03/03/2016 18:00 GMT+7

Chủ quan, thiếu thực tế

THANH HÀ thực hiện
THANH HÀ thực hiện

TTO - Đó là bức xúc của các trường về quy định của Bộ Y tế, từ năm 2021, ngành này sẽ không tuyển dụng người có bằng trung cấp.

Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành:

Chúng tôi sẽ kiến nghị

Tôi đồng ý với cách đặt vấn đề nâng chuẩn đội ngũ cán bộ của ngành y tế. Nhưng Bộ Y tế đã ban hành qui định sẽ không tuyển dụng người có trình độ trung cấp một cách chủ quan, thiếu thực tế.

Trước hết là về nhu cầu nhân lực của ngành, không biết khi xây dựng qui định này, Bộ Y tế đã tìm hiểu thực tế của vùng sâu, vùng xa - ngay cả vùng sâu, vùng xa của TPHCM - chưa? Bộ Y tế sẽ thấy nhu cầu nhân lực thực tế của những địa bàn này cần gì.

Thứ hai, là về nội dung đào tạo trình độ trung cấp các ngành y dược, khi ban hành qui định, Bộ Y tế Bộ Nội vụ có biết trình độ đào tạo CĐ của các nước Đông Nam Á cụ thể như thế nào chưa? So sánh với chương trình đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với đầu vào tốt nghiệp THPT của ta hiện nay thì có gì thua kém, khác biệt?

Thứ ba, trung cấp là bậc đào tạo phù hợp với nhiều đối tượng không có điều kiện học ngay lên CĐ, ĐH. Sau khi học trung cấp, đi làm một thời gian, họ có thể học liên thông lên các trình độ cao hơn. Qui định trình độ tuyển dụng kiểu như Bộ Y tế sẽ chặn đứng cơ hội học tập và làm việc của nhiều bạn trẻ.

Tóm lại, tôi có thể khẳng định qui định chỉ tuyển dụng từ trình độ CĐ vào ngành y là một qui định chủ quan, chưa có sự nghiên cứu kỹ thực tế. Các trường trung cấp chuyên nghiệp chúng tôi khi nghe qui định này đều có phản ứng rất quyết liệt.

Chúng tôi sẽ tập hợp ý kiến lại để lên tiếng kiến nghị. Nội dung, chương trình đào tạo của chúng tôi hiện nay nếu so sánh với đào tạo trình độ CĐ cùng ngành nghề của các nước Đông Nam Á là không hề thua kém.

Bằng chứng là học sinh chúng tôi đào tạo ra được tuyển dụng đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc…

Hiện nay, vướng mắc chỉ là vấn đề sắp xếp cơ cấu hệ thống giáo dục VN, tên gọi trung cấp hay CĐ. Chứ còn người học trung cấp ra hoàn toàn đủ năng lực, kiến thức, trình độ chuyên môn để đảm nhiệm các vị trí làm việc trong ngành y.

Bộ Y Tế khi xây dựng qui định cần tính đến điều này: Đó là năng lực làm việc, khả năng chuyên môn thực sự của người được tuyển dụng chứ không chỉ đánh giá bằng bằng cấp.

Mặt khác, chúng tôi cũng kiến nghị Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu sắp xếp lại cơ cấu trình độ đào tạo để hội nhập với thế giới, tránh thiệt thòi cho người học và cơ sở đào tạo.

Ông Đặng Văn Sáng, Hiệu trưởng trường trung cấp Ánh Sáng (TP.HCM):

Nước ngoài tuyển, sao trong nước lại chê?

Qui định của Bộ Y tế ban hành một cách vội vàng, chưa đánh giá được tác động của qui định. Bộ đã ban hành khi chưa có đánh giá phản biện của xã hội, ngay cả những người đang làm việc trong ngành y tế, của các cơ sở y tế tuyến dưới…

Khi đưa ra một qui định có sức ảnh hưởng rộng lớn như vậy, đáng lẽ Bộ Y tế phải có nghiên cứu, tìm hiểu để đánh giá được đào tạo trình độ trung cấp của ta đang đào tạo những gì, so sánh với trình độ CĐ của các nước thì tương đương đến đâu.

Nếu có sự tìm hiểu, so sánh thì Bộ Y tế sẽ thấy xét về thời gian đào tạo CĐ của nhiều nước đối với đầu vào tốt nghiệp THPT thì cũng chỉ là hai năm như đào tạo trung cấp của VN. Về khối lượng kiến thức, số lượng tín chỉ, thời gian thực tập ở bệnh viện… như chúng tôi đang đào tạo, tôi có thể khẳng định hoàn toàn tương đương CĐ của các nước.

Hiện chúng ta chỉ vướng vấn đề tên gọi do phân chia bậc đào tạo ở VN có sự khác biệt với các nước. Nhưng rõ ràng khái niệm, tên gọi không quyết định trình độ, năng lực của người học. Bộ Y tế cần đánh giá người được đào tạo trung cấp ra có làm việc được không, có đáp ứng được các yêu cầu của ngành đối với vị trí làm việc được tuyển dụng? Học sinh của chúng tôi tốt nghiệp được tuyển dụng đi làm việc tại Đức, tại Nhật…

Điều đó cho thấy hai vấn đề: Một là năng lực chuyên môn, kỹ năng của người học hoàn toàn đủ đáp ứng yêu cầu làm việc tại những vị trí phù hợp trong cơ sở y tế. Hai là các nước tiên tiến, phát triển cũng vẫn cần nhân lực trình độ này cho ngành y, vậy lý do gì tại sao hệ thống cơ sở y tế trong nước luôn ở tình trạng quá tải, thiếu hụt nhân lực lại từ chối? Ngành y tế khi đặt ra qui định này đã có tính toán và trao đổi với Bộ GD&ĐT về khả năng đào tạo đủ nhân lực trình độ CĐ để đáp ứng nhu cầu của ngành chưa?

Đối với vấn đề này, tôi nghĩ Bộ Y tế trước khi thực hiện cần có sự bàn bạc, thống nhất với Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động thương binh và xã hội để các trường trung cấp có thời gian chuẩn bị.

Trước mắt, các trường có thể điều chỉnh những bất cập trong chương trình đào tạo (ví dụ như giảm thời lượng học các môn chung, tăng thời lượng học chuyên môn) để nâng chất lượng đào tạo. Về lâu dài, Bộ GD&ĐT cần xem xét đổi tên trung cấp chuyên nghiệp thành CĐ hai năm cho phù hợp với qui chuẩn chung của quốc tế.

THANH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên