20/11/2014 10:03 GMT+7

​Không có lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa

VIỄN SỰ
VIỄN SỰ

TTO - Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận đã cam kết như vậy trước Quốc hội ngay trong ngày 20 -11 khi nói về Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận

Bộ GD-ĐT lo không có người soạn SGK

Dường như đoán biết được sự lo lắng về sự minh bạch trong việc biên soạn bộ sách giáo khoa (SGK) mới, sáng 20-11 mở đầu phần thảo luận, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận đã nói ngay: “Tôi cam đoan, tuyệt nhiên không có vấn đề lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ trong việc biên soạn SGK”.

Lo lắng này của dư luận thời gian qua xuất phát từ việc Bộ GD-ĐT sẽ cùng thực hiện một bộ SGK song song với các tổ chức, cá nhân khác. Và Bộ trưởng Luận đã lý giải do yêu cầu rất cao về mặt khoa học, nhiều việc biên soạn SGK trước đây không có nhiều người tham gia và dự báo lần này số người tham gia làm SGK còn ít hơn.

Dự báo sẽ có hai khả năng xảy ra: thứ nhất là các nhóm biên soạn sẽ tham gia tạo ra bộ SGK tốt. Khả năng thứ hai là không có được SGK đủ chất lượng, đúng thời hạn.

 “Kinh nghiệm lịch sử cho thấy khả năng thứ 2 rất dễ xảy ra, phương án chính phủ cho phép Bộ GD-ĐT làm một bộ SGK là để ứng phó với bất kỳ tình huống nào xảy ra” - Bộ trưởng nói.

Ông Luận cũng khẳng định Bộ GD-ĐT không phải là “vừa đá bóng, vừa thổi còi. “Trong lịch sử bộ chưa bao giờ viết SGK và cũng sẽ không làm việc này” - ông nói.

Theo ông, việc biên soạn SGK là do các nhà giáo, các nhà khoa học, chuyên gia tham gia. Bộ GD-ĐT làm gì cũng phải tổ chức bộ máy vận hành, ban hành các văn bản  quy phạm, pháp luật… chứ không thể làm khơi khơi được. Thẩm định sách SGK là do một hội đồng gồm nhà giáo, khoa học,  chuyên gia… am hiểu do nhiều cơ quan từ ban Tuyên giáo đến các hội khoa học giới thiệu.

Đề án có khả thi?

Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TP.HCM) đã tham gia ý kiến với tư cách mà theo đại biểu là “của một phụ huynh”. 

Bà Trang nói: “Thực hiện đề án về SGK theo tôi phải kèm theo hai đề án nữa để đạt chuẩn đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Điều này làm tôi chưa yên tâm. SGK theo đề án mới có cả tham quan, thực địa hội thảo, giao lưu. Bao nhiêu trường có đủ kinh phí, cơ sở vật chất thực hiện, bao nhiêu giáo viên có đủ năng lực để thực hiện đại trà? Thậm chí phải đổi mới cả chương trình của các trường sư phạm mới làm được. Điều này làm tôi chưa yên tâm”.

Bộ trưởng Luận cho biết, băn khoăn về vấn đề cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đã được bàn thảo, cân nhắc rất nhiều ở bộ, Chính phủ và cả trung ương Đảng.

Bộ trưởng thừa nhận: “Cơ sở vật chất của nhà trường đã được cải thiện đáng kể nhưng còn bất cập ở vùng sâu vùng xa”. Tuy nhiên, để đổi mới căn bản giáo dục, Chính phủ hiện đang có đến 18 đề án khác nhau, trong có đề án về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, đổi mới trường sư phạm.

Ông Luận thông tin thêm, thời gian qua, Bộ GD-ĐT đã thực nghiệm một số điểm của chương trình mới ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Trong đó việc áp dụng chương trình tiếng Việt mới đã thực hiện trên 380 ngàn học sinh ở 4.000 trường trên 42 tỉnh…

Các thầy cô giáo ở vùng sâu vùng xa, khi tiếp cận cái mới rất e dè, nhưng sau đó thì tiếp cận nhẹ nhàng, tự nhiên, rất nhanh, thậm chí là tiếp cận cái mới nhanh hơn cả các giáo viên ở thành phố.  

Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định biên soạn SGK là việc mang tính khoa học, liên quan nhiều lĩnh vực. Ở các nước có ngành giáo dục phát triển, công việc này làm chuyên nghiệp do các viện khoa học về giáo dục thực hiện. Ở Việt Nam hiện chưa có chuyên gia, bộ máy chuyên biệt về SGK. Bộ GD-ĐT đã cử cán bộ đi học và khi đủ điều kiện sẽ thành lập viện riêng về SGK để đáp ứng yêu cầu xã hội.

[poll width="400px" height="300px"]30[/poll]

VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên