02/04/2016 11:00 GMT+7

Bài học nhân ái ở một ngôi trường

TRẦN MAI
TRẦN MAI

TTO - Hũ gạo chung và con heo đất nhỏ bé lại là khởi nguồn cho bài học vỡ lòng về nhân ái mà thầy cô Trường THCS Sơn Long (huyện Minh Long, Quảng Ngãi) đang dạy học trò mình.

Các em học sinh góp gạo để chia sẻ khó khăn của bạn bè - Ảnh: T.P.
Các em học sinh góp gạo để chia sẻ khó khăn của bạn bè - Ảnh: T.P.

Từ việc làm đơn sơ ấy, những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được tiếp thêm động lực đến trường.

Chẳng có môn học nhân ái nào thiết thực bằng những việc làm như thế này!

Thầy TRỊNH QUANG SĨ

Mỗi bạn một ít thôi

Buổi chào cờ đầu tuần, sau phần tổng kết tuần học, các học sinh lại xếp hàng mang gạo đổ vào hũ gạo tình thương và góp những đồng tiền lẻ vào heo đất. Em góp ít, em góp nhiều, có em chỉ nhúm gạo. Số gạo các em góp sẽ đến tay những bạn có hoàn cảnh khó khăn.

Em Huỳnh Thị Mỹ Hoa cầm trên tay khoảng ba lon gạo đổ vào thùng. Nở nụ cười tươi, Hoa bảo đây là việc làm thiết thực mà thầy cô vận động để giúp đỡ các bạn hoàn cảnh khó khăn. “Em và các bạn trong trường góp gạo được ba năm rồi. Mỗi bạn một ít thôi là cũng có được thùng gạo để chia cho các bạn khó khăn mang về nhà” - Hoa chia sẻ.

Ở huyện miền núi Minh Long, phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình khá giả như Hoa ít lắm. Nhưng chính sự chia sẻ của thầy cô để các em hiểu rằng còn những bạn khó khăn hơn cần giúp đỡ. Hoài bão, ước mơ của những học sinh này sẽ được chắp cánh từ sự đùm bọc của bạn bè. Những lời nói chân tình ấy đã lay động được cả phụ huynh. Họ vui khi con mình biết yêu thương và “chia sẻ khó nhọc” cho con mang ít tiền và gạo đến góp ngày đầu tuần.

Cô giáo Nguyễn Thị Thanh Nhiễu, tổng phụ trách Đội Trường THCS Sơn Long, kể về câu chuyện cậu học sinh Đinh Văn Đường hiện theo học lớp 8 tại trường.

Đường có hoàn cảnh khốn cùng. Mẹ mất vì ung thư, ba bỏ đi khi Đường đang học lớp 6. Thầy cô phải chia nhau đến nhà chăm sóc và động viên em đến trường.

Và Đường cũng chính là khởi nguồn để ban giám hiệu Trường THCS Sơn Long thành lập hũ gạo tình thương và nuôi heo đất.

“Khi đưa ra họp bàn, tất cả thầy cô đều tán thành. Buổi chào cờ thầy hiệu trưởng đem câu chuyện của Đường ra kể cho học sinh nghe, để các em thấu hiểu lòng nhân ái, đùm bọc từ những việc làm nhỏ nhưng ý nghĩa”, cô Nhiễu nói.

80 lon gạo

Từ đó, hũ gạo được lập, mỗi tháng các em góp hai lần và tất cả số gạo trường mang đến nhà cho Đường. Nhờ sự chia sẻ của bạn bè, giờ Đường đã học lớp 8. “Em cảm ơn thầy cô và các bạn. Em thấy mình may mắn vì nếu không có hũ gạo tình thương ở trường em đã nghỉ học rồi” - Đường nói.

Bài học yêu thương của các em học sinh được nâng cao từ việc làm thiết thực này. Mô hình hũ gạo tình thương từ đó được duy trì và nâng lên bốn lần góp gạo mỗi tháng.

Thầy Trịnh Quang Sĩ, phó hiệu trưởng nhà trường, cho biết những năm trước trường có khoảng 10 em bỏ học, phần lớn vì hoàn cảnh khó khăn. “Nhờ có hũ gạo mà không còn tình trạng học sinh bỏ học nữa. Chỉ tính riêng năm học 2014-2015 đã có 12 em học sinh được giúp đỡ”, thầy Sĩ nói.

Buổi chào cờ cuối tháng 3 sau khi các em góp gạo, ba cô cậu học sinh thân hình ốm nhom bước lên đứng trước cờ. Mỗi em nhận gần 80 lon gạo từ sự sẻ chia của bạn bè mang về nhà.

Tiếp đến 182 học sinh và giáo viên của trường lần lượt bỏ tiền vào heo đất. Sau hai tháng nhà trường sẽ đập heo, trao cho 4-5 em học sinh hoàn cảnh khó khăn nhất.

Cũng chính từ heo đất này, mỗi dịp tết nhiều em học sinh khó khăn có quần áo mới.

TRẦN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên