08/04/2015 10:03 GMT+7

​Hai bộ lập hai thông tư... trùng đối tượng!

NGỌC HÀ
NGỌC HÀ

TT - Trong khi chưa cơ quan nào được giao quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp thì nhiều trường CĐ đang “khóc dở mếu dở”...

Bộ nào sẽ làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp? Trong ảnh: thí sinh hệ trung cấp nghề tham gia hội thi học sinh giỏi nghề do Thành đoàn TP.HCM tổ chức - Ảnh: Q.Linh

Các trường này không biết đóng góp ý kiến thế nào khi cùng lúc nhận được hai dự thảo thông tư xin ý kiến đóng góp từ Bộ Giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) và Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng na ná nhau.

Bên muốn “siết”, bên muốn “mở”

Theo đó, ngày 10-2 Bộ LĐ-TB&XH đưa lên mạng dự thảo thông tư “Quy định về điều kiện, thủ tục, thẩm quyền thành lập, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể, đổi tên, thay đổi địa điểm đào tạo đối với trường CĐ, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp và phân hiệu của cơ sở giáo dục nghề nghiệp”.

Đến ngày 17-3, Bộ GD-ĐT cũng tiếp tục đưa lên mạng xin ý kiến góp ý về dự thảo thông tư “Quy định điều kiện, hồ sơ và thủ tục thành lập hoặc cho phép thành lập, cho phép hoạt động đào tạo, đình chỉ hoạt động đào tạo, sáp nhập, chia tách, giải thể trường CĐ” với rất nhiều quy định liên quan đến khối trường CĐ.

Trong đó, dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT cho rằng thẩm quyền ra quyết định thành lập hoặc cho phép thành lập trường CĐ thuộc bộ trưởng Bộ GD-ĐT, còn dự thảo thông tư Bộ LĐ-TB&XH thì giành lại thẩm quyền đó cho... bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH!

Dự thảo của Bộ GD-ĐT đặt ra điều kiện để thành lập trường CĐ tư thục phải có vốn điều lệ với mức tối thiểu là 150 tỉ đồng (không bao gồm giá trị đất xây dựng trường), trong khi Bộ LĐ-TB&XH lại đặt ra yêu cầu về khả năng tài chính để thành lập trường CĐ thấp hơn, với nguồn vốn từ 35 tỉ đồng trở lên...

Thực tế, đến ngày 1-7 Luật giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực với thay đổi căn bản là chuyển toàn bộ hệ thống CĐ, CĐ nghề, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề nhập chung vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, khi Luật giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội thông qua, cả Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH đều không nhận được “quá bán” số phiếu tán thành từ đại biểu Quốc hội.

Chỉ có 34% nhất trí giao cho Bộ LĐ-TB&XH làm đầu mối quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, 29,4% đề nghị giao cho Bộ GD-ĐT, còn lại là đồng ý giao Chính phủ phân công cho phù hợp với yêu cầu thực tiễn của từng giai đoạn và ý kiến khác.

Tuy nhiên đến thời điểm này, khi chỉ còn chưa đầy ba tháng luật chính thức có hiệu lực, vẫn chưa có cơ quan nào được phân công để thay mặt Chính phủ chịu trách nhiệm làm đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về lĩnh vực này.

Trả lời Tuổi Trẻ tại sao Bộ GD-ĐT lại xây dựng thông tư này khi theo Luật giáo dục nghề nghiệp, CĐ đã không còn thuộc về các cơ sở giáo dục ĐH mà nằm trong giáo dục nghề nghiệp, PGS.TS Nguyễn Văn Áng, phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch - tài chính Bộ GD-ĐT, cho rằng việc “Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành thông tư này là đúng theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của bộ được quy định tại nghị định số 32/2008/NĐ-CP của Chính phủ và cũng để thực hiện Luật giáo dục ĐH và Luật giáo dục nghề nghiệp”.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Dạy nghề Bộ LĐ-TB&XH lại cho rằng việc Bộ LĐ-TB&XH xây dựng thông tư này là phù hợp theo lộ trình soạn thảo các văn bản dưới luật, để chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai Luật giáo dục nghề nghiệp sau này.

Theo đó, dự thảo thông tư này sẽ là văn bản triển khai cho quyết định của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp mà Bộ LĐ-TB&XH đang được giao chủ trì soạn thảo.

Hai bộ “có ngồi lại với nhau”?

Điều khiến nhiều trường đặt nghi vấn là có vẻ như hai bộ chưa chịu ngồi lại với nhau rà soát kỹ lưỡng việc xây dựng, ban hành các văn bản liên quan nên mới xảy ra tình trạng “không ai biết ai đang làm gì”.

Tuy nhiên ngày 26-3, ông Dương Đức Lân, tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề,  cho biết dự thảo thông tư của Bộ LĐ-TB&XH đã được gửi sang Bộ GD-ĐT hàng tháng trước nhưng chưa nhận được trả lời chính thức từ Bộ GD-ĐT góp ý cho thông tư này.

Thực tế, theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, đúng là Bộ GD-ĐT đã nhận văn bản này và triển khai lấy ý kiến đóng góp từ các cục, vụ từ cuối tháng 2 - trước thời điểm Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư với đối tượng áp dụng tương tự.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Quốc Hoàn - phó hiệu trưởng Trường CĐ Xây dựng số 1 - cho biết hiện tại trường vẫn chưa nhận được công văn đề nghị góp ý từ hai dự thảo thông tư của hai bộ.

“Tuy nhiên, tôi cho rằng cả hai bộ nếu thật sự muốn nhận được ý kiến đóng góp từ các trường, các chuyên gia thì nên đợi khi nào được chính thức giao là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp mới đưa dự thảo thông tư ra xin ý kiến. Với các trường, nếu nhận được hai bản dự thảo như vậy, có lẽ rất khó để tâm huyết góp ý cho cả hai nơi, khi thấy rõ ít nhất một trong hai bản góp ý đó sau này sẽ không được dùng. Bởi lẽ ai cũng biết rốt cuộc chỉ có một cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp” - ông Hoàn đặt vấn đề.

Ngày 7-4, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Viết Khuyến - nguyên phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH Bộ GD-ĐT - cho rằng để xảy ra việc hai bộ xây dựng hai thông tư khác nhau cùng về nội dung quy định hồ sơ, thủ tục thành lập, sáp nhập, giải thể... trường CĐ cho thấy cấp thiết phải nghiên cứu kỹ lưỡng, phân cấp rõ ràng bộ nào quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cũng không loại trừ khả năng kể cả khi Luật giáo dục nghề nghiệp chính thức có hiệu lực, vẫn chưa có bộ nào được giao quản lý nhà nước lĩnh vực này, và việc quản lý vẫn sẽ giữ nguyên trạng như hiện nay - nghĩa là trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp tạm thời tiếp tục thuộc quản lý của Bộ GD-ĐT; CĐ nghề, trung cấp nghề thuộc quản lý của Bộ LĐ-TB&XH.

Hai dự thảo thông tư của Bộ GD-ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cùng được đưa lên mạng xin ý kiến - Ảnh: N.Hà

Sẽ quy hoạch lại hơn 3.300 cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Tuy chưa giao bộ nào quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhưng ngày 17-12-2014, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo và phối hợp với các bộ, ngành khác xây dựng sáu văn bản quy định chi tiết thi hành Luật giáo dục nghề nghiệp gồm ba nghị định, ba quyết định của Thủ tướng Chính phủ, và cho phép các cơ quan soạn thảo được áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn với các văn bản này.

Trong đó, theo thông tin từ Bộ LĐ-TB&XH, để chuẩn bị cho quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH đã thống kê tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước tính đến thời điểm 31-12-2014 là hơn 3.300 cơ sở, gồm 173 trường CĐ nghề, 214 trường CĐ, 295 trường trung cấp nghề, 295 trường trung cấp chuyên nghiệp, 986 trung tâm dạy nghề, 705 trung tâm giáo dục thường xuyên và 648 trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp.

Bộ LĐ-TB&XH dự kiến quy hoạch các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo lộ trình giữ nguyên số lượng trong năm 2015, nhưng từ năm 2016-2020 sẽ từng bước cấu trúc, sắp xếp lại mạng lưới để chỉ còn khoảng 1.360 trường (trong đó có 360 trường CĐ, 300 trường trung cấp, 700 trung tâm giáo dục nghề nghiệp).

 

NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên