Phụ huynh Trường tiểu học Nguyễn Huệ, TP Mỹ Tho “tiếp tế” cho con em trong giờ ra chơi. Họ đều thuộc diện khó khăn, phải đi bán vé số hoặc đi buôn bán từ sớm nên không cho con ăn sáng được, phải tranh thủ cho con ăn qua song sắt cổng trường giờ ra chơi như thế này - Ảnh: V.TR. |
Trong số các khoản thu đầu năm thì phụ huynh kêu nhiều nhất là tiền bảo hiểm y tế (BHYT), tăng gần gấp đôi so với năm học trước. Tính trung bình mỗi học sinh phải đóng khoảng 1 triệu đồng ngay từ đầu năm học, đó là chưa kể quần áo, sách vở.
“Lo cái ăn, cái mặc cho bốn người trong gia đình đã thở không ra rồi, tiền đâu mà đóng bảo hiểm cho con. Tới đâu hay tới đó thôi, giờ trả lời thẳng với trường là không có tiền đóng |
Anh NGUYỄN HOÀNG PHONG (xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho) |
Lè lưỡi với… BHYT
Trống trường vang lên. Học sinh chạy ùa vào lớp học. Chị Cao Thị Phương Thảo ngồi buồn thiu bên chiếc xe đẩy tự chế bán nước giải khát trước cổng Trường tiểu học Nguyễn Huệ (P.6, TP Mỹ Tho, Tiền Giang).
Chị cho biết có hai con đang học ở trường này, đứa lớp 3, đứa lớp 5. Trường chưa họp phụ huynh nhưng cô giáo của con chị đã thông báo các khoản thu đầu năm học.
“Ngán nhất là tiền BHYT, năm học rồi chưa tới 300.000 đồng/đứa, còn năm nay tăng lên 543.400 đồng/đứa. Hai vợ chồng bán hàng rong thế này nuôi hai đứa con đã vất vả rồi, mà đầu năm còn phải lo đủ thứ quần áo, sách vở, BHYT, bảo hiểm tai nạn cho con” - chị Thảo thở dài.
Ở vùng nông thôn, nỗi lo của phụ huynh đối với khoản thu BHYT đầu năm học này còn lớn hơn. Anh Nguyễn Hoàng Phong ở xã Tân Mỹ Chánh, TP Mỹ Tho nói hôm chủ nhật vừa rồi đi họp phụ huynh cho con (học lớp 2).
Khi nghe giáo viên thông báo đóng BHYT bắt buộc và các khoản thu khác tổng cộng gần 900.000 đồng, anh cảm thấy rất lo vì vợ anh đang thất nghiệp ở nhà chăm con nhỏ, trong khi anh làm tài xế cho một doanh nghiệp, thu nhập chỉ khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Còn chị Nguyễn Thị Mỹ Trúc ở thị xã Cai Lậy (Tiền Giang) kể: “Khi nộp hồ sơ cho con vô lớp 1 thì trường đã thu trước 400.000 đồng ứng BHYT, giờ vô học trường thông báo thu tiếp BHYT 543.400 đồng, bảo hiểm tai nạn 80.000 đồng, các khoản khác tính sau. Rất nhiều phụ huynh đã phản ứng mức thu này, có người lớn tiếng nói không cho học thì nghỉ chứ tiền đâu mà đóng. Tôi cũng nghe nhiều giáo viên nói họ không đồng tình với mức đóng BHYT quá cao như vậy mà lại bắt buộc”.
Quá nhiều khoản chi
Anh Phạm Duy Thiện ở P.6, TP Mỹ Tho có hai con gái (sinh đôi) và một con trai đang học lớp 6 và lớp 8 Trường THCS Xuân Diệu. Anh cho biết đầu năm học này phải “chạy vắt giò lên cổ” để lo tiền mua sắm quần áo, sách vở, đóng tiền học cho con.
Anh kể: “Hai đứa con gái chỉ may sáu bộ áo dài đã hết 6 triệu đồng, đồng phục cho con trai hết 1,5 triệu đồng, BHYT cho ba đứa gần 1,7 triệu đồng, học phí gần 2 triệu đồng. Còn các khoản như quỹ hội phụ huynh, hỗ trợ trường thuê bảo vệ, đồng phục thể dục, sách vở, bút mực… nhớ không nổi luôn. Tính sơ, để ba đứa con đến trường được thì tui tốn không dưới 15 triệu đồng”.
Còn anh Huyết Sơn (cũng ở P.6, TP Mỹ Tho) có hai con gái học lớp 12 và lớp 8. Tiền lương của anh chỉ 3 triệu đồng/tháng nhưng đầu năm học này anh phải lo cả chục triệu đồng cho con.
“Năm lớp 7 tui đã đóng tiền sắm quạt cho lớp. Năm nay lên lớp 8 học lớp khác nhưng lớp này quạt hư hết. Nhà trường nói không có tiền sửa, thế là phụ huynh phải đóng thêm 100.000 đồng để mua quạt mới” - anh Sơn bức xúc.
Một phụ huynh có con học lớp 8/13 Trường THCS Xuân Diệu, TP Mỹ Tho cho chúng tôi xem “danh mục” bảy khoản mà phụ huynh phải đóng đầu năm học này gồm: học phí 360.000 đồng, BHYT 545.000 đồng, bảo hiểm tai nạn 80.000 đồng, thư viện 3.000 đồng, heo đất 18.000 đồng, quỹ hội cha mẹ học sinh 70.000 đồng và hỗ trợ trả lương nhân viên bảo vệ, phục vụ 70.000 đồng. Tổng cộng 1.146.000 đồng/học sinh.
Ở khối tiểu học, mức đóng đầu năm học cũng không hề ít dù không phải đóng học phí.
Tại một số trường ở TP Mỹ Tho, ngoài hai loại bảo hiểm hơn 620.000 đồng, mỗi phụ huynh còn phải đóng gần 300.000 đồng quỹ hội cha mẹ học sinh. Quỹ này thu để chi cho ba khoản: hội cha mẹ học sinh, hội khuyến học và tiền thuê mướn nhân viên bảo vệ, vệ sinh.
Nói là tự nguyện nhưng nhà trường “định hướng” luôn mức thu khi họp phụ huynh bởi chỉ thu từ mức đó trở lên mới đủ chi. Với những học sinh lớp 1 học bán trú thì mức đóng đầu năm còn “khủng” hơn vì bắt buộc phải có thêm khoản cơ sở vật chất cho 5 năm học tiểu học, trung bình 2,5 triệu đồng/học sinh.
Một hiệu trưởng trường tiểu học tại TP Mỹ Tho giải thích khoản thu này để sửa chữa, đầu tư mua sắm trang thiết bị nhà ăn và lớp học nhằm phục vụ việc học bán trú của học sinh. Có trường còn vận động phụ huynh đóng góp để thuê họa sĩ vẽ trang trí lớp học theo mô hình trường học mới.
Không dám tổ chức họp phụ huynh Cô Huỳnh Mỹ Hòa, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Huệ (TP Mỹ Tho), nói có nghe râm ran chuyện phụ huynh phản ứng số tiền đóng BHYT năm học này gần gấp đôi so với năm học trước (năm rồi chỉ 289.800 đồng/năm). Năm học này Trường tiểu học Nguyễn Huệ có 1.312 học sinh, trong đó chỉ có khoảng 50 em thuộc diện hộ nghèo, 10 em gia đình chính sách, diện khó khăn lên đến 1/3 học sinh toàn trường. Trường đang lo sẽ có hàng trăm em không có khả năng đóng BHYT. Và đó cũng là lý do đã nhập học gần hai tuần mà trường vẫn không dám tổ chức họp phụ huynh. Tiếp xúc với phóng viên, rất nhiều hiệu trưởng ở tỉnh Tiền Giang nói rằng các năm học trước trường vận động mạnh thường quân hỗ trợ một số em khó khăn vì mức đóng BHYT thấp. Còn năm nay đóng quá cao nên việc vận động là không khả thi. Trường nào có hơn 100 em khó khăn không thể đóng BHYT thì hội cha mẹ học sinh cũng không choàng gánh nổi. Ngay cả vận động được một ít thì cũng khó xử vì không thể giúp em này mà bỏ em khác. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận