06/10/2015 13:27 GMT+7

Đóng cho thầy cô bao nhiêu tiền?

LÊ PHƯƠNG TRÍ
LÊ PHƯƠNG TRÍ

TT - Quỹ phụ huynh trước đây, giờ được gọi là tiền công trình của hội cha mẹ học sinh cùng với các khoản thu như quỹ khuyến học của trường, tiền nước uống, tiền vệ sinh phí...

Trước đây, học sinh vào năm học mới khoảng hai tuần là các trường đã tiến hành họp phụ huynh học sinh đầu năm. Giáo viên mong họp để trao đổi với phụ huynh về tình hình hạnh kiểm, học tập của học sinh lớp mình chủ nhiệm; phổ biến những quy định, nội quy của trường lớp...

Phụ huynh thì nôn nóng đi họp để gặp mặt giáo viên chủ nhiệm, gửi gắm con em cho thầy cô... Cuộc họp phụ huynh thật thoải mái, vui vẻ vì chỉ xoay quanh về việc giảng dạy, giáo dục học sinh.

Thế nhưng, những năm gần đây, cuộc họp phụ huynh được tiến hành rất trễ vì phải đợi nhà trường quyết định các khoản thu. Và cuộc họp đã trở thành nỗi ám ảnh không chỉ của phụ huynh mà cả các thầy cô giáo. Giáo viên chúng tôi phải phổ biến các khoản thu đầu năm trong tiếng than ngắn thở dài của phụ huynh, nhưng ít phụ huynh biết rằng thầy cô cũng ngán ngẩm việc họp phụ huynh hiện nay.

Mặc dù giáo viên chỉ là người phổ biến các khoản thu, tuy nhiên với phụ huynh, thầy cô là người thay mặt cho nhà trường yêu cầu phụ huynh đóng tiền.

Ở một số trường, giáo viên còn là người trực tiếp thu nên câu nói quen thuộc là: “Đóng cho thầy (cô) bao nhiêu tiền?”. Đó là chưa kể các khoản thu năm sau đều cao hơn năm trước, nên khi có ý kiến thắc mắc thì phụ huynh lại chất vấn giáo viên. Có những chất vấn mà chúng tôi cũng không biết trả lời sao như: “Đứa lớn của tôi học lớp 10, phù hiệu in tên, lớp mà chỉ có 10.000 đồng/4 cái. Phù hiệu trường này không in tên lớp mà đến 16.000 đồng/4 cái. Sao mắc vậy?”...

Quỹ phụ huynh trước đây, giờ được gọi là tiền công trình của hội cha mẹ học sinh cùng với các khoản thu như quỹ khuyến học của trường, tiền nước uống, tiền vệ sinh phí...

Các khoản tiền này được gọi chung là thu theo thỏa thuận. Với khoản thu này, ban giám hiệu yêu cầu giáo viên phải làm sao để phụ huynh đồng ý 100% và ký tên thật đầy đủ, tránh thưa kiện về sau.

Đây mới chính là việc mà nói ra thật cay đắng lòng, bởi khi thỏa thuận với phụ huynh, nó như một cuộc “trả giá” mà thầy cô chủ nhiệm là người “ra giá”. Chẳng hạn, ban giám hiệu phổ biến tổng tiền thực hiện các công trình của phụ huynh trong năm, và quy ra mỗi phụ huynh phải đóng góp 400.000 đồng/năm. Lớp có phụ huynh khó khăn, vậy là mức đưa ra sẽ được phụ huynh đề nghị “hạ giá” là 200.000 đồng, rồi nâng lên từ từ 250.000 đồng, 300.000 đồng...

Giáo viên lại phải giải thích, động viên để mọi phụ huynh đồng ý với “giá” mà nhà trường đưa ra. Phụ huynh đâu biết là khoản đóng góp này đúng, đủ với số tiền quy định cũng là một yếu tố để ban giám hiệu đánh giá công tác chủ nhiệm của chúng tôi. Trong kỳ họp hội đồng nhà trường sau đó, các lớp đạt chỉ tiêu 100% sẽ được khen ngợi, các lớp không đạt thì... “Đủ hiểu rồi nha!”.

Không biết đến bao giờ thì buổi họp phụ huynh đầu năm sẽ như những cuộc họp phụ huynh trước đây: giáo viên chúng tôi hào hứng trao đổi với phụ huynh về việc giảng dạy, giáo dục học sinh. Còn hiện tại, thầy cô giáo rất ngán ngại phải họp phụ huynh học sinh đầu năm. Tiếng thở dài không chỉ có ở các bậc phụ huynh!

LÊ PHƯƠNG TRÍ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên