19/04/2015 08:59 GMT+7

​Cấm thi tuyển lớp 6: hệ quả của sự vội vã

VĨNH HÀ
VĨNH HÀ

TT - Đưa ra thêm một lệnh cấm thi tuyển lớp 6 với mục đích chống dạy thêm, học thêm thật hài hước và xa rời thực tế biết bao. Đó là nhận xét của ông Văn Như Cương.

Nhiều ngày vật vã tìm giải pháp giúp sáu trường có nguồn tuyển sinh quá lớn so với chỉ tiêu vào lớp 6, Sở GD-ĐT Hà Nội đã hơn một lần gửi đề xuất xin Bộ GD-ĐT cho cơ chế đối với những trường đặc thù, sở cũng tổ chức nhiều hội nghị, thậm chí từng đưa vấn đề tuyển sinh lớp 6 của các trường đặc thù tại Hà Nội xin ý kiến chuyên gia. 

Nhưng quyết định chốt phương án tuyển sinh lớp 6 cho phép ba trong số sáu trường được tuyển sinh thông qua khảo sát năng lực mới được Sở GD-ĐT Hà Nội công bố chưa được 24 giờ thì phải tuyên bố hủy do công văn “hỏa tốc” của UBND TP Hà Nội. Lý do duy nhất của Hà Nội trong việc tiếp tục đẩy các trường đặc thù vào bế tắc là văn bản của Bộ GD-ĐT “cấm tổ chức thi tuyển lớp 6”.

Thoạt nghe thì thấy quy định “cấm” ở trên rất hợp lý, phù hợp với chủ trương chấn chỉnh dạy thêm, học thêm và nhiều tiêu cực khác. Nhưng nhìn thẳng vào thực tế của Hà Nội thì thấy lệnh cấm vừa thừa, vừa thiếu.

Nói như PGS Văn Như Cương, toàn TP Hà Nội có 620 trường THCS và trường phổ thông có bậc THCS, thì sáu trường có đề án xin cơ chế tuyển sinh riêng chỉ chiếm 1%. 99% các trường xưa nay vẫn tuyển sinh theo hình thức xét tuyển học bạ theo tuyến được quy định. Như vậy với 99% số trường thêm một lệnh “cấm” mới là thừa. Nhưng Bộ GD-ĐT lại không sát thực tế để lường trước khó khăn, bế tắc thật sự của 1% số trường THCS tại Hà Nội. Cái thiếu ở đây là thiếu sự linh hoạt, thiếu giải pháp thay thế hữu hiệu.

“Đưa ra thêm một lệnh cấm thi tuyển lớp 6 với mục đích chống dạy thêm, học thêm thật hài hước và xa rời thực tế biết bao” - PGS Cương nhận xét. Vì theo ông, chuyện tùy tiện dạy thêm, học thêm trở thành vấn nạn của xã hội lâu nay lại không lệ thuộc nhiều vào sáu trường THCS được thi hay cấm thi.

Trước băn khoăn của dư luận, Bộ GD-ĐT khi lý giải cho văn bản cấm thi tuyển lớp 6 của mình cũng chỉ đặt ra định hướng chung về việc phổ cập giáo dục ở độ tuổi THCS nên cần đảm bảo quy định tuyển sinh đầu cấp để mọi học sinh đều có chỗ học và quan điểm “không có trường chuyên, lớp chọn ở bậc THCS”.

Nhưng cả hai lý do trên đều chưa hề sát với thực tiễn ở Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác khi đơn giản là những trường có số hồ sơ đăng ký tuyển sinh lớn hầu hết là trường ngoài công lập và không phải “trường chuyên”.

Các trường ngoài công lập không phải gánh trách nhiệm bắt buộc chỉ tuyển sinh đúng tuyến và đảm bảo phổ cập giáo dục. Họ thu hút người học bằng chất lượng, uy tín và khi “cầu” vượt “cung” quá xa, họ cần có giải pháp sàng lọc đặc biệt, không thể áp dụng như với tất cả các trường công lập khác.

Một vấn đề đơn giản đang bị làm cho phức tạp hơn khi các trường của Hà Nội phải “lách quy định” bằng việc đề xuất khảo sát năng lực. Về bản chất, thi các môn văn hóa hay tổ chức khảo sát năng lực bằng bài test đo chỉ số IQ, EQ cũng vẫn là thi.

Thậm chí nếu các trường được phép thực hiện việc này, ngay lập tức sẽ làm gia tăng đột biến các lò luyện thi để đo IQ, EQ, gia tăng việc bán sách, bán tài liệu liên quan tới “kiểm tra năng lực” và một cuộc chạy đua mới lại tăng tốc. Song song với nỗi lo gia tăng luyện thi theo cách mới là câu chuyện về tiêu cực trong chạy trường. Bởi khi một kỳ thi còn quá mới, quá mơ hồ, lệ thuộc nhiều vào chủ quan người tổ chức thì mầm mống tiêu cực có cơ hội phát sinh, gia tăng.

Trường ít thì 3.000-4.000 hồ sơ, trường nhiều thì 4.000-6.000 hồ sơ dự tuyển, chỉ tiêu nhiều nhất cũng chỉ được nhận 600, các trường khác là 200-300 chỉ tiêu. Nếu đứng ở góc độ các trường để xem xét thì “giải pháp an toàn” của nhà quản lý đang đẩy họ vào tình thế “vỡ trận”.

Không thể giải quyết bằng hạn chế bán đơn, xếp hàng theo thứ tự, cũng không thi tuyển, không khảo sát... việc chọn lựa học sinh chỉ căn cứ vào hồ sơ, trong đó có học bạ ở bậc giáo dục tiểu học là chính. Đây là công việc vô cùng khó khăn và khó khách quan, công bằng. Nhất là khi Bộ GD-ĐT thực hiện đổi mới đánh giá học sinh tiểu học theo hướng nhẹ nhàng hơn.

Cảm thán về công văn “hỏa tốc” của UBND TP Hà Nội, PGS Văn Như Cương nói: “Thế là bao nhiêu công sức đành đổ xuống sông xuống biển, bất chấp sự giải trình của cấp dưới, ý kiến của cộng đồng xã hội. Giờ thì hiệu trưởng quá lo lắng, còn dân chẳng biết đâu mà... lần”.

VĨNH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên