10/03/2016 08:21 GMT+7

Chọn nghề, sao quá chênh vênh?

MINH THÁI
MINH THÁI

TT - Tôi có hai cô cháu gái với hai nỗi niềm khác nhau về chuyện quyết định nghề nghiệp tương lai của mình.

Sinh viên ngành dược Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM đang thực hành trong phòng thí nghiệmẢnh: Như Hùng
Sinh viên ngành dược Trường CĐ nghề Kinh tế công nghệ TP.HCM đang thực hành trong phòng thí nghiệmẢnh: Như Hùng

“Rõ ràng các cháu của tôi đang thật sự chênh vênh trước tương lai của mình.

Tôi thấy dường như cha mẹ cháu và các cháu đang chơi trò cùng nhảy vào một cái bao tải và cố gắng làm sao để cả đôi bên đều không bị ngã.

Con thì khao khát được đi con đường của mình, còn ba mẹ thì nhất định ép con đi theo mong ước của mình, khiến cho chuyện chọn nghề trở nên quá trớ trêu!"

 

1 Một đứa đang học năm cuối đại học, ngành ngân hàng. Có hôm cháu gọi điện hỏi tôi xem sắp tới có nên thi lại đại học hay không, bởi vì cháu cảm thấy vào học ngành ngân hàng là một sai lầm lớn, cháu thấy mình như đang lạc đường.

Phải mất ít phút lúng túng tôi mới có thể nói với cháu rằng tương lai do cháu quyết định, nếu thấy mình đã chọn đường đi sai lầm thì hãy làm lại, rằng cháu đang còn trẻ...

Nhưng cháu lại bảo rằng ba mẹ khăng khăng không đồng ý. Thế nên cháu muốn tôi mở lời để thuyết phục ba mẹ giúp.

Vì nguyện vọng của cháu, tôi cũng có nói chuyện với anh chị mình. Nhưng cả ba lẫn mẹ cháu vẫn giữ vững lập trường, rằng không đồng ý để cháu thi lại sư phạm toán như nguyện vọng của cháu.

Bởi chỉ còn vài tháng nữa cháu sẽ tốt nghiệp đại học, có tấm bằng và cháu sẽ không phải lo bon chen chỗ làm vì bố mẹ đã lo chỗ đứng. Còn nếu thi lại ngành sư phạm toán thì cháu sẽ không có tương lai, sẽ đi vào ngõ cụt.

Cháu cự cãi rằng: “Hồi làm hồ sơ thi đại học, ba mẹ cứ ép con đăng ký vào ngành ngân hàng. Giờ con thấy đó là sai lầm lớn nhất đời con”.

Chị tôi gạt đi: “Sai lầm nhất chính là thấy sướng mà không biết hưởng, là bỏ cái sông để vào cái ngòi, con hiểu chưa?”.

Tôi để ý, mỗi lần nói đến việc cháu đòi thi lại sư phạm, mẹ cháu đều nói rằng: “Con điên rồi, thời buổi nào mà còn đòi học sư phạm chứ?”.

Khi cháu nói muốn được lên miền núi dạy học sau khi ra trường thì mẹ cháu còn nổi nóng hơn. Chị cho rằng cháu điên rồ nên mới có ý nghĩ ấy.

Không thuyết phục nổi anh chị để giúp cháu được đi đúng con đường mình thích, tôi thấy hụt hẫng và ám ảnh mãi câu nói của cháu: “Con cảm thấy quá chán nản mỗi buổi lên giảng đường. Tất cả là tại ba mẹ...”.

2 Trường hợp thứ hai là cô cháu gái vừa đỗ đại học y năm ngoái. Với số điểm đầu vào khá cao, cháu là niềm tự hào của cả gia đình. Vì vậy, khi cháu mếu máo đòi bỏ trường y để đi học trường nghề thì gặp phải sự phản đối quyết liệt từ ba mẹ.

Ba cháu cho rằng chỉ có điên mới chối bỏ cơ hội trở thành bác sĩ. Mẹ cháu thì hết năn nỉ đến dọa tự tử nếu cháu nhất định đòi đi học nghề. Ba mẹ cháu thuyết phục rằng “Nhất y nhì dược”, rồi sau khi ra trường ba mẹ cháu sẽ lo liệu cho cháu một chỗ chắc chắn ở bệnh viện lớn tại thành phố.

Tôi hỏi cháu tại sao lại muốn học nghề, trong khi ngành y là một cơ hội tốt? Cháu trả lời rằng trước đây đã không muốn thi đại học, nhưng cháu buộc phải thi vì ba mẹ.

Cháu rất thích trở thành thợ may, hằng ngày tỉ mẩn bên đường kim mũi chỉ. Nhưng ba mẹ cháu không đời nào đồng ý. Để rồi giờ đây cháu muốn đi con đường mình muốn cũng không được.

Từ trường hợp của hai đứa cháu, tôi nhận thấy nhiều bạn trẻ gặp quá nhiều bi kịch vì chuyện chọn nghề nghiệp tương lai của mình. Đau đớn nhất là bi kịch của các em lại đến từ các bậc phụ huynh.

Tư tưởng học cho bằng bạn bằng bè, học để có tấm bằng, học những ngành thời thượng đã ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều người.

Vì thế cho nên nhiều em đang học nghề tương lai của mình theo kiểu “tù mù”, “hên xui” là chính. Nhưng ba mẹ các em đôi khi bảo thủ, không nhìn thẳng vào sự thật phũ phàng này.

Em tôi làm thợ

Hai anh em tôi cách nhau 4 tuổi nhưng suy nghĩ quá khác nhau. Tôi luôn trên tinh thần phải đỗ đại học, có việc làm ổn định trong một cơ quan nhà nước (mặc dù lương không cao).

Con đường tôi đi tính từ khi bước chân vào đại học (năm 2003) đến nay đều theo đúng quỹ đạo. Tức là thi đỗ đại học, rồi ra trường, cố gắng chen chân vào một cơ quan nhà nước theo đúng nguyện vọng của bố mẹ cũng như của chính bản thân tôi.

Chính vì con đường tôi đi được bố mẹ ủng hộ, cho nên khi em trai tôi quyết định không thi đại học khiến bố mẹ tôi thất vọng, hụt hẫng nhiều lắm. Em không đi theo con đường của tôi. Bố mẹ dùng đủ mọi lời hay lẽ phải khuyên nhủ để em trai tôi thay đổi quyết định nhưng đều không ăn thua gì.

Cũng có thể lực học của em không bằng tôi nên em không tự tin thi đại học, mà em theo học một trường trung cấp nghề. Điều này khiến bố mẹ tôi khá đau đầu, tìm mọi cách khuyên răn, đe nẹt để em “nên người” (từ của bố mẹ tôi). Còn em thì đấu tranh lại khá vất vả để không “cắm đầu” (từ của em) vào thi đỗ đại học cho bằng được như tôi.

Nghề em chọn là sửa chữa đồ điện tử. Em học hơn một năm rồi đi làm. Em làm thợ. Em thường bảo: “Học dốt như em mà cứ cố gắng nhồi nhét, cứ cố đỗ đại học cho bằng được có khi lại là ác mộng”.

Khi lên đường đi học sửa chữa đồ điện tử, em đã đặt ra ước mơ sau này sẽ mở một công ty nho nhỏ và em làm ông chủ. Nghe thế, cả nhà tôi đều cho rằng em tôi ảo tưởng, dở hơi.

Giờ nhìn lại, tôi có bằng đại học, đang làm việc cho một cơ quan nhà nước nhưng nhiều khi điêu đứng vì thu nhập không đủ chi tiêu. Thật xấu hổ khi không ít lần ông anh công chức phải mượn tiền của cậu em trai làm thợ để trang trải nợ nần.

Sau bao nhiêu năm cày cuốc cần mẫn, thú thực là lương của tôi không đủ chi trả cuộc sống, bao gồm tiền thuê nhà, tiền ăn, điện nước, xăng xe, điện thoại, tiêu vặt... Nhưng tôi tự an ủi mình rằng dù sao làm trong cơ quan nhà nước vẫn oai.

Nhiều lúc tôi chẳng biết mình có năng lực thực hay không nữa. Thi đỗ đại học với điểm cao đấy, đi đường thẳng đấy. Nhưng khi vào môi trường làm việc mình từng thích, rõ ràng tôi chưa lo nổi cho bản thân mình.

Còn em trai, trước đây tôi cho rằng em điên khi đi lòng vòng, thì giờ tôi thấy em đã đúng. Có năng khiếu, lại chịu khó, cuối cùng em đã có một công ty nhỏ. Ban đầu vốn ít, em cũng gặp nhiều khó khăn nhưng dần dần em đã mở rộng ra và phát triển.

Giờ, em trai tôi gần như đã có tất cả, có kinh tế, có kinh nghiệm, lại đang theo học lớp tại chức.

Còn tôi, giờ mới càng thấm thía giá trị thật của tấm bằng đại học. Khi phải đối mặt với khó khăn tôi mới càng thấy rõ ràng không phải cứ vào đại học là mới thành công. Em tôi “làm thợ” mà lại thành công hơn “thầy” như tôi.

HUY PHẠM

MINH THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên