30/01/2015 06:00 GMT+7

​Thực phẩm bẩn, ảnh hưởng giống nòi

ĐẶNG TƯƠI – TRÀ MY
ĐẶNG TƯƠI – TRÀ MY

TTO - Câu nói trên của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mới đây khiến nhiều người giật mình, nhất là càng gần Tết, nỗi lo thực phẩm bẩn càng gia tăng.

Theo Chi cục Thú y TP.HCM, những ngày cận Tết, tình trạng các sản phẩm động vật bẩn từ các tỉnh, thành đổ về TP.HCM tiêu thụ có xu hướng gia tăng.

Ngày 25-1, công an huyện Thống Nhất (Đồng Nai) tiến hành kiểm tra lò mổ heo lậu xã Gia Kiệm và đã phát hiện nhiều con heo xẻ thịt ngả màu và bốc mùi hôi thối đang được ướp đá chờ mang đi tiêu thụ.

Mới đây, ngày 23-1, cán bộ thú y của trạm thú y Bình Chánh đã “đột kích” vào những điểm nóng về kinh doanh, sản xuất thực phẩm bẩn và giết mổ gia cầm trái phép ở H.Bình Chánh, TP.HCM.

Trước đó, trạm thú y Bình Chánh cũng đã phát hiện và đình chỉ hoạt động một cơ sở chuyên thu gom mỡ, da heo thối về để sản xuất dầu ăn bẩn với số lượng lớn ở xã Vĩnh Lộc B (Bình Chánh).

Cuối năm 2014, phóng viên Tuổi Trẻ cũng đã thâm nhập và phát hiện một đường dây chuyên cung ứng heo chết từ Quảng Ngãi về TP.HCM để bán cho các nhà hàng, quán nhậu, chợ lẻ...

Đoàn kiểm tra của trạm thú y huyện Bình Chánh (TP.HCM) bắt quả tang một lò giết mổ trái phép tại xã Bình Hưng rạng sáng 23-1 - Ảnh: Tiến Long

 

Mừng… vì phát hiện ra thực phẩm bẩn

“Thật ra phát hiện thức ăn mình mua về có vấn đề thì dù phải đổ đi và tốn tiền nhưng vẫn thấy mừng. Thà tốn tiền còn đỡ hơn là mang bệnh”, chị Lan Chi (Q.2, TP.HCM).

Chị Chi kể có lần đi chợ mua tôm, về chế biến thì phát hiện ra tôm có mùi lạ, màu sắc không giống bình thường nên quyết định đổ bỏ.

>> Chị Lan Chi

Cô Hiền (Bình Thạnh, TP.HCM) cho biết không bao giờ ra ngoài ăn hàng quán vì lo ngại vấn đề an toàn.

Dù rất kỹ lưỡng chuyện ăn uống nhưng cô Hiền cho biết mình vẫn rất lo sợ thực phẩm bẩn. Cô Hiền kể có khi mua mực về sửa sạch, để một lát thì thấy mực nhũn ra là biết người bán đã ướp urê rồi.

“Người dân bây giờ ăn uống cứ phập phồng, lo sợ mình ăn phải những thực phẩm ướp hóa chất độc hại”, cô Hiền nói.

>> Cô Hiền

“Đi chợ bây giờ là vấn đề nan giải của các bà nội trợ”, cô Nguyễn Thị Nga (Q.2, TP.HCM) chia sẻ.

"Ngay cả thực phẩm sống mình cũng không biết người ta có nuôi bằng thức ăn kích thích tăng trưởng không hay cá biển thì cũng không biết có ướp phân urê không”, cô Nga nói.

>> Cô Nguyễn Thị Nga 

Thành phẩm dầu ăn bẩn được dồn trong thùng phuy, sau đó đong vào can 25 lít để bán ra thị trường - Ảnh Hoàng Lộc

Cô Nga bày tỏ sự lo lắng khi con cái phải ăn cơm ở ngoài vì điều kiện công tác không cho phép về nhà mỗi bữa ăn. Cô cho biết ở nhà thì ráng chọn thực phẩm an toàn nhưng quán ăn ở ngoài thì không thể kiểm soát được.

>> Cô Nguyễn Thị Nga 

“Ăn vào có thể không đau bụng ngay nhưng những chất độc hại cứ tích tụ dần thì nguy hiểm lắm”, cô Nga lo lắng.

Ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống

Trong buổi làm việc ngày 27-1 với các Bộ, ngành và lãnh đạo UBND TPHCM về công tác đảm bảo VSATTP ở địa phương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng “một số lượng thực phẩm bẩn từng ngày ảnh hưởng đến sức khỏe của từng người dân, chất lượng giống nòi. Trong tương lai, xã hội phải chi phí điều trị nhiều hơn cho các loại bệnh tật do thực phẩm bẩn gây ra”.

BS Đào Thị Yến Thủy, Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM phân tích những độc hại đối với cơ thể khi ăn phải cá ướp phân urê, dầu ăn bẩn và bún bị tẩy trắng bằng hóa chất.

>> BS Đào Thị Yến Thủy

Bác sĩ (BS) Trần Ngọc Lưu Phương, bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM) cho biết thực phẩm bẩn có thể hiểu theo hai nghĩa, một là dơ do nhiễm vi trùng, các loại độc tố của vi trùng; hai là thực phẩm dư thừa những chất vô cơ có hại cho cơ thể như thạch tín, đồng, sắt, chì, thủy ngân hoặc những hóa chất không được sử dụng…

BS Phương nói:

>> BS Trần Ngọc Lưu Phương 

Theo BS Lưu Phương, thực phẩm bẩn theo nghĩa nào cũng gây hại cho sức khỏe con người. Nếu bẩn theo nghĩa thứ nhất thì sẽ gây ói mửa, tiêu chảy, sốt…

Heo bệnh, heo chết phát hiện tại một lò mổ lậu 

Nếu bẩn theo nghĩa thứ hai thì có thể những kim loại nặng sẽ tích lũy nhiều ở não và gây thoái hóa thần kinh (mất trí, quên ngược chiều, bệnh liệt rung, trầm cảm…). Những chất độc hại này cũng có thể đóng lại trong gan, thận gây ra những căn bệnh như viêm gan mãn, tiểu đường…

>> BS Trần Ngọc Lưu Phương 

BS Lâm Hữu Tài, Phó trưởng liên chuyên khoa Lao - Tâm thần - Da liễu (Trung tâm Y tế dự phòng Q.1 - TP.HCM) cho biết khi dùng những thực phẩm có nhiều hóa chất bảo quản không nằm trong danh mục được phép sử dụng thì sẽ có nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

"Sử dụng lâu ngày những thực phẩm bẩn có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh, có thể dễ bị sa sút trí nhớ. Nặng hơn có thể là những bệnh lý về ung thư”.

>> BS Lâm Hữu Tài 

Theo BS Lâm Hữu Tài, nếu ăn phải những loại thịt được nuôi, được chích các loại thuốc kích thích tăng trưởng như Clenbuterol thì trẻ em có thể bị dậy thì sớm, béo phì…

>> BS Lâm Hữu Tài 

BS Lưu Phương nhấn mạnh một điểm nguy hiểm của việc thực phẩm chứa các chất vô cơ độc hại là ảnh hưởng đến vấn đề duy trì nòi giống.

“Những chất vô cơ đó dễ gây đột biến nhiễm sắc thể”, BS Phương nói.

>> BS Trần Ngọc Lưu Phương 

“Nếu những đột biến quá mạnh thì có thể làm sẩy thai hoặc trẻ sinh ra bị khiếm khuyết, dễ bị mắc các bệnh bẩm sinh như tiểu đường, tim mạch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nòi giống của chúng ta về lâu về dài”, BS Lưu Phương khẳng định.

 

 

 

 

ĐẶNG TƯƠI – TRÀ MY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên