13/08/2014 05:38 GMT+7

​Trường phi lợi nhuận ở VN: có khả thi?

TS PHẠM THỊ LY
TS PHẠM THỊ LY

TT - Có thể, với hai điều kiện: thứ nhất, có một khung pháp lý rõ ràng về sở hữu nhằm phân biệt với trường vì lợi nhuận. Thứ hai, cần cơ chế thích hợp để tạo nguồn vốn.

Khung pháp lý hiện nay đang trộn lẫn trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận.

Các đại biểu dự đại hội cổ đông bất thường ĐH Hoa Sen ngày 2-8 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Nặng mùi doanh nghiệp

"Lợi dụng sự nhập nhằng và những khe hở pháp lý, không ít trường ĐH xử sự như một doanh nghiệp vì lợi nhuận, nhưng lại tự xưng mình là trường không vì lợi nhuận để đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước và ủng hộ của công chúng"

Về sở hữu, theo các văn bản hiện hành, kể cả văn bản mới nhất và chi tiết nhất là nghị định 141/NĐ-CP ngày 24-10-2013, cả hai loại trường này đều thuộc sở hữu tư nhân, đều có cổ đông, có cổ phần và vốn góp. Điều này thể hiện rõ tính chất doanh nghiệp và chỉ phù hợp với trường vì lợi nhuận mà không thích hợp với trường không vì lợi nhuận.

Về cơ cấu quyền lực, cả hai loại trường này đều có hội đồng quản trị được thành lập bằng cách biểu quyết theo nguyên tắc đối vốn, tức là theo nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp, là điều chỉ thích hợp với trường vì lợi nhuận, hoàn toàn không thích hợp với trường không vì lợi nhuận.

Đồng thời, luật pháp hiện hành lại đòi hỏi cả hai loại trường phải có một số thành viên đương nhiên trong hội đồng quản trị, một điều chỉ thích hợp với trường phi lợi nhuận mà không thích hợp với trường vì lợi nhuận.

Về việc sử dụng lợi nhuận, cả hai loại trường này đều bị đòi hỏi phải dành 25% lợi nhuận cho tài sản chung không chia, là điều chỉ thích hợp cho trường phi lợi nhuận mà không thích hợp cho trường vì lợi nhuận.

Cả hai loại trường đều có cổ tức. Khác biệt duy nhất giữa hai loại trường là ở điểm này, khi trường vì lợi nhuận không bị hạn chế mức chia cổ tức, còn trường không vì lợi nhuận thì bị hạn chế mức chia cổ tức không vượt quá lãi suất trái phiếu chính phủ.

Khe hở pháp lý nằm ở đây. Bởi lẽ các trường có thể duy trì mức chia cổ tức thấp, nhưng bù lại bằng cổ phiếu thưởng, tăng vốn điều lệ, chuyển nhượng cổ phần. Thậm chí các trường còn có thể có nhiều cách hạch toán “lời thật lỗ giả” để nhà trường không có chút lãi nào, dù thực chất vẫn là một cỗ máy kiếm tiền.

Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối

“Lập pháp” và “hành pháp” trong trường ĐH

Cơ cấu quyền lực là nguồn gốc tạo ra xung đột trong hầu hết mọi trường hợp. Việc khẳng định rõ tính chất sở hữu cá nhân của trường vì lợi nhuận và tính chất sở hữu cộng đồng của trường không vì lợi nhuận sẽ giúp phân định rạch ròi giữa quyền sở hữu nhà trường và thẩm quyền điều hành của bộ máy vận hành.

Đối với các tổ chức kiểm định quốc tế, nếu hội đồng quản trị đồng thời nắm quyền điều hành thì trường đó không thể được công nhận kiểm định chất lượng. Bởi vì nó sẽ tạo ra một cơ cấu khiến quyền lực không bị kiểm soát.

Một cấu trúc hợp lý là hội đồng quản trị của trường vì lợi nhuận hay hội đồng trường của trường không vì lợi nhuận sẽ đóng vai trò “lập pháp”, tức quyết định chiến lược phát triển, tuyển dụng hiệu trưởng và giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của hiệu trưởng, nhưng không can thiệp vào quá trình điều hành của hiệu trưởng.

Chính vì chỗ nhập nhằng và khe hở nêu trên, nhiều hệ lụy đã phát sinh.

Thứ nhất, quyền lực chủ yếu nằm trong tay bộ máy điều hành và đằng sau quyền là tiền. Vì hiểu rõ điều này nên trong phần lớn trường hợp, để tránh rủi ro, nhà đầu tư nắm lấy quyền điều hành dẫn đến những lỗ hổng về năng lực lãnh đạo.

Giáo dục ĐH là một lĩnh vực đặc thù mà nhiều nhà đầu tư thiếu am hiểu. Khung pháp luật hiện hành đã cố gắng khắc phục sự thiếu am hiểu của các nhà đầu tư bằng cách quy định một số thành phần đương nhiên trong hội đồng quản trị với hi vọng tạo ra cân bằng, nhưng trong thực tế lại là nguồn gốc tạo ra xung đột gay gắt nhiều khi không thể giải quyết. Trong trường hợp các nhà đầu tư đồng thời là các nhà khoa bảng, người ta chứng kiến một sự mâu thuẫn lợi ích, và trong nhiều trường hợp các nhà khoa bảng đã xử sự chẳng khác nào các nhà đầu tư.

Thứ hai, việc các nhà đầu tư nắm lấy quyền điều hành đã tạo ra một hệ quả nghiêm trọng hơn: họ tạo ra một cơ cấu quyền lực tuyệt đối và không bị kiểm soát.

Các nhà làm luật cũng nhìn thấy điều này, vì vậy họ đã tạo ra một ban kiểm soát nhằm giám sát hoạt động của hội đồng quản trị. Tuy nhiên trong thực tế thành viên ban kiểm soát cũng là cổ đông và là nhân viên trong trường, họ không thể có một vị thế khách quan và một quyền lực đủ để thực thi nhiệm vụ kiểm soát.

Quyền lực tuyệt đối thì tha hóa tuyệt đối. Câu nói ấy đúng trong mọi trường hợp. Bởi nắm quyền lực tuyệt đối, nhiều người sợ mất quyền lực và cố gắng duy trì một cơ cấu tổ chức nhân sự sao cho họ trở thành người không thể thay thế được.

Có những trường mà ban giám hiệu ngoài hiệu trưởng chỉ bao gồm những người có bằng thạc sĩ, dù Bộ GD-ĐT có quy định bắt buộc phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo phải có bằng tiến sĩ.

Có những trường toàn bộ ban giám hiệu đều là thành viên hội đồng quản trị. Cách dùng người như thế đã phá hủy nguyên tắc cốt lõi nhất của trường ĐH là chỉ dựa trên tài năng và phẩm chất, đã làm nghèo đi sự đa dạng và năng lực phát triển của nhà trường.

Thứ ba, bởi sự nhập nhằng đó người ta xử sự như một doanh nghiệp vì lợi nhuận, nhưng lại tự xưng mình là trường không vì lợi nhuận để đòi hỏi sự hỗ trợ của Nhà nước và sự ủng hộ của công chúng.

Điều này không có lợi cho lợi ích công, bởi lẽ nếu nguồn lực nhà nước đầu tư cho những trường này thì đó sẽ là biến nguồn lực công thành lợi ích tư của cá nhân, đặc biệt là cho những người nắm quyền điều hành.

Có thể xây dựng trường phi lợi nhuận ở VN?

Câu trả lời là có, trong những điều kiện sau đây:

Một là khung pháp lý rõ ràng và dứt khoát về sở hữu nhằm phân biệt trường vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận. Hai là, cơ chế thích hợp để tạo nguồn vốn.

Đặc điểm quan trọng nhất của trường không vì lợi nhuận là tính chất sở hữu cộng đồng. Chừng nào chưa xác lập sở hữu cộng đồng thì chừng đó còn có sự nhập nhằng, lẫn lộn, đánh tráo và lạm dụng khái niệm.

Liệu có sợ “cha chung không ai khóc”, và tiền ở đâu để xây dựng trường phi lợi nhuận khi chúng ta chưa từng có truyền thống hiến tặng cho ĐH? Chúng ta tìm ở đâu ra những đại gia bỏ tiền tỉ xây dựng trường ĐH mà không giữ quyền sở hữu, không đòi quyền chi phối nó như thể một ông chủ quán phở chi phối quán phở của mình?

Có hai cơ chế tạo ra vốn cho trường phi lợi nhuận trong bối cảnh của VN. Trường ĐH T có thể đem ra làm ví dụ. Hiện nay không thể xem ĐH T là phi lợi nhuận mặc dù nó không hề có lãi, bởi nó vẫn là sở hữu tư nhân và có thể chuyển nhượng.

Thử hình dung một kịch bản bà Y từ bỏ quyền sở hữu của mình đối với Trường ĐH T để biến nó thành một trường phi lợi nhuận thật sự, với cam kết cấp vốn cho nó hoạt động trong một thời gian ngắn, sau đó nó sẽ phải tìm nguồn thu để tự trang trải.

Bằng cách đó ĐH T có thể nhận được hiến tặng từ những nguồn khác, và được Nhà nước hỗ trợ bổ sung để vươn lên trở thành một trường tốt và có sức thu hút mạnh mẽ. Nó sẽ trở thành tâm điểm tạo ra cả một thành phố xung quanh mình.

Tạo ra thành phố ấy, cung cấp các dịch vụ và tìm kiếm lợi nhuận từ những hoạt động ấy sẽ là lợi ích không nhỏ mang lại cho người chủ ban đầu của ĐH T. Bà sẽ trở thành người được tri ân.

Một cơ chế khác là thoái vốn bắt buộc. Một trường ĐH được hình thành từ nguồn vốn góp ban đầu có tính chất vì lợi nhuận có thể trở thành phi lợi nhuận khi có cơ chế thoái vốn cho các cổ đông.

Lợi nhuận tạo ra được trả lại cho các cổ đông cho đến khi họ hoàn toàn thu lại vốn, kèm theo mức lãi suất nhất định.

Khi tất cả cổ đông đã được thoái vốn và trường tuyên bố trở thành phi lợi nhuận thì không còn cá nhân nào giữ quyền sở hữu với nhà trường nữa và nó có thể vận hành trong khuôn khổ pháp lý của trường không vì lợi nhuận.

Tháo gỡ nút thắt

Tranh chấp quyền lực diễn ra tại Hoa Sen, cũng như tại Hùng Vương hay một vài trường tư khác, cần được nhìn nhận thẳng thắn rằng đó chính là hệ quả của chính sách bất cập.

Nguyên do của những bất cập ấy là cách nhìn chưa thỏa đáng về bản chất dịch vụ và sứ mạng xã hội của trường ĐH cũng như vai trò và tiềm năng đóng góp của giáo dục ĐH ngoài công lập.

Những nút thắt về mặt chính sách có lý do từ trong nhận thức chưa phù hợp về trường ngoài công lập và lẫn lộn tính chất dịch vụ, vì lợi nhuận với tính chất phục vụ lợi ích công của giáo dục ĐH.

Điều này tạo ra những tiềm năng xung đột lớn và kích thích lối nhìn ngắn hạn.

Bởi lẽ đó cần phân định dứt khoát hai loại hình vì lợi nhuận và không vì lợi nhuận, để tránh mọi hình thức lạm dụng và tạo động lực đầu tư dài hạn.

Nếu không xây dựng một hành lang pháp lý khích lệ các trường vì lợi nhuận kinh doanh một cách lành mạnh, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ của các trường ngoài công lập trong một tương lai rất gần.

Trong bối cảnh đại chúng hóa giáo dục ĐH, Nhà nước rất cần củng cố hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập.

Giải quyết những mâu thuẫn trong chính sách chính là tháo gỡ những nút thắt để hệ thống giáo dục ĐH ngoài công lập có thể phát triển xứng với tiềm năng của nó.

 

TS PHẠM THỊ LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên