23/11/2014 11:04 GMT+7

​Bỏ việc để đi vì dốt tiếng Anh

PHƯỚC TUẦN thực hiện
PHƯỚC TUẦN thực hiện

TT - Những ngày này, cư dân mạng đang lan truyền bài viết “Gửi bác bộ trưởng Bộ GD-ĐT” của Võ Thị Mỹ Linh về sự khác biệt trong sách giáo khoa tiếng Anh ở bậc tiểu học của VN và Nepal.

Bài viết xuất hiện trên mạng chiều 19-11, đến nay thu hút gần 12.000 người thích (like), hơn 5.000 lượt chia sẻ và hơn 1.300 bình luận (comment).

Trò chuyện với Tuổi Trẻ, Võ Thị Mỹ Linh (nick Facebook là Va Li) cho biết vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ GD-ĐT về bài viết này.

Mỹ Linh trong một lần leo núi tại Nepal - Ảnh nhân vật cung cấp

Võ Thị Mỹ Linh (25 tuổi) sống tại TP.HCM. Sau khi tốt nghiệp khoa báo chí - truyền thông Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Linh làm phóng viên cho một tạp chí, sau đó làm nhân viên PR cho một ngân hàng trước khi nghỉ việc để đi du lịch.

Sắp tới Linh sẽ về VN và ra mắt tiểu thuyết Bên kia sườn đồi và hồi ký Sau cơn bão.

Giữa tháng 10, Linh được cộng đồng mạng biết đến, thán phục sau khi vượt qua cơn bão tuyết trong chuyến leo núi ở Nepal khiến hàng chục người thiệt mạng.

Không đổ lỗi

* Sau khi đăng lên Facebook của mình, bài viết được cộng đồng mạng chia sẻ, bình luận với tốc độ chóng mặt. Cảm giác của bạn như thế nào?

- Trong số các bạn vào bình luận, một số khen bài viết hay, một số chê bài viết dở, một số bênh vực nền giáo dục VN, còn lại phần lớn “chửi” nền giáo dục.

Tôi cũng chẳng quan tâm các bạn khen chê gì vì đó là ý kiến cá nhân của tôi nói với bác bộ trưởng. Nhưng tôi buồn khi thấy một số bạn đổ lỗi cho nền giáo dục VN đã làm hại bạn hoặc chính con em bạn.

Tôi biết nền giáo dục còn nhiều yếu kém, nhiều bất cập nên tôi nêu ra chính kiến, chỉ ra lỗi của người soạn sách để gửi tới bác bộ trưởng.

Nhưng tôi không đổ lỗi tôi dốt tiếng Anh là tại ông bộ trưởng hay tại nền giáo dục VN vì tôi không có thói quen đổ lỗi cho ai đó. Nếu có, tôi đổ lỗi cho chính mình trước.

* Mục đích của bạn viết bài này là gì?

- Vì tôi thích viết và tôi thấy mình cần phải viết. Tôi có chính kiến, tôi không giấu nó trong lòng, tôi không thỏa hiệp với bản thân rằng: ừ, kệ đi. Nếu ai cũng lên tiếng như tôi, chắc hẳn sẽ có một kết cục khác. Các bạn muốn ăn cơm thì ít nhất phải nói cho mẹ biết các bạn đói.

Đằng này các bạn cứ nghĩ rằng mẹ mình chưa nấu cơm nên chắc có nói cũng bằng thừa thì làm sao biết mẹ có cái bánh mì đang giấu trên kệ bếp?! Đừng đổ lỗi cho bất cứ ai khi chính bạn không làm chủ được cuộc đời bạn.

Tôi sống và hành động theo cách mà cha tôi đã nói khi tôi còn nhỏ: “Your life is yours, not mine! - Cuộc đời này là của bạn, chứ không phải của ai khác”.

Không muốn mình hèn

* Bỏ việc để đi du lịch Ấn Độ, Nepal và đặc biệt là câu chuyện kiên cường khi thoát nạn trong trận bão tuyết hồi tháng 10 vừa qua, Mỹ Linh được nhiều người ngưỡng mộ, theo dõi. Bạn suy nghĩ gì về điều này?

- Một số bạn thần tượng tôi như anh hùng sau chuyện tôi leo núi và sống sót. Thật ra tôi đâu phải anh hùng, tôi là một cô gái bình thường leo núi với mục đích tầm thường. Năm 22 tuổi, công việc của tôi là viết báo, kiếm hợp đồng PR, viết văn viết thơ viết truyện, bán chữ để kiếm tiền. Mức thu nhập của tôi hằng tháng hơn 20 triệu đồng, với những người ở độ tuổi 22, nhiêu đó cũng gọi là bằng lòng.

Sau đó, tôi chuyển việc sang ngân hàng và rồi từ bỏ tất cả để đi vì tôi thấy mình dốt tiếng Anh. Tôi ước mơ du học nhưng mãi không được, nên cuối cùng chọn phương pháp du lịch để học.

Tôi đánh đổi số tiền tiết kiệm bao năm để đi, đánh đổi chuyện mất việc để đi, vì tôi không muốn mình hèn và tôi không muốn khi mình đứng nói chuyện với người nước ngoài thì lo lắng, sợ sệt.

Vì tôi biết nếu tôi dốt tiếng Anh thì lỗi tại tôi chưa tìm đủ mọi cách để học tiếng Anh trước chứ không phải tại nền giáo dục yếu kém.

Trước lúc bỏ việc đi du lịch, tôi có đọc bài viết về một cô gái đi du lịch rất nhiều nơi. Khi cô kể về những nơi đã đi, mọi người đều trầm trồ ngưỡng mộ, ai cũng ước đi được như cô. Cô gái ngạc nhiên hỏi họ muốn đi thế sao không đi.

Họ lập tức viện ra rất nhiều lý do, đổ lỗi cho rất nhiều thứ, nào là bận chồng con, nào là thiếu tiền bạc, nào là tuổi tác đã không còn phù hợp.

Cô gái buồn cười và kết luận rằng nếu bạn muốn đi mà cứ chần chừ như thế thì ai sẽ thực hiện giấc mơ chu du ấy cho bạn. Thế nên tôi cũng muốn hỏi các bạn là nếu các bạn muốn học tiếng Anh nhưng cứ đổ lỗi tại thế này thế kia thì ai sẽ học thay cho bạn?

* Bạn đang ở Nepal?

- Vâng, tôi đang ở làng Ảuchour, quận Syanja, Nepal. Tôi ở đây đã được nửa tháng. Mỗi ngày tôi đến Trường Sarbodaya chơi với học sinh ở đây, hỗ trợ thầy cô dạy tiếng Anh cho học sinh. Hết giờ ở trường thì tôi về nhà, đi ra đồng làm ruộng, cắt cỏ với bà con.

Tôi chẳng giúp được gì cho họ nhiều, chủ yếu là tôi thích cảm giác trải nghiệm, sống cùng người bản địa để hiểu cuộc sống, văn hóa của họ.

Gửi bác bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào tạo

Cùng giới thiệu về quê hương, nhưng SGK Nepal (trái) giới thiệu một địa danh của Nepal, trong khi SGK VN giới thiệu London - Ảnh: Facebook Va Li

1 Cháu đọc sách giáo khoa (SGK) tiếng Anh của học sinh Nepal từ lớp 1 đến lớp 5. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 1 Nepal là chuyện chào hỏi. Bài học đầu tiên của học sinh  lớp 2 nói chuyện đi đến trường. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 3 kể lại nhật ký một ngày của cô bé Lilu.

Bài học đầu tiên của học sinh lớp 4 dạy bạn phải biết Be careful (cẩn thận - PV) với câu chuyện cậu bé Raj vừa đi vừa chơi game mà không để ý cây cầu bị gãy. Bài học đầu tiên của học sinh lớp 5 hỏi “What do you want?” (Bạn cần gì?) và kể chuyện người cha già có đứa con bị ở tù. Ổng ra vườn trồng khoai tây và ước giá mà có đứa con trai ở đây để đào lỗ cho ổng trồng. Thế là ổng viết thư cho con trai.

Mỗi bài học thể hiện độ khó khác nhau bác ạ. Thậm chí ngoài tiếng Anh, họ còn có hai môn học khác là văn hóa xã hội và khoa học - sức khỏe cũng hoàn toàn được viết bằng tiếng Anh và nằm trong môn học chính của học sinh.

Cháu lập tức nhắn về VN, nhờ đứa bạn thân chạy ra hiệu sách, chụp cho cháu xem SGK tiếng Anh từ lớp 1 đến lớp 5 dạy cái gì. Bác biết gì không? Bài học đầu tiên của SGK 1 dạy Hello. Bài học của sách SGK 2 dạy câu “Where are you from?”. Bài học của SGK 3 dạy lại Hello. Bài học đầu tiên của SGK 4 dạy câu “How’re you?”. Bài học đầu tiên của SGK 5 dạy lại câu “Where’re you from?”.

Cháu hoảng hồn bác ạ. Cháu không biết vì bác nghi ngờ trình độ của học sinh VN quá kém nên có mỗi ba câu “hello”, “how’re you”, “where’re you from?” mà bác bắt chúng phải học đi học lại suốt năm năm học như thế hay không? Hay là tại những người soạn sách không biết gì hơn để mà soạn? Hay tại chúng ta quan niệm năm năm học được ba câu đó là đã quá nhiều rồi?

Bác biết không, học sinh ở độ tuổi càng nhỏ thì khả năng tiếp cận ngôn ngữ càng tốt. Vì lúc đó bộ nhớ của chúng chưa sử dụng để ghi nhớ những điều phức tạp, những chuyện kiếm tiền, yêu đương. Nên cháu buồn khi thấy chúng ta bắt các em học quá nhiều thứ về toán lý hóa nhưng lại lo sợ trí nhớ của các em không đủ để học tiếng Anh. Buồn cười nhỉ.

2 Để dạy học sinh Nepal hiểu tiếng Anh, nhớ tiếng Anh, người Nepal bắt đầu bài học bằng những câu chuyện. Chuyện kể cô bé Deepa làm việc này việc kia. Chuyện kể gia đình cu cậu Ramesh thế này thế nọ. Cô giáo sau khi dạy học sinh về câu chuyện sẽ hỏi lại học sinh câu chuyện đó kể gì, cô bé Deepa làm gì, cậu Ramesh bị gì. Học sinh trả lời và ghi nhớ.

Để dạy học sinh VN hiểu tiếng Anh, các nhà soạn sách VN soạn ra những đoạn hội thoại chẳng có ý nghĩa gì và bắt học sinh học lại đoạn hội thoại đó để ứng dụng như một con vẹt. Theo bác, việc ghi nhớ nội dung câu chuyện dễ hơn hay khó hơn ghi nhớ một đoạn hội thoại dễ hơn?

3 Người Nepal soạn SGK để dạy người Nepal. Thế nên những câu chuyện họ viết, những đề tài họ dạy liên quan đến đời sống, văn hóa hằng ngày của họ. Họ nói về đỉnh Everest, nói về thủ đô Kathmandu, nói về những cậu bé, cô bé với những cái tên rất Nepal như Gauri, Sunda...

Đó là cách họ khiến học sinh hứng thú với môn tiếng Anh vì gần gũi, dễ hiểu. Đó cũng là cách họ từ hào về đất nước họ. Chúng ta - trong đó có bác - luôn nói tự hào về VN, nhưng có bao giờ bác nhìn SGK tiếng Anh của người Việt để xem sách viết gì không?

Sách viết câu chuyện của Tom, của Peter, của Marry... những cái tên không phải của người Việt. Sách kể chuyện My hometown (quê hương của tôi) nhưng cái Hometown ấy là London. Sách kể về món bánh nhưng không phải là bánh chưng, bánh giầy bánh mì thịt nướng mà là bánh pizza...

4 Đã rất lâu rồi, chúng ta, hoặc vì lười biếng, hoặc vì bảo thủ, hoặc vì không muốn tiếp cận cái mới nên luôn tự ru ngủ nhau rằng: “Là người Việt, chúng ta phải tự hào về văn hóa Việt, nên chúng ta cần học tiếng Việt chứ không phải tiếng Anh”.

Đó chắc là lý do mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm vừa rồi tiếng Anh trở thành môn tự chọn. Nhưng cháu muốn đổi lại một chút thế này: “Là người Việt, chúng ta cần tự hào về văn hóa Việt, nên chúng ta cần học tiếng Anh để nói cho thế giới biết về văn hóa của chúng ta đẹp như thế nào”.

Người Nepal đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ chính vì họ muốn kể câu chuyện văn hóa của đất nước họ cho thế giới biết. Nên cũng đã đến lúc chúng ta cần học theo như họ rồi bác ạ...

(trích từ Facebook Va Li)

PHƯỚC TUẦN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên