng viên phải thực hiện. Nhà trường sẽ kỷ luật rất nặng những người vi phạm.

Theo nội quy giảng đường - phòng học của nhà trường, giảng viên, viên chức và sinh viên có trách nhiệm thực hiện “bốn nhiệm vụ”:

1) Quản lý, sử dụng đúng mục đích, đúng quy định đối với các trang - thiết bị trong giảng đường, phòng học.

2) Giữ gìn vệ sinh học đường, rác thải bỏ vào thùng rác đúng nơi quy định.

3) Cư xử với tất cả mọi người văn minh, lịch sự, phù hợp với môi trường giáo dục.

4) Ra khỏi giảng đường, phòng học tự giác tắt đèn, quạt và các thiết bị có sử dụng nguồn điện; đóng tất cả cửa giảng đường - phòng học.

Đồng thời, giảng viên, viên chức và sinh viên phải cam kết thực hiện “tám không”:

Không tự ý di chuyển các trang thiết bị, tài sản trong giảng đường, phòng học sang vị trí khác mà không có sự cho phép của phòng quản trị thiết bị; không mang vào giảng đường, phòng học hàng hóa quốc cấm, chất gây nghiện, chất nổ, chất dễ cháy;

Không hút thuốc trong toàn bộ khuôn viên nhà trường; không ăn uống trong phòng học; không viết, vẽ, khắc chữ lên tường, cửa, bàn, ghế, bảng... trong giảng đường, phòng học và toàn thể khuôn viên trường; không sử dụng điện thoại trong giờ học;

Không nói to, la lớn trong khuôn viên trường; không tụ tập trước giảng đường, phòng học đang có người học. Mọi vi phạm nội quy này đều bị xử lý theo quy chế nhà trường.

Bên cạnh đó, nhà trường cũng ban hành quy chế sinh viên, trong đó nêu rõ các hành vi sinh viên bị nghiêm cấm, với hơn 20 điều khoản. Nhà trường phổ biến đến từng giảng viên quy định quản lý sinh viên trong lớp giảng dạy, và bắt buộc giảng viên phải có trách nhiệm thực hiện nghiêm quy định này. Giảng viên sẽ không cho sinh viên đi trễ vào lớp, và sinh viên phải chờ đến giải lao mới được vào. Nếu giảng viên nào cho sinh viên đi trễ vào lớp thì sẽ bị nhà trường xử lý.

Trường còn quy định rất cụ thể nội quy bên trong lớp học, như sinh viên không được ăn uống trong phòng học, ngủ trong giờ học, xả rác trong lớp; sinh viên không được làm việc riêng trong giờ học như chơi game, sử dụng điện thoại, sử dụng máy vi tính không đúng mục đích, đọc báo, đọc truyện, nghe nhạc...

Trong các khu vệ sinh, nhà trường treo bảng cảnh báo sẽ buộc thôi học sinh viên nào làm hư hỏng thiết bị, bôi bẩn trong nhà vệ sinh.

ThS Trịnh Minh Huyền, trợ lý hiệu trưởng nhà trường, nhớ lại thời gian đầu khi áp dụng kỷ luật thép: “Những nội quy của nhà trường khiến sinh viên cảm giác bị siết. Ngồi hội đồng kỷ luật nhiều khi thấy thương sinh viên, nhưng nếu không làm nghiêm thì trường sẽ không vào nề nếp”.

Bên cạnh đó, nhà trường luôn giáo dục, giải thích mục đích của nhà trường trong việc áp dụng kỷ luật thép, nhằm mục tiêu rèn luyện cho sinh viên trở thành một công dân tốt, tôn trọng pháp luật...

Lúc đầu, nhiều sinh viên phản ứng với các quy định của trường, thậm chí có những sinh viên không chịu nổi đã xin chuyển trường. Nhưng nay hầu như không còn ai phản ứng nữa, thay vào đó sinh viên rất vui vẻ, tự giác trong việc thực hiện nội quy của trường.

Chuẩn bị hành trang cho sinh viên vào đời

“Những quy định của nhà trường tập cho chúng em có thói quen gặp thầy cô, người lớn tuổi phải lễ phép chào, thói quen xếp hàng nơi công cộng, phải biết tuân thủ pháp luật, nội quy...

Những ngày còn là sinh viên năm nhất, em đã cảm thấy những điều này chỉ dành cho mấy em nhỏ cấp II, còn em là sinh viên rồi đâu cần. Nhưng khi tham gia thực tập và làm việc tại các doanh nghiệp, qua nhiều buổi chia sẻ của những anh chị cựu sinh viên, em mới hiểu được nhà trường làm tất cả để chuẩn bị một hành trang tốt nhất cho chúng em vào đời” - Trần Xuân Mai, sinh viên khoa kế toán, xúc động phát biểu như vậy trong lễ tốt nghiệp.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên