Một lãnh đạo Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nói nếu ước tính mỗi người cần nửa ngày làm việc để hoàn tất bản kê khai của mình, hằng năm có tới nửa triệu ngày công dành cho việc này.
Ấy vậy nhưng cái việc được tiến hành công phu đó lại là một trong những biện pháp phòng chống tham nhũng xếp hàng cuối về hiệu quả. Hằng năm trong số cả triệu bản kê khai chỉ phát hiện được một vài trường hợp không trung thực.
Không thể hiểu vì sao cách làm tốn công, tốn sức và hình thức như vậy vẫn được duy trì nhiều năm qua.
Các ngăn tủ, ngăn kéo đựng bản kê khai đang quá tải. Đã đến lúc thu hẹp phạm vi đối tượng phải kê khai.
Giả sử cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đủ sức kiểm soát được 1/100 số lượng bản kê khai hiện nay thì nên giới hạn ngay, thà ít mà thực chất còn hơn nhiều nhưng chỉ là trình diễn tốn giấy mực. Muốn vậy phải thay đổi cách tiếp cận đối tượng.
Thay vì quy định diện kê khai là “cán bộ từ phó trưởng phòng của UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh trở lên”, nhóm đối tượng buộc phải kê khai (ví dụ 10.000 người) cần được lựa chọn từ những người giữ chức vụ cao nhất trong bộ máy nhà nước trở xuống.
Theo quy định hiện hành, người có nghĩa vụ kê khai tài sản chỉ phải kê khai phần của bản thân và sở hữu của vợ hoặc chồng, con chưa thành niên. Các chuyên gia cho rằng nội dung kê khai nên mở rộng kê khai cả tài sản, thu nhập của bố, mẹ và con đã thành niên.
Quy định như vậy sẽ giúp cơ quan chức năng kiểm soát được việc dịch chuyển các nguồn tài sản giữa người kê khai và những người thân khác trong gia đình.
Ví dụ các trường hợp như nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh từng phát biểu trước Quốc hội rằng nhiều người có nhiều nhà nhưng không kê khai, toàn đứng tên con cái, rồi đến lượt con cái họ tiếp tục không kê khai.
Tất nhiên thu hẹp diện kê khai chưa đủ. Mục đích của biện pháp kê khai này là để kiểm soát thu nhập, tài sản của người có chức vụ, quyền hạn. Muốn kiểm soát thì phải xác minh tính trung thực và thực hiện công khai, minh bạch.
Việc thu hẹp diện kê khai là bước quan trọng để các cơ quan chức năng có đủ năng lực, đủ thời gian thẩm tra, xác minh kỹ từng bản kê khai.
Bước tiếp theo như lãnh đạo Cục Chống tham nhũng đã đề xuất là thành lập cơ quan chuyên trách hoạt động độc lập tương đối để thực hiện chức năng nêu trên.
Đồng thời, cơ quan nhà nước phải dựa vào dân. Pháp luật hiện hành đã bỏ qua các hình thức công khai quan trọng là công khai tại nơi cư trú và công khai trên mạng Internet.
Khi “dân biết” thông tin kê khai tài sản của một quan chức nào đó thì dân mới có thể “bàn” và “kiểm tra”, nhất là những người dân sinh sống cùng khu dân cư với người kê khai.
Với hành lang pháp lý hiện nay, người dân có thể thắc mắc về tài sản đắt tiền của quan chức, một biệt thự hoặc một chiếc đồng hồ đeo tay, nhưng không thể biết đó là tài sản hợp pháp hay không.
Trong khi ở nhiều nước đây là điều đơn giản. Hồi năm 2013, bộ trưởng giao thông vận tải đường bộ và đường thủy Ba Lan Slawomir Nowak mất chức vì lộ ra trước dư luận chiếc đồng hồ đeo tay đắt tiền mà ông lỡ không đưa vào danh mục kê khai tài sản cá nhân.
Người dân không cần danh hiệu đứng đầu thế giới về kê khai tài sản, người dân cần các quan chức làm được điều như ông cục trưởng Cục Chống tham nhũng đã phát biểu: Đã là bộ trưởng thì phải chấp nhận minh bạch tài sản!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận