15/11/2014 06:00 GMT+7

Đâu rồi tình thầy trò ngày nhà giáo?

VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG

TTO - Không hiểu vì sao tình thầy trò giờ không còn ấm áp như xưa nữa? Xã hội thay đổi chăng? Ngày nhà giáo đến, hàng ngàn ý kiến gửi gắm về ngày 20-11…

“Ngày tôi còn là một cô giáo vùng xa, ngày 20-11, đôi khi còn nhận cả hoa dại, nhưng đó là những kỉ niệm khó quên trong tôi. Học trò nơi ấy hồn nhiên, chúng coi ngày đó như là ngày hội, như là một cơ hội hiếm có để được thăm cô, gần gũi tâm sự với cô.

Còn bây giờ có những phụ huynh (PH) đưa con đến tặng quà như cho xong trách nhiệm. Họ coi món quà như là thứ để khẳng định và bắt buộc cô phải quan tâm tới con họ. Nhận không được, trả cũng không xong. Thật buồn!” - cô giáo Trần Hải Dương chia sẻ.

PH học sinh Trần Minh Quang (Q.3, TP.HCM) thừa nhận: “Đúng là bây giờ, ngày nhà giáo, không còn cảnh các em hồn nhiên rủ nhau đến nhà thầy cô để chúc vui như ngày xưa. Ngày nay, PH chúng tôi quá bận rộn, các em phải học hành liên tục, việc chúc mừng thầy cô thật qua loa chiếu lệ. Nhiều PH gởi phong bì đến trường, xem như xong!”.

Lặng lẽ nghĩa thầy…

25.000 con hạc giấy màu xanh đã được học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM) treo khắp sân trường nhằm tri ân thầy cô giáo trong ngày lễ mừng Ngày nhà giáo Việt Nam tổ chức sáng 19-11-2012 - ảnh tư liệu

Bạn đọc Lê Thị Kim Loan tâm tư: “Tôi có những người bạn làm nghề giáo viên, nhưng chỉ dạy môn phụ. Họ nói, giá như không có ngày 20-11 còn tốt hơn, bởi lẽ ngày này chỉ làm cho họ buồn và cảm thấy bị xúc phạm. PH quà cáp, phong bì thăm hỏi giáo viên chủ nhiệm bao nhiêu, thì quay lưng lại với họ bấy nhiêu. Không một lời thăm hỏi, không một món quà, không một cành hoa, không một ánh mắt nhìn thiện cảm… PH chi phong bì quà cáp có kính trọng gì thầy cô?!”

Cô giáo Hoàng Anh tâm sự: “Tôi cũng làm giáo viên chủ nhiệm, cũng như các đồng nghiệp của mình chưa bao giờ chúng tôi mong chờ quà của PH. 

Những học sinh (HS) được chúng tôi quan tâm nhất ấy là những HS mồ côi, cha mẹ li dị, cha mẹ mất quyền công dân hay những HS quá nghèo khó hoàn cảnh... 

Năm nào cũng vậy sau cuộc họp PH cuối năm bao giờ cũng có vài người nán lại cảm ơn chúng tôi vì đã theo sát những đứa con cá biệt của họ uốn nắn chúng tử tế hơn. Đó mới là món quà vô giá dành cho chúng tôi. Ngày 20-11 niềm vui lớn nhất của chúng tôi là gặp HS cũ của mình để thấy HS khôn lớn, trưởng thành…”

Chỉ trong vài ngày, hàng ngàn chia sẻ gửi về Tuổi Trẻ. Nhiều bạn đọc trong đó có cả những người đang làm thầy cô giáo cho biết họ cảm thấy rất chạnh lòng khi mỗi độ ngày nhà giáo Việt Nam đến gần. Quà cáp, phong bì…  khiến hình ảnh, không khí của ngày dành riêng cho những người làm nghề cao quý trở nên nhạt nhòa.

“Phong bì” không phải là lời cảm ơn

Ảnh minh họa

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc (hiệu trưởng THPT Gia Định, TP.HCM) cho biết chuyện tặng quà hay phong bì là có thật. “Quan trọng là cách tặng quà và cách nhận quà như thế nào” – Cô Cúc chia sẻ.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc 

Cũng theo cô Nguyễn Thị Thu Cúc thì thầy cô gặp “chuyện phong bì” có buồn thật vì đại đa số thầy cô đều có lòng tự trọng, đến với nghề  vì yêu trẻ”.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc 

Đồng quan điểm với cô Thu Cúc, cô Cao Thị Hoan (Tổ trưởng tổ Văn trường THPT chuyên Quang Trung, Bình Phước) cho biết quan trọng là thái độ và cách xử lý của người nhận. Cô Hoan kể lại có lần các HS trong lớp thấy cô bị đau họng liền viết một mảnh giấy nhỏ đặt trên bàn giáo viên chúc cô mau khỏe lại hay những lần HS đến tận nhà chỉ để hát và chúc mừng ngày nhà giáo Việt Nam, dẫu vậy cô cảm thấy rất vui và hạnh phúc.

>> Cô Cao Thị Hoan 

Còn thầy Đoàn Thanh Vũ (giáo viên trường THCS-THPT Trần Quốc Tuấn, Đồng Nai) bày tỏ: “Chúng tôi đến với nghề giáo không vì những giá trị vất chất mà bằng niềm hạnh phúc và sự hăng say. Vì vậy đừng làm cho hình ảnh người thầy trở nên hoen ố chỉ vì một vài việc làm tiêu cực của một vài người”.

>> Thầy Đoàn Thanh Vũ 

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc chia sẻ ở mỗi thời kì tình cảm thầy trò có những sự ấm áp riêng biệt. Dù điều kiện kinh tế khó khăn hay cuộc sống đã ổn định thì tình cảm đó luôn rất dễ thương.

“Nếu nói kinh tế làm biến chất người thầy giáo là một sự đánh đồng và làm tổn thương cho tất cả những người làm thầy, làm cô” – cô Cúc cho biết:

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc 

Bồi hồi kỷ niệm, Cô Bùi Thị Kim Duyên (giáo viên trường THPT chuyên Nguyễn Quang Diêu, Đồng Tháp) nhớ về năm đi dạy đầu tiên của mình (cách nay đã tròn 30 năm), học sinh vùng sâu vùng xa đã tìm hái những bông hoa trong vườn để tự làm thành bó hoa nhỏ xinh rồi mang đến tặng với lời chúc rụt rè, vụng về.

Cô Duyên xúc động: “Giây phút đó tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì tình cảm mà các em dành cho mình”

>> Cô Bùi Thị Kim Duyên 

Riêng ở trường giáo dục chuyên biệt Khai Trí (quận Bình Thạnh, TP.HCM) ngày 20-11 càng trở nên ý nghĩa khi các em HS tự tay làm những cánh thiệp, vẽ tranh để tặng cho các cô giáo của mình. Nét vẽ nguệch ngoạc nhưng là sự cố gắng và tình cảm rất lớn của các em HS tại đây.

TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm (chủ tịch HĐQT của trường) phấn khởi: “Nhiều em khi chúc các cô giao tiếp linh hoạt hơn hẳn dẫu thường ngày việc nói một vài chữ thôi, đã là một thử thách lớn”.

>> TS.BS Huỳnh Tấn Mẫm

Trực tiếp chăm sóc các trường hợp trẻ khuyết tật, thiểu năng, cô giáo Nguyễn Thị Xuân cho biết vào dịp lễ 20-11 các em tặng cho mình cành hoa thì mình vẫn rất vui vì tình cảm của mình được các em tiếp nhận.

>> Cô Nguyễn Thị Xuân 

Với cô Xuân, bất ngờ nhất là khi nhận được cành hoa và cái ôm thật chặt của một trường hợp học sinh thiểu năng mà mình không đứng lớp. Cô Xuân giải thích: “Có lẽ do hàng ngày tiếp xúc và vui đùa cùng các em ...”

>> Cô Nguyễn Thị Xuân

Riêng cô Cao Thị Hoan bồi hồi khi nhớ lại mỗi năm vào dịp 20-11 đều nhận được rất nhiều cuộc điện thoại hay tin nhắn hỏi thăm và chúc mừng. Dù không nhớ hết tên từng người, thậm chí không thể trả lời hết tin nhắn nhưng chỉ cần biết HS vẫn nhớ đến mình là cô Hoan đã đủ ấm lòng.

>> Cô Cao Thị Hoan 

Nước mắt học trò

Không còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên Phạm Thị Tuyết Sương (ĐH Cần Thơ) vẫn bồi hồi, xúc động khi mỗi độ ngày nhà giáo Việt Nam đến lại nhớ về các thầy cô giáo cũ.

Sương chia sẻ: “Có lúc nhớ muốn khóc, nhất là khi nhắn tin và biết được thầy cô vẫn nhớ mình là ai, tính cách mình như thế nào rồi còn gửi lại lời chúc cho mình”.

>> Sinh viên Phạm Thị Tuyết Sương 

Chị Sương kể lại những ngày học tiểu học, quà tặng cho thầy cô chỉ đơn giản là một quyền sổ tay, một bánh xà phòng, một bó hoa… hi hữu lắm cả lớp mới gom đủ tiền để tặng thầy thước vải: “Ngày xưa toàn nhờ mẹ mua giúp vì còn nhỏ không chọn lựa quà gì”.

>> Sinh viên Phạm Thị Tuyết Sương 

Từ nhỏ đã thích và mơ được làm thầy giáo, thầy Đoàn Thanh Vũ cho biết hình ảnh của các thầy cô cũ vẫn còn như in trong tâm trí mình. Đơn giản vì những kỉ niệm về thầy cô quá đỗi gần gũi, thân thương.

>> Thầy Đoàn Thanh Vũ 

Ngày nay, khi đã trở thành giáo viên đứng lớp và đặc biệt là được làm công tác chủ nhiệm, mỗi độ 20-11, nhận được tình cảm yêu quý của học sinh, thầy Vũ càng nhớ thêm về những người thầy đã dạy mình khôn lớn.

>> Thầy Đoàn Thanh Vũ 

Ở đâu cũng có giáo viên tốt, yêu thương và tận tâm với học trò... Ảnh tư liệu TT.

Hạnh phúc vỡ òa…

Lặng lẽ từng ngày dạy dỗ cho học trò trưởng thành, với mỗi thầy cô, niềm hạnh phúc lớn lao nhất là được nhìn thấy các thê hệ học trò của mình thành công, cống hiến cho xã hội.

Cô Nguyễn Thị Thu Cúc cho rằng nghề giáo là nghề áp lực vì phải nuôi dạy, giữ gìn “tài sản lớn nhất” của PH.

“Áp lực mà hạnh phúc” - cô Cúc vui vẻ cho biết - “hạnh phúc của thầy cô là mang lại hạnh phúc cho người khác, cụ thể là cho chính các em HS, cho PH và cho xã hội”.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc 

“Không cần học trò phải quay lại để trả ơn mình. Chỉ cần trên bước đường đời, các em ấy luôn nhớ lời dạy của mình mà sống tốt, vậy là vui rồi” – cô Cúc nhấn mạnh.

>> Cô Nguyễn Thị Thu Cúc 

Còn cô Bùi Thị Kim Duyên thì cho rằng “hạnh phúc của nghề giáo là thứ hạnh phúc mà không nghề nào giống được”. Bởi đó là niềm vui khi nhìn thấy học trò của mình lớn lên từng ngày và thành công.

>> Cô Bùi Thị Kim Duyên 

Chia sẻ thêm, cô Duyên kể lại món quá bất ngờ mà các cựu HS của mình đã dành tặng vào một năm trước. Đó là lọ chậu thủy tinh chứa đầy hạc giấy mà các học trò cũ của cô - dù mỗi người đang học tập một nơi - đã tập hợp lại, gấp thành. “Không biết các em đã làm cách nào để gom lại? Đơn sơ, bất ngờ nhưng chứa chan tình cảm” – Cô Duyên vừa xúc động kể.

>> Cô Bùi Thị Kim Duyên 

“Hãy nhìn nhận khách quan để ngày nhà giáo Việt Nam thật sự ấm áp như giá trị vốn có của nó” - cô Nguyễn Thị Thu Cúc nhắn nhủ.

Riêng thầy Đoàn Thanh Vũ thì hi vọng PHHS có thể chung tay cùng thầy cô để giáo dục các em HS toàn diện. Bênh cạnh đó, mỗi HS phải ra sức học tập thật tốt để trở thành người có ích. “Chỉ vậy thôi thì thầy cô cũng đủ vui rồi” - thầy Vũ bộc bạch.

>> Thầy Đoàn Thanh Vũ 

Hạnh phúc có, yêu thương có, tủi hờn có! Cao hơn hẳn mọi điều là những điều thật thiêng liêng về nghĩa tình thầy trò mà các thầy cô dành hết tâm sức dạy dỗ các em nên người. Sự thành công của học trò chính là món quà đáng quý nhất trong ngày nhà giáo. 

VÕ HƯƠNG – MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên