12/09/2015 06:00 GMT+7

Nếu có "cưa đôi", mức phạt vẫn đủ sức răn đe?

 ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY
ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY

TTO - Ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông - cho rằng giả sử có thỏa thuận ngầm “cưa đôi” tiền phạt vi phạm giao thông với cảnh sát thì mức phạt vẫn cao đủ răn đe!

Theo dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm giao thông, việc dùng điện thoại khi lái ôtô sẽ bị phạt 600.000 - 800.000 đồng - Ảnh: T.T.D.

Ông Tùng nêu ý kiến trên khi dự thảo nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt đang được Bộ GTVT lấy ý kiến. Mức phạt được đề xuất với nhiều hành vi vi phạm giao thông sẽ tăng mạnh.

Ví dụ hành vi chạy xe máy trên đường khi nồng độ vượt quá mức cho phép sẽ bị tăng gấp đôi tiền phạt, hành vi chạy xe máy vào đường cao tốc mức phạt tăng gấp 10 hay hành vi chở quá tải hàng hóa 150% thì mức phạt dành cho tài xế cũng tăng gấp đôi.

Băn khoăn tiêu cực

Ông Lê Tấn Hậu, chủ một đơn vị cho thuê xe khách ở TP.HCM cho biết ông đồng tình với việc tăng mức phạt đối với những lỗi nặng, lỗi cố ý vi phạm và có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng người đi đường.

Chia sẻ quan điểm này, anh Lê Chung (Cần Thơ) cho rằng việc tăng mức phạt với những hành vi cố tình vi phạm là rất cần thiết.

Đồng quan điểm, nhiều bạn đọc nói nghĩ đến số vụ tai nạn giao thông khủng khiếp thời gian qua thì đồng tình với mức phạt để hạn chế vi phạm dẫn đến tai nạn giao thông.

Nhưng họ đặt câu hỏi khác: liệu cao vậy thì có tiêu cực không? 

Anh Lê Chung cho rằng việc tăng mức phạt đôi khi sẽ làm tình trạng chung chi, “nhờ cảnh sát giao thông đóng phạt dùm” có nguy cơ tăng lên.

“Thấy tiền nhiều quá thì nhiều người sẽ chọn cách thôi thì đưa vài trăm cho cảnh sát giao thông cho yên chuyện. Nếu cảnh sát giao thông thuận tình tiếp tay thì không những vi phạm giao thông không giảm mà tiêu cực còn tăng lên”, anh Chung nói.

Ông Lê Tấn Hậu cũng đánh giá đối với những lỗi không cố ý thì việc tăng mức phạt sẽ dễ làm “tăng tiêu cực, tăng chung chi và đôi khi tài xế sẽ bị hạch sách nhiều hơn”, ông Hậu nói.

Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cho rằng tăng mức phạt vi phạm giao thông phải dựa trên cơ sở phân tích kỹ các nguyên nhân. Nếu nguyên nhân chủ yếu của việc vi phạm luật giao thông là do mức phạt chưa đủ sức răn đe, nhiều người sẵn sàng đóng phạt để phạm luật, để đi theo ý mình thì nên tăng. Nếu không, tăng mức phạt cũng không giải quyết được vấn đề, ông Nghĩa nói.

Một vấn đề khác ông Nghĩa lưu ý là việc tăng mức phạt sẽ trở nên vô nghĩa nếu “tiêu cực vẫn xảy ra vì tiêu cực sẽ vô hiệu hóa mức phạt đó”, ông Nghĩa đánh giá.

“Nếu không khéo lại tăng thêm “quyền” cho cảnh sát giao thông hạch sách và đe nẹt người vi phạm”, luật sư Bùi Quang Nghiêm, phó chủ nhiệm Đoàn luật sư TP.HCM thẳng thắn nói.

"Giả sử có xảy ra tiêu cực thì nếu có việc thỏa thuận ngầm theo hình thức “cưa đôi” giữa người vi phạm và lực lượng công vụ thì mức xử phạt vẫn đảm bảo cao đủ răn đe người tham gia giao thông”.

Ông Hoàng Thế Tùng - phó vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT)

Đối với người xử phạt và người giám sát xử phạt, TS Phạm Hồng Thái, ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, cho rằng cần tăng cường khâu giám sát để tránh tình trạng chia 50-50 giữa người vi phạm và người xử phạt.

“Tôi thấy có ba kiểu “xin” khi vi phạm giao thông, một là năn nỉ, hai là cầu cứu người thân và ba là xin “chia đôi” tiền phạt”. Nhận biết tình trạng ấy để việc giám sát được chặt chẽ, minh bạch hơn. Luật đã nghiêm thì người thực thi pháp luật cũng phải làm sao để người dân bị phạt “tâm phục khẩu phục”, ông Thái nói.

Theo luật sư Bùi Quang Nghiêm, nếu tăng mức phạt cho dân thì cũng phải tăng cường kiểm tra, giám sát lực lượng thực thi việc xử phạt. “Phải siết chặt trách nhiệm của nhừng người tham gia xử phạt và giám sát việc xử phạt này”, ông Nghiêm cho biết thêm.

“Trong vấn đề vi phạm luật pháp nói chung và vi phạm luật giao thông nói riêng, việc xử phạt không bao giờ được coi là giải pháp chủ yếu. Khi nguyên nhân đến từ nhiều chiều thì giải pháp cũng phải đa dạng thì mới giải quyết rốt ráo được vấn đề”, ông Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh.

Tăng phạt, vi phạm có giảm?

Theo ông Trương Trọng Nghĩa, vi phạm giao thông tăng vì rất nhiều nguyên nhân như: hạ tầng giao thông thiếu và yếu; nhiều biển báo lộn xộn làm người dân không biết đi sao cho đúng; mức phạt không đủ sức răn đe, phạt nhưng cưỡng chế thi hành không đầy đủ; những tiêu cực khi xử phạt như người dân thỏa thuận ngầm và đưa tiền cho cảnh sát giao thông để khỏi bị giam xe, lặn lội đi đóng phạt…

Luật sư Lê Quang Vũ, phó trưởng Văn phòng luật sư Người nghèo nêu ý kiến phần lớn người dân không cố ý vi phạm luật giao thông. Đa phần vi phạm là do không quen đường, không nhìn thấy biển báo, biển báo không rõ khó phân biệt, đường hẹp người đông, ùn tắt giao thông. Những trường hợp vi phạm như thế thì cần nhắc nhở, xử phạt nhẹ và các hình thức xử phạt, mức phạt như hiện nay là đủ răn đe.

Những trường hợp cố tình vi phạm đa phần là vì lợi ích kinh tế như chở quá tải, chạy quá tốc độ… để giảm thời gian, chi phí lại sẵn sàng mua đường, chung chi, hối lộ thì cần tăng mức phạt và phải xử lý nghiêm, không dung túng.

“Nếu cảnh sát giao thông còn nhận hối lộ thì tăng mức phạt là cơ hội phát sinh thêm tiêu cực và việc tăng mức xử phạt không đạt được mục đích đảm bảo trật tự an toàn giao thông”, luật sư Vũ bày tỏ.

Có cùng suy nghĩ này, luật sư Bùi Quang Nghiêm đánh giá việc tăng mức phạt không có nhiều ý nghĩa trong việc giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ở một góc nhìn khác, tiến sĩ Phạm Hồng Thái cho rằng tăng mức phạt có ý nghĩa nhất định trong việc hạn chế tình trạng vi phạm giao thông.

“Quản lý có ba cách, một là cưỡng chế hành chính, hai là giáo dục tâm lý và thứ ba chính là đưa ra các biện pháp đánh vào vấn đề kinh tế. Mục tiêu cuối cùng của việc tăng mức phạt chính là tăng tính răn đe và ngăn ngừa vi phạm từ người tham gia giao thông”, TS Phạm Hồng Thái nói.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa

>> Luật sư Bùi Quang Nghiêm

>> Luật sư Lê Quang Vũ

>> Tiến sĩ Phạm Hồng Thái

>> Ông Lê Tấn Hậu

>> Ông Lê Chung

Người vi phạm cố tình chây ì không thổi vào máy hoặc thổi không đúng cách khi CSGT kiểm tra nồng độ  cồn tại Hà Nội - Ảnh: T.T
Người vi phạm cố tình chây ì không thổi vào máy hoặc thổi không đúng cách khi CSGT kiểm tra nồng độ cồn tại Hà Nội - Ảnh: T.T
 

 

ĐẶNG TƯƠI - TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên