![]() |
Nỗi đau đớn tột cùng của người thân trước cái chết của các học sinh - Ảnh: Trần Mai |
Sáng cuối tuần ở rất xa nơi chín học sinh nhỏ bé bị đuối nước, nhưng nỗi bi thảm đã lan khắp lòng người rồi! Những người trẻ không còn lao xao tranh luận thị phi, ngậm ngùi cúi mặt xuống trang báo. Những gương mặt người già đã hằn sâu nét khắc khổ của sóng gió cuộc đời vẫn không kìm được nước mắt.
Đau quá! Không ai thốt nổi thành lời nhưng lòng đau như dao cắt. Chín trẻ thơ vừa bị chết đuối ở Quảng Ngãi chỉ đáng tuổi em út, con cháu mọi người, tuổi thơ lẽ ra đang được sống trong nâng niu yêu thương, thế mà...
Nỗi đau càng buốt xé hơn khi mọi người rưng rưng đọc gia cảnh các em. Bên những gương mặt trẻ thơ thiên thần đã vĩnh viễn lịm tắt nụ cười, hầu hết chỉ có ông bà, hàng xóm! Cha mẹ đi làm xa không kịp về vuốt mắt con mình lần cuối.
Vì miếng cơm manh áo, cha mẹ phải mưu sinh phương xa, để con cháu lại cho ông bà chăm nom trong bao sự thiệt thòi. Cuộc đời ngắn ngủi của các em đã thiệt thòi, đến khi mất vẫn bi thương, thiệt thòi.
Mỗi ngày mở mạng, giở trang báo hay trên các nẻo đường đi qua, người ta ngậm ngùi trước nhiều số phận trẻ thơ phải chịu thiệt thòi như thế này. Biết bao trẻ bị đày đọa, bóc lột sức lao động. Biết bao nhiêu trẻ bị đói khát, lạm dụng, ốm đau, tai nạn. Chỉ riêng trường hợp chết đuối như chín em ở Quảng Ngãi, hầu như ngày nào cũng xảy ra khắp nơi.
Nhiều nguồn số liệu thống kê đã khẳng định Việt Nam là nước chiếm tỉ lệ trẻ tử vong do chết đuối cao nhất khu vực và gấp 10 lần các nước phát triển. Còn theo Bộ Lao động - thương binh và xã hội, mỗi năm có 3.500 - 4.000 trẻ Việt bị chết đuối, chỉ đứng thứ hai sau tai nạn giao thông.
Trước thực trạng nghiêm trọng này, nhiều câu hỏi buộc phải đặt ra. Cha mẹ nghèo, ly hương, không thể chăm sóc con cái là bài toán nhức nhối cần lời giải lâu dài. Nhưng có những câu hỏi rất cụ thể rằng chương trình dạy bơi vào học đường sau bao năm phát động đã làm được gì?
Có thể sẽ có những câu trả lời như thiếu điều kiện này nọ, nhưng thực tế có nơi thầy cô vượt khó, khoanh lưới đoạn sông, mặt hồ để dạy học sinh bơi. Tại sao nơi này làm được, nơi nọ lại không?
Đặc biệt trong tình hình xã hội đang nhiều bất an, học đường đã dạy được kỹ năng sống gì cho học sinh? Chẳng hạn các em ý thức thế nào về sự nguy hiểm của sông nước, cái gì cần làm, cái gì nên tránh xa.
Nó giống như học sinh Nhật được dạy làm gì khi động đất, hay học sinh Mỹ học cách sinh tồn khi có khủng bố. Nó cũng giống như việc dạy trẻ ra đường nên thế nào để phòng tránh tai nạn giao thông...
Việt Nam có bờ biển dài, sông ngòi chằng chịt, những kỹ năng sống thế này vô cùng cần thiết.
Trước khi thắp nén nhang cho hương hồn các trẻ thơ, hãy hành động để nước mắt không còn tuôn rơi!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận