21/04/2015 08:46 GMT+7

​"Quả bóng" trường nghề

PGS.TS ĐỖ CHÍ NGHĨA
PGS.TS ĐỖ CHÍ NGHĨA

TT - Mấy tuần nay trên báo chí rộ lên cuộc tranh luận giữa Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH về việc ai sẽ được quản lý lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Một tiết thực hành trong phòng thí nghiệm của sinh viên Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn - Ảnh: N.Hùng

Trong lúc hệ thống trường nghề và đào tạo nghề đang bị dư luận kêu ca, trong lúc tinh thần, ý thức trách nhiệm của đội ngũ công chức ở nhiều nơi đang bị coi là điều xa xỉ, thì việc quyết tâm gánh trách nhiệm giữa hai bộ này lại rất căng. Điều gì đã khiến các nhà quản lý muốn nhận về mình “món nợ” giáo dục nghề nghiệp vốn còn đầy yếu kém?

Xin không bàn về việc đào tạo nghề nên giao cho bộ nào vì “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”, ai cũng có lý lẽ của riêng mình. Nhưng điều chắc chắn là không bộ nào dám khẳng định chắc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp sẽ có đột phá về chất lượng nếu giao về mình quản lý, trong khi đó mới là điều dư luận quan tâm. Bởi xét cho cùng, cung cách quản lý của hai bộ này đâu có gì khác nhau. Vậy “quả bóng” giáo dục nghề nghiệp có gì hấp dẫn? Xin thưa, lĩnh vực đào tạo nghề nghiệp giao cho bên nào thì bên ấy sẽ có quyền xét duyệt xin cho, sẽ có vai trò ban phát cho các trường từ chỉ tiêu cho đến ngành đào tạo. 

Cứ thử làm thủ tục xin mở ngành học mới, thử “đi xin” chỉ tiêu tuyển sinh hay làm bất cứ việc gì có liên quan, sẽ biết mùi vất vả như thế nào. Đã mấy khi thấy các công chức của các quý bộ xuống với trường để tháo gỡ nhằm tuyển sinh được nhiều hơn, đúng đối tượng hơn? Hay chỉ thấy những sự lạnh lùng, quyền uy, xét nét; thấy không khí khúm núm, cầu cạnh quanh những bộ hồ sơ quyết liệt “mở ngành hay là chết” của các trường cao đẳng, dạy nghề trong cơ chế đậm chất xin - cho? Quyền hành như thế, dại gì không kéo về mình?

Thật ra, cũng có rất nhiều thứ không bộ ngành nào muốn gánh, không thiếu những lĩnh vực bị lâm vào cảnh “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”. Tôi lại nhớ đến câu chuyện mấy năm trước lên chi cục quản lý thị trường một tỉnh có cửa khẩu biên giới lớn, hỏi ông chi cục trưởng sợ nhất điều gì, ông thong thả bảo “sợ nhất dân buôn lậu thuốc trừ sâu giả”. Thông thường hàng lậu tịch thu xong phải lập hội đồng định giá, rồi bán thanh lý hoặc tiêu hủy, nhưng với thuốc trừ sâu giả chỉ có một phương án là giám định rồi tiêu hủy. Và đã là thứ tiêu hủy thì ai cũng tránh như tránh tà. Thế là, kho chuyên dụng không có, nên thuốc trừ sâu được đưa tạm vào phòng làm việc, khóa lại và… chờ! Chả bù lúc hàng tịch thu là xe máy, tivi… chưa lập hội đồng thanh lý đã rầm rập người đến cầu cạnh xin ưu tiên mua trước. Hay như mấy cái trạm thu phí nằm chềnh ềnh trên đường cản trở giao thông chỉ vì doanh nghiệp đã thu xong phần của họ, còn Nhà nước không có kinh phí tháo dỡ, cái món khó nhằn thế thì ai gánh! Thế nhưng cái gì sinh ra quyền hành, bổng lộc thì chuyện tranh giành giữa cơ quan này với cơ quan kia là không khó hiểu.

 Giá mà khâu kiểm định đánh giá chất lượng đào tạo được triển khai quy củ, giá mà bộ ngành nào nhận trách nhiệm quản lý đào tạo nghề nghiệp cũng có cam kết cụ thể về nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề, theo đó ba năm hay năm năm sau, tỉ lệ lao động có việc làm sẽ tăng lên với chỉ tiêu rõ ràng và tin cậy. Giá mà khi nhận kèm trách nhiệm, bộ ngành nào cũng có đề án khả thi để khẳng định nếu không đạt yêu cầu đó thì sau mấy năm tổng kết lại, lãnh đạo từ vụ, cục đến bộ, ngành xin nhận kỷ luật… thì hay biết mấy.

Chỉ e rằng mấy năm nữa khi giáo dục nghề nghiệp còn lún sâu hơn nữa vào khủng hoảng, thì bộ đang mạnh mẽ nhận “phần khó” này về mình lại dịu dàng “vâng, thì em xin trả lại bộ các bác”, như ý kiến rất “cầu thị” của ông tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề thuộc Bộ LĐ-TB&XH: cứ giao cho ngành ông quản lý, nếu sau này không làm tốt thì lại chuyển về Bộ GD-ĐT có sao đâu (!).

PGS.TS ĐỖ CHÍ NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên