Đào tạo bác sĩ cử tuyển: Phải đổi cách tuyển sinh

TT - “Việc cử tuyển sinh viên đi học ngành y phải khắt khe, tiêu chuẩn cao hơn các ngành khác” - đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

PGS.TS Nguyễn Trung Kiên - Ảnh: V.Trường

Không nên cử tuyển người có học lực trung bình đi học ngành y như hiện nay. Tiêu chuẩn tối thiểu phải là học lực khá (đối với người dân tộc) và giỏi (đối với người Kinh) và phải có đạo đức tốt.

Tuyển như vậy may ra sinh viên có thể đủ sức theo học chương trình đại học y khoa. Khi đó chất lượng bác sĩ cử tuyển ra trường sẽ tốt hơn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên nói: “Để đảm bảo chất lượng đầu ra với một nghề được cả thế giới xem là một ngành rất đặc biệt vì liên quan trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe con người thì cần có những giải pháp khoa học hơn”.

Đại học Y Dược Cần Thơ hiện đang đào tạo bác sĩ cử tuyển cho các tỉnh miền Tây và nhiều tỉnh miền Đông Nam bộ.

Nhà trường ngoài cuộc

Rèn tay nghề bác sĩ cử tuyển

Ông Mai Xuân Hải - giám đốc Sở Y tế tỉnh Gia Lai - cho biết trong số 600 bác sĩ cử tuyển được đào tạo cho các tỉnh Tây nguyên theo đề án từ năm 2003-2015 đến nay đã có 104 bác sĩ tốt nghiệp, ra trường và được phân về các địa phương công tác.

Điều đáng mừng, theo ông Hải, là kết quả rà soát đánh giá từ cơ sở y tế nơi các bác sĩ này nhận nhiệm vụ cho thấy tất cả bác sĩ đều có năng lực tốt, đảm đương tốt công việc, đạt mức lao động chuyên môn từ khá trở lên.

Ông Hải cho biết tỉnh Gia Lai đã quản lý chặt từ khâu đào tạo đến bố trí công tác cho bác sĩ diện cử tuyển.

Dù không có chuyện phân biệt trình độ, đối tượng đào tạo nhưng hầu hết bác sĩ cử tuyển đều được phân về các trung tâm y tế, đảm đương công việc tương đối nhẹ nhàng, ít phức tạp.

Tùy năng lực chuyên môn, những bác sĩ bộc lộ được khả năng y khoa sẽ được tiếp tục đào tạo và phục vụ như bác sĩ giỏi được đào tạo chính quy.

THÁI BÁ DŨNG

* Nhiều giảng viên của trường rất băn khoăn về chất lượng bác sĩ cử tuyển. Vì sao trường vẫn tiếp nhận đào tạo bình thường và chưa nghe nói có kế hoạch dừng, thưa ông?

- Chúng tôi rất bị động trong công tác tuyển sinh hệ cử tuyển. Mấy năm trước UBND các tỉnh tự gửi văn bản cho Bộ GD-ĐT đăng ký số lượng sinh viên cử tuyển học ngành y, căn cứ vào quy định của nghị định 134 ngày 14-11-2006 của Chính phủ.

Bộ GD-ĐT phê duyệt rồi gửi lại địa phương chứ không gửi cho trường. Sau đó địa phương tự xét, tự chọn đi học luôn. Nhà trường hoàn toàn ngoài cuộc, không được biết, không được tham gia gì hết.

Đùng một cái, khoảng tháng 8, tháng 9 nhận được công văn của các tỉnh thông báo cử người đến học.

Có tỉnh tới tháng 1 năm sau mới gửi công văn và không tỉnh nào báo trước sẽ gửi bao nhiêu sinh viên cho năm học mới nên trường rất bị động trong việc chuẩn bị kế hoạch giảng dạy.

Không chỉ có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long mà các tỉnh miền Trung, Đông Nam bộ, Tây nguyên cũng gửi đào tạo bác sĩ, dược sĩ diện này.

Đào tạo cử tuyển là chính sách lớn của Nhà nước để giải quyết tình trạng thiếu nguồn nhân lực có trình độ đại học ở vùng đặc biệt khó khăn, vùng có người dân tộc trong điều kiện sinh viên tốt nghiệp ra trường không chịu về địa phương công tác.

Đó là lý do chúng tôi vẫn tham gia đào tạo sinh viên cử tuyển.

* Theo chúng tôi biết thì không có sinh viên cử tuyển nào đạt chuẩn đầu vào của Trường ĐH Y dược Cần Thơ. Đó có phải là lý do mà nhiều giảng viên nói họ bị “ép” đào tạo?

- Đúng vậy. Sinh viên được tỉnh chọn gửi đi học bác sĩ, dược sĩ diện cử tuyển đa số có học lực trung bình, rất ít em khá hoặc giỏi. Nhiều em trước đó cũng thi vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ nhưng chỉ đạt phân nửa số điểm trúng tuyển, thậm chí còn thấp hơn.

Hầu hết số này đã thi rớt ĐH, chỉ trúng tuyển cao đẳng, trung học chuyên nghiệp nhưng lại được cử đi học bác sĩ, dược sĩ. Trung bình mỗi năm chúng tôi bị nhận khoảng 100 trường hợp như thế.

“Trầy vi tróc vảy”

* Những khó khăn mà trường gặp phải khi đào tạo SV ngành y cử tuyển là gì?

- Tôi có nghe một số giảng viên sử dụng câu “trầy vi tróc vảy” để nói về sinh viên cử tuyển. Sinh viên cử tuyển đều phải học dự bị ĐH một năm.

Trường không có chức năng đào tạo dự bị, không có giáo viên dạy ngữ văn nhưng cũng phải căng mình sắp xếp để dạy các em. Thế nhưng cũng có nhiều em theo không nổi. Mỗi năm chúng tôi phải trả về địa phương 1-2 trường hợp như vậy.

Trường quyết định cho các em học chung với sinh viên hệ chính quy để giúp các em tránh mặc cảm. Năm nào trường cũng tổ chức học kỳ hè cho đối tượng này để giúp các em theo kịp chương trình.

Do phải thi chung đề với sinh viên chính quy nên kết quả học tập hằng năm của các em này khá thấp, đa số chỉ đạt loại trung bình. Ngành y học sáu năm nhưng có rất nhiều em phải học 7-8 năm mới ra trường được, không kể một năm dự bị ĐH.

* Xin hỏi thật là ông có yên tâm không khi cấp bằng cho sinh viên cử tuyển ra trường với cái “mác” bác sĩ?

- Đại đa số bác sĩ cử tuyển tốt nghiệp ra trường loại trung bình hoặc trung bình khá. Và đương nhiên người khác gặp họ cũng chỉ gọi là bác sĩ chứ đâu có biết họ học hành ra sao.

Chúng tôi chỉ yên tâm khi các bác sĩ này được địa phương bố trí công tác đúng chuyên môn, kiến thức được đào tạo là cán bộ y tế tuyến cơ sở, khám chữa bệnh thông thường và chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Tuy nhiên cũng cần phải bố trí bác sĩ có kinh nghiệm kèm cặp, hướng dẫn thêm. Các bác sĩ này phải tiếp tục đi học chuyên sâu sau ĐH để nâng cao tay nghề. Điều quan trọng đối với bác sĩ tuyến xã là nhận biết được dấu hiệu bệnh nặng để chuyển lên tuyến trên kịp thời.

Tôi mong họ làm tốt điều này.

VÂN TRƯỜNG thực hiện

Nên dừng cử tuyển ngành y

Thạc sĩ BS Phan Văn Khoát (giảng viên chính Trường ĐH Y dược Cần Thơ) nói: “Tôi cho rằng cần dừng cử tuyển ngành y. Để giải quyết bài toán thiếu nhân lực ở vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn thì cần có chiến lược khác căn cơ hơn.

Theo tôi biết ở Hàn Quốc, Thái Lan bác sĩ ra trường vẫn phải chịu sự phân công của ngành y tế. Sau mấy năm họ mới được chuyển đến những nơi họ muốn.

Ở VN bác sĩ ra trường đều tìm cách ở lại các thành phố lớn. Chúng ta hoàn toàn có thể học tập theo Hàn Quốc, Thái Lan để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực thay cho biện pháp cử người không đạt chuẩn đi học như hiện nay”.

Theo BS Ngô Văn Tán (giám đốc Sở Y tế tỉnh Bến Tre), tỉnh này cũng thiếu nhân lực ngành y rất nhiều.

Tuy nhiên tỉnh không cử tuyển mà chọn y sĩ đã có thời gian công tác thực tế đi thi tuyển đầu vào đại học y, dược theo hình thức liên thông; hoặc chọn các em thi ĐH ngành y, dược mà thiếu 0,5 hoặc 1 điểm để gửi đào tạo bác sĩ, dược sĩ.

Cách làm này sẽ đảm bảo chất lượng đầu vào nên chắc chắn đầu ra sẽ yên tâm.

V.TRƯỜNG

Chạy cho con cán bộ tỉnh vào học cử tuyển

Mới đây, chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh đã kết luận về trường hợp em H.T.K.K.H. không thuộc diện đào tạo theo chế độ cử tuyển tại nghị định 134 của Chính phủ nên loại em H. khỏi danh sách đào tạo theo chế độ cử tuyển năm 2013 vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

Trước đó, do em H. không đủ điều kiện học đại học nên khi tốt nghiệp THPT, gia đình tìm cách làm khống hộ khẩu cho em ngụ ở xã nghèo Phong Phú (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) để được học, đào tạo bác sĩ tại Trường ĐH Y dược Cần Thơ.

Để “chạy hộ khẩu”, tháng 8-2012 ông Huỳnh Văn Đức (chủ tịch UBND xã Phong Phú) gặp ông Nguyễn Tấn Phát (phó Công an xã Phong Phú) đem giấy chuyển hộ khẩu của em H. từ TP Trà Vinh về nhập vào hộ ông Huỳnh Ngọc Ẩn (cha ông Đức, ngụ ấp I, xã Phong Phú).

Sau đó, ông Phát làm thủ tục đăng ký thường trú cho em H. vào hộ ông Ẩn và giao sổ hộ khẩu cho ông Đức, đồng thời ghi tên em H. vào sổ đăng ký thường trú của xã quản lý.

Do hộ khẩu của ông Ẩn được làm ngày 3-3-2010 và có nhập thêm tên em H. vào hộ khẩu nên cũng không đủ hơn năm năm ngụ tại xã nghèo theo chế độ ưu tiên.

Ông Đức yêu cầu ông Phát vừa nhập khẩu cho H. đồng thời chỉnh sửa lại hộ khẩu của ông Ẩn lùi lại thêm nhiều năm.

Ông Phát nghe theo, ghi lại số nhân khẩu thực tế của hộ ông Ẩn rồi mới ghi thêm tên em H. vào trang tiếp theo với quan hệ là cháu, quê quán xã Hiếu Nhơn (huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) và ký tên đóng dấu cùng ngày 3-5-2006.

Theo hồ sơ lưu danh sách 40 học sinh được xét vào Trường ĐH Y dược Cần Thơ theo chế độ cử tuyển năm 2013 “lúc chưa bị lộ” thì em H. (sinh năm 1994), dân tộc Kinh, hộ khẩu thường trú xã Phong Phú (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh).

Thời gian thường trú bảy năm, tốt nghiệp hệ THPT năm 2012, hạnh kiểm tốt, học lực khá. Ngành học đại học là bác sĩ răng - hàm - mặt (Trường ĐH Y dược Cần Thơ).

Cha là Huỳnh Hữu Nghĩa và mẹ là Tố Thị Kiều Thu, đều là cán bộ nhà nước, ngụ phường 5 (TP Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh). Thực tế, ông Nghĩa nhiều năm công tác tại Thanh tra Nhà nước tỉnh Trà Vinh và hiện là ủy viên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Trà Vinh.

Ông Phát thừa nhận việc nhập khẩu cho em H. và ký sổ hộ khẩu dời lùi (ngày, tháng, năm) là sai quy định của Luật cư trú và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật cư trú.

Nhưng do yêu cầu của cấp trên là ông Đức để giúp em H. được hưởng chế độ chính sách của Nhà nước đối với học sinh xã nghèo nên ông mới làm theo.

Ngày 14-5-2014, Công an huyện Cầu Kè ra quyết định về việc hủy bỏ kết quả đăng ký thường trú và thu hồi chứng minh nhân dân đối với em H..

SƠN BÌNH

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên