Trường đại học bắt tay doanh nghiệp nâng cao chất lượng

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Từ cuối tháng 4-2016 đến nay, hàng loạt trường ĐH ở TP.HCM đã ký kết hợp tác toàn diện với các doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM...

Trường ĐH Tài chính - marketing ký kết hợp tác với Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM tháng 4-2016 - Ảnh: Hồng Quân
Trường ĐH Tài chính - marketing ký kết hợp tác với Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM tháng 4-2016 - Ảnh: Hồng Quân

Sáng 23-5, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và Công ty TNHH Bosch Việt Nam đã ký bản ghi nhớ tạo cơ hội cho sinh viên Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM thực tập tại Bosch, qua đó ứng dụng kiến thức và kỹ năng đã học.

Theo kết quả điều tra của Bộ GD-ĐT, năm 2011 cả nước có đến 63% sinh viên thất nghiệp do thiếu kỹ năng. Trong các nguyên nhân khách quan làm sinh viên chưa thích ứng với môi trường công việc khi thực tập tốt nghiệp được khảo sát từ bảng hỏi mở, nguyên nhân “nội dung học tập ở nhà trường ít chú trọng thực hành mà nặng về lý thuyết” với 49,2% sinh viên lựa chọn.

Thực tế cho thấy các trường ĐH đang cho “ra lò” nguồn nhân lực "trình độ cao" nhưng nặng lý thuyết, yếu thực hành. Nhiều doanh nghiệp cho biết họ gặp khó khăn khi tuyển dụng nguồn lao động do sinh viên tốt nghiệp chưa thực sự chủ động trong công việc.

Trong khi doanh nghiệp gần như đứng ngoài cuộc, chỉ kêu ca và đào tạo lại khi tuyển dụng như một phương án tối ưu… Đó là lý do kéo dài thêm khoảng cách từ sinh viên ở giảng đường đến nhà tuyển dụng tại các doanh nghiệp.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết: “Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ hiện nay, việc gắn nội dung đào tạo với thực tế đang diễn ra trong các ngành công nghiệp là vô cùng cần thiết để tạo ra lực lượng nhân lực có khả năng thích ứng tốt với những nhu cầu về kỹ năng và trình độ chuyên môn ngày càng cao."

Trong khi đó, ĐHQG TP.HCM cũng vừa thành lập Hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục, đáng chú ý thành viên trong hội đồng này có đại diện Hội Doanh nghiệp TP.HCM.

Bên cạnh đó, một số trường còn chủ động mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo để rút ngắn hoảng cách giữa nhà trường và thực tế. Đây là tín hiệu tốt cho thấy các trường ĐH đã nhận thức được vai trò của doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo cho nhà trường, cải thiện chất lượng đầu ra.

Về phía doanh nghiệp, ông Võ Quang Huệ, tổng giám đốc Bosch Việt Nam, cho biết: “Bosch mong muốn chung tay với ngành giáo dục phát triển nhân lực kỹ thuật tại Việt Nam. Sự phối hợp giữa trường ĐH và doanh nghiệp sẽ hỗ trợ sinh viên có thêm kinh nghiệm thực tế sau khi tốt nghiệp. Đây cũng là cơ hội giúp các cử nhân/ thạc sĩ khi ra trường nhanh chóng tìm được việc làm phù hợp”.

Cái bắt tay giữa nhà trường và doanh nghiệp lẽ ra phải sớm hơn vì việc này tất cả các bên đều được hưởng lợi: nhà trường cải thiện chất lượng đào tạo, doanh nghiệp có nguồn nhân lực chất lượng cao và sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng là một trong số các trường gắn kết với nhiều doanh nghiệp nhất. Hiện trường liên kết với 874 doanh nghiệp thân hữu. Các doanh nghiệp này cấp học bổng cho sinh viên và gần đây một số doanh nghiệp đã đặt hàng trường nghiên cứu.

Trường ĐH Tài chính – marketing vừa thành lập hội đồng trường. Nhà trường mời đại diện của ba doanh nghiệp lớn tham gia hội đồng trường. Các doanh nghiệp này tạo sự gắn kết giữa nhà trường với doanh nghiệp, hỗ trợ sinh viên thực hành, thực tập, việc làm và hỗ trợ nhà trường đầu tư cơ sở vật chất. 

Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Kinh tế - luật (ĐHQG TP.HCM), Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM... cũng đã ký kết hợp tác với hàng trăm tập đoàn, doanh nghiệp, ngân hàng trong và ngoài nước.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên