04/02/2016 14:29 GMT+7

Mỗi tỉnh một cụm thi: lo ngại rủi ro

TRẦN HUỲNH - VĨNH HÀ
TRẦN HUỲNH - VĨNH HÀ

TTO - Ngay sau khi Bộ GD-ĐT ban hành chủ trương tổ chức kì thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2016, lãnh đạo nhiều trường nhận định chủ trương này có nhiều điều chỉnh phù hợp. Tuy nhiên còn không ít ý kiến băn khoăn.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia 2015 tại Trường ĐH Sài Gòn - Ảnh: Minh Giảng

PGS.TS Đỗ Văn Xê – phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ nói: “Tôi không ngạc nhiên vì quy định này giống như chúng tôi đã đề xuất năm rồi nhưng không được chấp nhận. Việc không cho phép thí sinh thay đổi ngành/trường xin xét tuyển sau khi nộp hồ sơ có ưu điểm là tránh xáo trộn nhưng hạn chế khả năng tự quyết định của thí sinh dựa vào điểm thi. Hay nói cách khác làm tăng việc đậu hay rớt tùy thuộc vào sự may rủi lúc nộp hồ sơ xét tuyển ĐH”.

Những điều chỉnh “tăng, giảm” hợp lý

Nhiều chuyên gia cho rằng việc tổ chức thi trong bốn ngày đầu tháng 7-2016 là phù hợp vì ở thời điểm này thí sinh sẽ có thêm thời gian ôn tập.

Các trường ĐH cũng vừa kết thúc thi học kỳ II nên đủ lực lượng giảng viên và sinh viên năm cuối làm cán bộ coi thi, có chỗ ở giá rẻ hoặc miễn phí cho thí sinh. Việc giữ ổn định các môn thi như năm 2015 cũng được nhiều chuyên gia ủng hộ.

Tuy nhiên cũng có kiến nghị đối với các môn lịch sử, địa lý nên thi trắc nghiệm. Môn ngoại ngữ nên bỏ phần viết vì trọng số thấp mà phiền phức khi chấm và nhập điểm.

TS Trần Đình Lý – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đánh giá các điều chỉnh  “tăng” và “giảm” trong kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ 2016 đều hợp lý và có sự cân nhắc, rút kinh nghiệm rất kỹ về kỳ thi, xét tuyển 2015.

Theo ông Lý ngoài việc điều chỉnh “giảm” về thời gian xét tuyển và số ngành đăng ký trong một trường, đặc biệt có những điều chỉnh “tăng” quan trọng: tăng quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ; tăng điểm công bố kết quả (thông qua các sở GD-ĐT và các trường ĐH chủ trì cụm thi công bố kết quả thi tạo thuận lợi cho thí sinh và phụ huynh tra cứu kết quả thi); tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký xét tuyển và xét tuyển; tăng sự lựa chọn xét tuyển theo định hướng nghề nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giảng viên các trường ĐH, CĐ tham gia coi thi, chấm thi tại các cụm thi tốt nghiệp; tăng số lượng cán bộ, giáo viên thuộc sở GD-ĐT tham gia chấm thi tại các cụm thi ĐH.

TS Trần Mạnh Dũng - trưởng phòng đào tạo Học viện Ngân hàng cho rằng quy định mới năm nay không cho thay đổi nguyện vọng trong các đợt xét tuyển buộc thí sinh phải cân nhắc nghiêm túc cho việc lựa chọn ngành học, thay cho tâm lý “chỉ cần đỗ vào một ngành bất kì” như trước. Phương án mới của bộ có thể nhìn thấy là đã khắc phục được một số bất cập của kỳ tuyển sinh trước.

Mỗi tỉnh một cụm thi: rất nhiều rủi ro

Về cụm thi, với chủ trương năm nay mỗi tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương tổ chức cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD-ĐT (cụm thi ĐH); cụm thi cho thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT do sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH (cụm thi tốt nghiệp) có nhiều ý kiến băn khoăn.

TS Trần Mạnh Dũng cho biết ông còn điều băn khoăn là năm nay, với quy định về cụm thi, số lượng cụm thi sẽ lớn hơn. Như vậy nếu không có giải pháp đảm bảo an toàn thì tính thực chất của kết quả thi sẽ không được đảm bảo, cùng với đó là chất lượng xét tuyển cũng sẽ không tốt và thiếu công bằng giữa các thí sinh trong các cụm thi khác nhau.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng – hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM cho rằng: “Việc tổ chức cụm thi như vậy rất nhiều rủi ro. Cá nhân tôi cũng như nhiều trường ĐH khác cũng không ủng hộ chủ trương này vì một số lý do: 1. Cách thức tổ chức cụm thi như vậy rất tốn kém; 2. Dân địa phương ở các tỉnh nhỏ hay có truyền thống bắt thang, ném phao cho con em mình. 3. An ninh cho cán bộ coi thi ở các tỉnh nhỏ không đảm bảo nhất là ngoài khu vực thi. 4. Chính quyền địa phương thường gây sức ép lên các trường phụ trách điểm thi coi thi dễ khiến tình trạng quay cóp tăng. 5. Các ĐH địa phương ít có kinh nghiệm tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. 6. Nguy cớ bị cướp hoặc lộ đề thi cao khi có nhiều điểm thi. 7. Các trường ĐH lớn không thể huy động số lượng giảng viên và sinh viên đi tỉnh tham gia công tác coi thi. Kết quả thi sẽ không phản ánh thực chất”.

Về coi thi, chấm thi nhiều chuyên gia đề nghị bài thi nên đưa về cụm thành phố lớn (giáo viên các trường ĐH và THPT ở thành phố lớn lớn) vì trình độ chấm và kinh nghiệm chấm thi ở các địa phương nhỏ rất thấp và có tâm lý chấm nương tay để học sinh mình được lợi.

Cần giải pháp tốt để tránh tiêu cực

Ông Trần Mạnh Dũng cho rằng chủ trương trong xét tuyển năm nay nảy sinh một số vấn đề cần phải có giải pháp tốt thì mới tránh được những tiêu cực.

“Cụ thể là việc chống ảo. Tôi ủng hộ việc không sử dụng giấy xác nhận kết quả thi vào việc đăng kí nguyện vọng xét tuyển. Vì với cách này, các trường buộc phải làm thủ công, thí sinh cũng sẽ chỉ chọn giải pháp nộp hồ sơ trực tiếp. Nếu sử dụng các mã số khác nhau để đăng kí nguyện vọng xét tuyển, sẽ khuyến khích thí sinh đăng kí trực tuyến. Nhưng như vậy, các trường sẽ phải liên kết với nhau để sử dụng chung hệ thống dữ liệu xét tuyển thì mới tránh được “ảo” nếu thí sinh đăng ký vượt quá số nguyện vọng cho phép. Trường nào sẽ đứng ra chủ trì kêu gọi các trường liên kết, hay Bộ GD-ĐT lại chủ trì? Đây là vấn đề phải suy nghĩ để đưa ra giải pháp kỹ thuật phù hợp. Nếu các trường độc lập thực hiện việc thu nhận hồ sơ xét tuyển thì tình trạng “ảo” là không tránh khỏi” – ông Dũng băn khoăn.

PGS.TS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng nếu xảy ra tình trạng gia tăng “ảo” do quy định mới năm nay thì không chỉ các trường mà thí sinh cũng sẽ bị ảnh hưởng. Bởi khi đó, điểm chuẩn của các trường cũng “ảo” và sẽ phải điều chỉnh lại nhiều lần. Các trường buộc phải liên kết với nhau sử dụng chung hệ thống dữ liệu xét tuyển. Có thể các trường trong cùng một tốp có mức điểm chuẩn hàng năm gần với nhau sẽ liên kết với nhau trong một nhóm.

“Chúng tôi sẽ chủ động liên hệ với các trường về việc này. Tôi nghĩ sẽ ít trường từ chối liên kết vì đây là việc có lợi cho cả nhà trường và thí sinh. Nếu Bộ GD-ĐT không quy định thì Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng sẽ đề xuất chỉ nên có một tờ mẫu đăng kí xét tuyển. Trong đó thí sinh ghi rõ nguyện vọng vào hai trường, ghi thứ tự các nguyện vọng theo ưu tiên lựa chọn của thí sinh. Như vậy sẽ rất thuận tiện cho các trường trong “liên kết” khi xét tuyển. Nếu các giải pháp kĩ thuật được cân nhắc, xử lý tốt thì tôi nghĩ việc thực hiện sẽ không khó khăn” – ông Sơn nói.

 

TRẦN HUỲNH - VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: tuyển sinh 2016