17/11/2008 15:42 GMT+7

Đổi mới phương pháp giảng dạy như thế nào?

QUỐC DŨNG - TỪ DUY
QUỐC DŨNG - TỪ DUY

TTO - Chiều 17-11, báo Tuổi Trẻ và Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức buổi tọa đàm “Đổi mới phương pháp giảng dạy” tại tòa soạn báo. Buổi tọa đàm đã nêu lên nhiều cản ngại đối với việc đổi mới phương pháp giảng dạy trong nhà trường phổ thông hiện nay; cơ chế và điều kiện nào giúp giáo viên phát huy sự sáng tạo của mình...

nu4hHSeE.jpgPhóng to
Quang cảnh buổi tọa đàm "Đổi mới phương pháp giảng dạy" - Ảnh: Như Hùng

Diễn ra từ ngày 5-11-2008 trên báo Tuổi Trẻ, diễn đàn xuất phát từ câu chuyện cảm động về thầy giáo Trần Tuấn Anh, giáo viên môn giáo dục công dân của Trường THCS Bạch Đằng (quận 3, TP.HCM) và những buổi học tràn đầy sự xúc động, nước mắt học trò của thầy, đã thu hút rất nhiều sự quan tâm của lãnh đạo ngành giáo dục, quý thầy cô giáo và tất cả những tấm lòng dành cho sự nghiệp trồng người.

Buổi tọa đàm như một tổng kết cho diễn đàn trên có sự tham dự của ông Nguyễn Thiện Nhân - phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Vinh Hiển - thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Đỗ Quốc Anh - vụ trưởng - giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, ông Huỳnh Công Minh - giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cùng các nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục, các cán bộ, chuyên viên của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT TP.HCM, các trường sư phạm...

JwoDOxGQ.jpgPhóng to
Ông Lê Hoàng, tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, trao tặng giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” kèm 7 triệu đồng cho cô Dương Thu Trang - Ảnh: Như Hùng

Trước khi vào chương trình tọa đàm, ông Lê Hoàng - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - đã trao tặng giải thưởng “Bạn đồng hành quanh tôi” kèm 7 triệu đồng cho cô Dương Thu Trang, nhân vật trong bài “Những đề văn gói trọn yêu thương” (Tuổi Trẻ 10-11), trước đó giải thưởng này cũng đã được trao tặng cho thầy Trần Tuấn Anh.

Nhận hoa từ chính học sinh của mình ngay tại buổi tọa đàm, cô Thu Trang nói những nỗ lực trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy của mình có được là nhờ sự ủng hộ của ban giám hiệu Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) và sự ủng hộ của học sinh.

Quá nhiều rào cản để đổi mới cách giảng dạy

Buổi tọa đàm chia thành ba nhóm dựa theo ba nhóm vấn đề: những rào cản nếu có ảnh hưởng đổi mới phương pháp giảng dạy đổi mới phương pháp giảng dạy như thế nào; các chính sách, chủ trương nào cần có để việc đổi mới phương pháp giảng dạy được thuận lợi?

r3VGP5GZ.jpgPhóng to
Thầy Nguyễn Việt Bắc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, nêu ý kiến - Ảnh: Như Hùng
Thầy Nguyễn Việt Bắc, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sài Gòn, đại diện nhóm một trình bày hàng loạt những nguyên nhân có thể tạo ra rào cản đến việc thay đổi phương pháp giảng dạy từ những ý kiến từ nhóm mình như: sĩ số lớp quá lớn, cách đánh giá trình độ học sinh theo kiểu học gì, thi nấy..., trình độ giáo viên không đồng đều, giáo viên bị hạn chế bởi nhiều thứ khác (như sách hướng dẫn giáo viên), thanh tra chi li bài dạy của giáo viên.

Bên cạnh đó, có thực tế có rất nhiều môn học và thực tế môn nào cũng cần có điểm tốt dẫn đến cảm giác môn nào cũng có thể trở thành môn học chính, gây áp lực mọi phía cho cả giáo viên và học sinh. Chưa hết, cách đánh giá quá máy móc giữa trình độ của học sinh với những kiến thức bất di bất dịch từng li, từng nét khiến học sinh cũng mất hứng thú học tập.

Tuy thực tế còn nhiều những rào cản như trên nhưng vấn đề đặt ra là với mỗi giáo viên, có muốn đổi mới phương pháp giảng dạy hay không, vì sao, nguyên nhân nào khiến chuyện đổi mới là không thể? Chính vì thế, ngay khi trên đường đến với buổi tọa đàm, thầy Nguyễn Việt Bắc cho biết vẫn băn khoăn với một câu hỏi này và khẳng định: Đổi mới phương pháp giảng dạy không phải là thay đổi từng cách giảng dạy này bằng cách giảng dạy khác mà là sử dụng những phương pháp giảng dạy hiện tại như thế nào để tạo ra những giờ học hiệu quả. Tự thân từng phương pháp giảng dạy chẳng có ý nghĩa gì nếu nó không được sử dụng một cách đúng lúc, đúng chỗ và đúng mức.

4IYzWbOT.jpgPhóng to
Thầy Hồ Thiệu Hùng, nguyên giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, nêu ý kiến - Ảnh: Như Hùng
Thầy Hồ Thiệu Hùng cho biết, nhóm ông có tám ý kiến xung quanh đổi mới phương pháp giảng dạy. Theo đó, để đổi mới phương pháp giảng dạy thì phải thoát khỏi những rào cản. Đó là rào cản do học sinh chưa quen cách học mới, thậm chí có nhiều môn không muốn học (chẳng hạn môn giáo dục công dân do không thi, là môn phụ…). Rào cản tiếp theo là giáo viên, do trong quá trình đào tạo nhiều người chưa sẵn sàng đổi mới.

Tiếp theo là cách đánh giá học sinh bằng điểm, qua những kỳ thi; cách hỏi, cách ra đề thi khiến giáo viên muốn thay đổi phương pháp giảng dạy cũng ngại. Chưa kể việc đánh giá thành tích giáo viên như tỉ lệ lên lớp, thi cử… , và đây chính là rào cản lớn khiến giáo viên không dám đổi mới. Rồi còn việc chương trình quá nặng, quá ôm đồm, quá nhiều môn học...

Theo thầy Hùng, điều mà giáo viên quan tâm để đổi mới phương pháp giảng dạy là nên lập một trang web để giáo viên trao đổi với nhau, đồng thời nên hạ giá thành trang thiết bị, đồ dùng dạy học. Các công ty sách thiết bị trường học cũng nên mua lại tài liệu quý của giáo viên và tập hợp lại để phổ biến đến giáo viên, học hỏi kinh nghiệm và nâng cao bài giảng.

Thầy Hùng cũng cho biết, cần thay đổi cách đánh giá học sinh. Đánh giá không nên chăm chăm kiến thức mà đánh giá vào kỹ năng. Đánh giá qua thi cử chỉ toàn đánh giá kiến thức, làm cho việc dạy và học chán. Trong khi đó, đánh giá kỹ năng gồm kỹ năng học (học sinh chưa được dạy); kỹ năng sống khác (kỹ năng ứng xử, giao tiếp, tự chủ, làm việc nhóm, hoạch định mục tiêu…). Con người ta chỉ học 25% kiến thức trong cuộc sống, còn 75% kiến thức trong đời là tri hành, tri nhân. Đổi mới không tạo ra nhiều tiến sĩ mà tạo ra nhiều học sinh biết làm việc.

wxTZnOxZ.jpgPhóng to
Cô Hoàng Tuyết, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TPHCM, nêu ý kiến - Ảnh: Như Hùng
Đại diện nhóm thứ ba, cô Hoàng Tuyết, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho biết vấn đề nổi trội cần quan tâm hiện nay là vấn đề đạo đức của học sinh. Với việc đổi mới phương pháp giảng dạy, nhiều giáo viên cảm thấy đơn lẻ khi muốn thay đổi. Sự đơn lẻ này đến từ cách nhìn nhận của ngành giáo dục, nhà trường, cộng đồng, học sinh...

Giải pháp cho việc thay đổi phương pháp giảng dạy, nhóm này cho biết sự quan trọng của việc cải cách cấu trúc trong giáo dục và văn hóa trong giáo dục. Trong đó những thay đổi hiện tại tập trung quá nhiều vào việc thay đổi cấu trúc trong khi vấn đề văn hóa giáo dục thì bị xem nhẹ. Chính văn hóa giáo dục sẽ khiến ngành giáo dục, nhà trường, cộng đồng, giáo viên, học sinh… trả lời được câu hỏi “thay đổi” hay “bị thay đổi”? Khi trả lời cụ thể được vấn đề văn hóa giáo dục, người biên soạn sách giáo khoa, người đưa ra các tiêu chuẩn đánh giá trình độ học sinh, người dạy, người học sẽ cảm nhận được sứ mệnh của mình để cùng nhau thay đổi.

Sự thay đổi cũng cần phải có hệ thống. Chẳng hạn, dù không tính điểm thường xuyên nhưng trình độ của học sinh tiểu học hàng năm vẫn phải trải qua bốn kỳ kiểm tra để đánh giá kết quả. Như thế chuyện học để lấy điểm đã vô tình “ăn” vào suy nghĩ của học sinh từ tiểu học, các cấp học khác sẽ như thế nào nếu học sinh cũng tâm niệm chuyện học để lấy điểm là chính?

Thầy Hoàng Đức Huy, giáo viên Trung tâm Giáo dục thường xuyên quận 4 (TP.HCM), cho rằng ngành giáo dục đang ngủ mê trên ngôi mỏ kim cương. Vì mỗi sáng kiến của giáo viên (tốn tiền, tốn sức, tốn công) rất quý báu nhưng không được khen thưởng đúng mức; trong khi đó, nếu làm việc trong xí nghiệp có sáng kiến làm lợi cho xí nghiệp thì sẽ được thưởng. Thầy Huy bảo, sáng kiến của giáo viên rất vô giá và theo hai nghĩa đen và bóng.

Về vấn đề khó thay đổi phương pháp giảng dạy, theo thầy Huy, chính sách giáo khoa là pháp lệnh, còn sách hướng dẫn của giáo viên chính là "chiếc còng số tám"! Do đó, để giảng dạy, giáo viên phải soạn giáo án theo sách giáo viên, có từng bước quy định, như vậy thì làm sao giáo viên có ý tưởng sáng tạo?

Học sinh phải là đồng tác giả của quá trình giảng dạy

nJoC4oOb.jpgPhóng to
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi tọa đàm - Ảnh: Như Hùng

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD-ĐT phát biểu: "Đổi mới phương pháp dạy học đã có từ lâu nhưng chưa có mô hình hay phổ biến rộng rãi. Vừa qua báo Tuổi Trẻ giới thiệu gương một số thầy cô, tôi cho rằng đây là những phát hiện hay. Đổi mới phương pháp không phải lấy từ trên xuống mà phải từ dưới lên để thúc đẩy bộ máy".

Theo ông Nhân, ở các nước, sinh viên đánh giá giáo viên đã có từ lâu, còn ở ta đang thực hiện. Nhưng ở bậc phổ thông thì đổi mới như thế nào cho phù hợp? Ông Nhân cho rằng, nên coi học sinh cũng là đồng tác giả của quá trình giáo dục. Giáo viên phải có công nghệ thiết kế quy trình bài giảng mới, phải thu hút học sinh vào bài học, phải có tư liệu cuộc sống bổ sung vào ngoài sách giáo khoa. Tất cả thầy cô dạy một bộ môn cần lập một trang web để làm tư liệu.

Bộ trưởng cũng cho biết, chương trình sách giáo khoa bộ mới đánh giá một lần và đang ghi nhận để chỉnh sửa từ từ. Ông cũng cho rằng mục tiêu giáo dục là dạy làm người nhưng đánh giá vẫn thiên về cho điểm từng môn, do đó ông rất đồng tình về việc đưa môn kỹ năng sống vào chương trình học.

qs7a0dPz.jpgPhóng to
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Ảnh: Như Hùng
Tiếp theo ý kiến của bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng trong tất cả các yếu tố liên quan đến việc giảng dạy, yếu tố nào cũng có rào cản bên cạnh những ưu điểm. Việc đổi mới phương pháp giảng dạy không có nghĩa ngay lập tức cần thay đổi nội dung sách giáo khoa. Cách đáng giá giáo viên và học sinh hiện nay cũng còn nhiều tồn tại.

Đồng ý với ý kiến của nhóm cô Hoàng Tuyết, thứ trưởng cho rằng yếu tố văn hóa giáo dục có tác động không nhỏ đến lãnh đạo ngành giáo dục, giáo viên, học sinh… Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng khẳng định sách giáo khoa, sách hướng dẫn giáo viên không phải là “còng số tám” như nhiều người thường nghĩ về các phương pháp giảng dạy, đó chỉ là những hướng dẫn được cho rằng “có thể tốt nhất” mà thôi.

Về việc đào tạo giáo viên, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng hiện nay có tình trạng ngay trong chính các trường sư phạm, sinh viên vẫn còn thiếu thời gian thực tập sư phạm. Nhưng như đã nói, phương pháp nào cũng có rào cản nên trong thời gian tới, việc tìm ra rào cản nào đóng vai trò “nút bấm” để đổi mới được phương pháp giảng dạy sẽ rất quan trọng.

Thầy Trần Mậu Minh, hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1, TP.HCM), thì cho rằng học sinh phải học rất nhiều môn học, chính vì vậy mà áp lực bài kiểm tra rất nặng nề. Thầy Minh cho ví dụ học sinh học môn ngữ văn phải làm hơn chục bài kiểm tra trong một học kỳ. Thêm nữa là áp lực từ gia đình, rồi giáo viên môn nào cũng xem là quan trọng.

Theo thầy Minh, có nhiều giáo viên không muốn đổi mới, cũng có những giáo viên không biết đổi mới như thế nào. Thầy Minh cũng cho biết bộ nên điều chỉnh lại chương trình thì mới phát triển kỹ năng cho học sinh. Bộ cũng cần giảm môn học để học sinh không bị áp lực, các môn khác chỉ tự chọn. Thêm đó, cũng cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá, vì nếu không thay đổi thì rất khó để giáo viên đổi mới phương pháp, học sinh chỉ đối phó với kiểm tra.

Cô Lê Thúy Hòa, hiệu trưởng Trường THPT tư thục Thái Bình, khẳng định mọi phương pháp giảng dạy có thể sử dụng tốt như thế nào thì tất cả đều phụ thuộc vào cấu tạo chương trình. Hiện tại, cấu tạo chương trình của chúng ta còn quá nhiều điều bất hợp lý như chuyện học sinh tiểu học phải học hai buổi/ngày, học sinh không được phân luồng và chính học sinh cũng không ý thức được hướng vào đời dù đã học hết 12 năm phổ thông. Tất cả những vấn đề thuộc về cấu tạo chương trình kéo theo hàng loạt những phụ thuộc đến cách dạy, cách đánh giá, cách học của học sinh…

gWjo5zvA.jpgPhóng to
Cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) - Ảnh: Như Hùng

Theo cô Dương Thu Trang, giáo viên Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM), học sinh cần tình thương và khi thuyết phục được học sinh, không có lý do gì mà học sinh không hợp tác. “Mang cuộc sống đến cắt nghĩa bài học và mang bài học đến áp dụng cuộc sống” là cách làm của chúng tôi. Khi thầy cô, với tình yêu thương học trò của mình được học sinh cảm nhận, tôn trọng, việc học đó cũng là một cách học hiệu quả.

Cô kể chuyện nhiều sinh viên ban A “ngán” với môn văn nhưng khi vào lớp 12, cô đã đưa ra câu hỏi, cũng là câu trả lời “sau này có thể em sẽ là một giám đốc giỏi, nhưng làm sao để xã hội biết đến em và em có điều kiện tiếp cận xã hội tốt nhất, phục vụ công việc của mình nếu em không biết diễn đạt đúng nhất những gì mình muốn?”, môn văn sẽ giúp em có được điều đó!

Đặt vấn đề với bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cô Hoàng Tuyết hỏi: “Bao giờ có thể có được một chương trình nhiều sách giáo khoa? Nếu không thì sẽ đặt sự sáng tạo trong một khuôn khổ nhất định, vì nguyên tắc sự sáng tạo là sự đa hướng”.

Phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân cho biết: Chương trình mới ra năm 2006 nên bộ có chủ trương hằng năm sẽ đánh giá chương trình sách giáo khoa, chậm nhất năm 2010 sẽ trả lời là điều chỉnh chương trình như thế nào. Về cách thức biên soạn nhiều bộ sách, bộ đã giao Viện Giáo dục khoa học.

Năm nay là năm sách giáo khoa lớp 12 dùng đầu tiên, do dùng lần đầu tiên nên chưa thể sửa được, nhưng những bộ sách trước sẽ sửa được. Từ quý một năm 2009 sẽ có quy chế viết nhiều bộ sách cho một chương trình, sau đó mới có thể triển khai được.

Theo ông Nhân, khi có một chương trình mới thì phải dạy rất vất vả, do đó một chương trình phải dạy một vài năm mới bộc lộ những cái nào cần chỉnh sửa. Nếu quyết định năm 2010 phải sửa thì cũng phải đến năm 2012, 2013 trở đi mới có thể có sách giáo khoa được. Năm 2007 bộ đã có một ban chỉ đạo tổ chức, đánh giá chương trình sách giáo khoa. Năm tới ban này cũng có nhiệm vụ chuẩn bị xây dựng chương trình sách giáo khoa mới. Ông Nhân cũng mời gọi các giáo viên đánh giá chương trình hằng năm để giúp Bộ GD-ĐT đánh giá chính xác chương trình.

Ông Huỳnh Công Minh, giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng buổi tọa đàm của báo Tuổi Trẻ rất có ý nghĩa trong cuộc cải cách, phát triển, chấn hưng giáo dục ngày nay. “Dưới góc độ là người phụ trách giáo dục của TP.HCM, tôi xin tiếp nhận các ý kiến của thầy cô tại buổi tọa đàm này để nghiên cứu, vận dụng, thực hiện một cách tốt nhất” - ông Minh nói. Ông cũng cho biết, TP.HCM sẽ cố gắng xây dựng thêm trường lớp để học sinh ở mỗi lớp không quá tải như hiện nay, phù hợp theo chuẩn quy định; TP.HCM cũng sẽ bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên nhằm cung cấp cho giáo viên trình độ, năng lực, vận dụng vào bài giảng một cách sáng tạo, linh hoạt, để thu hút học sinh…

Kết luận buổi tọa đàm, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân nói, với các vấn đề mà các thầy cô đã nêu trên Tuổi Trẻ, bộ sẽ tập hợp và thảo luận để cố gắng từng bước làm rõ các vấn đề: vì sao phải đổi mới; đổi mới như thế nào; rào cản hiện nay là gì và cách tháo gỡ; làm thế nào để sáng kiến của thầy cô là sáng kiến của toàn ngành?

Ông Nhân cũng cho rằng, để làm được điều này phải có bốn cấp chịu trách nhiệm: nhà trường làm gì để khuyến khích đổi mới này của thầy cô; các tỉnh thành làm gì để tạo phong trào có hiệu quả; Bộ GD-ĐT làm gì để khuyến khích thầy cô; giáo viên nên làm gì? Đặc biệt là làm thế nào để giáo viên đổi mới không cảm thấy cô độc và được hỗ trợ.

8E4gz0T1.jpgPhóng to
Ông Lê Hoàng - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - phát biểu kết thúc buổi tọa đàm - Ảnh: Như Hùng
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, ông Lê Hoàng - tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho biết: Khởi sự bằng bài báo viết về thầy Trần Tuấn Anh, người thầy cảm động và hàng loạt các gương mặt giáo viên khác, đồng thời thu hút được trên 600 ý kiến, bài báo tham dự diễn đàn “Đổi mới phương pháp giảng dạy” cho thấy đây là vấn đề thực sự thu hút được sự quan tâm của xã hội.

Buổi tọa đàm ghi nhận những đóng góp từ thực tế của quý thầy cô giáo, những trăn trở về nghề nghiệp, về chính sách để thay đổi chất lượng giáo dục nước nhà. Những ý kiến của quý thầy cô, học sinh, bạn đọc… sẽ được đặt lên bàn những nhà quản lý giáo dục. Những ý kiến đó, nếu được áp dụng vào thực tế phần nào, dù rất nhỏ cũng sẽ được Tuổi Trẻ ghi nhận.

QUỐC DŨNG - TỪ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên