23/10/2014 09:30 GMT+7

​Em ước mơ về một nền giáo dục khác

THIỆN THANH
THIỆN THANH

TT - Sự thật lúc nào cũng phũ phàng, những niềm tự hào của em dường như là vật cản, khiến em không thể hòa nhập với một môi trường học tập.,,

Ước mơ về một nền giáo dục mà các học sinh được “tự do”.

Ngay từ khi còn bé, em đã ham đọc sách, thích tìm tòi. Em luôn tự hào về những gì em biết. Nhưng sự thật lúc nào cũng phũ phàng...

Mọi chuyện bắt đầu từ bài văn năm lớp 6, cô giáo cho em viết một bài văn về một tấm gương cảm động mà em biết. Em viết bài đó rất hay và tốn nhiều công sức chỉnh sửa. Cuối cùng em cũng được đọc nó trước lớp.

Người bạn của em đã bật khóc vì câu chuyện về một cô bé đen nhẻm, ánh nhìn xa vời ngày ngày đi bán vé số của em. Em cũng đã rất tự hào và nhớ mãi về bài văn đó. Tuy nhiên cô giáo em không hề thích và phê bình khéo trước lớp là em viết không đúng dàn ý.

Cô em nhắc là bất cứ bài văn nào cũng phải viết theo dàn ý còn em lại viết nó, dù viết rất cảm động, nhưng lại không kết thúc có hậu cho cô bé là không đúng theo dàn ý.

Nghe lời cô, bài văn tả cây mai sau đó em đã viết theo dàn ý. Em không hề thích nó và em cho rằng nó quá dở, em còn chưa được trồng một cây mai bao giờ nhưng bài văn “liệt kê ý” của em lại được 10 điểm cùng nhiều lời phê xuất sắc.

Thế là sau này em đã không bao giờ viết được bài văn nào cảm động như bài cô bé bán vé số đó nữa vì sợ không theo dàn ý.

Năm lớp 7 lại có một câu chuyện khác xảy ra. Em lúc này cũng vẫn còn kiên trì ham đọc lắm. Thế rồi em có một bài thuyết trình môn sinh học về động vật.

Với vốn ngoại ngữ ít ỏi, em cùng người bạn tìm thấy video về cá vây tay - thủy tổ của động vật trên cạn - từ Animal Planet.

Em ngồi mày mò, trang trí, cần mẫn với bài thuyết trình về động vật đó, nào cá sấu nào chim câu, em vui thật sự và chắc mẩm bài thuyết trình của mình sẽ được điểm cao. 

Cuối cùng, bài thuyết trình đó em chỉ được 5 điểm với lời phê: “Những con vật đó không có trong sách giáo khoa, lạc đề!”.

Trong khi đó các bạn khác chép lại y nguyên trong sách thì điểm cao hơn em. Sau này khi lên lớp 12, em đã gặp lại thủy tổ của động vật - chú cá vây tay đó - trong bài học của mình. Em thấy buồn thấm thía.

Bài thuyết trình với bao niềm tự hào của em trở thành cơn ác mộng và em không bao giờ tìm tòi, đưa cái gì “khác lạ” vào bài của mình nữa...

Em đã không còn học với một niềm say mê khám phá từ lâu rồi. Em chỉ biết học để trả bài. Em còn tự nhủ mình không giống với người ta là mình sai, mình phải biết hòa hợp. Nhưng thật lòng em buồn lắm.

Em không còn biết mình thích gì, không còn biết mình giỏi cái gì. Cứ đều đều lên lớp, cứ cố gắng làm cho thật phù hợp. Người ta ra thi cái gì học y chang cái đó.

Cô nói bài thơ này hay thì không được nói dở. Thầy nói phần này không ra thi nên không cần dạy. Cứ đều đều như thế, cứ mãi như thế, mãi sáng tạo trong “khuôn khổ”.

Giờ đến lượt cô em gái của em vào cấp I, cấp II. Mỗi lần em giảng bài, nó gân cổ lên cãi: “Chị chả biết gì cả, thầy em giảng khác, chị sai rồi”.

Ngoài ý kiến của thầy ra, ý kiến của em chẳng còn giá trị nào trong những bài văn, bài làm của cô em. Thế cũng phải thôi, nếu cô em gái cố ý làm khác thầy có lẽ cũng sẽ bị điểm kém giống em. Nhưng em không muốn những năm tháng đi học của cô em gái trở nên giống mình.

Em muốn nó thoải mái sáng tạo, muốn nó ngày đêm suy nghĩ, ngày đêm tìm tòi chứ không phải đi học thêm để người ta giảng hộ. Em muốn cô em gái thật sự được là chính nó. Em muốn nó được hạnh phúc vì khác biệt trong suy nghĩ không phải cái tội.

Em ước mơ về một nền giáo dục khác, một nền giáo dục nơi mà em của em hay nhiều bạn học sinh khác được “tự do”.

THIỆN THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên