23/10/2016 08:16 GMT+7

Nghị lực vượt khó của cô giáo mầm non

HỮU CHƠN
HỮU CHƠN

TTO - Chuyện về một cô giáo mầm non nhiều năm liền là giáo viên dạy giỏi cấp trường, nhưng có cuộc sống quá khó khăn, 
chật vật.

Cô D.L. trong một buổi lên lớp với các học trò ở Trường mầm non Tuồi Thơ, Q.9, TP.HCM - Ảnh: NVCC
Cô D.L. trong một buổi lên lớp với các học trò ở Trường mầm non Tuồi Thơ, Q.9, TP.HCM - Ảnh: NVCC

Căn phòng trọ mà hai mẹ con cô L.D.L. đang thuê chỉ hơn 10m2, ở số nhà 41 Bưng Ông Thoàn, P.Phú Hữu, Q.9 (TP.HCM). Thế nhưng căn phòng vẫn quá rộng, vì hầu như chẳng có đồ đạc gì đáng kể.

Chị Lê Thanh Hương, chủ tịch Hội Khuyến học P.Phú Hữu - người dẫn chúng tôi đến nhà cô L., nhận xét: “Những thứ cô L. thiếu chẳng có gì lớn lao với nhiều người, song lại vượt quá khả năng của cô”.

Cô giáo “ba không”

Năm 2009, từ quê nhà (Quảng Trị) cô L. khăn gói vô TP.HCM, nộp hồ sơ thi tuyển công chức và đã được vào biên chế ngành giáo dục, nhận nhiệm sở tại Trường mầm non Tuổi Thơ (P.Phú Hữu, Q.9) công tác cho đến nay.

Vậy nhưng, làm việc suốt bảy năm trời cô giáo 30 tuổi này vẫn chỉ là người không hộ khẩu, không có phương tiện đi lại, không biết đến ngày nghỉ cuối tuần.

Cách đây hai năm, một người quen của cô L. thương tình cho mượn chiếc xe máy đời cũ, để cô tiện đi lại và khỏi phải cuốc bộ hơn 2km mỗi ngày đến trường. Có xe cô mừng lắm, nhưng cũng lo, bởi không biết phải trả xe khi nào...

Khi chúng tôi thắc mắc: “Sao lại không biết đến ngày nghỉ cuối tuần?”, cô L. nhẹ nhàng giải thích: từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, cô dạy lớp lá ở trường mầm non. Tất cả các buổi tối cô đi bán mỹ phẩm, hưởng hoa hồng theo doanh số bán được, chứ không có lương cố định. Thời gian gần đây, cô còn xin dạy hợp đồng bộ môn dinh dưỡng học tại Trường trung cấp nghề Lê Thị Riêng vào thứ bảy, chủ nhật.

Cũng vì mẹ luôn phải “cày” thêm ngoài giờ nên bé L.P. (6 tuổi) sớm quen với cuộc sống “tự thân vận động”.

Cuối buổi chiều, cô L. chở P. về đến phòng trọ, rồi phải vội vã nấu ăn, tắm giặt, cho con ăn uống xong cô lại chở bé đến nhóm trẻ gia đình để gửi “ca hai”, còn mình tiếp tục đi bán hàng. Gần 22g cô L. mới đón con về.

Riêng thứ bảy và chủ nhật, cô phải gửi bé P. từ sáng sớm, đến tối mịt hai mẹ con mới gặp nhau. Chỉ riêng tiền học, tiền gửi P. đã hơn 1,5 triệu đồng/tháng, hết 1/3 suất lương của mẹ.

Đến phòng trọ của cô L., nhìn bé P. ngủ ngon lành trên chiếc chiếu mong manh dưới sàn nhà, ai cũng xót xa. Cô L. cười buồn:

“Em đang mong nhà sản xuất làm ra loại nệm nằm mát, giá rẻ mới dám mua”. Bé P. ước ao mãi có cái tivi để xem phim hoạt hình, mà đến giờ mẹ cứ hẹn hoài. Đến sữa, bé còn ít khi được uống nữa là...

Không phụ lòng tốt của mọi người

Dù cuộc sống đang “ba không”, nhưng người mẹ trẻ này không hề đơn độc, bởi cô luôn nhận được nhiều tấm lòng thơm thảo xung quanh.

Tại nơi ở trọ, người chủ nhà luôn bớt tiền trọ hằng tháng cho cô L.. Chỉ tay vào cái bếp gas, cô L. hớn hở khoe hồi năm ngoái, em gái của cô từ ngoài quê vô chơi thấy chị nấu bếp dầu hỏa, khói bay làm bé P. ho sù sụ, nên đã mua tặng chị bộ bếp gas.

Cô L. lại chỉ tiếp chiếc quạt đứng và cho biết hôm trước cô bị bệnh nặng phải nghỉ dạy mấy ngày, nhiều phụ huynh lo lắng đến tận phòng trọ thăm. Khi thấy chiếc quạt cũ kỹ của cô, họ đã góp tiền mua tặng cô quạt mới.

Tại nơi công tác, cô L. luôn được ban giám hiệu trường và đồng nghiệp tạo điều kiện tối đa. Vào những dịp lễ, tết trường luôn đề nghị ngành giáo dục xét trợ cấp cho cô L.. Thế nhưng cô chỉ nhận có vài lần, còn lại là từ chối, vì “nhiều người khác cũng đang gặp khó khăn”.

Chịu ơn quá nhiều, nên cô L. luôn tâm niệm phải cố gắng dạy tốt, sống tốt để không phụ tấm lòng, tình thương của mọi người. Mỗi ngày phải làm việc 15 tiếng đồng hồ, nhiều lúc kiệt sức, nhưng cô không cho phép mình gục ngã. Cô được bù đắp bởi tình cảm của học trò. Những học sinh từng được cô dạy dỗ luôn xem cô như người mẹ thứ hai.

Nhiều em ra trường đã lâu, nhưng đến ngày 20-11 hằng năm đều nhờ ba mẹ chở về trường cũ thăm cô L.. Nhiều năm liền cô L. được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường, được chọn đi thi “Viên phấn vàng”.

Không chỉ làm tốt chuyên môn, cô L. còn đảm đương nhiệm vụ của một bí thư chi đoàn thanh niên, kiêm trưởng ban nữ công của trường. Các hoạt động phong trào do ngành giáo dục và địa phương phát động luôn có sự tham gia nhiệt tình của cô L..

Cô Phạm Thị Mai Hoa - hiệu trưởng Trường mầm non Tuổi Thơ - nhận xét về giáo viên của mình với tất cả niềm tự hào:

“Hiếm thấy ai gặp khó khăn nhưng giàu nghị lực vươn lên và có năng lực, phẩm chất tốt như cô L.. Ban giám hiệu đang tiếp tục bồi dưỡng để cô ấy trở thành cán bộ nguồn cho trường chúng tôi”.

Chị Thanh Hương còn cho chúng tôi biết thêm cô Mai Hoa từng ngỏ lời đưa mẹ con cô L. về ở chung với nhà mình, để đỡ tốn tiền thuê trọ, đồng thời bảo lãnh cho hai mẹ con nhập hộ khẩu; nhưng cô L. đã từ chối, vì không muốn làm phiền mọi người.

Mặc dù bề ngoài luôn mạnh mẽ, song cô L. đã khóc khi chúng tôi hỏi đến chuyện học của bé P.. Cô từng có dự định gửi con về quê nương nhờ ông bà ngoại, vì cô đi làm suốt, không thể gửi con cho người ngoài mãi. Nhưng một mẹ một con, cô không muốn rời con nửa bước.

Hiện nay, cô L. đang tập trung trả khoản tiền nợ Ngân hàng Agribank mà cô vay tín chấp 40 triệu đồng cách đây hai năm. Hằng tháng cô phải trả 1,3 triệu đồng, đến nay đã giải quyết được 2/3 số nợ.

Mời bạn đọc “Đồng hành cùng người thầy”

Nhằm tiếp sức các thầy cô giáo có hoàn cảnh khó khăn yên tâm đứng trên bục giảng, báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM tổ chức chương trình “Đồng hành cùng người thầy”. Chương trình sẽ trợ vốn vay không lãi suất để làm kinh tế gia đình và các hỗ trợ khác, dành cho những giáo viên vượt khó.

Có hai hình thức để bạn đọc báo Tuổi Trẻ tham gia “Đồng hành cùng người thầy”: một là giới thiệu họ tên, số điện thoại và tóm tắt hoàn cảnh của những thầy cô đang giảng dạy có hoàn cảnh khó khăn đến với Tuổi Trẻ.

Hai là tham gia viết bài về những thầy cô có tâm, có tài, kiên cường vượt khó bám trụ với nghề và hết lòng với học trò nhưng gặp khó khăn. Bài viết dự thi phải là người thật việc thật, độ dài không quá 1.500 từ, chưa đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Chương trình sẽ trao giải thưởng cho 10 bài viết hay (trị giá 3 triệu đồng/giải, kỷ niệm chương). Trong giai đoạn 1 (2016 - 2018), chương trình sẽ dành 2,2 tỉ đồng để trợ vốn cho 100 giáo viên, trao 100 suất học bổng (2 triệu đồng/suất) và hỗ trợ phương tiện học tập cho con em giáo viên; ngoài ra còn trao giải thưởng cho bài viết hay về người thầy...

Các thư giới thiệu hoặc bài viết gửi về ban công tác xã hội báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) hoặc email: donghanhcungnguoithay@tuoitre.com.vn.

BAN TỔ CHỨC

HỮU CHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên