17/09/2014 06:37 GMT+7

​Biên soạn sách giáo khoa phổ thông ở Pháp

CÔNG KHANH
CÔNG KHANH

TT - Sách giáo khoa (SGK) của Pháp không chỉ trình bày phần bài học mà còn giới thiệu các hoạt động tiếp cận bài học và hệ thống hóa bài tập theo chủ đề lẫn cấp độ khó.

Tại Pháp, giáo viên bộ môn là người quyết định sẽ sử dụng bộ SGK nào. Trong ảnh: chọn mua SGK tại nhà sách Minh Khai, Q.1, TP.HCM - Ảnh: H.T.Vân

Nghĩa là nó không chỉ đơn thuần là SGK mà còn là một quyển sách tham khảo đáng tin cậy.

Nhu cầu đổi mới chương trình và SGK phổ thông sau năm 2015 đang đặt ra những vấn đề lớn về phương pháp luận, trong đó có vấn đề đã được xem xét từ những lần thay sách trước.

Nhân dịp này, chúng tôi mạn phép nêu lên vài quan sát về chương trình và SGK phổ thông của Pháp - một nước có nền giáo dục tiên tiến và ít nhiều tương đồng với VN vì lý do lịch sử - với hi vọng cung cấp cho bạn đọc một góc nhìn so sánh nhằm hiểu đúng về dự án đang được triển khai trong nước.

Giảng viên ĐH ít khi viết SGK phổ thông

Xem trọng kênh chữ lẫn kênh hình

Tranh, ảnh, hình vẽ trong SGK Pháp đều được in màu như bản gốc. Dung lượng chữ và hình được đưa vào phù hợp với tâm lý lứa tuổi.

Trong bài học về nạn buôn bán nô lệ, một quyển SGK tiểu học Pháp giới thiệu rất nhiều hình ảnh về sự dã man của tệ nạn này nhưng chỉ viết một câu ngắn: chế độ nô lệ đã được bãi bỏ ở Pháp và trên thế giới.

Ở Pháp, chương trình phổ thông được công bố trên trang web của Bộ Giáo dục quốc gia, các học khu (académie) và nhiều tổ chức liên quan khác.

Riêng đối với môn toán THPT, phần chính của chương trình là một bảng gồm ba cột: nội dung cần giảng dạy (cột 1), phương thức đưa nội dung tương ứng vào giảng dạy (cột 2) và chú thích (cột 3).

Trong trường hợp một khái niệm toán học có nhiều cách tiếp cận hoặc định nghĩa khác nhau, cột thứ hai chỉ ra cách tiếp cận hoặc định nghĩa cần sử dụng.

Điều này giúp tất cả SGK về cơ bản đều có nội dung thống nhất và phù hợp với tinh thần chương trình dù được nhiều nhóm tác giả khác nhau biên soạn.

Cột thứ ba quy định một số điều được phép hoặc không được phép, giúp tác giả SGK loại bỏ những trường hợp gây tranh cãi về dạng bài tập hoặc kỹ thuật giải.

Bộ Giáo dục quốc gia Pháp không quy định đối tượng được viết SGK.

Trên thực tế, tác giả SGK trung học thường là giáo viên trung học cao cấp (tạm dịch từ professeur agrégé, chiếm khoảng 26% giáo viên trung học) hoặc thanh tra sư phạm vùng (IPR). Rất hiếm khi giảng viên đại học trực tiếp tham gia biên soạn SGK phổ thông.

Giáo viên bộ môn quyết định SGK

SGK Pháp không chỉ trình bày phần bài học mà còn giới thiệu các hoạt động tiếp cận bài học và hệ thống hóa bài tập theo chủ đề lẫn cấp độ khó. Theo nghĩa của nước ta hiện nay, nó không chỉ đơn thuần là SGK mà còn là một quyển sách tham khảo đáng tin cậy.

Điều này là một trong những nguyên nhân khiến học sinh Pháp không phải tham gia học thêm vì sợ không giải được bài tập.

Một môn học ở một khối lớp có nhiều bộ SGK của nhiều nhóm tác giả khác nhau. Giáo viên bộ môn là người quyết định học sinh của mình nên chọn bộ sách nào.

Giáo viên bộ môn nào sử dụng hai bộ SGK cho một khối lớp thì học sinh phải mua hai bộ SGK tương ứng để có thể theo dõi bài giảng của thầy.

Do được toàn quyền quyết định tiến độ giảng dạy các nội dung của SGK miễn sao kết thúc nội dung quy định trong thời hạn năm học, giáo viên Pháp không bị ràng buộc bởi phân phối chương trình như ở ta (quy định số tiết dạy dành cho từng bài và thời điểm kiểm tra viết).

Việc biên soạn chương trình và SGK là vô cùng quan trọng, nhưng quan trọng hơn là mục tiêu giáo dục mà chúng ta nhắm đến.

Édouard Herriot (1872-1957) - viện sĩ viện hàn lâm, thủ tướng Pháp - từng nói: “Văn hóa là những gì còn lại trong tâm trí khi đã quên tất cả mọi thứ”.

Theo nghĩa này, chúng ta có quyền đặt một câu hỏi không hề cũ cho các tác giả SGK tương lai và cho cả hệ thống giáo dục: chúng ta nên đào tạo những người chỉ biết thuộc làu sách vở hay những con người biết suy xét và vận dụng tri thức?

Chỉ chiếm 9% tổng số sách tiêu thụ

Cần nói thêm rằng biên soạn và phát hành SGK không phải là lĩnh vực dễ dàng ở Pháp. Cả nước Pháp chỉ có sáu nhà xuất bản lớn về SGK là Bordas, Nathan, Hachette, Hatier, Magnard và Belin.

Một bộ SGK không tốt luôn nhanh chóng bị đào thải bởi giáo viên, phụ huynh và học sinh. Theo thống kê năm 2011, dù bán được 40,5 triệu bản với doanh thu 336,5 triệu euro, SGK chỉ chiếm 9% tổng số sách tiêu thụ trong năm tại Pháp và 12% tổng doanh thu của ngành xuất bản.

CÔNG KHANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên