25/08/2015 10:00 GMT+7

Phải hài hòa lợi ích đôi bên

V.V.THÀNH ghi
V.V.THÀNH ghi

TT - Cho đến trước thềm phiên họp cuối cùng của Hội đồng tiền lương quốc gia, tranh luận giữa các bên về mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 vẫn chưa ngã ngũ.

Theo đề án cải cách tiền lương thì tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu. Nhưng lộ trình đó như thế nào còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố như mức tăng trưởng kinh tế, chỉ số lạm phát, mối quan hệ giữa khu vực doanh nghiệp với khu vực hành chính sự nghiệp...

Vấn đề gốc rễ nhất ở đây là cân đối giữa khả năng chi trả của doanh nghiệp với việc bảo đảm nhu cầu cuộc sống của người lao động. Đây là bài toán cân đối đa yếu tố.

Theo cơ chế hiện nay thì bài toán sẽ được giải thông qua Hội đồng tiền lương quốc gia với tiếp cận từ ba bên, cơ quan quản lý nhà nước, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đại diện cho giới chủ sử dụng lao động và tổ chức công đoàn.

Các dữ liệu của bài toán được đề xuất bởi ba chủ thể nêu trên hiện đang rất khác nhau. Trong khi Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất mức tăng là 16%, phần lớn các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước lại cho rằng mức tăng chỉ khoảng 6 - 7% là hợp lý.

Suy cho cùng, trong cơ chế thị trường thì tiền lương dựa trên sự thỏa thuận và như vậy một trong những cách tiếp cận tốt nhất để giải bài toán là dung hòa lợi ích. Không thể cực đoan nghiêng theo phương án của một chủ thể nào đó.

Chính vì thế, các bên tiếp cận đều phải có thiện chí để hướng tới mục tiêu bảo vệ quyền lợi của người lao động đồng thời với việc đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển.

Thực tế hiện nay vấn đề doanh nghiệp lo lắng nhất khi nâng lương tối thiểu chính là mức đóng bảo hiểm xã hội cũng tăng lên rất nhanh, nghĩa là quỹ lương chưa chắc đã tăng trong khi đóng bảo hiểm xã hội chắc chắn cao hơn.

Hơn nữa năm 2016 là năm tăng mức đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật, nếu cộng với tăng lương tối thiểu sẽ thành ra tăng kép.

Giả sử tăng lương tối thiểu theo phương án cao, doanh nghiệp đứng trước vấn đề là đưa những khoản chi trả tăng thêm đó vào chi phí sản xuất thì giá thành có chịu được không, có cạnh tranh được không?

Đây là vấn đề cần đặc biệt lưu ý đối với cộng đồng các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chúng ta chia sẻ với khó khăn của người lao động, nhưng cũng phải nhìn thấy những vấn đề mà doanh nghiệp đang đối mặt trong thực tế.

Qua theo dõi tình hình kinh tế - xã hội cho thấy tăng trưởng kinh tế năm nay có thể đạt khoảng 6,2 - 6,48%, chỉ số giá tiêu dùng bảy tháng tăng ở mức thấp.

Tuy nhiên, diễn biến kinh tế trong các tháng còn lại của năm đang chịu ảnh hưởng của việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ. Từ các số liệu đầu vào của nền kinh tế, có thể thấy rằng mức tăng lương tối thiểu khoảng 12% là khả thi hơn so với đề xuất 16%.

Một đáp số hợp lý và hài hòa lợi ích là cần thiết cho cả người lao động và doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

TS NGUYỄN HỮU DŨNG
 (nguyên viện trưởng Viện khoa học lao động xã hội)

V.V.THÀNH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên