03/10/2014 08:30 GMT+7

​Đừng ép bé quá

HOÀNG HƯƠNG (ghi theo lời kể của chị N.B.B., phụ huynh học sinh lớp 1 ở quận 3)
HOÀNG HƯƠNG (ghi theo lời kể của chị N.B.B., phụ huynh học sinh lớp 1 ở quận 3)

TT - Ngày con vào lớp 1, tôi xin gặp cô giáo, trình bày với cô rằng con chưa học chữ. Ngay cả việc nhận diện 24 chữ cái mà cháu cứ quên trước quên sau.

Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Vạn Tường, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) trong giờ luyện chữ - Ảnh: H.HG.
Học sinh lớp 1 Trường tiểu học Vạn Tường, Q.Phú Nhuận (TP.HCM) trong giờ luyện chữ - Ảnh: H.HG.

Cô bảo: “Như thế bé sẽ “đuối” so với các bạn khác, ba mẹ phải dành thời gian học cùng con”.

Tôi hồi hộp theo từng ngày đi học của con. Mỗi ngày, khi giở tập của bé ra, tôi thường xuyên nhận được câu nhận xét: “bé đọc chậm”; “bé viết chậm”, “bé còn nhầm lẫn các âm, phụ huynh rèn thêm cho bé ở nhà”...

Con đi học, mẹ stress nặng

“Sứ mệnh” của lớp lá 5 tuổi

Ngoài những áp lực về thi đua trong trường học thì chúng tôi đang phải chịu áp lực lớn hơn từ phía phụ huynh.

Thử hỏi các bậc cha mẹ: có ai muốn con mình học dở, viết chữ xấu không? Thế nên giáo viên nào cũng muốn học trò của mình phải giỏi, viết chữ phải đẹp.

Với chương trình hiện nay, trước khi vào lớp 1 trẻ phải bảo đảm tiếp thu tốt chương trình lớp lá 5 tuổi: biết cách cầm bút, biết nhận diện 24 chữ cái, có thói quen tập trung học tập... mới có thể theo kịp chương trình.

Trên thực tế, nhiều trường mầm non dạy chưa hết chương trình, bé vô lớp 1 mà chữ a cũng chưa biết, cầm bút cũng sai thì sẽ rất khó khăn. Thử hình dung mà xem: một lớp học 40-50 học sinh mà cô phải cầm tay từng em một tập viết thì thời gian đâu ra? Ngay cả những bé đi học trước nhưng học không đúng dẫn đến tình trạng đọc ngược (ví dụ đánh vần chữ “ba” là “bờ a ba” thì nhiều bé lại được dạy theo kiểu cũ, đánh vần là: “a bờ a ba”), viết ngược, viết sai ô li... cũng phản tác dụng.

(Một giáo viên ở quận 10, TP.HCM đề nghị không nêu tên)

Tôi sốt ruột lắm. Mỗi buổi tối, tôi không cho con đụng đến tivi. Đi học về, ăn uống, tắm rửa xong là mẹ bắt con ngồi vào bàn học.

Thế mà ngày nào cũng đến 10g đêm mới xong. Đã vậy, ngày nào con cũng kiếm chuyện để không phải học bài: nào là con rất mệt, đã học từ sáng đến chiều ở trường mà về nhà mẹ cũng không cho con nghỉ ngơi; nào là hôm nay con bị đau bụng, không học được đâu; rồi có bữa con rất nhức đầu, mỏi tay; nào là con chỉ thích đi học trường mầm non, học lớp 1 chẳng có gì vui...

Ngày nào vợ chồng tôi cũng mệt mỏi, cũng phải dùng tất cả biện pháp có thể để ép con ngồi vào bàn học. Trong đó có cả những biện pháp mạnh như: quất roi mây vào mông hay dọa: không học thì... ra ngoài đường. Con vào lớp 1 không biết có bị stress không nhưng mẹ thì bị stress nặng.

Suy nghĩ mãi, tôi xin gặp cô giáo của con, trình bày hết nỗi lòng của mình. Nghe xong, cô cười: “Bé nhà chị chưa học chữ trước như các bạn nên viết chậm hơn, đọc chậm là bình thường.

Để khuyến khích bé học tập, cô thường xuyên chấm cho bé cái mặt cười (tương đương 8 điểm). Tuy nhiên, cô ghi nhận xét như vậy để phụ huynh biết được sự thật những gì bé học trên lớp, về nhà phụ huynh cần rèn thêm cho bé chứ đừng giao hết cho cô”.

Cô kể ở lớp bé không chịu viết bài, cô động viên mãi thì bé chỉ viết được một chữ rồi lại ngồi im, đợi cô nhắc mới làm tiếp.

Cô nói: “Đây là tâm lý chung của những trẻ chưa đi học chữ trước. Vô lớp thấy các bạn viết nhanh hơn mình thì đâm ra tự ti, chán học. Cái này cô sẽ rèn cho bé từ từ. Ở nhà, ba mẹ đừng la mắng bé mà nên động viên, khích lệ để bé học. Bé vẫn còn thương nhớ những tháng ngày thích học thì học, thích chơi thì chơi ở trường mầm non. Mẹ đừng ép bé học nhiều quá, bé sẽ sợ đi học”.

Tôi thắc mắc: cô giao bài về nhà nhiều quá nên mẹ phải ép bé học. Mỗi ngày bé phải viết hai trang trong vở bài tập tiếng Việt, làm hai trang trong vở bài tập toán, đọc và tìm từ mới trong bài dự kiến sẽ học vào ngày mai, đã vậy lại còn viết chính tả nữa.

Tôi thưa thật với cô là bé mới học lớp 1, các âm và mặt chữ còn chưa nhớ hết, ngày nào viết chính tả thì hai mẹ con như “đánh vật” với nhau vì bé hết nhầm lẫn chữ này với chữ kia rồi lại sai độ cao, độ rộng của chữ. Ngay chính bản thân tôi - một người tốt nghiệp đại học - nhưng có lúc cũng nhầm, cũng sai về điểm đặt bút, điểm dừng bút...

Học thoải mái

Cô từ tốn giải thích: bài tập cô cho về nhà đều là những kiến thức bé đã học trong ngày chứ cô không cho thêm cái gì ngoài chương trình. Riêng việc viết chính tả cũng là một môn học nằm trong chương trình: người lớn đọc cho bé viết từng âm một, từng từ một để bé nhớ mặt chữ.

Tuy nhiên, viết chính tả chỉ dành cho những bé khá, giỏi, đã hoàn thành các bài học khác rồi, còn thời gian thì phụ huynh cho bé viết thêm. Bé nào yếu thì thôi.

Rồi cô phân trần lớp có 50 học sinh, cô giao bài về nhà là giao chung cho cả lớp, với yêu cầu cao nhất. Đây là lỗi của cô, từ ngày mai cô sẽ viết kỹ hơn trong sổ báo bài: cái nào cần làm, cái nào dành cho học sinh giỏi.

Cô còn dặn tôi: “Mẹ phải cho bé có thời gian vui chơi, giải trí, học được đến đâu thì học, 9g tối phải lên giường đi ngủ để hôm sau dậy sớm đi học. Chương trình lớp 1 nặng lắm, không chịu khó thì không theo kịp đâu. Nhưng thời gian đầu đừng ép bé quá, cứ từ từ, khi nào bé “bắt nhịp” kịp với các bạn, lúc đó sẽ “tăng tốc”.

Trên thực tế, có nhiều bé không học chữ trước, đầu năm hơi “đuối” so với các bạn nhưng cuối năm thì giỏi nhất, nhì lớp”.

“Được lời như cởi tấm lòng”, tâm lý được giải tỏa, tôi cảm thấy thoải mái hơn và tự tin hơn khi dạy con. Mỗi ngày đi học về, thằng bé hồ hởi khoe: cô thưởng kẹo, thưởng bánh cho con vì con có tiến bộ.

Có ngày cu cậu còn kể: “Mẹ ơi, không biết đọc, biết viết là không làm được việc gì phải không mẹ? Cô con nói vậy đó”. Mỗi ngày sau khi ăn cơm xong, thằng bé được xem tivi 40 phút rồi vui vẻ ngồi vào bàn học, không đợi bố mẹ nhắc nhở như trước. Học tập thoải mái nên con tôi viết đã đẹp hơn trước rất nhiều.

Cho đến thời điểm này - sau gần hai tháng con học lớp 1- mọi thứ đã ổn hơn trước rất nhiều. Tận trong sâu thẳm trái tim mình, tôi thầm cảm ơn cô giáo của con. Cô đã rất tâm lý và nhiệt tình, bỏ ra hằng giờ để nói chuyện với phụ huynh và có những biện pháp phù hợp khiến bé nhà tôi thích đi học. Tôi chỉ ước mong giá như chương trình đừng nặng như thế, cả cô giáo và cả học trò đều đỡ khổ.

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 5, TP.HCM:

Giảm tải nhưng không thấm vào đâu

Chương trình lớp 1 quá nặng, điều này chúng tôi đã góp ý bằng văn bản ngay từ khi mới triển khai thực hiện chương trình sách giáo khoa hiện hành. Bộ GD-ĐT đã giảm tải nhưng vẫn không “thấm” vào đâu.

Trên thực tế có nhiều giáo viên quá nôn nóng, cứ muốn học sinh phải giỏi ngay nên bắt ép học sinh phải học thật nhiều, gây quá tải cho các em. Một số giáo viên còn chưa khéo léo, cách hành xử chưa tâm lý, tế nhị khiến phụ huynh, học sinh phiền lòng.

Trong những trường hợp này, phụ huynh nên mạnh dạn trao đổi trực tiếp với cô giáo. Ví dụ cô cho bài nhiều quá thì cứ thắc mắc tại sao nhiều quá. Sau đó trình bày về lực học của con em mình rồi nhờ cô tìm cách tháo gỡ.

Nếu gặp cô rồi mà không tháo gỡ được thì phụ huynh gặp ban giám hiệu nhà trường.

H.Hương ghi

Để không còn tình trạng “vịt con” lạc đàn, “vịt mẹ” stress

Có con đang học lớp 1, tôi cũng là một trong rất nhiều phụ huynh cho con học chữ dù biết Bộ GD-ĐT quy định không cho trẻ học chữ trước khi vào lớp 1. 

Từ kinh nghiệm của đứa con đầu, tôi quyết định cho đứa con thứ hai học chữ từ hè lớp lá. Con tôi vào lớp 1 với tâm lý rất thoải mái, giống như đi học lớp lá, chỉ khác về nếp ăn và sinh hoạt.

Sáng nào bé cũng hối ba nhanh lên để chở con đến trường sớm, tối về lại nghêu ngao học hát quốc ca (dù hát sai nhiều chữ).

Tôi cảm nhận mỗi ngày đến trường là niềm vui với con.

Tuy nhiên cũng vì học trước mà con tôi có tâm lý ỷ lại, bài cô dặn về nhà con tôi cứ nói: “Mấy bài đó con học hết rồi, không cần học nữa”. Nhưng không, tôi thuyết phục con mỗi tối phải ngồi vào bàn tự học và ôn bài ít nhất 30 phút, tự chuẩn bị cặp sách, sau đó tôi kiểm tra lại, ký sổ liên lạc rồi mới cho con chơi. Với con tôi việc ôn bài đã thành nếp, với gia đình tôi mọi việc cũng rất nhẹ nhàng, không bị áp lực.

Trường hợp anh bạn đồng nghiệp tôi mới khổ: tuần đầu tiên đi học lớp 1, con anh bị sốc thật sự và tuyên bố: “Con không đi học, con không thèm chơi với các bạn nữa vì các bạn chơi ăn gian, học trước con”.

Việc bộ quy định suy cho cùng cũng vì mong muốn các bé có tuổi thơ trọn vẹn, không nhồi nhét, nhưng thực tế thì không như vậy. Xin bộ hãy làm một cuộc khảo sát trên tất cả phụ huynh có con vào lớp 1 xem có bao nhiêu phụ huynh không cho con học chữ trước khi vào lớp 1.

Với điều kiện giáo dục hiện nay: một lớp 40-50 em thì làm sao cô giáo chỉ từng em “vẽ chữ”? Tôi viết điều này không nghĩ mình phản bác quy định của bộ, mà tôi nghĩ bộ là nơi ra quy định nhưng cũng cần có sự linh hoạt, dựa trên các yêu cầu của thực tế cuộc sống.

Thiết nghĩ việc cho bé làm quen với bảng chữ cái, tập ráp vần đơn giản, làm tính số trên hai bàn tay... qua hình thức trò chơi, đố vui, thi thố (có rất nhiều hình thức để bé học mà như chơi, biết chữ, biết số như một cách “vô tình”) từ năm lớp lá là cần thiết. Có như vậy mới không còn tình trạng “vịt con” lạc đàn, “vịt mẹ” (gia đình, thầy cô) stress.

KHOA NGUYÊN

HOÀNG HƯƠNG (ghi theo lời kể của chị N.B.B., phụ huynh học sinh lớp 1 ở quận 3)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên