05/01/2016 09:12 GMT+7

Vào hợp đồng, lương thụt lùi

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Hơn 30 cô giáo cấp dưỡng tại các trường mầm non huyện Cam Lộ, Quảng Trị được ký hợp đồng nhưng tất cả đều ngã ngửa vì lương mỗi cô chỉ còn khoảng 1,1 triệu đồng.

Các cô nuôi tại Trường mầm non Vành Khuyên, xã Cam An (Cam Lộ) dọn rửa chén bát sau ca ăn chiều của gần 300 trẻ bán trú - Ảnh: Quốc Nam
Các cô nuôi tại Trường mầm non Vành Khuyên, xã Cam An (Cam Lộ) dọn rửa chén bát sau ca ăn chiều của gần 300 trẻ bán trú - Ảnh: Quốc Nam

Hơn 30 cô giáo cấp dưỡng (gọi là cô nuôi) phục vụ tại các trường mầm non chưa hết vui mừng vì được ký hợp đồng trọn năm học,  được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) thì tất cả đều ngã ngửa vì tính theo hợp đồng mới, lương mỗi cô chỉ còn khoảng 1,1 triệu đồng.

Một số rất ít trong đó có bằng trung cấp thì được hơn 1,8 triệu đồng (chưa trừ bảo hiểm, công đoàn phí).

Sống bằng cách gì?

Những ngày đầu tiên của năm mới, không khí tại các trường mầm non ở huyện Cam Lộ ảm đạm hẳn. Dù đây là tháng đầu tiên nhận lương mới và cũng là tháng đầu tiên được tham gia đóng BHXH, nhưng cô Trần Thị Hoa, một trong sáu cô nuôi tại Trường mầm non Vành Khuyên (xã Cam An), cho biết mình không thể vui được khi cầm số tiền lương tháng còn đúng hơn 1,2 triệu đồng.

Cô Hoa cũng như các cô khác được nhận vào trường làm cô nuôi đã mấy năm nay. Những năm trước, cô Hoa làm việc theo thỏa thuận cá nhân với nhà trường và được trả lương theo bằng sơ cấp, mỗi tháng cô được trả gần 1,9 triệu đồng tiền lương. Tiền trả lương các cô do phụ huynh đóng góp. Vì chỉ là thỏa thuận cá nhân giữa cô với nhà trường nên tất nhiên cô không nằm trong số đối tượng được đóng bảo hiểm xã hội (BHXH). Thời gian làm việc của cô Hoa cũng như tất cả các cô nuôi ở trường này đều là làm toàn thời gian.

Đầu năm học 2015-2016, Phòng GD-ĐT huyện Cam Lộ có thông báo về việc ký hợp đồng với thời hạn chín tháng (trọn năm học) cho tất cả cô nuôi ở các trường mầm non trên toàn huyện. Những cô nuôi này sẽ được hưởng lương theo bằng cấp như cũ và hơn hết là được đóng BHXH để đảm bảo quyền lợi lao động. Số tiền đóng BHXH được trích hơn 3/4 từ lương tháng của các cô, phần còn lại nhà trường hỗ trợ.

Sau vài tháng hoàn thành phần thủ tục, đến tháng 12-2015 vừa qua là tháng đầu tiên hơn 30 cô nuôi trên toàn huyện nhận lương mới. Và tất cả đều “bủn rủn” khi cầm số tiền lương tháng 1,15 triệu đồng. Trừ tiền đóng BHXH và công đoàn phí, mỗi cô còn chưa tới 1 triệu đồng. Quá xót xa với số tiền lương các cô nuôi nhận, các trường buộc phải hỗ trợ thêm cho mỗi cô 300.000 đồng. Tính thêm số tiền được trường hỗ trợ, mỗi cô cũng được hơn 1,2 triệu đồng cho một tháng làm việc cật lực.

Chỉ biết nhờ vào phụ huynh

Cô Ngô Thị Sen, hiệu phó Trường mầm non Vành Khuyên, kể mấy tháng nay nghe nói các cô nuôi trong trường được ký hợp đồng và đóng BHXH cũng mừng lắm. Nhưng không nghĩ lương giờ lại thấp như thế này. “Nếu như là tôi thì cũng không biết xoay xở sao để sống với khoản lương đó” - cô Sen bày tỏ.

Ông Phạm Văn Hồng, trưởng Phòng GD-ĐT huyện Cam Lộ, thừa nhận đúng là rất xót xa cho các cô nuôi khi phải nhận mức lương thấp như thế. Nhưng ông Hồng cho biết việc trả lương cho đối tượng cô nuôi tại các trường mầm non hoàn toàn là do phụ huynh góp lại để chi trả chứ đối tượng này không có trong ngạch chi trả của ngân sách.

Theo hợp đồng, các cô nuôi sẽ nhận lương theo đúng bằng cấp. Sau khi cộng đúng tổng số tiền lương tính theo bằng cấp của các cô nuôi ở mỗi trường sẽ chia đều ra cho phụ huynh góp tiền lại trả lương cho các cô.

Tuy nhiên, khi đại diện Phòng GD-ĐT làm BHXH cho các cô theo hợp đồng mới thì phía cơ quan bảo hiểm yêu cầu xác định chức danh của người đóng. Mà với đối tượng cô nuôi thì phải tính là nhân viên. Tức các cô sẽ buộc phải hưởng lương theo bằng nghề chứ không theo bằng ngành như trước. Nên các cô nuôi lâu nay hưởng lương theo bằng sơ cấp ngành hệ số 1,65 sẽ phải chuyển qua hệ số lương cho bằng sơ cấp nghề là 1. Vậy nên mức lương mới của các cô sau khi có hợp đồng và đóng BHXH sẽ được tính mức 1.150.000 đồng/tháng.

“Nhiều cô nuôi đã có ý định bỏ việc khi biết mức lương mới này. Nếu các cô nuôi đồng loạt bỏ việc thì đúng là rất phức tạp” - ông Hồng bày tỏ.

Ông Ngô Quang Chiến, chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, nói phía huyện cũng rất chia sẻ với các cô nuôi trong hoàn cảnh này. Nhưng ngân sách huyện quá eo hẹp, không thể hỗ trợ được. “Chỉ còn cách là nhờ phụ huynh cùng chung tay góp sức giúp thêm cho các cô nuôi thôi” - ông Chiến cho biết.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên