​Hãy cho giám thị một “danh phận”

LÊ MINH HOÀNG (Trường THPT Long Bình,  Gò Công Tây, Tiền Giang)
LÊ MINH HOÀNG (Trường THPT Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)

TT - Ngày trước, ai đã từng học trung học đều biết các trường đều có thầy (và một số rất ít là cô) giám thị, tổng giám thị.

Đội ngũ giám thị phụ trách về tình hình kỷ luật của các học sinh (HS). Tuy không trực tiếp đảm nhận công tác giảng dạy, nhưng giám thị đóng vai trò rất lớn trong việc duy trì nề nếp của nhà trường, góp phần rèn luyện tính kỷ luật HS. Giám thị chính là “khắc tinh” của những HS lêu lổng, trốn học, không chuyên cần, quậy phá...

Những người làm công tác này chính là người nắm giữ bộ mặt của nhà trường. Nhìn vào cách thức làm việc của đội ngũ giám thị, người ta có thể biết được phần nào ý thức kỷ cương nề nếp HS, bởi hơn ai hết trong trường họ chính là những người theo sát hoạt động của HS nhất.

Tổng giám thị có chức năng như một phó hiệu trưởng chuyên quản về trật tự kỷ luật, nề nếp, hạnh kiểm của học sinh. Cơ chế giám thị trong trường trung học được luật hóa hẳn hoi.

Sau này, hoạt động giám thị trong trường học bị thay bằng hoạt động của các đội cờ đỏ (ở cấp THPT) và sao đỏ (ở cấp THCS)...

Những năm về sau hoạt động của đội cờ đỏ, sao đỏ rơi vào bất cập, và việc tự phát tái lập hình thức tổ chức và hoạt động của giám thị trong các trường trung học như là một yêu cầu tất yếu. Lần lượt các trường trung học trên phạm vi cả nước có giám thị (dưới nhiều tên gọi khác nhau: giám thị, quản sinh, quản nhiệm...) nhưng tất cả đều hoạt động... chui vì chưa được hợp pháp hóa (ngoại trừ một số địa phương đã có quy định tạm thời của UBND tỉnh về chức danh giám thị trong trường).

Tuy vậy, cơ quan quản lý nhà nước, quản lý ngành cũng không cấm hoạt động giám thị nếu không muốn nói là mặc nhiên thừa nhận. Chính vì vậy, trường trung học nào cũng có giám thị, nhưng mỗi trường lại có cách thức tổ chức và cơ chế hoạt động giám thị rất khác nhau, do đó chưa tạo ra hiệu quả đúng mức.

Ai được phân công làm giám thị; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ công tác và chính sách đãi ngộ ra sao... chưa có sự thống nhất.

Về lý thuyết, người được phân công làm giám thị phải là những giáo viên có phẩm chất đạo đức tốt, có uy tín với đồng nghiệp, với HS và cha mẹ HS, có năng lực chuyên môn và năng lực quản lý điều hành, biết làm công tác tư vấn tâm lý cho HS... nói chung là phải nổi trội về mọi mặt so với các đồng nghiệp khác trong trường.

Thế nhưng trong thực tế, do bị khống chế của chỉ tiêu, định mức lao động và “cục” ngân sách được khoán, hầu hết hiệu trưởng các trường đã phân công giám thị là những giáo viên thiếu tiết đứng lớp theo quy định, hoặc có sức khỏe kém, lớn tuổi chuẩn bị về hưu...

Các giám thị tập hợp lại thành nhóm giám thị, và vì hầu hết vừa làm giám thị vừa đứng lớp nên họ vẫn phải sinh hoạt chuyên môn ở tổ và làm đầy đủ mọi nhiệm vụ của một giáo viên bình thường, mặt khác họ lại phải sinh hoạt nhóm giám thị theo quy chế riêng.

Chức năng, nhiệm vụ của giám thị ở mỗi trường cũng có sự khác nhau. Có trường chỉ đơn thuần làm công tác quản lý trật tự kỷ luật, nề nếp HS; có trường thì quản lý cả hồ sơ học vụ; có trường hiệu trưởng lại giao cho giám thị nhiệm vụ quản lý giáo viên như điểm danh, nhận đơn xin nghỉ, cho đăng ký dạy bù, dạy thay... và kiêm cả công việc “thường trực tiếp dân”!

Thực tiễn cho thấy bộ máy hoạt động của trường trung học không thể thiếu vai trò của giám thị. Có giám thị mới có thể quản lý tốt nề nếp, trật tự, kỷ cương theo đúng điều lệ, nội quy trường học; phòng chống các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội phát sinh, tạo điều kiện cho các hoạt động khác của nhà trường, đặc biệt là hoạt động dạy và học đạt hiệu quả tối đa.

Để hợp pháp hóa sự tồn tại, đồng thời bảo đảm sự thống nhất về tổ chức và hoạt động của giám thị trong trường trung học trên phạm vi cả nước, nên chăng Bộ GD-ĐT hãy cho họ một “danh phận”.

Đó là xem xét bổ sung vào điều lệ trường trung học những điều khoản quy định thêm chức danh giáo viên giám thị - với định suất lao động, chế độ tiền lương, tiêu chuẩn tuyển chọn cũng như chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động một cách cụ thể để phát huy tối đa vai trò của lực lượng này trong trường học. 

“Lách” luật

Để giải quyết vấn đề biên chế lao động và chế độ tiền lương, với các trường tư thục không khó, nhưng đối với hệ thống trường công lập thì phải “lách” bằng cách hiệu trưởng thỏa thuận “cắt” bớt số tiết được giảm theo quy định của tất cả giáo viên chủ nhiệm ở đơn vị mình (là 4 tiết/tuần) để san sẻ cho giáo viên giám thị. Phổ biến là bớt của mỗi giáo viên chủ nhiệm 1 tiết/tuần nhưng cũng có nơi đến 2 tiết/tuần.

Do đó, số lượng giám thị trong mỗi trường sẽ tỉ lệ thuận với số lớp và số tiết “lách” được. Tất cả giám thị đều phải làm việc theo chế độ kiêm nhiệm để bảo đảm ai cũng có giờ đứng lớp, vì đó là điều kiện tiên quyết để họ vẫn được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp. 

LÊ MINH HOÀNG (Trường THPT Long Bình, Gò Công Tây, Tiền Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên