24/04/2016 09:12 GMT+7

Quán Xin Chào và môi trường kinh doanh

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TTO - Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện ông chủ quán Xin Chào chỉ vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày mà bị xử lý hình sự ở huyện Bình Chánh lại khiến cả xã hội quan tâm, cả Thủ tướng cũng vào cuộc.

Phát biểu tại kỳ họp Quốc hội mới đây, luật sư Trương Trọng Nghĩa đã dốc hết tâm can để nói một sự thật: 

“Hiện nay, không ít trí thức giỏi không về nước làm việc, doanh nhân thành đạt muốn ra đi, một bộ phận cán bộ, công chức về hưu hay đương chức cũng tìm cách cho mình hay con cháu mình định cư ở nước ngoài. Không phải vì nghèo, vì tiền mà vì cảm thấy không vui, không an toàn về pháp lý, các quyền tự do dân chủ không bảo đảm đầy đủ và lo sợ đất nước bị lệ thuộc, điều này ai cũng thấy, cũng biết” (Tuổi Trẻ 2-4-2016).

Vài hôm sau (6-4) tại Hà Nội, một cuộc tọa đàm về chương trình đầu tư định cư Mỹ EB-5 với lời mời hấp dẫn: Chỉ cần đầu tư 500.000 USD vào Mỹ sẽ được cấp “thẻ xanh”.

Và con số thống kê là nhà giàu Việt Nam vào định cư ở Mỹ theo dạng EB-5 này chỉ xếp sau Trung Quốc, bỏ xa các nước ở ASEAN hay Ấn Độ. Đặc biệt, nó đang gia tăng rất nhanh!

Từ những phát biểu của ông Nghĩa và cuộc tọa đàm về “thẻ xanh” cho thấy liệu có một sự liên quan giữa chuyện ra đi với việc “cảm thấy không vui, không an toàn” dù điều kiện vật chất đã được cải thiện?

Không phải ngẫu nhiên mà câu chuyện ông chủ quán Xin Chào chỉ vì chậm đăng ký kinh doanh 5 ngày mà bị xử lý hình sự ở huyện Bình Chánh lại khiến cả xã hội quan tâm, cả Thủ tướng cũng vào cuộc.

Ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nói rằng: “Thủ tướng rất quan tâm đến vụ việc. Nếu vụ này ông bán cà phê bị thua sẽ đưa ra một thông điệp rất xấu cho môi trường kinh doanh, có nghĩa rằng mọi doanh nghiệp, mọi người kinh doanh đều có thể bị đi tù”.

Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp VN Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng điều này thể hiện thông điệp rất quan trọng là Chính phủ sẽ bảo vệ doanh nghiệp: “Một việc tưởng chừng nhỏ nhưng chứa đựng việc lớn, phát đi thông điệp về sự an toàn của môi trường kinh doanh, doanh nghiệp và người dân sẽ được bảo vệ”.

Nguyên nhân không chỉ do việc hành xử tùy tiện, lạm quyền của những người thực thi công vụ mà còn do thể chế, chính sách chưa thật sự xác định rõ mục tiêu phục vụ dân, phụng sự nước.

Con số gần 7.000 giấy phép con, trong đó hơn một nửa không còn căn cứ pháp lý để tồn tại (theo ông Vũ Tiến Lộc) đã “tố cáo” môi trường kinh doanh ở Việt Nam đầy rẫy “chướng ngại vật” gây khó cho doanh nghiệp.

Từ khi khởi nghiệp, họ phải chạy vượt rào qua biết bao giấy phép con ấy để tồn tại, may mắn lắm mới thành nghiệp.

Thực tế này liệu có được nêu ra đầy đủ và có giải pháp mạnh mẽ tại hội nghị “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển kinh tế đất nước” với sự có mặt của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ diễn ra ngày 29-4 ở TP.HCM?

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên