25/12/2014 11:01 GMT+7

​Đại học quốc gia TP.HCM: Nhận hồ sơ sớm, tuyển nhiều đợt

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Sáng 24-12, ĐHQG TP.HCM đã tổ chức cuộc họp góp ý phương hướng, kế hoạch tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và công tác xét tuyển ĐH, CĐ năm 2015.

Cán bộ coi thi kiểm tra giấy báo dự thi của thí sinh dự thi vào Trường ĐH Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) tại kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014. Khâu in ấn giấy báo dự thi, đảm bảo chính xác của giấy báo dự thi là vấn đề nhiều đại biểu quan tâm góp ý cho dự thảo năm nay - Ảnh: Như Hùng
Nên giữ thang điểm 10 vì giáo viên lâu nay vẫn quen với thang điểm này. Đặc biệt với các môn khoa học xã hội rất khó chấm khi áp dụng thang điểm 20
TS PHẠM TẤN HẠ

Tại cuộc họp, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết ĐHQG TP.HCM được Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ tổ chức một cụm thi của kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

ĐHQG TP.HCM tuân theo kế hoạch chung của ban chỉ đạo cụm TP.HCM tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 và tuân theo quy chế. Tuy nhiên, ĐHQG TP.HCM sẽ có thêm các điểm thi cấp đơn vị. Cụm thi của ĐHQG TP.HCM sẽ được chia thành sáu điểm thi tương ứng cho sáu trường ĐH và khoa trực thuộc với dự kiến 45.000-50.000 thí sinh.

Nhận hồ sơ xét tuyển sớm

Bộ GD-ĐT chỉ cần đảm bảo cơ sở dữ liệu

“Phần đóng góp cho quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, ĐHQG TP.HCM nêu rõ quan điểm đây là phần tự chủ của các trường. Bộ GD-ĐT chỉ cần đảm bảo cơ sở dữ liệu thật đầy đủ cung cấp cho các trường, việc còn lại hãy để các trường tự lo. Các trường ĐH, CĐ tự chủ trong xét tuyển căn cứ trên kết quả kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD-ĐT không quy định số nguyện vọng và không quy định số lượt xét tuyển của các trường. Trong đăng ký xét tuyển các trường có quyền cho thí sinh đăng ký trước hoặc đăng ký sau kỳ thi. Sau khi có kết quả thi, các trường dựa trên thông tin đăng ký của thí sinh và điều kiện đảm bảo chất lượng đầu vào của bộ quy định” - TS Nguyễn Quốc Chính nói.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính - trưởng ban ĐH và sau ĐH (ĐHQG TP.HCM), năm 2015 ĐHQG TP.HCM sẽ thành lập hội đồng tuyển sinh có nhiệm vụ tổ chức chung: nhận số liệu từ ban chỉ đạo cụm thi TP.HCM; phân bố số lượng, danh sách thí sinh tới các điểm thi; tổ chức hội đồng chấm các môn tự luận (hội đồng toán và hội đồng văn, sử, địa); tổng hợp số liệu...

Các điểm thi cấp đơn vị sẽ có nhiệm vụ nhận số lượng thí sinh tại các điểm thi; in giấy báo dự thi, tổ chức coi thi tại các điểm thi; chấm thi các môn trắc nghiệm; rọc, ráp phách các môn thi tự luận; phối hợp với hội đồng chấm thi ĐHQG trong khâu chấm thi môn tự luận; nhập điểm thi...

Về công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015, theo ông Chính, nguyên tắc chung ĐHQG TP.HCM sẽ tự chủ trong công tác tuyển sinh, có sự điều phối thống nhất trong tất cả đơn vị thành viên trong quá trình đăng ký xét tuyển cũng như xét tuyển.

ĐHQG TP.HCM đã thống nhất chủ trương nhận hồ sơ xét tuyển sớm, thông qua hệ thống online (trực tuyến) của ĐHQG TP.HCM. ĐHQG TP.HCM đề xuất thông qua xét tuyển online thí sinh sẽ tham gia đăng ký bằng cách nhập dữ liệu cần thiết: kết quả học tập THPT, khu vực.

Mỗi thí sinh đăng ký ba nguyện vọng vào ĐHQG TP.HCM (có thể cùng một trường hoặc khác trường).

Sau đó, ĐHQG TP.HCM sẽ thống nhất thực hiện xét tuyển trong tất cả các đơn vị thành viên. Theo đó, ĐHQG TP.HCM nhận hồ sơ và xét tuyển theo nhiều đợt: đợt 1 nhận hồ sơ từ một tuần sau khi bắt đầu đăng ký dự thi kỳ thi THPT quốc gia đến hai tuần sau khi thí sinh hoàn thành kỳ thi THPT quốc gia.

Xét tuyển các nguyện vọng theo phương án: phương án 1 xét lần lượt từng đợt nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 và nguyện vọng 3 (dự kiến 20 ngày/đợt xét tuyển); phương án 2 chỉ xét nguyện vọng chính và hai nguyện vọng phụ. Công bố một lần khi xét tuyển. Các đợt xét tuyển bổ sung theo kế hoạch cụ thể do hội đồng tuyển sinh các đơn vị thành viên thông báo.

Điều kiện nhận hồ sơ xét tuyển: ĐHQG TP.HCM chỉ xét tuyển các thí sinh dự thi tại các cụm thi THPT quốc gia do các trường ĐH tổ chức thi. Thí sinh có hạnh kiểm khá trở lên.

Xét tuyển ĐH: thí sinh có điểm trung bình năm học lớp 10, điểm trung bình năm học lớp 11 và điểm trung bình học kỳ 1 của lớp 12 đều từ 6,5 trở lên.

Xét tuyển CĐ: thí sinh có các điểm trung bình năm học lớp 10, điểm trung bình năm học lớp 11 và điểm trung bình học kỳ 1 của lớp 12 đều từ 6 trở lên. Thí sinh đăng ký thông tin qua trang thông tin điện tử hoặc nộp thông tin trực tiếp tại bộ phận tuyển sinh của trường.

Căn cứ trên danh sách đăng ký nguyện vọng và kết quả thi THPT, tổ dữ liệu tuyển sinh sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu tuyển sinh của ĐHQG TP.HCM (có đầy đủ thông tin về nguyện vọng, điểm thi, điểm ưu tiên, thông tin cá nhân của thí sinh...).

Tùy theo điều kiện thực tế, sau khi xét tuyển các nguyện vọng đăng ký trước, các trường có thể nhận hồ sơ và xét tuyển nguyện vọng bổ sung.

Dự thảo một kỳ thi: nhiều vấn đề cần làm rõ

Tại cuộc họp, đại diện các trường thành viên ĐHQG TP.HCM còn nhiều băn khoăn về nội dung dự thảo quy chế tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015 được Bộ GD-ĐT công bố. TS Lê Chí Thông - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - cho rằng cần phải làm rõ hồ sơ gốc của thí sinh nằm ở đâu.

Theo dự thảo quy chế, sở GD-ĐT quản trị dữ liệu đăng ký dự thi của thí sinh và gửi dữ liệu về Bộ GD-ĐT. Dữ liệu này là dữ liệu gì, giấy hay file?

Kinh nghiệm của những năm trước các sở GD-ĐT nhận hồ sơ giấy và nhập dữ liệu tỉ lệ sai sót khoảng 15%. Các trường ĐH phải dò lại toàn bộ dữ liệu, hồ sơ của thí sinh. Nhưng nếu quy định như dự thảo quy chế, các trường ĐH sẽ không làm gì cả, chấp nhận toàn bộ dữ liệu của thí sinh.

Vậy các sở GD-ĐT có đảm bảo tốt được việc này hay không? “Cần phải quy định nhiệm vụ rõ ràng trong việc này. Bên cạnh đó, dự thảo quy chế vẫn chưa làm rõ nội dung thẻ dự thi và giấy báo dự thi ra sao.

Theo dự thảo quy chế, thí sinh có mặt tại phòng thi theo thông tin trong giấy báo thi để làm thủ tục dự thi: xuất trình giấy chứng minh nhân dân và nhận thẻ dự thi... Với hàng chục ngàn thí sinh đến trường để nhận thẻ dự thi, các trường không kham nổi việc này. Nếu các trường không nhận hồ sơ gốc thì ảnh của thí sinh lấy đâu ra để làm danh sách ảnh” - ông Thông nói.

TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn - cho rằng nếu các sở GD-ĐT giữ hồ sơ, dữ liệu của thí sinh thì sở phải in giấy báo dự thi, chịu trách nhiệm với nội dung đó và phải chỉnh sửa nếu có sai sót.

TS Lê Tuấn Lộc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - luật, cũng băn khoăn làm sao xếp phòng thi thuận lợi do thí sinh đăng ký các môn thi khác nhau. Nếu một điểm thi tập hợp nhiều tổ hợp các môn thi thì rất khó phân bố phòng thi.

Trong khi đó TS Nguyễn Kim Quang - phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên - cho rằng dự thảo quy chế còn rất nhiều vấn đề phải điều chỉnh, đặc biệt là những yếu tố kỹ thuật. Ông Quang nêu một loạt điểm chưa hợp lý của dự thảo quy chế về quy định số báo danh của thí sinh, điểm thi...

“Dự thảo quy chế năm nay đổi mới quá mạnh và quá chi tiết, nhưng còn nhiều quy định mới làm phức tạp thêm trong công tác tổ chức, xử lý, chấm thi, nhập liệu” - ông Quang nhận xét.

TS Trần Tiến Khoa - phó hiệu trưởng Trường ĐH Quốc tế - cảnh báo những đổi mới trong kỳ thi năm nay với dự thảo quy chế còn khá rối rắm, chắc chắn sẽ có nhiều thí sinh gian lận.

“Quy chế cần phải tính toán lại, quy trách nhiệm rõ ràng, nếu theo dự thảo quy chế hiện nay sẽ gây nhiều khó khăn cho công tác coi thi. Khâu in giấy báo thi hiện vẫn chưa làm rõ, nếu giao các trường THPT in thì làm sao biết đâu là giấy thật, giả...” - ông Khoa nói.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên