04/05/2016 10:43 GMT+7

Điều khó nhất vẫn đang ở phía trước

HUỲNH THẾ DU
HUỲNH THẾ DU

TTO - Sự xông xáo của những người được giao trọng trách mới kể từ sau Đại hội XII của Đảng, nhất là một số thành viên Chính phủ và lãnh đạo địa phương, là rất đáng ghi nhận.

Điều này đang tạo ra một làn gió hay cách thức điều hành mới. 

Tuy nhiên, điều khó khăn nhất vẫn còn đang ở phía trước. Đó chính là giải quyết bài toán cơ chế để mỗi cán bộ công chức có động cơ trở thành công bộc của dân. Ở đây có ba vấn đề cốt lõi.

Thứ nhất, không thể quy trách nhiệm. Vấn đề trách nhiệm người đứng đầu thường được nhắc đến, nhưng với cơ chế ra quyết định tập thể hiện nay thì việc này dường như chỉ mang tính biểu tượng chứ không thực chất vì rất khó có được căn cứ hay cơ sở.

Ai cũng chỉ làm theo nghị quyết được tập thể quyết định mà thôi.

Thứ hai, cơ chế đúng quy trình làm cả hệ thống phải tập trung vào các vấn đề sự vụ. Các quy định và yêu cầu làm đúng theo quy định là hết sức quan trọng vì nó giảm thiểu tiêu cực.

Tuy nhiên, trục trặc ở chỗ là các quy trình hay quy định thường cứng nhắc và không hoàn hảo, trong khi thực tiễn cuộc sống rất đa dạng.

Cơ chế đánh giá, đề bạt hay bổ nhiệm cán bộ dựa trên tiêu chí không sai trước tiên đã tạo ra động cơ cho cán bộ công chức cứ làm đúng quy trình mà không cần quan tâm đến sự hợp lý của chúng.

Những vấn đề mới nảy sinh không có trong quy trình sẽ rất rủi ro cho những người muốn giải quyết vì nếu thành công chưa hẳn được tính thành tích, nhưng ngược lại thì sẽ phải gánh chịu toàn bộ trách nhiệm.

Do vậy, những vấn đề nảy sinh mà vận dụng cơ chế hiện tại không “có lợi” cho bản thân thì cấp dưới chỉ việc kính trình lên cấp cao hơn cho đến khi “đụng trần” thì thôi.

Hệ quả là cả hệ thống dường như chỉ tập trung vào các vấn đề sự vụ (kể cả với các lãnh đạo cao nhất của quốc gia).

Thứ ba, động cơ hành dân. Nhiều công chức đang có mức lương không đủ trang trải cho những nhu cầu hằng ngày, trong khi họ lại đang chịu trách nhiệm giải quyết các công việc liên quan trực tiếp đến người dân (bao gồm các doanh nghiệp).

Nếu là những công chức mẫn cán, tận tâm giải quyết các nhu cầu của người dân thì họ phải chịu rủi ro như đã phân tích ở vấn đề thứ hai và chỉ nhận được những lời cảm ơn theo nghĩa đẹp nhất của chúng. Trái lại, khi sách nhiễu thì sẽ rất “có lợi” cho họ.

Các quy định thường có nhiều cách diễn giải khác nhau trong khi lại thiếu vắng các cơ chế giám sát hữu hiệu là mảnh đất màu mỡ cho động cơ không làm gì, hoặc gây khó khăn để được “biết điều”.

Ba vấn đề nêu trên đang gây trục trặc có tính hệ thống hiện nay. Để giải quyết chúng cần phải tập trung vào ba nhóm chính sách.

Thứ nhất, cần phải có cơ chế để làm sao những người ra quyết định, dù tập thể hay cá nhân, nếu sai thì phải chịu trách nhiệm, chứ không thể khi sự việc xảy ra rồi đổ lỗi cho các nguyên nhân khách quan.

Thứ hai, xây dựng cơ chế đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm trên tiêu chí hiệu quả làm đầu cùng với cơ chế cạnh tranh hoặc áp lực ở mỗi vị trí. Nếu anh không đáp ứng được yêu cầu công việc thì sẽ bị phát hiện và có người “chiếm chỗ” ngay.

Thứ ba, cơ chế để người dân có thể nói lên tiếng nói và thể hiện quyền của mình. Dân chủ đúng nghĩa sẽ giải quyết được điều này.

HUỲNH THẾ DU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên