02/05/2015 06:00 GMT+7

5 triệu yen trong loa: "Công an nói vậy chưa phù hợp"?

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG

TTO - Trước thông tin Công an Q.Tân Bình (TP.HCM) không có thẩm quyền xử lý vụ 5 triệu yen trong loa ve chai, mà phải chuyển vụ việc sang Sở Tài chính TP giải quyết, ý kiến các luật sư ra sao?

Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ
Số tiền 5 triệu yen mà chị Hồng tìm thấy trong thùng loa cũ - Ảnh: tư liệu Tuổi Trẻ

Comment trên TTO, nhiều bạn đọc tỏ ra sốt ruột lẫn nghi ngại. Bạn đọc Cao Sơn thắc mắc: “Có phải thật sự là công an không có thẩm quyền giải quyết vụ việc? Nếu vậy thì Sở Tài chính làm thế nào để điều tra?”.

Bạn Na Na nhận định: “Bà Ngọt đã cho người bà con cái loa đó thì quyền sở hữu không còn thuộc về bà Ngọt nữa. Người bà con đã bán lại cho chị Hồng ve chai thì quyền sở hữu cuối cùng là của chị Hồng”.

Anh Hoàng Tâm (Q.5, TP.HCM) cho rằng: “Nếu số tiền trong chiếc loa không xác định được chủ thì chị Hồng mới được hưởng trọn. Còn nếu là vật bỏ quên thì chị chỉ được hưởng số tiền bằng 10 tháng lương tối thiểu và một nửa số còn lại”.

Trong khi đó, rất nhiều bạn đọc thắc mắc: “Vì sao đến tận phút cuối bà Ngọt mới đến nhận? Khi mất một số tiền lớn như thế sao không trình báo công an ngay mà lại để đến tận bây giờ?”.

Việc xử lý thuộc thẩm quyền Công an Q.Tân Bình. Luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Hội Luật gia TP.HCM - khẳng định: “Trường hợp của chị Hồng được điều chỉnh theo quy định về quyền sở hữu đối với tài sản là vật không xác định được chủ sở hữu. Có quan điểm cho rằng áp dụng nghị định 96/2009/NĐ-CP ngày 30-10-2009 của Chính phủ là không phù hợp”.

Ông Hậu giải thích nghị định 96/2009/NĐ-CP chỉ quy định việc xử lý đối với tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, trong vụ việc của chị Hồng, 5 triệu yen được xem là vật không xác định được chủ sở hữu chứ không phải là vật bị chôn giấu, chìm đắm bởi số tiền này được chị Hồng phát hiện trong chiếc loa thùng mà chị mua phế liệu từ một người đàn ông.

Căn cứ theo quy định cũng như tình tiết vụ việc, ông Hậu cho rằng việc xác minh, xử lý thuộc thẩm quyền của cơ quan Công an Q.Tân Bình.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu 

Cùng quan điểm trên, luật sư Phan Trung Hoài (Đoàn luật sư TP.HCM) nhận định ý kiến về việc áp dụng nghị định 96/2009 là chưa phù hợp trong trường hợp của chị Hồng.

Luật sư Hoài nhấn mạnh: “Đối tượng điều chỉnh của nghị định 96 là tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm, xét về mặt khái niệm thì tài sản này phải đúng nghĩa là vật chôn giấu. Trong khi đó, số tiền chị Hồng nhặt được lại là một khoản tiền vô chủ nằm trong một loa thùng, nên chắc chắn không phải là tài sản bị chôn giấu, không thuộc diện đối tượng điều chỉnh của nghị định này”.

Luật sư Hoài nói thêm: “Do không phải là đối tượng điều chỉnh của nghị định 96 nên đề nghị chuyển giao vụ việc từ cơ quan công an sang Sở Tài chính để xử lý vụ việc là không phù hợp”.

>> Luật sư Phan Trung Hoài 

Cần xem số tiền trong loa còn giá trị lưu hành không?

Ông Hậu nói thêm: “Thời điểm bà Ngọt tới trình báo với cơ quan Công an Q.Tân Bình vẫn còn trong thời hạn một năm kể từ ngày cơ quan công an ra thông báo công khai tìm chủ sở hữu của số tiền”.

Do đó, mặc dù ở phút chót nhưng việc khai nhận của bà Ngọt vẫn còn trong thời hạn cho phép nên việc trao số tiền cho chị Hồng (người phát hiện) cần phải được hoãn lại.

Trường hợp xác minh bà Ngọt không phải là chủ sở hữu thì theo quy định pháp luật, số tiền sẽ được trao lại cho chị Hồng.

>> Luật sư Nguyễn Văn Hậu 

Về ý kiến cho rằng trường hợp này có thể phải xử lý đối với số ngoại tệ bị coi là trái phép, ông Hoài cho rằng đến thời điểm hiện tại chưa đủ cơ sở kết luận như vậy. Vấn đề đặt ra là cần xác định số tiền nói trên còn giá trị lưu hành hay không?

Muốn vậy, cần xác định thời điểm phát hành của số tiền này, giám định là tiền thật hay giả, có còn giá trị lưu hành theo hệ thống ngân hàng Nhật Bản hay không? Sau đó mới tính chuyện đổi số tiền mục, rách và quy đổi giá trị ngoại tệ theo tỉ giá giữa yen Nhật và đồng Việt Nam.

Được biết, Công an Q.Tân Bình đã chuyển 5 triệu yen cho ngân hàng Việt Nam để liên hệ với phía Nhật Bản và sẽ chuyển đổi thành tiền có giá trị lưu hành, quy đổi ra Việt Nam đồng khi có quyết định xử lý chính thức.

>> Luật sư Phan Trung Hoài 

ĐẶNG TƯƠI - MẠNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên