25/11/2015 09:00 GMT+7

Những đứa con chiều thứ bảy

NHẬT HUY
NHẬT HUY

TT - Đó là tên gọi của hội chứng chỉ những đứa trẻ mà sự sống của chúng khởi nguồn sau những trận nhậu tới bến của cánh đàn ông Pháp mỗi chiều thứ bảy.

Hội chứng này được rút ra sau một nghiên cứu khoa học ở thập niên 70 thế kỷ trước về tình hình phạm tội của thanh thiếu niên Pháp, trong đó có tới 60% người phạm tội được hình thành trong bụng mẹ vào chiều tối thứ bảy, sau khi các đức ông chồng từ quán nhậu trở về nhà.

Nhắc chuyện của trời Âu cách đây gần nửa thế kỷ để rùng mình cho chuyện của ta ở thời hiện tại. Nhưng nghiêm trọng hơn là dân nhậu xứ mình có thể “chiến đấu” bất cứ ngày nào trong tuần và bất cứ giờ nào trong ngày.

Sáng sớm khởi động vài ly để “diệt sâu bọ”; trưa tranh thủ giờ nghỉ ngắn ngủi cũng “nâng lên đặt xuống”; tối là bữa nhậu chính để “xả stress sau một ngày lao động nặng nhọc”.

Buồn nhậu, vui nhậu, không buồn - không vui cũng nhậu; lên chức nhậu, mất chức nhậu; liên hoan, tổng kết nhậu; gặp mặt nhậu, chia tay nhậu; kinh tế phát triển nhậu, kinh tế suy thoái nhậu. Thậm chí, nhân dịp... không có dịp gì cũng nhậu!

Chưa hết, ông cha ta cũng không thể hình dung nổi giờ đây nhậu không còn là “độc quyền” của đàn ông nữa. Trên các bàn nhậu ngày nay không khó để tìm thấy bóng dáng phụ nữ, mà nữ nhậu bình đẳng với nam, đảm bảo “không phân biệt đối xử”!

Khảo sát của báo Tuổi Trẻ (bài “Mong chồng bớt nhậu về với vợ con”, ngày 23-11) cho kết quả: 58,8% bạn đọc là nữ chia sẻ rằng chồng mình thường xuyên nhậu vì “uống với anh em, bạn bè cho vui”, trong đó mức độ sử dụng bia rượu từ 3 - 4 lần/tuần chiếm tỉ lệ cao nhất (37,5%).

Trong một chừng mực nào đó, có thể hiểu rằng những đứa con có vấn đề về thể xác, tinh thần, tâm hồn và trí tuệ có góp phần bởi những cơn nhậu bất kỳ lúc nào.

Tác hại của bia rượu đối với dân nhậu, với xã hội, với công việc và với giống nòi có lẽ là chuyện biết rồi khổ lắm nói mãi. Nhưng điều kinh ngạc là “phong trào” nhậu chưa hề có dấu hiệu thoái trào!

Trái lại, nó dường như tỉ lệ nghịch với những cảnh báo, những giải pháp mà toàn xã hội đang nỗ lực để giảm nhậu. Một minh chứng sống động là “phong trào” này đã đưa Việt Nam vào hàng ngũ những “cường quốc” tiêu thụ bia rượu của khu vực và thế giới.

Có thể hạn chế nhậu được không? Có thể không nhậu (hoặc nhậu ít, nhậu có điểm dừng) mà vẫn làm việc tốt, vẫn thăng tiến, vẫn ký được hợp đồng, vẫn đạt được thỏa thuận làm ăn, hợp tác không?

Chưa có đáp án cuối cùng cho những câu hỏi khó này trong bối cảnh các chuẩn mực của xã hội đang nhập nhằng như hiện nay, khi “hết mình”, “nhiệt tình”, “bản lĩnh” được đo bằng “chơi tới bến”, “không say không về”, “vào ba, ra bảy”...

Nói “không” với rượu bia e là điều không tưởng. Nhưng uống có điểm dừng, có trách nhiệm (trách nhiệm với chính mình, gia đình mình, cơ quan mình và trách nhiệm với bạn nhậu) là điều mà mỗi người hoàn toàn có thể làm và cần làm.

Vì không ai muốn mình sẽ đẻ ra những đứa con què quặt chỉ vì nhậu; không ai muốn tự rước vào mình những căn bệnh được báo trước nếu cứ nhậu triền miên.

Và cũng không ai muốn rơi vào cảnh “khi trẻ thì phung phí sức để kiếm tiền”, trong đó có chuyện nhậu, để sau này “già thì đổ tiền cứu vãn sức khỏe”.

NHẬT HUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên