27/04/2015 11:31 GMT+7

​Ngóng chờ... hiệu trưởng

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Một trường ĐH suốt gần bảy tháng không có hiệu trưởng, một trường ĐH hiệu trưởng đã hết nhiệm kỳ hơn hai tháng vẫn “phải tại vị” vì chưa có quyết định thôi chức.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

 Đó là hai câu chuyện khó tin về công tác nhân sự cùng lúc đang xảy ra tại hai trường ĐH lớn: Trường ĐH Bách khoa Hà Nội và Trường ĐH Ngoại thương.

Khoa không thực hiện ý kiến chỉ đạo

Đó là tình trạng đang xảy ra tại Trường ĐH Ngoại thương. Tại quyết định bổ nhiệm lại hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương ngày 10-2-2010, ông Hoàng Văn Châu được bổ nhiệm giữ chức vụ hiệu trưởng nhà trường trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Văn bản do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ký cũng ghi rõ: quyết định này có hiệu lực từ ngày ký (ngày 10-2-2010 - PV).

Theo Luật giáo dục ĐH, nhiệm kỳ của hiệu trưởng là năm năm, hiệu trưởng có thể được bổ nhiệm lại theo nhiệm kỳ nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Ông Châu đã đảm nhiệm vị trí hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương hai nhiệm kỳ liên tiếp, nên theo quy định sẽ không phải là đối tượng được bổ nhiệm lại ở nhiệm kỳ mới.

Việc ông Châu vẫn tiếp tục điều hành nhà trường sau ngày 10-2 mà không có thông báo hay quyết định chính thức từ Bộ GD-ĐT kéo dài chức vụ quản lý có làm nảy sinh khó khăn?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Châu cho rằng trong quyết định bổ nhiệm không nói rõ thời điểm nào hết nhiệm kỳ, cũng không nói là bổ nhiệm có thời hạn, “còn đúng là về nguyên tắc thì hết rồi”.

Thực tế sau ngày 10-2, khi ông Hoàng Văn Châu ký một số văn bản liên quan đến việc kỷ luật cán bộ với tư cách hiệu trưởng nhà trường đã vấp phải phản ứng gay gắt từ những cán bộ, giảng viên này.

Mới đây nhất, khi ông Châu ký các công văn, thông báo gửi đến khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế yêu cầu thực hiện kiểm điểm viên chức đối với ông N.H.M. vì ông M. mới hoàn thành khóa học, chưa có bằng tiến sĩ nhưng hơn bảy năm qua đã hướng dẫn nhiều học viên cao học thì lập tức bị ông M. phản đối (xem thêm trên Tuổi Trẻ ngày 25-4, bài “Chưa nhận bằng tiến sĩ đã hướng dẫn học viên cao học”).

Ông M. cho rằng theo quy định, nhiệm kỳ thứ hai của ông Châu đã kết thúc từ ngày 10-2, không có quyết định kéo dài quản lý của Bộ GD-ĐT với ông Châu nên các quyết định, văn bản ông Châu ký với tư cách hiệu trưởng... không có giá trị.

Trước đó, khi bị xử lý kỷ luật, bà T.A. - một cán bộ nhà trường - cũng cho rằng nhiệm kỳ hiệu trưởng của ông Châu đã kết thúc vào ngày 10-2 nên ông Châu không đủ thẩm quyền để giải quyết khiếu nại.

Thậm chí, khoa kinh tế và kinh doanh quốc tế cũng có văn bản gửi ban giám hiệu cho rằng căn cứ vào đơn của ông M. và xin ý kiến của ba phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương thì “cả ba phó hiệu trưởng đều khẳng định theo quy định của pháp luật, ông Châu không còn là hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương” nên khoa không thực hiện các chỉ đạo của ông Châu ký với tư cách là hiệu trưởng kể từ sau ngày 10-2.

Sau ngày 10-2, ngoài việc ra văn bản yêu cầu xử lý kỷ luật cán bộ, ông Châu còn ra quyết định bổ nhiệm lãnh đạo bộ môn trong trường.

Vậy tại sao hết nhiệm kỳ năm năm, chiếu theo quyết định bổ nhiệm từ ngày ký với ông Châu, Bộ GD-ĐT vẫn chưa ban hành quyết định nào liên quan đến bổ nhiệm hiệu trưởng mới? Liệu có phải nhà trường muốn trì hoãn các thủ tục này?

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Hoàng Văn Châu cho biết việc này không liên quan đến nhà trường mà thuộc Bộ GD-ĐT. “Khoảng ba tháng trước, trường đã có báo cáo nhiệm kỳ gửi lên Bộ GD-ĐT và đề nghị bổ nhiệm hiệu trưởng mới đúng quy định, đúng thời hạn. Song có thể do vướng dịp tết nên bộ không làm được. Hoặc nếu có lý do nào đó thì đều nằm ở Bộ GD-ĐT. Mong muốn của tôi là bộ làm nhanh quyết định để mình còn nghỉ...” - ông Châu nói.

Hiệu trưởng không có, bí thư đảng ủy cũng... trống

H. - một sinh viên khóa tốt nghiệp mới nhất Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - kể lúc chuẩn bị nhận bằng tốt nghiệp ĐH, sinh viên toàn khóa được thông báo: hiện nhà trường chỉ có phó hiệu trưởng phụ trách nên sinh viên có quyền lựa chọn thời điểm nhận bằng.

Nếu cần ngay thì bằng tốt nghiệp sẽ do phó hiệu trưởng phụ trách trường ký. Còn nếu không vội, có thể chờ đến khi trường có hiệu trưởng mới.

“Chờ ngắn hạn chừng 1-2 tháng thì chúng tôi còn cố nấn ná. Chứ cứ ngóng chữ ký hiệu trưởng lên tấm bằng mà mất cơ hội xin việc thì không ai dại dột để “đu dây”.

Dù không vui lắm nhưng đến nay tất cả sinh viên đồng khóa đều đã chấp nhận tấm bằng tốt nghiệp với chữ ký của phó hiệu trưởng phụ trách nhà trường” - H. chia sẻ.

Tuy nhiên, không chỉ có bằng tốt nghiệp ĐH, một tân tiến sĩ của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết lễ trao bằng cho 47 tân tiến sĩ của trường ngày 23-4 cũng chứng kiến các tấm bằng tiến sĩ được trao chỉ có chữ ký của phó hiệu trưởng.

Thật ra Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có sự chuẩn bị vị trí người đứng đầu khá kỹ lưỡng. Theo quy định, ngày 1-10-2014, GS Nguyễn Trọng Giảng sẽ chính thức thôi chức hiệu trưởng nhà trường. Do đó, từ tháng 8-2014, trường đã thực hiện quy trình bổ nhiệm hiệu trưởng mới.

100% thành viên trong đảng ủy nhất trí PGS.TS Trần Văn Tớp - phó hiệu trưởng đương nhiệm - sẽ là tân hiệu trưởng. Tuy nhiên, ngay trong thời gian chờ quyết định bổ nhiệm, ông Tớp lại bị một giảng viên gửi đơn tố cáo “đạo văn” ở một giáo trình đã xuất bản.

Bộ GD-ĐT buộc phải tiến hành thanh tra. Việc bổ nhiệm hiệu trưởng mới tạm dừng lại và Bộ GD-ĐT ra quyết định PGS.TS Nguyễn Văn Khang đảm nhiệm vị trí phó hiệu trưởng phụ trách trường.

Sau khi có kết luận thanh tra từ Bộ GD-ĐT, Đảng ủy Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã có văn bản báo cáo việc thực hiện các kết luận thanh tra, đồng thời tiếp tục đề xuất Bộ GD-ĐT bổ nhiệm ông Tớp là hiệu trưởng nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, trong hội nghị cán bộ chủ chốt cuối tháng 4, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chính thức thông báo: ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT đã có nghị quyết không đồng ý bổ nhiệm PGS.TS Trần Văn Tớp vào vị trí hiệu trưởng và PGS.TS Nguyễn Văn Khang sẽ tiếp tục phụ trách trường cho đến khi có hiệu trưởng mới!

Chưa hết, gần ba tháng qua trường cũng không có bí thư đảng ủy (do PGS.TS Nguyễn Cảnh Lương - nguyên phó hiệu trưởng, nguyên bí thư đảng ủy nhà trường - hết tuổi quản lý theo chế độ), mà đến nay ban giám hiệu chưa kiện toàn, đại hội đảng bộ chưa diễn ra...

Một cán bộ nhiều năm làm công tác quản lý tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội khẳng định tình thế hiện nay rất “đặc biệt”, chưa từng có trong lịch sử 60 năm của trường.

Một trường có hơn 2.000 cán bộ, giảng viên - trong đó có gần 200 GS, PGS - với khoảng 30.000 học viên sau ĐH, sinh viên ĐH chính quy thì tình trạng “trống” hiệu trưởng hơn nửa năm trời đã để lại nhiều hệ lụy.

Ngay cả hội nghị cán bộ viên chức vốn cần vị trí hiệu trưởng để đứng lên cam kết đường hướng cũng bị lùi lại suốt từ năm 2014 đến nay mà chưa thực hiện được. 

Bộ GD-ĐT cần tìm ra phương án giải quyết sớm

Trao đổi với Tuổi Trẻ, GS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - cho rằng việc để một trường ĐH lớn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội trong tình trạng không có hiệu trưởng quá lâu là điều “không đúng quy định, không bình thường”.

“Bộ GD-ĐT cần tìm ra phương án giải quyết sớm. Một trường lớn như Trường ĐH Bách khoa Hà Nội thì không thiếu người để chọn vào vị trí chủ chốt. Nếu kéo dài tình trạng này, bằng cấp của sinh viên, học viên vẫn được ký không phải bởi hiệu trưởng, rồi các chiến lược lớn phát triển nhà trường bị đình trệ… chắc chắn sẽ gây tâm lý bất ổn. Đáng lo hơn là tình trạng trên có thể tạo tiền lệ không hay” - GS Thuyết nhận định.

 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên