24/08/2015 06:00 GMT+7

Xe cứu thương muốn làm gì cũng được?

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG

TTO - Xe cứu thương dùng để "cứu" hồ sơ xét tuyển đại học, nhiều người thắc mắc có phải xe ưu tiên có đặc quyền nên làm gì cũng được?

Xe cứu thương - một trong các loại xe được quyền ưu tiên - Ảnh: N.C.T.

Câu chuyện của một phụ huynh ở Hà Tĩnh thuê xe cấp cứu 115 ra Hà Nội để cấp cứu hồ sơ (rút và nộp hồ sơ học đại học) cho con làm dư luận xôn xao. Không bàn về những mặt được, chưa được của kỳ xét tuyển đại học gây quá nhiều phiền toái cho phụ huynh lẫn học sinh, nhiều người băn khoăn vì chiếc xe cứu thương được bố trí một y sỹ đi cùng, chi phí vận chuyển là 4,8 triệu đồng.

Theo người điều khiển xe, họ vẫn nghĩ vị phụ huynh này ra Hà Nội đón người cấp cứu, khi đến đoạn Thanh Hóa mới biết là nộp hồ sơ xét tuyển đại học.

Lạm dụng còi giành quyền ưu tiên

Chị Kim Hồng (Q.7, TP.HCM) bức xúc: “Có lần nghe còi xe cấp cứu, tôi chạy nép vào lề nhưng lát sau lại thấy bác tài xe đó đang rẽ vào một quán ăn”.

ThS.BS Cao Xuân Minh cho biết, nhiều lần ông gặp những trường hợp đám cưới, đám tang (dù không phải của người được hưởng chế độ đám tang đặc biệt) vẫn có đoàn xe máy dẫn đầu với còi hú inh ỏi để giành quyền ưu tiên.

“Việc dùng xe ưu tiên sai mục đích, lạm dụng còi xe ưu tiên làm người dân mất lòng tin nhường đường khi gặp các phương tiện này”, ông Minh cho hay.

Không phải cứ cứu thương, cứu hỏa là được ưu tiên

Theo luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM), điều 22 luật giao thông đường bộ có quy định, những xe được quyền ưu tiên là xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang”.

Ông Hiệp khẳng định: “Pháp luật quy định, khi làm nhiệm vụ - tôi nhấn mạnh là khi đang làm nhiệm vụ, các xe đều phải có tín hiệu đèn, còi, cờ (trừ đoàn xe tang), không bị hạn chế tốc độ,.. chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông”.

Xe sử dụng sai mục đích không được hưởng quyền ưu tiên. Trường hợp xe không được hưởng quyền ưu tiên mà bật cờ, đèn, còi ưu tiên nếu bị phát hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm h, khoản 3, điều 5 nghị định 171/2013 là từ 600.000-800.000 đồng cho người điều khiển xe.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội luật gia TP.HCM nhận định, việc sử dụng xe ưu tiên sai mục đích phải được xử lý nghiêm, xử lý đơn vị chủ quản theo quy định của pháp luật.

Trước hết, phải xử phạt người cho xe chạy, xử lý người điều động xe và người đứng đầu cơ quan, buộc bồi thường tiền nhiên liệu, hao mòn xe. Cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm xử lý kỷ luật.

Ông Trương Văn Tuấn khẳng định, người dân khi lưu thông không thể biết chính xác xe cứu thương, cứu hỏa có đang làm nhiệm vụ hay không. “Vì lòng tốt, họ đều nhường đường. Hi vọng mọi người đừng làm tổn thương lòng tốt ấy ...”, ông Tuấn nói.

Một xe biển số xanh chạy quá tốc độ 36km/giờ được cảnh sát giao thông Công an Quảng Bình ghi lại hình ảnh và phạt nguội. Ảnh tư liệu

“Biển xanh”, “biển đỏ” sai, hiếm xử lý?

Khi lưu thông trên đường, anh Mạnh Đình thường xuyên bắt gặp một số xe biển số xanh, biển đỏ dù không có đoàn xe dẫn đường, không còi hú hay đèn báo vẫn ngang nhiên lấn tuyến do đường kẹt xe để vào phần đường dành cho xe máy. Dù có nhiều lần các xe này chạy ngang nơi có cảnh sát giao thông nhưng vẫn không bị gì.

“Những lần đầu gặp những chiếc xe “biển xanh”, biển đỏ” lưu thông như vậy, tôi  cũng bực bội vì thực tế, các xe đó không được chạy như vậy. Nhưng lâu dần, thấy cũng quá nhiều nên…không còn thắc mắc”, anh Đình nói.

Ông Trương Văn Tuấn cũng cho biết, những xe biển số anh, đỏ dù không có báo hiệu ưu tiên nhưng vẫn chạy với tốc độ rất nhanh.

Nhiều bạn đọc cho rằng, cần thắt chặt công tác quản lý những loại xe ưu tiên, xe biển số xanh, đỏ.

Vệ sĩ của Công ty T&T Security đi môtô giơ gậy dẹp đường (?!) bảo vệ cho đoàn xe của Nick Vujicic - Ảnh: Thuận Thắng

Luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ, ông thường xuyên gặp những xe biển số xanh đậu ở những nơi không cho phép nhưng vẫn không bị xử lý, nhiều trường hợp không thực hiện công vụ vẫn hú còi. 

Ông Hậu khẳng định: “Tôi cho đây là sự bất bình đẳng. Pháp luật là phải bình đẳng, không phân biệt với bất cứ ai. Theo tinh thần pháp luật, những người có chức vụ quyền hạn mà sử dụng chức vụ quyền hạn tư lợi cá nhân thì cần xử phạt nặng hơn những người bình thường. Cảnh sát giao thông gặp những xe đó mà không kiểm soát để hỏi các giấy tờ thi hành công vụ thì họ cũng không làm đúng pháp luật”.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu:

>> ThS Trương Văn Tuấn

>> ThS.BS Cao Xuân Minh

>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu

VÕ HƯƠNG - MẠNH KHANG - TÀI PHONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên