08/08/2015 06:00 GMT+7

Nhiều thắc mắc quanh việc "bêu" biển số xe vi phạm giao thông

VÕ HƯƠNG - ĐỨC THANH - MINH MẪN - MẠNH KHANG
VÕ HƯƠNG - ĐỨC THANH - MINH MẪN - MẠNH KHANG

TTO - Xe ôtô vi phạm luật giao thông bị phát hiện bằng camera sẽ được công an gửi thông báo về địa phương xử lý và đăng tải biển số trên website Công an TP.HCM khi chưa đóng phạt.

Xe cộ hỗn loạn tại đoạn giao nhau giữa đường Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng, Quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T
Xe cộ hỗn loạn tại ngã ba Xô Viết Nghệ Tĩnh - Bạch Đằng, Quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: T.T

Theo số liệu của Công an (CA) TP.HCM trong năm 2014 và 6 tháng đầu năm 2015, đã có trên 42.000 trường hợp người điều khiển phương tiện vi phạm được phát hiện, ghi nhận bằng camera, lực lượng CSGT đã gửi thông báo vi phạm mà chưa chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính.

Chỉ công bố biển số

Trung tá Phạm Công Danh, phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TP.HCM cho biết quy trình “phạt nguội” có bốn bước:

Trước hết là ghi hình, gồm có ghi hình cố định tại các giao lộ, các điểm đen về an toàn giao thông và ghi hình di động. Tiếp theo là trích xuất các bản ghi hình ảnh và tra cứu hồ sơ. Sau đó công an sẽ tiến hành xác minh chủ sở hữu.

Cuối cùng là khâu hoàn thành phiếu báo xác định hành vi vi phạm. Thông báo vi phạm sẽ được chuyển về cho công an phường, xã, thị trấn của 24 quận, huyện TP.HCM để chuyển cho chủ sở hữu phương tiện.

Sau khi chuyển thông báo 3 lần mà chủ phương tiện không lên chấp hành, tổ Chuyên đề 414 (Công an TP.HCM) sẽ tiến hành tra cứu thông tin, yêu cầu dừng xe để thông báo và lập biên bản hành chính cưỡng chế chủ phương tiện lên thực hiện quyết định.

Theo ông Danh, điều 64, luật xử lý vi phạm hành chính có nêu việc sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ trong việc phát hiện vi phạm hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc tôn trọng quyền tự do, danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư của công dân, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân và tổ chức.

Do vậy, công an TP chỉ công bố biển số xe, không công bố họ tên của chủ sở hữu phương tiện trên website của đơn vị.

Ủng hộ nhưng còn thắc mắc về quy trình

Đa số các tài xế xe đều thể hiện sự đồng tình, làm sai thì chịu phạt. Tuy nhiên vấn đề làm thế nào để nắm bắt thông tin nhanh và kịp thời nộp phạt khiến nhiều bác tài lo lắng.

Anh Hùng (Q5, TP.HCM) cho biết làm này sẽ tránh được việc thỏa hiệp giữa người vi phạm với CSGT. “Ai sợ bị bêu tên xấu hổ thì hãy nghiêm túc chấp hành luật giao thông”, anh Hùng chia sẻ.

Ông Trần Phương (Bình Dương) cho rằng “Những xe biển số tỉnh đăng kí tận miền Trung, miền Bắc, quá xa để về địa phương nhận giấy phạt”.

Trong khi đó một tài xế taxi phân tích: Cùng một xe nhưng có khi nhiều tài xế lái, nhất là người này nghỉ, người kia thế, nên nếu phạt bằng cách ghi hình biển số xe vậy sẽ thiệt thòi cho tài xế không vi phạm.

Thông báo trong vòng 10 ngày

Ông Tạ Long Hỷ - giám đốc Vinasun Taxi cho biết vào thứ 4 hàng tuần, Vinasun luôn cử cán bộ đến phòng cảnh sát giao thông (CSGT) thành phố để đối chiếu và tìm ra danh sách nhân viên Vinasun vi phạm giao thông.

Trong khi đó ông Hồ Huy - chủ tịch tập đoàn Mai Linh kiến nghị đối với trường hợp tài xế các hãng taxi vi phạm luật giao thông, thay vì gửi thông báo về địa phương, phòng CSGT hãy thông tin trực tiếp về các công ty để họ có thể trực tiếp giải quyết và yêu cầu tài xế đóng phạt nghiêm túc.

Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng mục đích của việc công bố biển số các phương tiện vi phạm là tốt nhưng cách thực hiện như hiện nay là chưa hiệu quả.

Theo ông Hiệp, nhiều người dù là chủ xe đôi khi còn không nhớ rõ biển số của mình nói chi đến người khác, do đó việc công bố biển số xe lên cổng thông tin công an TP.HCM sẽ không đạt được hiệu quả vì không thể đánh vào tâm lý, lòng tự trọng của các chủ phương tiện vi phạm.

Quan trọng hơn, mọi hành vi vi phạm phải được đối xử như nhau, các xe vi phạm đăng ký tại TP.HCM mới bị bêu biển số trong khi đó các xe đăng kí tại địa phương nhưng vi phạm an toàn giao thông ở TP.HCM lại không bị bêu tên thì biện pháp này chưa thỏa đáng.

“Thời gian gần đây, cơ quan chức năng thích sử dụng hình thức bêu tên để đánh ào tâm lý các trường hợp vi phạm. Thoạt đầu có thể có tác dụng nhưng càng về sau, khi việc này phổ biến, xã hội sẽ càng ít quan tâm, lâu dần thành không quan tâm và cảm thấy mọi việc trở nên bình thường. Khi đó, những hình thức sẽ không còn tác dụng”, ông Hiệp nói.

Ông Nguyễn Ngọc Tường - phó trưởng ban chuyên trách An toàn giao thông TP.HCM cho biết: Việc thông báo vi phạm về đơn vị là chỉ đạo của Bộ công an, UBND TP. Cần có sự kết nối giữa công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở xuống để việc xử lý này đạt hiệu quả cao nhất.

Độc giả Thế Tâm (TP.HCM) chia sẻ: Chỉ công bố biển số xe thì có nghĩa lý gì đâu vì thử hỏi có mấy người hàng ngày vào website của CA thành phố để xem? Theo tôi nên chế tài bằng cách đưa ra mức xử phạt thật cao, thực hiện nghiêm khắc và minh bạch, sẽ hạn chế được tai nạn giao thông đáng tiếc và tài xế chấp hành nghiêm chỉnh luật hơn.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu tại đây:

>> Ông Nguyễn Ngọc Tường

>> Trung tá Phạm Công Danh

>> Ông Hồ Huy

>> Ông Tạ Long Hỷ

>> Luật sư Huỳnh Phước Hiệp

VÕ HƯƠNG - ĐỨC THANH - MINH MẪN - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên