11/02/2015 09:50 GMT+7

​Những tiết học lạ

LƯU TRANG
LƯU TRANG

TT - Cô Phạm Thị Phượng - giáo viên Trường mầm non Thế giới trẻ thơ (WorldKids, TP.HCM) - cho rằng với những vật liệu đơn giản, những giờ học gần gũi sẽ khiến trẻ phấn khích.

Học sinh của cô Phượng học quét sân, gom rác - Ảnh: P.T.
Học sinh của cô Phượng học quét sân, gom rác - Ảnh: P.T.

Cô Phạm Thị Phượng có niềm vui được nhìn trẻ con tự lập và sáng tạo, vì vậy cô chuyên tâm đầu tư kỹ càng cho từng bài học.

Chuyện của “má mi”

Cô PHẠM THỊ PHƯỢNG:

Dạy trẻ biết yêu thương, sáng tạo

Mục tiêu của tôi là những đứa trẻ sống tình cảm, biết yêu thương, quan tâm đến người khác.

Ngày nay trẻ con được cha mẹ bảo bọc quá nhiều, nhiều em trở nên ích kỷ, không muốn chia sẻ với ai, không biết rằng xung quanh còn những người khổ hơn mình.

Điều tiếp theo tôi muốn làm là cho trẻ được thỏa sức sáng tạo mà không cần theo khuôn mẫu nào hết. Tôi cho trẻ một hình tròn, có em vẽ ra bông hoa, ông Mặt trời, có em vẽ cái bánh xe, chiếc đĩa bay...

Sức sáng tạo của các em thật tuyệt vời và người lớn đừng bao giờ gò ép, áp đặt trẻ sáng tạo hay tư duy theo cách của người lớn.

Không phải “cô - trò” mà là “má mi” và các con. Đó là cách xưng hô của cô Phượng với bọn trẻ.

Tốt nghiệp sư phạm mầm non năm 2002, trải nghiệm với nhiều môi trường mầm non khác nhau, có lúc bỏ nghề, chuyển qua làm nhân viên ngân hàng hay buôn bán tại nhà, rồi nỗi nhớ trẻ con, lòng yêu nghề lại thôi thúc Phượng quay lại với nghề nuôi dạy trẻ.

Đến bây giờ, Phượng vẫn giữ thói quen ôm hôn từng trẻ một trước mỗi giờ ngủ trưa, sau khi tự tay rửa tay chân, vệ sinh cho từng em, bởi “trẻ con sẽ ngủ ngon và sâu hơn khi được ôm ấp, được nghe thủ thỉ yêu thương” - cô nói.

Các con trong lớp đều được cô matxa hằng ngày và dạy các con tự matxa cho mình cũng như giúp bố mẹ thư giãn sau một ngày làm việc mỏi mệt.

Cô giáo ngủ rất ít và dành hầu hết thời gian để mày mò chuẩn bị nguyên vật liệu, câu chuyện và những bài học dễ nhớ, dễ gần cho những đứa con ở trường của mình.

Ấn tượng tiếp theo về cô Phượng là khi chúng tôi được nghe về sinh nhật mới đây nhất của cô giáo vào đúng dịp 20-11, tất cả phụ huynh trong lớp mời cô đến một quán cà phê tại Gò Vấp và cùng các con mình tổ chức một sinh nhật khó quên cho cô.

Một nam phụ huynh gửi tặng cô giáo chục quả trứng gà với lời chia sẻ rằng: “Cô đã gợi tôi nhớ về cô giáo ngày xưa của mình. Cha mẹ tôi dạy trong nhà có gì ngon nhất, quý nhất thì đem tặng thầy cô giáo. Nên hôm nay tôi mang tặng cô giáo chục trứng gà...”. Cô khóc.

Bởi làm người giáo viên mầm non với bao vất vả đặc thù của nghề nghiệp, còn mơ ước gì hơn là nhận được tấm chân tình, đồng cảm mà phụ huynh dành cho.

Không dễ thực hiện

Nhiều phụ huynh không tưởng tượng được ở lớp cô Phượng, con mình được học những bài học lạ mà quen như tiết học chà dép, quét sân, phơi áo quần, nhặt rau, bịt mắt ngửi trái cây, nếm đồ ăn, lồng bao gối, kẹp trứng, bắt sâu... - những điều mà trẻ chưa làm, chưa biết, chưa được sờ, được thử.

Có lẽ không nhiều giáo viên dám bắt một con sâu trên cây cho trẻ cầm trong tay và sờ nắn, hay mạnh dạn cho trẻ thả một quả trứng gà sống từ trên cao xuống để dạy trẻ biết nhẹ nhàng với những đồ dễ vỡ...

Tiết phơi áo quần, cô giáo giăng một sợi dây từ bên này sang bên kia của lớp. Học trò lôi từ balô của mình ra những bộ áo quần. Cô dạy trẻ cách mắc áo quần lên dây phơi bằng cách dùng kẹp hoặc dùng mắc áo, cách giũ áo quần cho thẳng, cách phơi cho cân đối. Tiết phân biệt các loại đậu, trẻ học xong được tự chọn ăn “buffet” các loại chè đậu để nhớ mùi vị các loại đậu khác nhau.

Tiết nhặt rau, lớp được chia thành nhiều tổ và được dạy cách ngắt rau muống, tuốt rau ngót, nhặt mồng tơi, rồi được ra sân rửa rau. Tiết chà dép, cô cho cả lớp ngồi quanh những chậu nước sạch, dạy cách dùng bàn chải đánh cho dép thật sạch, phơi khô trước khi mang. Tiết dạy ăn đu đủ, trẻ được tự tay gọt đu đủ, bỏ hạt, trang trí lên đĩa trước khi thưởng thức. Tiết quét sân, mỗi em được phát một cây chổi để thực hành quét lá cây, gom rác...

Cuối mỗi bài học, cô đặt ra những câu hỏi và cho trẻ trả lời, để rồi đúc kết lại thành một thông điệp: ứng xử với môi trường ra sao, giúp đỡ cha mẹ thế nào, tại sao cần đoàn kết với các bạn để hoàn thành công việc.

Cô giáo cũng tổ chức cho học sinh vào một nhà sách, các em gặp những tình huống như người lạ bắt chuyện rủ đi chơi thì phải ứng xử ra sao. Mỗi bé được chọn mua một món đồ dưới 10.000 đồng, và cũng có em chọn thú bông, xe điều khiển nhưng biết không mua nổi đành để lại. Nhiều bài học từ những chuyến đi như vậy, trẻ biết sử dụng tiền, biết giới hạn mua sắm, biết cư xử với người lạ, biết tìm kiếm người giúp đỡ khi bị lạc.

Không cao xa, những bài học tưởng chừng rất giản dị của cô giáo mầm non này lại trở nên đặc biệt, bởi nó rất khó thực hiện ở các trường mầm non hiện nay, khi sĩ số đông, công việc của giáo viên quá áp lực, đồng lương còn thấp, ban giám hiệu không “thoáng” với các hoạt động ngoại khóa, sáng tạo...

Một thực tế không thể chối cãi là cha mẹ không có nhiều thời gian dạy con, giáo viên chưa được “cởi trói” khỏi áp lực công việc và chương trình, khiến trẻ đi học ở trường mầm non rồi lại phải ra ngoài học thêm những lớp “kỹ năng sống”. 

Mỗi bài học, một thông điệp yêu thương

Chúng tôi gặp cô Phạm Thị Phượng khi cô đang dẫn học sinh đến công viên Gia Định, Q.Gò Vấp, TP.HCM để thực hiện “Dự án yêu thương”.

Mỗi học sinh cầm trên tay một chiếc bao lì xì rực rỡ sắc màu do chính các em cắt, dán và vẽ lên trước đó. Mỗi phong bao đựng một món tiền nho nhỏ do phụ huynh ủng hộ. Trẻ đi tìm những mảnh đời khó khăn, vất vả hơn mình để tặng món quà này nhân dịp tết đến.

Xuất phát từ ý tưởng phải thay đổi “hình tượng” của những cậu ấm, cô chiêu trong lớp học, đồng thời dạy trẻ biết yêu thương, quan tâm đến người khác, đặc biệt là những người nghèo khổ, “Dự án yêu thương” ra đời. Đó chỉ là một trong hàng loạt dự án, những tiết học, những thông điệp mà hằng ngày cô giáo mang đến cho học trò hồn nhiên của mình.

LƯU TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên