Thí sinh làm thủ tục rút hồ sơ xét tuyển tại Trường đại học Công nghiệp TP.HCM trưa 17-8 - Ảnh: Quang Định |
Đó là nhận định của TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, trên Tuổi Trẻ ngày 21-8.
Nhận định của thầy Lý cũng là điều mà chúng tôi nghe rất nhiều trong những ngày qua, từ các thầy cô khác đã sát cánh cùng Tuổi Trẻ nhiều năm liền ở những chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp.
Rồi soi vào thực tế trong những ngày đeo bám đưa tin về đợt 1 đăng ký xét tuyển vừa kết thúc ngày 20-8, lại thấy nhận định trên càng đúng.
Ví dụ như T., một thí sinh mà chúng tôi gặp ở Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, cho biết đam mê của mình là ngành điện - điện tử nên đã đăng ký nguyện vọng 1 vào ngành này.
Nhưng đến những ngày cuối, điểm chuẩn dự kiến của ngành điện - điện tử liên tục tăng, nên T. đành chấp nhận chọn nguyện vọng thứ 4 là nhóm ngành xây dựng - một ngành học mà bạn thú nhận là không hề yêu thích! Không yêu thích nhưng sao vẫn chọn?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, T. cho biết đằng sau bạn còn là cha mẹ, là áp lực phải vào ĐH để không rơi vào cảnh “rớt ĐH”, “ăn không ngồi rồi”.
Chúng tôi chỉ nêu một chuyện của T. không phải vì chỉ nghe được mỗi một trường hợp, mà nó quá nhiều, đến độ không có trang báo nào có thể đủ diện tích để đăng!
Xưa nay chúng ta đã bàn, đã nói rất nhiều về một vấn đề lớn của giới trẻ Việt Nam, đó là trước ngưỡng cửa vào ĐH mà không biết mình muốn làm gì, yêu nghề nào; hoặc nếu có thì không hẳn ai cũng đủ dũng khí để đeo đuổi tới cùng trước áp lực của gia đình.
Giải thích cho việc này, các chuyên gia đã đúc kết lại bởi hai lý do: Một, các bạn trẻ đã không được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng mềm cho bản thân nên đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời vẫn còn hết sức mông lung.
Hai, nhiều bậc phụ huynh tạo áp lực cho con khi lúc nào cũng nhắc nhớ đến những ngành thời thượng, danh giá. Vì vậy nên từ xa xưa đã có những câu như “nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách khoa”, hay “Chuột chạy cùng sào mới vào Sư phạm”…
Đó là nhận định của TS Trần Đình Lý, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, trên Tuổi Trẻ ngày 21-8.
Chính vì vậy, hàng loạt chương trình tư vấn hướng nghiệp ra đời với sự tham gia nhiệt tình của các thầy cô giáo, những người thành đạt trong xã hội với hi vọng xoay chuyển tình thế, giúp giới trẻ ngày càng vững vàng hơn, dám nói và dám nuôi dưỡng ước mơ, đồng thời cũng hi vọng các bậc phụ huynh cởi mở hơn trong việc giáo dục con cái.
Tiếc làm sao, mọi nỗ lực như thế đã có nguy cơ “đổ sông”, mà có thầy đã than thở với chúng tôi “Gom củi ba năm, đốt một giờ” khi chứng kiến sự nháo nhào, kỳ dị trong những ngày qua.
Thoạt tiên, việc tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia đã được đánh giá là tốt, nhưng hóa ra nó chỉ tốt ở đoạn đầu. Đến phần quan trọng nhất - đăng ký xét tuyển - thì thật vô cùng thất vọng.
Cái kiểu ngóng cổ xem điểm chuẩn dự kiến cứ nhảy liên tục như chứng khoán đã góp phần làm cho thí sinh, phụ huynh càng thêm nóng ruột.
Và từ đó người ta hoảng loạn, dẫn đến tâm lý chỉ mong sao kiếm một chỗ trong giảng đường ĐH mà quên đi cái điều quan trọng nhất mà thầy Lý đã nhận định ở trên: không cần biết ngành đó có phù hợp với năng lực, sở thích của mình hay không!
Chốt lại vấn đề này, chúng tôi xin dẫn ý kiến của TS Lê Thị Thanh Mai (ĐHQG TP.HCM): “Trong tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT cần xem trọng yếu tố nghề nghiệp mà ngành giáo dục đã chuẩn bị cho các học sinh từ giai đoạn phổ thông.
Nghĩa là chính sách trước khi đưa ra phải thử đánh giá tác động như thế nào đến việc mà các em đã chuẩn bị nghề nghiệp suốt thời THPT”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận