12/07/2017 08:09 GMT+7

Đừng trễ nải việc dân

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu chủ tịch UBND 5 tỉnh, TP (trong đó có Hà Nội, TP.HCM) phải kịp thời chấn chỉnh việc chậm trễ trong xử lý và trả lời phản ảnh, kiến nghị của người dân.

Đây chính là lời phê bình nghiêm khắc của người đứng đầu Chính phủ.

Với mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo phát triển, tạo sự chuyển động trong toàn bộ máy từ trung ương đến địa phương, Thủ tướng đã giao Chủ nhiệm Văn phòng, người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng chỉ đạo thành lập các trang web Chính phủ với người dân, Chính phủ với doanh nghiệp.

Mục đích của việc tạo lập các trang web này là có thêm một kênh thông tin để người dân phản ảnh, kiến nghị, trao đổi, đề xuất ý kiến... với các cơ quan có trách nhiệm.

Để đảm bảo hiệu quả của việc vận hành hai kênh thông tin nói trên, ngày 25-4-2017, Thủ tướng quyết định ban hành Quy chế tiếp nhận, xử lý và trả lời phản ảnh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Quy chế quy định rất rõ việc phân loại thông tin, trách nhiệm xử lý, thời gian trả lời đối với từng cơ quan, đơn vị.

Chính vì vậy, khi xảy ra tình trạng trễ nải trong việc hồi đáp ý kiến của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng đã phải lên tiếng yêu cầu chấn chỉnh.

“Thủ tướng lưu ý người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương phải chỉ đạo kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời việc xử lý phản ánh, kiến nghị và trả lời của các cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý” - văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng nêu rõ.

Đây không phải là vụ việc duy nhất người đứng đầu Chính phủ phải có ý kiến đốc thúc cấp dưới thực hiện nghiêm các quy định đã có.

Mới đây, ngày 3-7, chủ trì cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với lãnh đạo 63 tỉnh thành, Thủ tướng nêu tình trạng là trong không ít lĩnh vực đến nay thể chế đã hoàn thiện, các văn bản hướng dẫn đã đầy đủ, nhưng “người dân và doanh nghiệp vẫn còn kêu ca lắm” do các cấp thi hành, đặc biệt là chính quyền cơ sở thực hiện không đúng, tự ý đặt thêm các rào cản hoặc còn nhũng nhiễu.

Trước đó không lâu, Thủ tướng cũng cho biết là không ít người dân, các lão thành đã nhắn tin, gọi điện cho ông để bày tỏ lo ngại “ở trên thì Thủ tướng cứ hô hào nhưng ở dưới thì bộ máy không chuyển động”.

Thật khó để xây dựng thành công Chính phủ hành động, kiến tạo phát triển khi bộ máy vận hành rời rạc, việc dân bị trễ nải.

Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2017 của ngành thanh tra tổ chức ngày 10-7, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tham dự, chánh thanh tra một địa phương cho biết ở tỉnh mình xảy ra tình trạng dân từ chối làm việc với người được chủ tịch UBND tỉnh ủy quyền tiếp công dân.

“Chủ tịch UBND tỉnh bận nên ủy quyền cho cấp phó tiếp dân, nhưng dân từ chối làm việc và đòi gặp bằng được chủ tịch” - vị này cho biết.

Đây chính là tình trạng “lười” tiếp công dân mà Ban Dân nguyện đã nêu trong báo cáo gửi Quốc hội (trung bình chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp công dân 2-3 lần/năm, mặc dù Luật tiếp công dân quy định phải tiếp ít nhất 1 lần/tháng).

Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ trước kỳ họp thứ hai của Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đề nghị phải chế tài với những trường hợp “ngại” tiếp dân, trễ nải việc dân.

Hi vọng sau yêu cầu chấn chỉnh của Thủ tướng sẽ có chế tài được đưa ra nếu tình trạng này tái diễn.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên